Khát vọng xanh nơi tuyến lửa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dưới mưa bom, cỏ cây dọc đường 20 Quyết Thắng ở tuyến lửa Quảng Bình tưởng không bao giờ còn cơ hội phục sinh. Song, tôi đã phải tin vùng đất này sinh ra chỉ để neo đậu một cõi bình yên.

Đang giữa mùa "Trường Sơn Đông nắng Tây mưa" nên ngay khi từ TP HCM đáp máy bay xuống sân bay Đồng Hới, nhiều anh em trong nhóm phóng viên báo chí đã lả người dưới nắng nóng ràn rạt như thiêu như đốt của miền cát trắng Quảng Bình - nơi một thời là tuyến lửa bởi mưa bom.

Khúc nhạc đồng quê yên ả

Cảm giác khủng khiếp ấy đã tan biến khi xe đưa chúng tôi lọt vào Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Tuyến độc đạo dẫn vào vương quốc xanh và huyền hoặc mà chúng tôi đang đi chính là đường 20 Quyết Thắng từng gắn với những khẩu hiệu: "Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm", "Địch phá, ta sửa, ta đi"...


 

 Làng quê bình yên dọc đường 20 Quyết Thắng
Làng quê bình yên dọc đường 20 Quyết Thắng



Ít ai biết trong chiến lược vận tải phục vụ đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, hơn 8.000 chiến sĩ và cán bộ thuộc Binh đoàn 559 cùng Công trường 20 của Bộ Giao thông Vận tải thời ấy đã phải bỏ ra gần 600.000 ngày công để đào đắp gần 100.000 m3 đất đá, bắc cầu…, tạo nên 125 km đường huyền thoại nối từ thôn Phong Nha của xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Khammouane - Lào rồi thông với đường 9 (Quảng Trị). Con đường này khi sinh ra đã đắm chìm trong bom đạn.

Trên con đường này, mưa bom từ B52 của Mỹ có ngày dội xuống 51 trận, có tuần phải hứng đến 50.000 quả bom. Chỉ riêng trong 6 ngày, từ 25-9 đến 1-10-1968, 29 bộ đội và thanh niên xung phong đã hy sinh sau khi kéo được 30 phuy xăng đến địa điểm tập kết.

Dưới mưa bom, cỏ cây tưởng chừng không bao giờ phục sinh. Nhưng tôi đã có một chiều đi trên chính con đường từng thấm đẫm mồ hôi và máu ấy. Đường trải nhựa cấp phối, xe lướt êm ru qua những làng mạc bình yên, uốn lượn như câu thơ đảo nhịp giữa trùng trùng núi đá. Sông Chày thành vệt xanh mềm mại, uốn theo con đường như tung như hứng từng quãng trong một trường đoạn của khúc nhạc chiều lãng mạn Serenata. Rồi trên mặt sông đôi đoạn vương chút khói sương lãng đãng ấy, tựa như tiếng chuông nhà thờ đang âm âm vọng từ vách núi xa kia sẽ đọng lại trong mặt nước xanh ngắt để tấu lên khúc nhạc đồng quê yên ả. Rồi con đường và dòng sông thoát ra khỏi làng mạc thôn dã để bày ra trước mắt tôi miên man màu xanh hoang hoải của những ruộng bắp cuối vụ, màu xanh vừa đậm của ruộng đậu phụng nghiêng nghiêng níu kéo những bãi bồi, rồi mởn xanh những đồi bạch đàn sâu vào tận chân núi đá. Nếu không sống với hoài niệm, hẳn tôi phải tin vùng đất này sinh ra chỉ để neo đậu một cõi bình yên.

Điểm chúng tôi dừng chân là thôn Chày Lập, thuộc xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch - nơi có khu nghỉ dưỡng Chày Lập Farmstay của Nguyễn Châu Á. Gia đình Á và cả trụ sở của doanh nghiệp mang tên Oxalis Adventure Tours mà Á là chủ nằm ngay mép sông Son, ở đoạn rất gần với cửa động Phong Nha. Chày Lập Farmstay thì nằm cạnh sông Chày, chính là một nhánh chính của thượng nguồn sông Son.


