Sống khác sau biến cố cuộc đời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những nhân vật trong câu chuyện dưới đây vốn được sinh ra với thân thể lành lặn, trưởng thành rồi tìm 1 công việc lương thiện với mong ước nuôi sống bản thân, đỡ đần cha mẹ. Tuy nhiên, chính công việc đó đã cướp đi một phần thân thể của họ trong 1 sự cố gọi là “tai nạn lao động”, để sau đó, họ phải sống cuộc đời khác đi, có người chật vật hơn nhưng cũng có người có được hạnh phúc tròn đầy.

Ngày trước con nuôi mẹ, giờ mẹ nuôi con

“Mỗi ngày, tôi dắt con Trong đi bán vé số. Chân tay nó yếu lắm, tôi phải đợi. Nhiều lúc định bụng để nó ở nhà nhưng mà tôi không an tâm, dắt nó đi cùng. Có lúc mình phải dìu từng bước nhưng mà vui vì có mẹ có con” - bà Trần Thị Nho, năm nay 75 tuổi, tay run run, miệng rưng rưng nói về công việc hàng ngày của 2 mẹ con. Chị Trần Thị Ngọc Trong là con gái thứ 2 của bà, năm nay đã ngoài 40 tuổi mà ngây thơ như trẻ con.

 

Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Trần Thị Diệu Thúy (phải ảnh) tặng quà, thăm hỏi gia đình chị Trong.
Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Trần Thị Diệu Thúy (phải ảnh) tặng quà, thăm hỏi gia đình chị Trong.

Chị Trong vốn là công nhân vệ sinh công ty TNHH Dịch vụ công ích quận 6 (TPHCM). Năm 2000, khi ấy tầm 1-2 giờ sáng, chị Trong đang quét rác trên đường Hậu Giang (quận 6) thì bị xe tông, kéo lê một đoạn dài, người bê bết máu. Hỏi về vụ tai nạn đã qua, chị Trong chỉ cười cười, tay chỉ lên cái hộp sọ móp méo, dị dạng. Bà Nho với đôi dòng nước mắt lưng tròng: “Nó không nhớ gì đâu con. Hồi đó, ai cũng tưởng nó chết. Lúc cả nhà vào phòng Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, không ai nhận ra nó nữa. Bà với chị gái nó ngất lên ngất xuống”. Hơn 1 tháng nằm viện, chị Trong về nhà với 1 cái đầu khuyết 1 phần sọ và 1 phần não đang được đưa đi nuôi cấy.

Suốt thời gian nằm viện, Trong không mất 1 tiếng nói. Về nhà cũng chỉ ấm ớ tiếng được tiếng mất, nhưng đối với bà Nho, như vậy đã là may mắn lắm rồi. Mỗi ngày, bà đưa con gái đi tập vật lý trị liệu, bà nhịn ăn, nhịn mặc để thuốc thang, bồi bổ cho con. 6 tháng sau, phần não nuôi cấy được đưa trở lại vào đầu của chị Trong. Nhìn cái đầu móp méo của con, bà Nho giải thích: “Ban đầu, khi lắp não với sọ vào, đầu của nó cũng đầy đặn lắm. Thời gian sau thì lúc tròn lúc méo. Tôi để ý thấy, khi nào Trong chịu ăn uống, người khỏe mạnh thì cái đầu nó tròn, còn hôm nào nó bệnh, như những hôm này, ăn uống ít đi thì cái đầu méo, vết mổ trên hộp sọ lộ rõ”. Vừa nói, bà Nho vừa đưa tay lau những giọt mồ hôi đang túa ra trên mặt con. Chị Trong nhìn mẹ, lại cười cười.

