Nhà báo ấy đã sống một cuộc đời như thế…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nguyên là Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban Cán sự Khu 9 (TP. Pleiku hiện nay), trải qua 11 nhà tù khét tiếng của Mỹ-ngụy, trở về là Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai-Kon Tum, từng cho ra đời hàng trăm trang viết về miền đất và con người Gia Lai, “địa ngục trần gian” Côn Đảo, thế nhưng, chưa bao giờ ông cho mình là “nhà” trong  một lĩnh vực nào… Ông nén mình trong mất mát để thấy mình là đủ; không so bì tước vị, lợi lộc. Người tôi muốn nói đến là ông Đỗ Hằng-một nhân cách lớn của “Thế hệ cách mạng vàng” còn lại…

18 năm bất khuất

 

Chân dung ông Đỗ Hằng thời trẻ. Ảnh: N.T
Chân dung ông Đỗ Hằng thời trẻ. Ảnh: N.T

Trong tác phẩm “Bất  khuất” của Nguyễn Đức Thuận có một đoạn tác giả nói đến việc trao đổi diễn biến tư tưởng trong anh em để đề ra phương thức đấu tranh trước đợt khủng bố khốc liệt do Mai Hữu Xuân chỉ đạo “với hai anh ĐB và HĐ”. ĐB tức ông Ba Kháng hay Ba Định-Tỉnh ủy viên Trà Vinh. Còn HĐ là Đỗ Hằng. Ông Hằng cùng chi bộ với Nguyễn Đức Thuận trong Nhà lao Gia Định, cùng chung còng với ông trên chuyến tàu ra Côn Đảo. “Bất khuất” xuất bản lúc chưa giải phóng miền Nam và Đỗ Hằng còn trong nhà tù Côn Đảo nên tác giả phải viết tắt và đảo tên để tránh địch khủng bố…

Bị địch bắt năm 1957, ông Hằng đã bị giam cầm qua 11 nhà tù Mỹ-ngụy, riêng Côn Đảo là 15 năm. Quãng thời gian đầy máu và nước mắt ấy được ông ghi lại qua cuốn hồi ký dày trên 120 trang khổ A4. Nhà tù đế quốc với những thủ đoạn tra tấn dã man, nào đánh tù trong bữa ăn, trong lúc lao động khổ sai; dội nước hàng tuần, cột tay lại để bầm máu rồi treo lên xà nhà cho tuốt hết da thịt; đóng đinh vào ngón tay, dí điện vào bộ phận sinh dục hay giết dần mòn tù nhân bằng cá mục, gạo sạn; siết từng giọt nước uống, từng hớp không khí… tôi cũng từng đọc, từng nghe. Thế nhưng, cũng những thủ đoạn ấy, dù không làm văn, không thể hiện cái “tôi” như nhiều cuốn hồi ký thường thấy, đọc xong tôi vẫn thấy xúc động lạ thường. Đặc biệt là những tường thuật cảnh hành hạ tù nhân một cách đớn hèn bẩn thỉu, cứ như những “lỗ đen” hun hút, ám ảnh tôi mãi không cùng. Xin trích ra đây một đoạn:

“… Tết năm 1973 anh em trong trại đòi chơi văn nghệ. Bọn chúa ngục không cho. Chúng nói chơi văn nghệ là châm chọc, nói xấu “Quốc gia”. Các phòng cứ mặc nhiên chơi. Đến giờ Giao thừa các phòng đồng loạt chào cờ, hát Quốc ca. Trưởng trại lập tức ra lệnh đối phó ngay. Chúng cho quậy loãng phân tươi vào các thùng, dùng xe cút kít kéo đến tạt nước cứt vào phòng. Hết lại ra hố chứa kéo về tiếp tục tạt. Cứ 15 phút một lần. Dạo này các phòng uống thuốc tẩy giun nên phân lẫn xác giun và dòi bò lổm ngổm. Nước cứt văng tứ tung, dính cả lên người  và đồ đạc, quần áo. Khăn lau, giẻ lau đều hết sạch, anh em dùng tay gom phân lẫn giun dòi đem bỏ cầu tiêu. Bọn chúng lại xả khô các bể nước không cho rửa, anh em phải ăn nằm trong cảnh hôi thối… Đến lúc ăn cơm, cả phòng mỗi người nhịn một chút nước uống dồn lại cho hai anh rửa tay để chia cơm… Một hôm anh Hà Xuân Quang đang đứng thông báo, tên trật tự đứng ngoài tạt cứt vào mặt. Anh vẫn bình tĩnh đứng thông báo cho hết nội dung mới ngồi xuống. Cả phòng gom được hai ca nước cho anh rửa mặt. Thật là một kiểu đàn áp man rợ. Cảnh sống bẩn thỉu, nhếch nhác này kéo dài liên tục 4 ngày. Anh em Trại 8 gọi là “bốn ngày tắm cứt”…”.

