Mạnh hơn cái chết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Coi cái chết nhẹ như lông hồng” nhưng trái lại cũng không ai mang một tình yêu cuộc sống lớn như người Cách mạng. Có lẽ bởi phẩm chất này mà họ đã dám dấn thân vì nghĩa lớn… Một con người như thế là ông Hoàng Văn Ngọc (149 Sư Vạn Hạnh, TP. Pleiku).

Tháng 6-1946.

Mặt trời dần khuất trên đỉnh đèo Mang Yang. Hoàng hôn yên tĩnh bỗng nát vụn bởi những tiếng nổ dữ dội. Một đại đội Giải phóng quân Nam tiến đang giao tranh kịch liệt với một tiểu đoàn lính Pháp từ Pleiku xuống. Các chiến sĩ chân đất đầu trần, mặt sạm đen khói đạn nhấp nhô xung phong theo tiếng hô khản đặc của người chỉ huy.

 

Chân dung ông Hoàng Văn Ngọc. Ảnh: N.T
Chân dung ông Hoàng Văn Ngọc. Ảnh: N.T

Tiểu đội phó Hoàng Văn Ngọc chỉ còn 5 viên đạn cho khẩu “Mut” dài ngoẵng. Trận đánh đang trong những giờ phút quyết liệt mà người tiếp đạn vẫn chưa thấy lên. Anh vừa bắn vừa ngoái lại phía sau lo lắng. Bỗng nhiên, một quầng lửa lóe lên trước mặt. Chỉ kịp thấy nhói đau ở chân phải rồi thân thể anh nhẹ bẫng, bất định như chiếc lá bay.

Anh tỉnh dậy trong cảm giác ướt át và lạnh lẽo. Thì ra, một cơn mưa đang ập tới. Trời tối đặc như có thể vốc ra từng nắm. Nhìn ánh đèn pha quét loang loáng và tiếng quân Pháp văng vẳng, anh hiểu rằng đơn vị đã rút lui từ lâu rồi. Mò mẫm sờ vào chỗ đau, anh giật mình rụt tay lại: Một vết phá nhầy nhụa những thịt và máu. Anh chống tay cố đứng lên nhưng lại quỵ ngay xuống. Vậy là không thể đi được, nhưng bằng cách nào thì cũng phải cố thoát ra xa con đường, nếu không, sáng ra chắc chắn sẽ bị bắt… Suy nghĩ một lát, anh quyết định lết đi. Cứ theo hướng nước chảy sẽ tới được suối và có thể gặp được ai đó.

Trời càng lúc càng mưa dữ. Những làn chớp lằng nhằng thi nhau vò xé bầu trời đen kịt. Qua ánh chớp, nhìn vào vết thương anh rùng mình kinh hãi: Một đám vắt nhung nhúc đang bâu vào hút máu. Anh đưa tay giật mấy con, một cảm giác đau đớn thót lên tận óc. “Kệ xác, cứ để chúng uống no rồi tự khắc nhả ra”-anh nghĩ thế và lại tiếp tục lết đi…

Cơn mưa lở đất vẫn không làm dịu nổi cơn khát, chốc chốc, anh lại phải vục đầu xuống dòng nước đầy rác uống lấy uống để. Nhưng ruột dịu đi bao nhiêu thì vết thương lại nóng ran lên bấy nhiêu… Bỗng nhiên, anh có cảm giác như mình đang bơi trong không khí rồi không biết gì nữa…

Dòng nước của con mưa dữ dội đêm qua vẫn còn chảy ri rỉ. Tỉnh dậy, anh nhận ra đêm qua mình đã bị rơi xuống hũm sâu của con suối cạn. Rướn mình nhìn lên, anh bỗng ngây người: Cách anh chừng năm mươi thước là một chòi lúa đang tỏa khói. Cơn đau như dịu đi vì sung sướng, anh cố lết về hướng đó và cất tiếng gọi. Một người đàn ông Bahnar cầm chiếc nỏ lớn thò đầu ra cửa há hốc mồm nhìn. Anh nói rằng mình là người tản cư, bị thương nên lạc tới đây. Chợt nhớ trong túi còn 30 đồng, anh móc ra đưa cho người đàn ông 15 đồng. Nét mặt người đàn ông dịu lại. Ông ta quay vào chòi lấy cơm cho anh ăn. Cầm nắm cơm mà tay anh run lên. Tu thêm ngụm nước, anh thấy tỉnh táo hẳn. Nhìn lên đường cái, anh thấy lờ mờ những đám người gồng gánh dắt díu nhau. Đấy là dân thị xã đang tản cư về Bình Định. Phải ra đó nhờ họ giúp tìm đường về với quân ta. Anh nhờ người đàn ông cõng mình ra đó, ông ta gật đầu.

