Mua bán, lấn chiếm đất rừng phi pháp ở Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đất rừng Tây Nguyên đang bị “chảy máu” bởi sự quản lý lỏng lẻo của nhiều địa phương, chủ rừng và không ít công ty lâm nghiệp. Từ đây, nhiều đối tượng lợi dụng lỗ hổng pháp luật để công khai mua bán, lấn chiếm hàng ngàn ha đất rừng. Có vào những điểm nóng tranh chấp đất rừng mới thấy, những cuộc chiến giành đất vẫn đang xảy ra dai dẳng, khốc liệt giữa người giữ rừng và kẻ đi cướp đất…

Tìm... nạn nhân

Những lời đồn về việc xuất hiện 1 nhóm người tại huyện Ea Súp (Đak Lak) hành xử côn đồ, lợi dụng người yếu thế để cướp đất rừng, chúng tôi đã nghe từ lâu, nhưng thật giả thế nào, chẳng ai tỏ tường. Mãi đến khi qua lời ông N.V.N - người dân định cư lâu năm tại tiểu khu 260, xã Ea Bung huyện Ea Súp - thông tin, nhóm người này mới dần được phát lộ.

 

Bởi vì đất rừng lấn chiếm trái phép nên việc mua bán, sang nhượng của người dân là trái pháp luật.
Bởi vì đất rừng lấn chiếm trái phép nên việc mua bán, sang nhượng của người dân là trái pháp luật.

“Thủ đoạn của bọn chúng là lân la đến những khu đất rừng chưa sản xuất hoặc đất trắng của những gia đình yếu thế để gây rối, biến đất canh tác ổn định thành đất tranh chấp. Muốn yên ổn, người dân đành đóng một ít tiền, hoặc nhượng lại một phần diện tích đó cho chúng. Thông thường, người dân thường nhắm mắt chung chi cho chúng một ít tiền. Số ít người có đất thì liên kết với nhau để chống lại kẻ cướp” - ông N tiết lộ.

Vậy, nhóm người này gốc gác như thế nào thì theo lời ông N. “cứ vào xã Ea Lê, tìm đến gia đình từng bị nhóm người này cướp đất, đặt quan tài giữa rẫy tuyên bố “đất còn người còn, đất mất người vào… quan tài” là rõ chuyện!”

Ghé vào 1 quán tạp hóa ven đường thuộc tiểu khu 262 - nơi từng là lâm trường quản lý của Cty TNHH MTV C. thuộc xã Ea Lê, 1 người phụ nữ tuổi tầm 50, người dong dỏng, nhìn trước, ngó sau rồi gắt gỏng: “Tôi chỉ nghe nói là có đám người cướp đất gì đó… Các anh đi thêm vài cây số nữa hỏi xem sao”. Tiếp tục vào sâu trong lâm trường hun hút, nhà cửa lác đác khiến cuộc tìm kiếm của chúng tôi lâm vào bế tắc. Mãi lúc sau, vài người làm rẫy hay chuyện, mách nhỏ: “Muốn biết chuyện, hãy vào quán tạp hóa duy nhất nơi đây, hỏi ông T. sẽ ra ngay”.

Ông T. kể: Đầu năm 2017, ông mua đất rừng từ 1 người tên Hoàng Đình H. (SN 1984, trú thôn 9, thị trấn Ea Súp) với giá 29 triệu đồng. Toàn bộ quá trình mua bán chỉ trên 1 tờ giấy “sang nhượng đất rẫy” với nội dung sơ sài “phía Đông giáp anh Hữu, phía Tây giáp bà Lan, phía Nam giáp suối cạn, phía Bắc giáp công ty P.H…” Bỏ 29 triệu mua đất chỉ đổi 1 tờ giấy? Tôi bất ngờ. Ông T. thật thà: “Mua đất rừng trái phép nên mới có giá rẻ như vậy. Mà ai đã mua đất rừng đều phải chấp nhận rủi ro, mạo hiểm thôi”.

Chuyện mua đất rừng theo kiểu may rủi nào có riêng gia đình ông T. Tại rẻo đất Tây Nguyên này, hàng ngàn ha đất rừng vẫn được mua bán với nhiều hình thức chớp nhoáng tương tự. Mua bán dễ dàng cũng hóa lo nên người mua tự trấn an mình, còn người bán thì vui vẻ hứa hẹn đủ điều. Mọi chuyện có lẽ mãi êm thấm nếu chẳng may 1 ngày kia, bên bán không lật lọng, đổi trắng thay đen. Lúc đó, bên mua nhận trọn phần thiệt…

Vượt thẩm quyền

Hành xử côn đồ trên đất rừng, nếu thấy nạn nhân có ý thức phản kháng, nhiều đối tượng lạ sẵn sàng dùng vũ khí nóng để giải quyết mâu thuẫn... Đó là những gì mà người dân rỉ tai nhau hằng ngày tại địa phương tại huyện Ea Súp. Đề cập chuyện này, ông Hoàng Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Lê, huyện Ea Súp - thừa nhận, xã Ea Lê là một trong ít địa phương điển hình của tình trạng người dân tranh chấp đất rừng theo hình thức xã hội đen.

Ông Khánh nêu dẫn chứng vụ đặt quan tài của người dân tại tiểu khu 262. Rằng chính quyền nắm được thông tin từ cơ sở nhưng không thể giải quyết dứt điểm vụ việc bởi vượt quá thẩm quyền. “Khu vực này trước thuộc Cty lâm nghiệp C. quản lý. Sau đó, tỉnh đã giao về cho Cty P. H. và xã cùng chung quản lý. Quyết định là vậy, nhưng chủ rừng đến nay chưa bàn giao về cho xã. Mà nếu giao về cho xã, chúng tôi cũng không quản lý xuể bởi con người mỏng, trong khi công cụ bảo vệ rừng cũng không” - ông Khánh than.

