Người Jrai một lòng theo Đảng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ông Ksor Ní-người con của buôn Thăm (xã Ia Trok, huyện Ia Pa) là một trong những trí thức Jrai đầu tiên đi làm cách mạng. Cuộc đời của ông đã kinh qua nhiều trọng trách như Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, song điều quý nhất mà ông để lại chính là tinh thần, ý chí và tấm lòng thủy chung, son sắt theo Đảng, theo cách mạng và gieo những hạt mầm xanh trên quê hương để đồng bào Jrai hôm nay tiếp tục bước theo.

Nhớ lời Bác dặn

Trong một lần gặp gỡ, ông Ksor Ní kể lại cho chúng tôi nghe chuyện gặp Bác Hồ. Đó là năm 1946, từ buôn Thăm, ông được cử ra Hà Nội dự Đại hội Thanh niên các dân tộc Việt Nam. Ra đến thủ đô, tình cờ nghe được một chương trình từ đài phát thanh của Pháp, nói đại ý là: Người dân Tây Kỳ (Tây Nguyên) niềm nở đón tiếp quân Pháp xâm chiếm Tây Kỳ. Nghe vậy, ông tức lắm, bởi người dân Tây Nguyên luôn một lòng theo cách mạng, đoàn kết đánh đuổi giặc Pháp, thế mà đài của chúng lại nói ngược lại. Sẵn biết tiếng Pháp, ông liền viết ngay một bài báo và gửi cho Báo Lơ-pớp (Nhân dân-N.V) phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của đài phát thanh Pháp; cổ vũ, động viên đồng bào Tây Nguyên đánh giặc giữ buôn làng. Khi bài viết của ông được Báo Lơ-pớp đăng, Bác Hồ đã cho gọi ông vào Bắc Bộ Phủ.

 

Ông Ksor Ní và vợ. Ảnh: N.V.C
Ông Ksor Ní và vợ. Ảnh: N.V.C

Ông kể: “Tôi theo đồng chí Y Ngông Niê Kdăm (cố Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội) vào Bắc Bộ Phủ để gặp Bác. Được Bác bắt tay, tôi rất xúc động. Bác ngồi trước mặt chúng tôi, ân cần hỏi thăm sức khỏe, hỏi thăm gia đình chúng tôi và hỏi thăm sức khỏe của mọi người ở Nha Dân tộc Trung ương. Nghe đồng chí Y Ngông báo cáo: “Thưa Bác, giặc Pháp đã chiếm mất Tây Kỳ rồi ạ”. Bác nói: “Bác biết rồi”. Tôi thấy nét mặt của Bác thoáng buồn. Lúc ấy, tôi xen vào: “Thưa Bác, ta có đánh Pháp để giải phóng Tây Kỳ không ạ”. Bác đứng dậy cầm tay chúng tôi rồi nói: “Phải đánh”. Rồi Bác đưa bàn tay lên ý nói là bàn tay có năm ngón nếu thiếu một ngón thì không còn là một bàn tay. Cũng như cả nước Việt Nam, Việt Nam độc lập thì Tây Kỳ cũng được hưởng hạnh phúc do nền độc lập của Tổ quốc đem lại. Nghe Bác nói vậy, chúng tôi rất phấn khởi. Bác khuyên chúng tôi cố gắng học tập, chăm lo giữ gìn sức khỏe và phục vụ cách mạng tốt hơn. Từ bé học ở trường của Pháp toàn viết và nói tiếng Pháp, song nghe lời Bác dạy bảo, chỉ sau 3 tháng, tôi đã biết đọc, biết viết tiếng phổ thông và được làm việc trong Phòng Văn xã của Nha Dân tộc Trung ương tại Hà Nội. Ngày 15-12-1946, tôi vinh dự được kết nạp vào Đảng. Thế là từ một thanh niên trí thức người dân tộc thiểu số, được giác ngộ cách mạng, tôi đã trở thành một đảng viên Cộng sản”.

Từ ngày được gặp Bác Hồ, ông Ksor Ní luôn tâm niệm phải sống để xứng đáng với niềm tin của Bác đối với đồng bào Tây Nguyên. Khi trở về quê hương Gia Lai trong những tháng năm kháng chiến gian khổ, điều đầu tiên ông nói cho bà con biết là về Bác Hồ và Đảng. Từ đó trở đi, đảng viên Ksor Ní một lòng đi theo cách mạng suốt chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Cách mạng đổi đời người Jrai

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Ksor Ní vẫn nhớ đến từng chi tiết cuộc đời của mình và đồng bào Jrai ở Tây Nguyên quê ông trong những tháng năm gian khổ nhưng một lòng theo cách mạng. Ông kể: Cùng chung số phận của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thời bấy giờ, gia đình ông rất nghèo. Cha mẹ ông sinh được 4 người con, trong đó có 3 chị gái, ông là con út. Thuở còn ngồi ôm lưng cha, cậu bé Ksor Ní đã thấy cảnh lính Pháp từ đồn Cheo Reo về buôn Thăm quê ông lùng bắt người đi lính, đòi thuế và bắt con gái đẹp đưa lên đồn cho quan Tây; người nào dám chống lại đều bị chúng tra tấn, đánh đập rất dã man.

