'Ăn theo' mùa nước nổi: Gian nan nghề lọp cua

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hằng năm vùng ĐBSCL có khoảng 2 tháng bị ngập nước mà người dân trong vùng quen gọi là mùa nước nổi.
Chị Phan Thị Thu cho biết nghề bện lọp và đặt lọp cua ngày càng khó khăn
Chị Phan Thị Thu cho biết nghề bện lọp và đặt lọp cua ngày càng khó khăn
Có những năm nước lên nhanh, ngập sâu, thu hoạch lúa không kịp, cây trái, hoa màu bị thiệt hại. Nhưng mùa nước nổi cũng đem phù sa về ruộng đồng và tạo thêm thu nhập cho nông dân từ việc đóng xuồng, đặt lọp, đặt lờ, gài bẫy, giăng câu…
Xóm lọp cua
Xóm làm lọp cua ở ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Đức, H.Châu Phú (An Giang) hình thành khoảng 20 năm trước. Ban đầu người ta làm lọp để đi bắt cua đồng, về sau có nhiều người từ địa phương khác đến hỏi mua. Bà con thấy lọp bán được nên rủ nhau mua tre về bện lọp, từ đó hình thành xóm nghề sản xuất lọp cua.
Xóm nằm dọc theo con Kinh Đào. Mùa này nước dưới kinh đang lên cao nhưng nhờ có con lộ làm đê che chắn nên nhà chưa bị ngập. Hai bên đường, nhiều ngôi nhà chất đống những nan tre và những chiếc lọp đã thành phẩm.
Chị Phan Thị Thu, người có nhiều năm trong nghề cho biết việc làm lọp cho mùa nước nổi bắt đầu từ sau Tết Đoan ngọ. Hồi xưa vào mùa này, vào buổi chiều hai bên đường bà con xúm lại đan, bện lọp rất vui. Năm nay tre đắt, lọp lên giá, số người làm nghề đặt lọp bắt cua cũng không còn nhiều nên lọp bán chậm. Năm ngoái vào tháng này, nhà chị phải mướn thêm 4 -5 người làm, giao cho bạn hàng gần 2.000 cái lọp. Năm nay chủ yếu làm để dùng và bán chút đỉnh, chỉ chừng 600 - 700 cái.
Để “dọn” được một chiếc lọp, theo chị Thu phải qua 4 công đoạn: chuốt rẽ, mức bửng, bện hom và bung lọp. Tất cả đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo tay. Nếu làm không kỹ, chiếc lọp sẽ méo mó không vừa ý khách hàng. Năm ngoái giá mỗi chiếc lọp khoảng 30.000 - 40.000 đồng. Năm nay do tre ở miền Đông lên giá, nên lọp cũng lên giá.
“Một chiếc lọp bán lẻ giá hiện nay là 50.000 đồng, còn bán sỉ từ 100 chiếc trở lên thì 45.000 đồng/chiếc. Nếu thuê mướn các công đoạn thì 100 chiếc lọp kiếm lời được khoảng 1 triệu đồng. Còn làm công nhà thì lời được phân nửa, chừng 2 triệu đồng. Hiện giá thuê chuốt một thiên rẽ lọp là 30.000 đồng. Bình quân một tấn tre mất 1 triệu đồng tiền chuốt rẽ và còn phải nước nôi bồi dưỡng nhân công nên tiền lời chẳng được bao nhiêu. Vì vậy nhiều người bỏ nghề, lên thành phố làm công nhân. Số còn lại, dọn lọp chỉ để dùng đi đặt cua”, chị Thu chia sẻ.
Chị Kim Trang đã bỏ lên Sài Gòn làm công nhân, nhưng ngày nghỉ nhớ nghề nên làm phụ gia đình ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Chị Kim Trang đã bỏ lên Sài Gòn làm công nhân, nhưng ngày nghỉ nhớ nghề nên làm phụ gia đình ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Cũng theo chị Thu, năm 2015 ấp Mỹ Hòa có khoảng 80 nhà chuyên làm lọp cua. Được nhà nước hỗ trợ vốn một phần, người dân bỏ thêm tiền để sắm máy chuốt tre. Trong xóm sắm được 3 máy. Bấy giờ rất khỏe vì có máy móc hỗ trợ chẻ, chuốt, nên chỉ cần phơi rẽ xong là đem vào bện. Nhưng rồi máy chỉ xài được vài năm thì hư lưỡi dao. Cả năm nay không mua được lưỡi thay thế nên đành phải chuốt tay.
Khách hàng mua lọp đa số là dân địa phương, nhưng cũng có người từ Hồng Ngự, Tân Hồng (Đồng Tháp) tới mua. Hiện nay ở vùng biên giới nước đang đổ về nên họ xuống mua nhiều nhưng không có đủ lọp để bán, vì cả xóm giờ chỉ còn vài chục hộ theo nghề. Đang ngồi bện lọp, chị Kim Trang nói: “Hồi trước tui làm nghề dọn lọp thu nhập cũng sống được. Nhưng mấy năm gần đây thấy ngày càng khó khăn nên bỏ lên Sài Gòn làm công nhân. Mấy bữa nay nghỉ lễ về quê, nhớ nghề nên ngồi bện cho vui”.
