Người mẹ vĩ đại giữa núi rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ghé bản Tăng Cô (xã A Túc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) vào buổi trưa, tiếng gọi mẹ của một cô gái phát ra từ ngoài ngõ vào tận ngôi nhà ọp ẹp ở cuối con ngõ.

Một phụ nữ tóc đã lấm tấm bạc bước ra mở cửa. Hai người phụ nữ một già, một trẻ tay bắt mặt mừng. Kăn Linh là tên gọi của người Pa Cô dành cho người phụ nữ lớn tuổi. Còn cô gái trẻ tên Hồ Thị Pưng, tầm hơn 30 tuổi, có gốc gác từ bên kia biên giới Lào. Pưng là con nuôi của Kăn Linh từ khi còn đỏ hỏn.

Những đứa con từ... "trên trời"

Hồ Thị Pưng về với Kăn Linh từ năm 1986. Pưng vốn là con một người có họ hàng xa với Kăn Linh. Sau khi người này theo chồng qua bản Tà Muồi phía bên kia biên giới Lào sống thì đột ngột mắc bệnh nặng. Một thời gian sau, cả hai vợ chồng lần lượt qua đời. Khi đó, Pưng vừa mới chào đời được mấy tháng.

 

Nỗi lo lớn nhất của Kăn Linh (giữa) là những người con nuôi đang tuổi ăn học, nhưng Kăn Linh nói bằng mọi cách sẽ cố gắng đến khi tất cả những đứa con trưởng thành.
Nỗi lo lớn nhất của Kăn Linh (giữa) là những người con nuôi đang tuổi ăn học, nhưng Kăn Linh nói bằng mọi cách sẽ cố gắng đến khi tất cả những đứa con trưởng thành.

Pưng còn có hai người anh là Hồ Văn Dưa, Hồ Văn Dành. Kăn Linh nghe câu chuyện về ba anh em mồ côi từ những người đi rừng trong bản nói với nhau, rồi tiếng khóc réo rắt đòi mẹ của Pưng như ám ảnh tâm trí Kăn Linh mỗi đêm.

Kăn Linh quyết định khăn gói đi qua bản Tà Muồi, mất đến hơn hai ngày đường đi bộ. Đến nơi, người phụ nữ quặn thắt lòng khi thấy ba đứa trẻ bơ vơ trong ngôi nhà sàn xộc xệch giữa núi rừng. Không cho phép mình được chần chừ, Kăn Linh quyết định đưa cả ba anh em về nhà nuôi.

Thời điểm ấy, Kăn Linh sống bằng nghề làm rẫy. Cuộc sống của hai vợ chồng mới cưới giữa bốn bề rừng núi vốn đã thiếu ăn thiếu mặc, nhưng Kăn Linh vẫn kiên quyết đưa ba đứa trẻ mồ côi về. Những vốc gạo vốn đã ít ỏi cho bữa cơm hằng ngày giờ phải chia bớt ra cho bọn trẻ.

Pưng khi về với Kăn Linh mới chỉ 2 tháng tuổi. Đêm nhớ mẹ, Pưng cứ khóc miết. Kăn Linh phải bế Pưng đi quanh bản xin sữa. Không có sữa thì xin nắm gạo về ngâm rồi nấu thành cháo nát cho Pưng uống qua cơn đói.

 

Hồ Thị Pưng - con nuôi đầu tiên của Kăn Linh - đã lấy chồng, thi thoảng vẫn về thăm mẹ nuôi.
Hồ Thị Pưng - con nuôi đầu tiên của Kăn Linh - đã lấy chồng, thi thoảng vẫn về thăm mẹ nuôi.

Mẹ của 15 đứa con

Hai vợ chồng chật vật đèo bồng thêm ba đứa trẻ mồ côi, hai năm sau thì Kăn Linh sinh con đầu lòng, rồi những đứa con kế tiếp cũng lần lượt chào đời. Ngôi nhà nhỏ bên sườn núi thời điểm những năm trước 2000 đã lên đến bảy người con. Kăn Linh nói giai đoạn đó cực không kể xiết.

Gồng gánh được mấy năm thì một hôm Kăn Linh nghe tin có thêm ba đứa trẻ ở một gia đình tại cuối bản Tăng Cô mồ côi cha, mẹ là Hồ Thị Thỉ đau ốm triền miên... Nghe vậy không đành lòng, Kăn Linh lại đến đưa luôn cả bốn mẹ con này về ở nhà mình.