Vậy, chẳng lẽ địa phương biết dân tranh chấp, tự giải quyết mâu thuẫn nhưng bó tay? Ông Khánh phân bua: “Cái sai ở đây là ngay từ đầu, chính quyền hoặc chủ rừng không ngăn chặn kịp thời, để người dân tự ý phá rừng lấy đất sản xuất trong thời gian dài. Điển hình như tại xã đang tồn đọng hơn 10.000/15.000 hồ sơ xin cấp đất của người dân có dính dáng tới đất rừng bị lấn chiếm nhưng chưa biết xử lý như thế nào. Chúng tôi hiện đang đi giải quyết hậu quả của người tiền nhiệm trước đó. Xử lý như thế nào đây khi tiếng là quản lý đất rừng nhưng chỉ còn rừng trên… giấy chứ trong thực tế, đâu còn rừng?”.

Có cán bộ tiếp tay?

Chuyện người dân lấn chiếm, sang nhượng đất rừng tại huyện Ea Súp là trái pháp luật nhưng đáng nói, có tình trạng một số cán bộ tại huyện này cũng tranh thủ “xí phần” đất rừng làm của riêng. Sự việc này chỉ bị phát giác khi Ban thường vụ Huyện ủy Ea Súp từng ban hành văn bản về việc kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên trong việc sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp nhưng đến cuối năm 2017, chỉ có 50% cán bộ thực hiện kê khai. Qua kiểm tra, rà soát, huyện Ea Súp còn phát hiện trong số chưa thực hiện kê khai, có nhiều người sở hữu đất rừng trái phép với tổng số diện tích lên đến 2 ngàn ha.

Tình trạng người dân, cán bộ “xí phần” đất rừng, huyện Ea Súp vẫn đang lúng túng khi chưa biết nên hay không đồng ý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ nguồn gốc đất rừng bởi vướng quy định, bởi theo Nghị định 43 của Chính phủ, trước năm 2014, địa phương có thể cấp đất, nếu không phải là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn cho người dân. Thế nhưng Chỉ thị 1685 của Chính phủ mới đây yêu cầu “kiên quyết thu hồi diện tích rừng, đất lâm nghiệp, thuộc các dự án vi phạm pháp luật, không thực hiện đúng phê duyệt.

Để tìm câu trả lời rốt ráo cho thực trạng lấn chiếm, tranh chấp đất rừng, chúng tôi nhiều lần liên lạc với lãnh đạo UBND và huyện ủy Ea Súp, nhưng không nhận được phản hồi. Đến trụ sở UBND huyện đăng ký làm việc, chúng tôi chỉ nhận câu trả lời của ông Lê Văn Hoàng Lâm - Phó Chánh Văn phòng huyện Ea Súp- “lãnh đạo đi vắng, tôi nào dám điện hỏi lãnh đạo đang làm gì!”

Rõ ràng, lời giải cho thực trạng mua bán, lấn chiếm đất rừng tại huyện Ea Súp nói riêng và nhiều địa phương tại Tây Nguyên nói chung đang là bài toán khó nhưng không thể không làm. Chỉ khi nào chính quyền những nơi có rừng mạnh tay xử lý nghiêm cán bộ, lãnh đạo địa phương, chủ rừng để mất rừng làm gương thì những chuyện người dân hành xử xã hội đen trong tranh chấp đất rừng mới thôi không còn tái diễn trong thực tế...

So với năm 2015, diện tích rừng ở khu vực Tây Nguyên đã giảm 3.323 ha

Bình quân mỗi năm, diện tích rừng ở khu vực Tây Nguyên giảm hơn 1.000 ha. Đáng chú ý là diện tích rừng, đất lâm nghiệp được giao cho các chủ rừng quản lý đều xảy ra tranh chấp, với tổng diện tích 282.896 ha. Nghiêm trọng hơn, do thiếu trách nhiệm và buông lỏng quản lý, nên các chủ rừng đã để 487.096 ha rừng, đất lâm nghiệp bị phá, lấn chiếm. Trong đó, rừng do UBND xã quản lý bị phá và lấn chiếm 209.993 ha, ban quản lý rừng để bị phá và lấn chiếm 112.130 ha.

Tình trạng tranh chấp đất rừng trên địa bàn tỉnh Đak Lak đang diễn ra phức tạp

Công an tỉnh Đak Lak đã có nhận định: Tình trạng tranh chấp đất rừng trên địa bàn tỉnh Đak Lak đang diễn ra phức tạp, có trường hợp người dân coi thường pháp luật, tự dàn xếp mâu thuẫn, tranh chấp bằng bạo lực đã được lãnh đạo công an tỉnh Đak Lak nêu lên trong nhiều cuộc họp. Nguyên nhân xuất phát từ sự quản lý đất đai lỏng lẻo của chính quyền địa phương, chủ rừng, các công ty lâm nghiệp từ nhiều năm trước dẫn đến tình trạng lấn chiếm, làm phát sinh tranh chấp giữa người dân với nhau và giữa người dân với doanh nghiệp. Được biết, Công an tỉnh Đak Lak đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố vụ án tại một số công ty lâm nghiệp, trong đó có nhiều đơn vị tại huyện Ea Súp, để mất rừng, mất đất rừng.

Hữu Long/laodong

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).