Người săn mây số một ở đại ngàn Y Tý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không biết chữ, không biết Internet, Facebook thế nhưng từ những khó khăn chàng trai người Mông Sùng A Hờ đã vượt lên chính mình để thay đổi cuộc sống. Giờ đây cái tên Sùng A Hờ không còn xa lạ với những du khách tới đại ngàn Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) - điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá đỉnh Lảo Thẩn và săn mây. A Hờ chính là người Mông đầu tiên ở Y Tý làm du lịch.

Học tiếng Kinh từ chính khách du lịch

Đến Y Tý, bất kể hỏi ai trong xã về A Hờ mọi người cũng đều nhiệt tình chỉ về ngôi nhà sàn ẩn hiện trong sương mai bảng lảng lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười của khách du lịch. Ấn tượng đầu tiên khi gặp Sùng A Hờ chính là sự gần gũi, thân thiện, mộc mạc, chân chất của một thanh niên bản địa. Sinh năm 1985, trong một gia đình có 8 người con, nhà nghèo không có điều kiện đi học, không biết chữ, nhưng những khó khăn ấy không ngăn được giấc mơ làm giàu của A Hờ.

 

Sùng A Hờ và du khách chinh phục đỉnh Lảo Thẩn.
Sùng A Hờ và du khách chinh phục đỉnh Lảo Thẩn.

Hờ kể, trước kia gia đình A Hờ nghèo khổ lắm, cả gia đình chỉ trông chờ từ ít lúa, ngô trên nương để trang trải cuộc sống. Có vụ mất mùa, cả gia đình phải ăn sắn thay cơm. Anh em Hờ chả ai biết chữ cả vì cái ăn còn chả đủ lấy đâu ra điều kiện để cắp sách tới trường. Khi lập gia đình A Hờ còn phải đi vay mượn tiền bạn bè để cưới vợ, rồi cái khó cứ chồng chất lên nhau. Cả gia đình chỉ biết bấu víu vào ít lúa nương, thư thoảng A Hờ đi làm thuê bên Trung Quốc nhưng cũng chả được bao nhiêu.

“Với A Hờ, đến với du lịch cũng là một cái duyên. Y Tý từ lâu đã nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp thu hút rất nhiều khách phượt và cánh nhiếp ảnh đến “săn mây” hay khám phá nét hoang sơ ở mảnh đất biên giới mù sương. Tình cờ A Hờ gặp được một du khách tên Ngô Huy Hòa đến săn ảnh ở Y Tý, chính anh Hòa là người thổi ý tưởng làm du lịch cho mình. Anh Hòa giải thích cho A Hờ rằng, Y Tý có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch từ cảnh quan, phong tục tập quán, con người nhưng ở đây dịch vụ lưu trú chưa hề có. Nếu muốn thoát nghèo A Hờ phải tận dụng tiềm năng đó để thay đổi chính cuộc sống của mình và nhận thức của bà con dân bản nơi đây”, Sùng A Hờ chia sẻ.

Nhờ sự hướng dẫn của bạn bè và anh Hòa, A Hờ mạnh dạn về bàn với vợ sửa sang lại căn nhà, vay mượn tiền anh em để đầu tư làm homestay. A Hờ bảo: “Lúc bắt đầu làm homestay Hờ còn bỡ ngỡ nhiều thứ lắm vì mình đã đi đâu xa khỏi mảnh đất Y Tý này bao giờ đâu, thậm chí Hờ còn không biết chữ. Ban đầu đoán khách đến lưu trú toàn phải diễn tả bằng hành động. Nhiều lúc bất tiện lắm, cứ như bị câm ấy. Tức quá, cứ một vài du khách đến nghỉ Hờ mạnh dạn nhờ chính họ dạy cho mình từng chữ một. Thậm chí, chính Hờ còn xung phong dẫn khách leo núi Lảo Thẩn, Nhìu Cồ San hay săn mây trên Ngải Thầu Thượng chỉ để học tiếng Kinh. Cứ mỗi người học một ít dần dần Hờ biết nói tiếng Kinh đấy”.

Với đức tính ham học hỏi cộng sự thông minh, nhanh nhẹn của mình A Hờ còn mạnh dạn đầu tư một chiếc điện thoại hiện đại rồi nhờ khách du lịch dạy nên Hờ biết dùng Facebook rồi lập page về dịch vụ lưu trú homestay. Nhờ vậy, Facebook của Hờ lúc nào cũng tràn ngập hình ảnh nhà hay chuyến đi của mình, rất nhiều du khách đã liên hệ nghỉ nhà của Hờ qua đó. Từ 2 năm nay, mô hình lưu trú tại gia của A Hờ đã bắt đầu mang lại hiệu quả. Mặc dù thu nhập chưa thật cao nhưng cũng đã gấp nhiều lần so với việc đi nương, đi rẫy làm nghề trồng lúa như trước. Số tiền hơn 200 triệu đồng thu nhập từ du lịch trong 2 năm nay, Sùng A Hờ tái đầu tư để sửa sang nhà cửa, mua sắm vật dụng, mở rộng cơ sở lưu trú.

Hiện homestay của nhà A Hờ là một địa chỉ quen thuộc cho bất cứ ai đến với Y Tý. Ngoài mức giá bình dân 50.000 đồng/ngày, cộng với các dịch vụ thân thiện, du khách còn có cơ hội cùng ăn, cùng chơi, cùng ngủ với dân địa phương, qua đó tìm hiểu văn hóa, phong tục, tập quán của các dân tộc Mông, Hà Nhì... trên mảnh đất biên giới.

