Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đồng Lộc ngày nay trở thành một điểm lưu giữ chứng tích tàn khốc của chiến tranh và sự hy sinh cao cả không chỉ của 10 nữ TNXP mở đường mà của hàng ngàn anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trên con đường 15 huyền thoại.

Ngã ba Đồng Lộc hôm nay
Ngã ba Đồng Lộc hôm nay


Ngày gặp lại

50 năm sau sự kiện 10 cô gái mở đường ở Ngã ba Đồng Lộc hy sinh vì bị bom vùi, ngày 14-7 vừa qua, hơn 200 con người từng sinh tử có nhau, cống hiến cả tuổi xuân của mình để bảo đảm mạch máu giao thông nối miền Bắc với miền Nam đã có cuộc hội ngộ cùng nhau tại Ngã ba Đồng Lộc. Những chàng trai, cô gái TNXP ngày nào giờ đã ngấp nghé hoặc qua tuổi 70, gặp lại nhau, họ trào nước mắt xúc động khi nhắc đến những ngày tháng gian khổ, hào hùng.


 

Di ảnh 10 nữ TNXP mở đường hy sinh tại Đồng Lộc
Di ảnh 10 nữ TNXP mở đường hy sinh tại Đồng Lộc

"Nhiều người sau khi chiến tranh kết thúc bị quá lứa lỡ thì, không lập được gia đình, không có con, cuộc sống rất khó khăn. Chúng ta đã rất cố gắng để làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, những TNXP rất cần được quan tâm hơn nữa"-bà Nguyễn Thị Áng 76 tuổi, ở H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh, tham gia TNXP từ năm 1965 đến khi chiến tranh kết thúc



Trở lại Đồng Lộc, bà Nguyễn Thị Lân (ở H.Đức Thọ, Hà Tĩnh) nói, nay đã ở tuổi 74, nhưng khi khoác tấm áo TNXP trở về đây, bà lại cảm thấy như đang thời con gái. Bà Lân gia nhập TNXP năm 1965 và được điều động vào Quảng Trị, năm 1967 bà được điều động về bám trụ tại Ngã ba Đồng Lộc. “Đó là những ngày tháng vô cùng ác liệt, bom đạn dội như mưa, sống chết trong gang tấc. Đồng đội tôi nhiều người đã hy sinh, có người hy sinh ngay trước mắt tôi vì bị trúng bom nổ chậm, nhưng tôi không nao núng. Nghĩ đến đồng đội, tôi làm việc càng hăng hơn”, bà Lân nói.

Ông Nguyễn Đình Cứ (72 tuổi, ở H.Vũ Quang, Hà Tĩnh) là con duy nhất trong gia đình nên được miễn nhập ngũ. Năm 1965, ông tình nguyện gia nhập TNXP, được cử đi học lớp công binh tháo gỡ bom mìn. Ngày 11.7.1968, tiểu đội của ông gồm 11 người (6 nữ, 5 nam) vừa nhận nhiệm vụ vào xã Xuân Lộc, cách Đồng Lộc chừng 2 km, để tháo bom nổ chậm thì một đồng đội đã hy sinh vì bị bom phát nổ. Ông Cứ bị sức ép của bom làm chảy máu tai. “Thật khủng khiếp vì trận đầu đã có người hy sinh, nhưng sau đó chúng tôi nhanh chóng củng cố tinh thần và 4 ngày sau, khi sức khỏe hồi phục, chúng tôi lại vào bãi bom, có ngày gỡ được 25 quả”, ông Cứ kể.

Tham gia TNXP từ năm 1965 đến khi chiến tranh kết thúc, bà Nguyễn Thị Áng (76 tuổi, ở H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) được chuyển về làm công nhân ngành giao thông. Trở lại Đồng Lộc, bà nói mình là người may mắn vì khi trở về có được một gia đình êm ấm. “Nhiều người sau khi chiến tranh kết thúc bị quá lứa lỡ thì, không lập được gia đình, không có con, cuộc sống rất khó khăn. Chúng ta đã rất cố gắng để làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, những TNXP rất cần được quan tâm hơn nữa”, bà Áng trăn trở.