Hết cua vì “xịt xoạt”
Hơn chục năm về trước các cánh đồng ở vùng Châu Phú chưa có đê bao làm lúa 3 vụ, vì vậy hơn phân nửa người dân ở ấp Mỹ Hòa theo nghề đặt lọp bắt cua. Nhưng mấy năm gần đây vùng đê bao ngày càng mở rộng, nghề đặt lọp khó khăn nên nhiều người bỏ nghề. Số còn lại vì cuộc mưu sinh nên phải lặn lội đồng xa.
Chị Phan Thị Thu cho biết: “Lúc rày nước trên đồng ngập sâu nên không đi đặt xuồng mà đặt gánh, còn gọi là “đi ên”, một mình”. Hỏi đặt gánh là sao? Chị giải thích đặt gánh là gánh lọp đi đặt theo mương, theo hầm. Mỗi ngày anh Hồ Văn Cường, chồng chị, chạy xe máy qua biên giới Campuchia “mua chỗ” để khai thác, đặt xong thì về. Mấy hôm trước nước trên đồng còn cạn thì chống xuồng lên ruộng. Chỗ cạn thì nhảy xuống đặt chiếc lọp cho ngay ngắn rồi lên xuồng. Còn chỗ nước sâu thì lấy cây sào móc, nhận chiếc lọp xuống rồi cắm “cây đài” làm dấu, đợi vài ngày sau tới dỡ lọp.
Mồi nhử cua là những củ khoai mì xắt miếng. Lợp mới làm còn khô nhẹ nên phải dùng gạch đá để vô cho lọp chìm. Gặp lúc cua “chạy” thì đổ mỗi ngày, có khi một cái lọp kiếm được vài ba ký cua. Nhưng mấy năm gần đây do làm đê bao nên những cánh đồng gần không còn cua. Vợ chồng chị Thu phải qua tới Trà Sư (Tịnh Biên), Giang Thành (Hà Tiên) để đặt lọp. Khoảng 3 giờ sáng thì khởi hành, đi tới chỗ là hừng sáng. Xuồng đậu sẵn ở đó bơi vô đồng đặt lọp xong đến khoảng 3 - 4 giờ chiều thì đổ lọp, về tới nhà cân cua xong là chạng vạng tối. Mỗi chuyến đi kiếm được chừng ba chục ký cua.
“Gần đây nhiều người sống bằng nghề đặt lọp cua phải qua biên giới Campuchia. Một đoàn đi khoảng mười mấy chiếc xuồng đậu sẵn trên đường nước, gần bến Núi Sam. Cùng đi cùng về một lượt”, chị Thu nói.
Muốn qua Campuchia đặt lọp thì phải đóng thuế cho chính quyền sở tại một mùa là 5 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi chuyến đi phải bỏ thêm tiền chi phí xăng dầu, mồi nhử… Cua chạy nhiều thì kiếm lời được từ 300.000 - 500.000 đồng. Hồi tháng 6 vừa rồi, giá cua lên 70.000 đồng một ký, vợ chồng chị Thu kiếm được gần 2 triệu đồng mỗi chuyến. “Nghề đặt lọp bắt cua cực lắm. Bắt được con cua phải dang nắng, đội mưa suốt ngày ở ngoài đồng. Ông chồng tui ngày xưa trắng trẻo đẹp trai mà đi đặt cua riết rồi giờ đen thui, nhìn hổng ra luôn”, chị Thu nói.
Người làm nghề đặt lọp cua cho biết ở bên mình đặt cua không phải đóng thuế, nhưng không có cua. Nếu có thì cũng là cua nhỏ, cua yếu bán không được giá. Qua Campuchia tốn tiền đóng thuế nhưng mỗi lần dỡ một cái lọp nhiều khi được cả ký cua, vì bên đó người ta ít xịt thuốc. Còn bên mình do làm lúa 3 vụ, người ta sợ cua cắn phá lúa nên “xịt xoạt” nhiều quá, cua chết gần hết.
Thời điểm này bên kia biên giới nước ngập sâu, nhiều người sang bên đó đóng thuế rồi vô đồng đặt “12 cửa ngục” để bắt cua. Đặt “12 cửa ngục” mỗi ngày kiếm được hàng trăm ký cua nên họ bán rẻ. Cua đặt bằng lọp cạnh tranh không lại. Hiện tại cua đặt lọp loại đẹp, bự con, giá bán chỉ chừng 15.000 - 17.000 đồng/kg. Còn cua nhỏ bắt bằng “12 cửa ngục” thì bán 12.000 đồng/kg.
Tại ấp Mỹ Hòa hiện có 5 vựa cua, trong đó vựa của bà Hương khá nổi tiếng, có nhiều người làm công. Cua đem về mướn người lựa, cua bự thì vô bọc lưới chuyển đi, cua nhỏ xé ra xay cua bột. Chị Thu cho biết, bây giờ người ta dùng kỹ thuật vô bao cước, nhúng nước đá làm cho cua “xỉu”. Hừng sáng, khi chở lên tới TP.HCM thì cua tỉnh lại. Hồi trước không dùng kỹ thuật ướp lạnh kiểu này nên cua chết, thường bị lỗ lã. (còn tiếp)
Hoàng Phương-Ngọc Phan (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.