 

 Bên bờ sông Son
Bên bờ sông Son



Á sinh ra và lớn lên ngay chính vùng đất vương quốc của hang động này. Nhỏ hơn tôi nhiều tuổi nhưng Á lăn lộn ở TP HCM nhiều hơn. Sau khi khổ luyện với đủ thứ công việc khác nhau, Á đã tính chuyện trụ luôn ở công việc của một hướng dẫn viên du lịch rồi sau đó là kiểm toán viên cao cấp tại 2 tập đoàn kinh tế lớn của nước ngoài. Thế nhưng, rốt cuộc Á lại quày quả khăn gói về quê theo một thứ khao khát mãnh liệt vương chút lãng mạn là quyết góp gì đó vào việc bảo vệ thế giới ảo diệu của những hang động. Với sự hợp tác của 2 chuyên gia hang động thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh quốc, Howard và Deb, Á lập ra doanh nghiệp mang tên Oxalis Adventure Tours. Oxalis nghĩa tiếng Việt là chua me đất - tên của một loại rau chua mọc hoang có sức sống rất mãnh liệt ở vùng đất cằn cỗi của miền Trung.

Cả Howard và Deb đều là những người dẫn đầu trong tất cả 15 cuộc thám hiểm và nghiên cứu các hang động mà Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh quốc từng thực hiện tại Việt Nam. Vì chung khát vọng và đam mê, cả 2 ông thành người đỡ đầu cho Á trong việc đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ cho hướng dẫn viên và đội ngũ porter, đồng thời là cố vấn an toàn cho tất cả các tour du lịch hang động, có luôn cả những tour du lịch mạo hiểm đẳng cấp thế giới vào các hang động như Sơn Đoòng hay Tú Làn, hang Én, hang Va...

Không có dịp ngồi với Á ở Chày Lập Farmstay vì anh đang bận công tác ở TP HCM nhưng vì thế mà tôi có dịp may hạnh ngộ với Mỹ và Thìn.

Phải nghĩ khác hơn trước

Mỹ là em trai Á, cũng lăn lộn khắp Nam chí Bắc với đủ thứ nghề rồi quay về cộng tác với anh trong vai trò của một người điều hành. Phan Văn Thìn cũng là người con của chính vùng đất này, từng đam mê nghề hướng dẫn viên du lịch, rồi về đây quản lý Chày Lập Farmstay.

 

Giai điệu nắng ban mai trong không gian xanh của Chày Lập Farmstay
Giai điệu nắng ban mai trong không gian xanh của Chày Lập Farmstay



Cả Thìn và Mỹ đều ở thế hệ 8X, quá trẻ để khiến tôi phải hào hứng khi nhìn vào những việc họ đang làm. Nhất là việc vì sao với một khu nghỉ dưỡng cao cấp như thế nhưng đội ngũ lao động gần như là chính nông dân của Chày Lập này, rồi giá cả dịch vụ nghỉ dưỡng không hề rẻ mà đặt được một suất nghỉ ở đây là không dễ. Tôi càng bất ngờ hơn nữa khi biết trong lúc gần như các các điểm nghỉ dưỡng suốt dọc miền Trung đang đua nhau lôi kéo khách Tây thì Chày Lập Farmstay lại thong dong với 70%-80% là du khách nội địa, thậm chí là khách từ chính các khu vực lân cận.

Điểm nhấn mới

Chày Lập Farmstay là một trong những điểm nhấn mới của Oxalis Adventure Tours. Từ đây, theo hướng Quốc lộ 20 Quyết Thắng một chặng ngắn nữa là tới thế giới rất riêng của những hang tối, động Thiên đường, rồi Khu Di tích Đường 20 Quyết Thắng - nơi có di tích hang Tám cô huyền thoại. Thêm 30 km nữa sẽ đến điểm dừng chân khi du khách muốn thượng sơn chiêm ngưỡng Sơn Đoòng - hang động tự nhiên lớn nhất thế giới mà loài người khám phá được cho đến nay. Oxalis Adventure Tours, với đủ kinh nghiệm và phương tiện lẫn con người, đang là doanh nghiệp duy nhất được trao sứ mệnh tổ chức thám hiểm hang động này.


Lương Duy Cường (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.