Nặng lòng với Đồng Lộc

Sau khi hy sinh, 10 cô gái mở đường ở Ngã ba Đồng Lộc được an táng tại Nghĩa trang xã Xuân Lộc. Năm 1989, hài cốt các chị được đưa trở lại Đồng Lộc. Ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1989, được đầu tư xây dựng thành Khu tưởng niệm TNXP toàn quốc. Năm 2013, khu di tích này được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh.

Năm 1995, khi đến thăm Đồng Lộc, nhà thơ Vương Trọng đã viết Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc với những câu thơ day dứt: “Cần gì ư, lời ai hỏi trong chiều/Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu/Ngày bom vùi tóc tai bết đất/Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được/Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/Cho mọc dậy vài cây bồ kết/Hương chia đều trong hư ảo khói nhang…”. Ba năm sau khi bài thơ này ra đời, ông Nguyễn Tiến Tuẫn, người từng tham gia chiến đấu ở Đồng Lộc, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, đọc được. Ông cảm động và về quê tìm 2 cây bồ kết mang đến trồng ở gần khu mộ phần của các nữ thanh niên mở đường này. Nay, 2 cây bồ kết ấy đã cao lớn, sai quả.

Năm 2009, tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc với kinh phí hơn 24 tỉ đồng được xây dựng từ sự đóng góp tự nguyện của nhiều người nặng lòng với Đồng Lộc. Tháp đứng trên quả đồi thuộc núi Mũi Mác, cách khu mộ 10 cô gái vài trăm mét, cao 7 tầng (36,6 m), 8 mái, kết hợp khai thác theo hình thức Đại tháp và Lầu vọng cảnh truyền thống được cách tân ở phần thân tháp. Trên đỉnh tháp là quả chuông nặng 5,7 tấn được đúc bằng đồng nguyên chất. Hệ thống đèn chiếu sáng nghệ thuật được lắp đặt bao phủ bề ngoài tháp chuông với ánh sáng lung linh, đứng cách xa nhiều cây số vẫn nhìn thấy. Đồng Lộc sau chiến tranh đã được phục hồi từ những tấm lòng như thế.

Từ mảnh đất hố bom chồng hố bom, không cỏ cây nào sống nổi, 50 năm trôi qua, Đồng Lộc nay đã khác. Những đồi thông xanh rì, con đường 15 - nơi đã bị bom cày đi xới lại, nay thành QL15, được trải thảm nhựa phẳng lì. Đoạn QL15 chạy qua đây luôn tấp nập người và xe cộ đến viếng thăm Đồng Lộc. Hôm chúng tôi đến cũng vừa gặp nhóm gia đình gần 20 người của anh Phan Hữu Toàn (ở Hà Nội) có mặt ở Đồng Lộc để viếng các liệt sĩ. Anh Toàn nói, gia đình anh cùng với 4 gia đình khác ở Hà Nội vào Cửa Lò (Nghệ An) du lịch. Sáng sớm, cả đoàn vào đây viếng, thắp hương. “Tôi đã nghe nói nhiều về Đồng Lộc, đến đây, nhìn các chứng tích mới thấy sự khủng khiếp của chiến tranh. Tôi rất ngưỡng mộ, cảm phục ý chí, sự hy sinh cao cả của các bậc cha anh, nhất là các nữ TNXP anh hùng, gan dạ”.

Đến Đồng Lộc, chứng kiến sự đổ nát, tàn khốc của chiến tranh, cũng là để thấy giá trị của hòa bình.


 

Tại di tích Đồng Lộc còn Nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc và các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc được T.Ư Đoàn đầu tư xây dựng vào năm 1998, ghi danh 1.950 anh hùng liệt sĩ. Năm 2007, nhà bia được tu bổ và tôn tạo, đến nay, nhà bia đã ghi danh gần 4.000 anh hùng liệt sĩ.


Khánh Hoan (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.