Với sức chứa tối đa 30 người/ ngày, vào mùa cao điểm đó là mùa đông, mùa thu cũng là mùa săn mây, ngắm lúa lý tưởng của dân du lịch khám phá, vào cuối tuần ngôi nhà của Sùng A Hờ lúc nào cũng kín phòng. Theo thống kê trung bình, hàng năm, ngôi nhà của A Hờ đón khoảng 400- 500 lượt khách.

 

Sùng A Hờ dẫn du khách chinh phục đỉnh Ky Quan San.
Sùng A Hờ dẫn du khách chinh phục đỉnh Ky Quan San.

Ước mơ gắn liền với núi

Cùng với đỉnh Bạch Mộc Lương Tử (Ky Quan San), Nhìu Cồ San, Núi Muối, hai năm trở lại đây đỉnh Lảo Thẩn của Y Tý trở thành điểm du lịch leo núi hấp dẫn dành cho dân phượt. Bởi cung đường mới lạ, khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Sùng A Hờ lại trở thành hoa tiêu dẫn đường cho những đoàn khảo sát, những đoàn khách chinh phục đỉnh núi này. Đôi chân của chàng thanh niên người Mông dường như không biết mỏi trên những cung đường núi nhiều khi trơn trượt. Mỗi chuyến đi A Hờ đều mang theo chừng 20kg đồ dùng và nhu yếu phẩm phục vụ cho hành trình chinh phục núi của đoàn khách 5 - 7 người trong hai ngày một đêm nhưng anh vẫn vượt núi Lảo Thẩn như một cuộc dạo chơi. Càng khâm phục hơn không chỉ có sức lực và sự dẻo dai mà còn sự hiểu biết đáng kinh ngạc về ngọn núi này. Nơi nào săn mây đẹp nhất, nơi nào gió thổi vô hồi kỳ trận hay những nhành lan trong hốc đá... Tất cả những bí mật về ngọn núi này đều nằm trong lòng bàn tay A Hờ.

Vay 500 nghìn đồng để bắt vợ

Nhiều khách du lịch đến đây còn nhận xét A Hờ không chỉ uống rượu giỏi mà còn rất có duyên, nói chuyện thì cực kỳ thú vị. Hầu như những phong tục, tập quán, nét văn hóa của người Mông anh hay người Hà Nhì nơi đây, A Hờ thông thạo đến từng chi tiết nhỏ. A Hờ bảo đặc sắc nhất thì người Mông có tục bắt vợ.

Ngày thường chuyện bắt vợ ít diễn ra hơn, nhưng mỗi dịp Tết đến xuân về, khi người bản dành thơi gian dài nghỉ ngơi sau một năm làm lụng vất vả cũng là lúc trai gái tìm nhau trong tiếng khèn, điệu sáo. Người con trai mang tiếng khèn của mình tìm hiểu người con gái nhà ở đâu, con nhà ai, có tâm đầu ý hợp không thì rủ thêm vài người bạn nữa để kéo cô gái ấy về nhà mình. Cô gái sẽ về nhà chàng trai chừng 4 - 5 ngày. Nếu hai người thực sự thích nhau, bố mẹ chàng trai sẽ sang nhà gái đặt vấn đề xin cưới. Còn nếu hai người cảm thấy không phù hợp thì chia tay.

Rồi A Hờ cười vui bảo trước kia “mình” cũng “bắt vợ” mất 500.000 đồng đi vay đấy. A Hờ kể, ngày xưa nhà mình nghèo nên bắt vợ lần đầu không thành vì gia đình nhà cô gái chê gia đình anh nghèo, không có nhà ở thì lấy đâu ra chăm lo cho cuộc sống. A Hờ đành để cho cô gái kia trở về nhà vì hai gia đình chưa có tiếng nói thống nhất. Đến lần thứ 2, A Hờ bắt được cô vợ hiện tại rồi nên duyên vợ chồng chỉ mất 500.000 đồng tiền xin cưới. Mẹ vợ anh bảo: “Chúng nó đến với nhau cũng là cái duyên, cái số. Thương nhau rồi thì để tụi nó nên duyện vợ chồng. Lấy nhau về hai đứa nó biết bảo ban, làm ăn thì chả nghèo mãi bao giờ đâu, thôi thì bên ấy sắm một lễ nho nhỏ sang đây chúng tôi gả con gái cho”.

Nhìn cuộc sống của A Hờ hôm nay có lẽ gia đình hai bên đã hoàn toàn yên tâm. A Hờ có hai đứa con đủ nếp đủ tẻ, homestay mở ra, vợ A Hờ có thêm công viêc khi hằng ngày chị là nữ đầu bếp chính làm ra những món ăn ngon, hấp dẫn cho du khách. Sùng A Hờ cho biết: “Em cũng vận động nhiều anh em, bạn bè về cách làm du lịch nhưng mọi người cứ kêu là không có tiền, xấu hổ không làm được, không biết nói tiếng Kinh, không biết chữ. Nhưng em đã giải thích cho mọi người rằng Y Tý có rất nhiều cảnh đẹp đó là thuận lợi cho việc làm du lịch. Mình không biết thì có thể học hỏi và chỉ cần chịu khó thì việc làm du lịch cũng đơn giản hơn nhiều. Giờ đây một số anh em, bạn bè cũng đã góp vốn cùng Hờ để phát triển rộng hơn nữa mô hình này”.

Với A Hờ du lịch không chỉ là cái nghề để kiếm tiền mà hơn hết đó chính là tình yêu, niềm đam mê khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn của mảnh đất quê hương. Sùng A Hờ mong muốn rằng người dân Y Tý sẽ nhiều người biết làm du lịch hơn để từ đó có nguồn thu nhập và vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, A Hờ cũng mong muốn rằng trong tương lai Y Tý cũng sẽ là điểm đến hấp dẫn với nhiều du khách không chỉ trong nước mà cả quốc tế.

Mộc Miên/laodong

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...