Cảnh dân chạy loạn thật thảm. Người nào cũng nhếch nhác bơ phờ. Người đàn ông cõng anh vào một căn nhà hoang đầy những người nằm vạ vật. Anh vừa thở vừa nói mình cũng đi tản cư, không may bị thương nhờ giúp đỡ. Họ đưa mắt nhìn nhau, cuối cùng một người nói: “Anh là bộ đội, chúng tôi biết. Nhưng thú thật hoàn cảnh chúng tôi bây giờ thì chẳng thể cưu mang được. Hãy cởi bộ đồ trong người ra, chúng tôi sẽ đưa quần áo cho anh thay, nếu không sẽ bị bắt ngay đấy!”.

Họ đưa cho anh bộ quần áo bà ba, lấy cơm cho anh ăn rồi lục tục lên đường. Trước khi đi họ chặt cho anh một cành cây làm nạng và dặn: Cứ theo đường cái mà đi, thế nào rồi cũng gặp bộ đội.

Thoáng chốc căn nhà chỉ còn lại mình anh. Cầm cây nạng, nhìn lại căn nhà hoang một thoáng, anh quyết định phải ra đi…

Mỗi bước đi là mỗi cơn đau dội lên buốt óc. Mặc, anh cứ cắm chặt lấy ý nghĩ: Chưa quỵ xuống thì còn phải đi. Ròng rã 2 ngày, anh cứ đi trong vô thức, cố không ngoái lại vì biết mỗi ngày mình chỉ nhích được 7, 8 cột dây thép là cùng. Sáng ngày thứ 3, anh mừng run lên vì thấy cách đường không xa là một cái chòi có người ở. Anh đâm bổ vào và phều phào xin ăn. Tưởng gặp đồng bào dân tộc thiểu số, hóa ra người đang tá túc cũng là đôi vợ chồng đi tản cư. Dường như đoán được anh là ai, họ lặng lẽ lấy cơm cho anh ăn rồi lấy rạ trải cho nằm. Anh mê man trong căn lều 3 ngày. Đến ngày thứ 4 thì tỉnh lại. Giở vết thương ra, anh thoảng thốt kêu lên một tiếng: Trông nó chẳng khác gì miếng thịt thối ai đắp vào. Một đám dòi trắng phếu chen nhau nhung nhúc. Mùi thối khẳm xông lên làm anh phát nôn. Vợ chồng người tản cư lặng lẽ nhìn anh với cặp mắt âu sầu. Lát sau, anh chồng lên tiếng: “Thú thật là sáng nay chúng tôi chỉ còn bữa gạo cuối cùng. Dẫu muốn cũng chẳng cưu mang anh nổi nữa. Thôi thì anh…”. “Tự xử lấy mình”-anh cay đắng đón ý nghĩ của người chồng. Nhìn quanh căn lều thấy một mũi tên đen sì gắn trên vách, hỏi, anh chồng cho biết đó là mũi tên tẩm thuốc độc, đồng bào Bahnar dùng để săn thú lớn. “Hay lắm, mình sẽ dùng mũi tên này để kết liễu đời mình”. Tìm được một lối thoát tin cậy, anh thanh thản ngủ thiếp đi…

...Cơn đau dữ dội giật anh thức dậy. Anh bàng hoàng nhìn quanh và cấu tay vào đùi: “Mình lại chưa chết thật sao?”. Vợ chồng người tản cư đã ra đi từ lúc nào. Nhìn bóng nắng, áng chừng đã xế trưa, anh nằm xuống và hồi tưởng lại sự việc… Đêm qua, chờ vợ chồng người tản cư ngủ say, anh lết đến bên vách lấy mũi tên xuống. Trước tiên, anh chà mạnh mũi tên vào vết thương, sau đó lại miết lên các chỗ xây xát trên người. Để chắc ăn, anh bẻ cật nứa cứa thêm mấy chỗ nữa. “Nếu đúng là tên thuốc độc thì mình đã là người thiên cổ, nhưng có lẽ số phận chưa kết thúc nên mới có điều vô lý thế. Vậy thì tại sao lại không gắng sống?”. Anh cầm lấy cây nạng và quả quyết đứng lên.