 

Người Jrai từ ngày theo cách mạng đã biết trồng lúa nước.   Ảnh: Đ.T
Người Jrai từ ngày theo cách mạng đã biết trồng lúa nước. Ảnh: Đ.T

Tuổi thơ ông được nghe kể về những người Cộng sản. Có lần, ông theo cha đi uống rượu với một người đi lính khố xanh cho Tây về phép. Người lính khố xanh này kể chuyện về cuộc đấu tranh lưu huyết của những người tù Cộng sản tại Ngục Kon Tum: “Những người Cộng sản nói Pháp là kẻ cướp nước nên người Cộng sản không sợ chết, không sợ tù đày. Pháp bắn người này ngã xuống, lập tức người sau xông lên, chết vẫn không lùi bước”. Nhiều người ở buôn Thăm tỏ lòng khâm phục, muốn được xem mặt người Cộng sản. “Người Cộng sản chống Pháp cũng giống như mình chống Pháp thôi”-cha ông đã nói như vậy sau cái lần bị lính Tây ở đồn Cheo Reo bắt giam 10 ngày vì “tội” giấu thanh niên không khai tên để nộp thuế thân. Năm 1935, cha ông bị Pháp tra tấn đến mang bệnh, không có thuốc thang cứu chữa nên đã qua đời.

Sau khi cha mất, Ksor Ní phải sang ở với người anh rể tên là Rơ Ô Bơng ở buôn Săm Ma Na bắt đầu học lớp 1 rồi sang Buôn Ma Thuột học hết bậc Tiểu học (Prime). Suốt 6 năm học, Ksor Ní luôn đạt học sinh giỏi. Tốt nghiệp Prime, năm 1941, Ksor Ní chuyển đi học tại Trường Võ Tánh (Quy Nhơn). Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, Chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật lên cầm quyền. Trường Quy Nhơn chuyển sang học tiếng Việt (trước đó, tiếng Việt không được sử dụng, học sinh phải dùng hoàn toàn tiếng Pháp). Đầu tháng 4-1945, trên đường từ Quy Nhơn về Cheo Reo, ông dừng lại ở Pleiku để nghe ngóng tình hình, ghé thăm ông Nay Phin-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pleiku. Tầng lớp thanh niên trí thức người dân tộc thiểu số khi ấy thường xuyên tập hợp thành từng tốp nhỏ để diễn thuyết, nói chuyện chống Pháp, ủng hộ cách mạng và Bác Hồ.

Ông Ksor Ní nhớ lại: “Tháng 6-1945, tôi gặp Rơ Chăm Thép từ Trường Canh nông ở Tuyên Quang về, kể chuyện ở Tuyên Quang, phong trào Việt Minh rất mạnh. Anh Rơ Chăm Thép nói: “Việt Minh chủ trương đánh Pháp, đánh cả Nhật, giành lại độc lập, tự do cho đất nước Việt Nam, thực hiện đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc”. Thấy vấn đề mới mẻ quá, tôi quyết định không về quê, mà ở lại Pleiku tiếp tục tham dự các buổi sinh hoạt của thanh niên”.

Cũng theo lời ông Ksor Ní, tháng 8-1945, sau khi đón đại diện của Việt Minh về tiếp nhận chính quyền tại Pleiku, ông cùng với ông Nay Phin về quê tổ chức khởi nghĩa, bao vây huyện lỵ Cheo Reo, buộc chính quyền tay sai thân Nhật phải hạ vũ khí đầu hàng. Ủy ban nhân dân cách mạng huyện Cheo Reo được thành lập do ông Nay Phin làm Chủ tịch, ông Ksor Ní được phân công phụ trách tài chính. Trong cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước ta đầu năm 1946, ông Ksor Ní được bầu làm đại biểu HĐND tỉnh Gia Lai khóa I. Từ tháng 3-1946, ông về Pleiku tham gia tổ chức Đại hội đoàn kết nhân dân các dân tộc Tây Nguyên chống Pháp. Đại hội vui mừng được đón nhận thư của Bác Hồ và ghi nhớ lời dạy của Người.

Cuộc đời của ông đã kinh qua nhiều trọng trách ở tỉnh, song điều quý nhất là ông đã để lại những sản phẩm tinh thần, về ý chí và lòng quyết tâm theo Đảng, theo cách mạng và gieo những hạt mầm xanh trên đất Tây Nguyên mà đồng bào Jrai trên quê hương ông mãi mãi bước theo. Và, các con của ông tiếp nối truyền thống của gia đình, đều một lòng theo cách mạng.

Trước khi chia tay chúng tôi, ông Ksor Ní đã đọc bài thơ bằng tiếng Jrai ông viết để tuyên truyền cho đồng bào Tây Nguyên trong những năm tháng kháng chiến: “Hồ Chí Minh anh dũng phi thường! Hồ Chí Minh có chủ trương, đường lối đúng đắn…”.  Đọc xong, ông đứng dậy đưa bàn tay phải đặt vào bên ngực trái rồi nói: “Đảng, Bác Hồ luôn ở trong trái tim tôi. Từ ngày có Đảng, có Bác, người Jrai được đổi đời, có một cuộc sống ấm no. Bởi vậy, đồng bào Jrai luôn theo Đảng, theo Bác, đời đời thủy chung, son sắt”.

Nguyễn Văn Chiến

Có thể bạn quan tâm

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.
Hành trình trả rừng về nguyên bản

Hành trình trả rừng về nguyên bản

Hơn 500 cây sao đen được trồng trên khu rừng cộng đồng rộng 4ha ở thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) là bước đệm đầu tiên của hành trình “cõng” cây gỗ lớn về rừng, trả lại mảng xanh cho núi rừng Hòa Bắc cũng như tạo sinh kế bền vững cho bà con Cơ Tu ở đây.