Căn nhà sàn nhỏ trở nên chật chội hơn với sự góp mặt của bốn mẹ con bà Thỉ, nhưng Kăn Linh không bận tâm nhiều. Kăn Linh cùng chồng nhờ người dựng thêm một gian chái bên hông nhà, đủ để đặt một tấm chiếu cho bốn mẹ con có chỗ nằm ngủ.

Hai vợ chồng lại quần quật vào rừng kiếm thêm rau rừng, măng về cho cả nhà đủ bữa. Ngoài làm nương rẫy, mỗi năm Kăn Linh vay thêm từ các nguồn chính sách hỗ trợ để đắp đổi lo chuyện cơm áo cho đàn con, đến vụ thu hoạch lại dành dụm tiền trả lại ngân hàng.

Thế mà vẫn chưa dừng, mấy năm gần đây Kăn Linh lại mở cửa nhà mình đón thêm năm đứa trẻ mồ côi từ các bản làng lân cận về nuôi. Những đứa trẻ này cũng rơi vào hoàn cảnh bi đát như những đứa trẻ trước đây.

Đến nay, tổng số con nuôi của Kăn Linh đưa về nuôi trong nhà đã lên tới 11 người, cộng thêm bốn người con ruột là 15 người con. Tất cả đều gọi Kăn Linh là mẹ.

"Những ngày đầu dân bản thấy lạ lắm. Không ai hiểu vì răng nhà Kăn Linh cũng nghèo khó vậy mà dám đưa thêm mấy đứa trẻ về nuôi trong nhà. Đến sau này mới hiểu Kăn Linh dù nghèo của cải nhưng lại giàu tình thương, cứ thấy đứa trẻ nào trong vùng còn nhỏ mà phải chịu cảnh mồ côi là không cầm lòng được" - Hồ Văn Thao, người cùng bản, nói.

Điều ước của mẹ

Điều an ủi lớn nhất của Kăn Linh là những đứa con mà Kăn Linh đưa về nuôi đều ngoan ngoãn. Kăn Linh nói chắc có lẽ những đứa trẻ này sống cùng từ nhỏ nên hiểu được tình cảm cũng như hoàn cảnh của người nuôi mình. Kăn Linh cũng chưa bao giờ phân biệt đối xử giữa những đứa con nuôi và con ruột.

Trong số 11 đứa con nuôi thì tất cả đều được Kăn Linh cho đi học đàng hoàng. Người học "ít" nhất cũng lên tới cấp II. Đứa cao nhất như Hồ Thị Pưng đã học đến hết cao đẳng và hiện đang là giáo viên dạy ở trường tiểu học của xã. Pưng đã lấy chồng, thỉnh thoảng vẫn tranh thủ chạy tạt về nhà thăm mẹ. Hai mẹ con lại quấn lấy nhau kể chuyện đời thường.

Bảy đứa con nuôi khác cũng đã lớn và xây dựng gia đình riêng. Hiện chỉ còn ba đứa Kăn Linh mới nhận nuôi mấy năm trước là đang tuổi ăn tuổi học. Trong đó đứa bé nhất học mẫu giáo, đứa thứ hai học lớp 1, còn đứa lớn học lớp 9.

Hiện Kăn Linh đang làm việc tại HĐND xã A Túc với vị trí phó chủ tịch, nhưng đã sắp bước qua tuổi nghỉ hưu. Chồng Kăn Linh là Kôn Linh cũng đã già yếu và đang dưỡng bệnh. Mong ước của Kăn Linh là đủ sức khỏe để nuôi dưỡng ba đứa con nuôi còn lại khôn lớn.

"Để những đứa nhỏ này trưởng thành thì ít nhất cũng phải mất thêm 10-15 năm. Hi vọng khi đó tui còn đủ sức khỏe để lo cho tụi nhỏ" - Kăn Linh tâm tình.

Hiến đất xây trường

Không chỉ nhận những đứa trẻ mồ côi về nuôi dưỡng, Kăn Linh còn hiến đất cho địa phương xây trường. Năm 2001, Kăn Linh quyết định hiến đất cho chính quyền địa phương xây trường cấp I. Ngôi trường này hiện tại đã phát triển lên thành điểm trường cấp III của cả mấy xã vùng Lìa.

Kăn Linh nói khi quyết định hiến đất hoàn toàn không do dự. Vì đất mình hiến là để phục vụ việc học của thế hệ trẻ. Lớp trẻ Pa Cô trong vùng sẽ biết chữ, sẽ có cơ hội thay đổi cuộc đời nên hiến đất là việc phải làm.

Quốc Nam/tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).