Đến ngày thứ 2, xe quân Pháp đột nhiên chạy nhiều, anh phải rời đường cái đi men theo các lối mòn. Vết thương ngày càng nặng mùi. Những cơn đau xé ruột dội lên liên tiếp. Không thể đi nổi nữa, anh quyết định vứt cây nạng để bò. Anh đặt mục tiêu mỗi ngày phải bò cho được bốn cột dây thép.

Thêm 1 ngày nữa trôi qua. Vì quá mệt, anh trượt vào một đám dây mắc cỡ. Đã mấy lần anh lấy hết sức để nhoài ra nhưng càng quẫy càng lún sâu vào đám gai lùng nhùng. Tuyệt vọng, anh khóc nấc lên. Lần này số phận chắc hẳn đã an bài, còn kéo dài sự đau đớn làm gì nữa. Lần tìm sợi dây quanh mình thắt một chiếc thòng lọng, anh ngửa mặt nhìn bầu trời sũng nước rồi ráng hết sức cầm 2 đầu dây siết lại.  

Anh tỉnh lại lúc trời tang tảng sáng.

Cơn mưa bất chợt đã giúp anh hồi sức. Chiếc thòng lọng còn bám hờ trên cổ. Thì ra vì đã quá yếu, anh chỉ đủ sức làm mình nghẹt thở. Tháo chiếc thòng lọng, anh cất tiếng cười chua chát rồi ném nó vào bụi cỏ. Nằm yên cho lại sức, một ý nghĩ chợt nảy ra… Anh ôm đầu lăn tròn trên đám cây mắc cỡ. Điều kỳ diệu đã không ngờ xảy xa. Thoát được đám gai quái ác, anh lết vào một bụi cây nằm thở dốc. Bỗng anh thấy toàn thân ớn lạnh, mặt mày xây xẩm. Thì ra, vì cố sức, vết thương của anh bị xé ra. Cho đến gần tối anh mới tỉnh lại, nhưng hễ cựa mạnh một chút là máu tươi từ vết thương lại ộc ra. “Lần này thì không thể trông mong vào một phép nhiệm màu nào nữa”. Anh quyết định lại làm một cái thòng lọng. “Bây giờ thì chỉ cần thắt vừa cũng đủ chết. Mình đã yếu lắm rồi”.

Vậy mà, lần thứ 3 anh vẫn không chết!

Anh căm giận số phận mình ghê gớm. Tại sao nó lại hành hạ anh tàn nhẫn đến thế. Anh phải làm gì để dứt bỏ nó đây? Phải tìm cách khác. Một con cóc chẳng hạn… Anh quyết định phải tìm cho bằng được. Nhắm hướng bờ suối, anh điên cuồng bò đi.

Nhưng bỗng như từ dưới đất trồi lên, trước mắt anh là một rẫy bắp. Như sợ nó là ảo giác, anh vừa bò vừa thét lên. Dòng sữa ngọt lừ của những trái bắp non đã làm anh tỉnh lại. Gối đầu lên những thân bắp vừa bẻ xuống, anh thiếp đi trong ý nghĩ: “Vậy là mình lại được sống. Hãy thi gan với số phận đến cùng”.

*
Đoạn cuối về con người có số phận mạnh hơn cái chết này có thể tóm tắt như sau: Sau 3 lần kề lưỡi hái tử thần, vết thương vừa đỡ, nghe nói dưới An Khê đang đánh nhau to, ông tìm xuống nhưng vừa tới thị trấn thì bị địch bắt. Chúng đưa ông về giam tại Pleiku cho đến năm 1950 mới thả ra. Năm 1951 bị bắt lại, được thả, ông móc nối hoạt động. Được mấy tháng, do có kẻ chỉ điểm, ông lại bị bắt. Ra tù, ông tiếp tục hoạt động được 2 năm lại bị bắt. Được thả, lại tiếp tục hoạt động cho đến cuối năm 1965 thì bị đứt liên lạc… Tính ra, đời ông 4 lần ngồi tù, 17 năm sau ngày giải phóng mới làm được chế độ thương binh… Nếu số phận may mắn, rất có thể ông đã trở thành một vị tướng. Nhưng tôi thì nghĩ: Sự may mắn hơn thế của ông là đã có một cuộc sống-một cuộc sống được trả giá bằng tình yêu còn hơn cả “tình yêu cuộc sống”…

Ngọc Tấn

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.