Giữa nanh vuốt của kẻ thù, người chiến sĩ cách mạng chỉ có một con đường để lựa chọn: hoặc đầu hàng, hoặc đấu tranh đến hơi thở cuối cùng để giữ trọn khí tiết. Không kém sự ám ảnh và cuốn hút là những dòng tường thuật một trong các cuộc đấu tranh kiên cường ấy:

“… Từ ngày 1 tháng 4, hàng ngày bọn cai ngục mở cửa chuồng cọp kêu lấy cơm, nhưng cơm để mặc trước cửa, anh em nằm im không nói năng cựa quậy. Cả khu “chuồng cọp” không một tiếng động của tù, trừ mấy tên mật vụ đi lại kiểm soát… Qua ngày thứ ba, thứ tư nhiều anh khát quá phải uống nước đái của mình. Nhưng nước đái ngày càng ít dần và gắt, đắng hôi khó chịu, càng uống càng căng thẳng thần kinh. Cổ họng nóng rát như cháy bỏng. Môi khô nẻ, bong lên từng mảng da trắng. Người tù nằm trần trụi hai chân vẫn dính chặt vào còng sắt. Thân hình vốn đã gầy yếu nay chịu đói càng lép kẹp như một bộ xương khô dán xuống nền xi măng. Trên hành lang giữa hai dãy chuồng cọp bọn mật vụ đi lại rình mò. Có tên bò nhẹ nhàng để quan sát thái độ của người tù đang nằm chịu đói chịu khát. Vài tên cúi đầu xuống giàn song sắt để nghe tiếng thở của anh em…

Chiều ngày 7 anh em nghe tiếng ồn ào ngoài cửa. Một tên cai ngục mở cổng. Tên trưởng trại nói “anh em ăn uống đi. Đòi hỏi của anh em, ban quản đốc sẽ giải quyết…”.

Mười lăm năm là hơn năm ngàn bốn trăm ngày đã qua đi như thế. Ông kể khi được giải phóng mình chỉ còn một nhúm da bọc xương nặng bốn chục cân. Thể xác tàn tạ nhưng ông cùng các đồng chí vẫn ngẩng cao đầu với tư thế của người chiến thắng…

 

Nhà tù Côn Đảo-nơi ông Đỗ Hằng bị địch giam cầm 15 năm. Ảnh: Tiến Dũng
Nhà tù Côn Đảo-nơi ông Đỗ Hằng bị địch giam cầm 15 năm. Ảnh: Tiến Dũng

Trái tim không ngủ yên

Khi tôi về Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai-Kon Tum công tác thì ông Đỗ Hằng đã nghỉ hưu. Ông làm Giám đốc có 2 năm thì làm đơn xin nghỉ. Nghe kể việc này ông làm một cách bí mật, bởi vậy khi chia tay nhiều người đã không thể kìm xúc động. Người ta đoán ông xin nghỉ có lẽ do tuổi cao sức yếu. Thực ra thì không ai hiểu nỗi lòng sâu kín của ông… Không quyền cao chức trọng, không một tấc đất, tấc nhà được phân, nguồn sống chỉ mỗi đồng lương hưu-hoàn cảnh ấy rất dễ khiến người ta buông xuôi trong cảnh an nhàn hay ngồi kể công rồi hằn học chửi rủa cái xấu, ông chọn cho mình một con đường… Sáng 7 giờ đã lặng lẽ ra khỏi nhà. Trưa về ăn cơm, nghỉ ngơi chút rồi lại lặng lẽ đi. Như một công chức hành chính cần mẫn, khi thì xuống làng xác minh công lao kháng chiến cho một người mà ông biết; khi thì thăm bạn ốm hay tháo gỡ một xích mích nào đó... Ngày đi, tối lại cặm cụi ngồi viết. Những công trình lịch sử Đảng bộ tỉnh, An Khê, Kông Chro, Mang Yang, Pleiku, Côn Đảo; những tập hồi ký “Giữa nanh vuốt kẻ thù”… có sự đóng góp bởi hàng trăm trang viết đầy nhiệt huyết của ông. Thế nên, tiếng là nghỉ hưu mà ông chưa thực sự nghỉ ngày nào. Duy có điều, ông không nói và ít người biết: được đồng nhuận bút nào kha khá là lại lặng lẽ mang đi giúp anh em hội viên khó khăn hoặc bỏ vào quỹ chi bộ… Cảm cái tâm của ông, nhớ dạo ông xuống Mang Yang lấy tư liệu viết sử bị ngã gãy tay, người đến bệnh viện thăm đông đến nỗi nhân viên y tế phải ngạc nhiên. Không biết ông này làm gì, tên tuổi trong cấp lãnh đạo thì chẳng thấy mà sao người thăm đông đến vậy…

Hơn chục năm nay, vợ chồng ông theo con ra Đà Nẵng. Cứ đinh ninh ở tuổi ông  giờ chỉ có nghỉ ngơi thì thật bất ngờ tôi nhận được cuốn “Tù chính trị câu lưu Côn Đảo-từ thực tiễn nhìn lại”. Sách dày ngót 700 trang do Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành. Trong bức thư gửi kèm cho tôi, ông viết: “Mấy năm xuống Đà Nẵng chú bị thoái hóa khớp háng; năm 2013-2014 lại bị ung thư gan nặng, nghĩ cuối đời phải để lại cái gì đó nên đã cùng anh em tù Côn Đảo lâu năm viết chuyện tù, để lại một số tư liệu; sau này ai làm sử Côn Đảo, sử dân tộc thì có cái để mà sưu tầm chứ nhân chứng sống càng  ngày càng ít…”.

Vậy ra trái tim nhiệt huyết của ông vẫn chưa chấp nhận những nhịp đập nhàn tản… Tôi hiểu. Ông vẫn còn lo quá khứ hào hùng của thế hệ ông rồi sẽ nhạt đi; lịch sử rồi sẽ trở thành những con số và sự kiện chết cứng. Mà như vậy thì quả là đáng sợ. Ai không nhớ nhà văn Đaghextan Raxun Gamzatov đã viết câu này: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”?

Ngọc Tấn

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.