Sau tai nạn của chị Trong, cuộc sống gia đình bà Nho gần như đảo lộn. Nếu như trước đó, phần kinh tế của gia đình do 2 đứa con gái lo toan, bà Nho chỉ việc ở nhà lo cơm nước, đợi con đi làm về thì nay ngược lại. Mỗi ngày, ngoài cơm nước, bà Nho còn dắt chị Trong đi bán vé số, ngày nào đắt khách, đi được nhiều thì kiếm được hơn 100 ngàn đồng. Sau buổi bán vé số, 2 mẹ con trở về, bà Nho lo cơm nước, bóc từng viên thuốc cho chị Trong. Hỏi bà Nho có thấy vất vả không? Bà cười: “Mẹ con mà, sao nói chuyện vất vả ở đây. Nếu con Trong nó không bị tai nạn lao động thì nó đã nuôi tôi rồi, chứ đâu để tôi đi bán vé số như bây giờ. Nhưng mà con gặp biến cố thế này, là mẹ, mình phải lo cho con chứ. Hồi con bị nạn, chỉ sợ con chết, giờ con còn khỏe mạnh, coi như cái phước nhà tôi vẫn còn. Chỉ cần mẹ con được ở với nhau vầy là tôi vui rồi”. Dứt lời, bà thở dài: “Chỉ thương con Tươi, chị gái con Trong. Khi em gái bị nạn, cả 2 đứa mới hơn 20 tuổi đời. Trong bị vậy, Tươi thương mẹ, thương em, không dám lấy chồng. Có mấy đám muốn hỏi, tôi kêu con Tươi ưng, nó gạt đi bảo “lấy chồng rồi mẹ với em ai nuôi”, rồi nó ở vậy gần 20 năm qua”.

Hạnh phúc trọn vẹn dù mình “sứt mẻ” đi nhiều!

Chị Loan Anh năm nay 45 tuổi. Chị sống ở Củ Chi (TPHCM) với chồng và đứa con trai 13 tuổi. Mỗi ngày, chồng chị cắt cỏ cho bò ăn, vắt sữa bò đem đi giao cho nhà máy sữa. Chị đi chợ, cơm nước, coi ngó chuyện học hành của con trai. Câu chuyện của chị Loan Anh thật đơn giản nhưng để có được cái hạnh phúc bình dị ấy, đó là cả một hành trình, khi mà chị đã “sứt mẻ” đi nhiều.

Năm 2001, chị Loan Anh khi đó 27 tuổi, đang làm công nhân công ty may mặc Carimax (huyện Củ Chi). Tối hôm xảy ra tai nạn, chồng sắp cưới của chị Loan Anh đưa chị từ xưởng về nhà bằng xe máy. Con đường đang thi công, đá lởm chởm, anh không tránh kịp 1 người say rượu nên xảy ra tai nạn. Anh bị trầy trụa, còn chị Loan Anh bị móp xương má, mắt bị lệch, liệt 1 chân. Tai nạn xảy ra trên đường chị đi làm về nên được giải quyết theo chế độ tai nạn lao động.

“Lúc đó còn 2 tháng nữa là tới ngày cưới. Lúc tỉnh dậy, thấy mình trong gương, tôi đau đến không khóc được tiếng nào. Anh ấy đến thăm, tôi cự tuyệt. Tôi nói má tôi trả lễ, không cưới xin gì nữa” - chị Loan Anh nhớ lại.

Mặc cho chị cự tuyệt, hàng ngày anh vẫn đến thăm chị ở bệnh viện. Kiên nhẫn đưa chị đi tập vật lý trị liệu. Anh vẫn quyết xin được cưới chị. “Lúc đó, tôi nghĩ anh ấy thương hại mình thôi. Tôi đâu còn như ngày xưa để mà cưới hỏi. Hơn 1 năm sau, tôi đã đỡ hơn. Ba má của anh ấy qua nhà nói chuyện làm đám cưới. Lúc đó, tôi đề nghị là về ở với nhau thôi được rồi, tôi đâu còn như ngày xưa mà cưới. Thế nhưng anh và gia đình vẫn làm đám cưới đàng hoàng” - chị Loan Anh nhớ lại.

Về ở chung, chị Loan Anh vẫn tiếp tục điều trị. Chị không làm được việc nặng. Anh nghỉ việc ở công ty, ở nhà trồng cỏ, nuôi bò và chăm sóc cho chị. Nhìn lại hành trình gần 20 năm mà anh chị đã đi qua, chị mỉm cười: “Vụ tai nạn đã lấy đi của tôi nhiều thứ nhưng tôi vẫn thấy mình may mắn vì luôn có chồng, con bên cạnh”.

Cũng chịu cảnh “sứt mẻ” một phần cơ thể, từng đau đớn nhưng anh Vũ Văn Thanh (tạm trú xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) đã dũng cảm vượt qua khó khăn, tiếp tục sống, làm chỗ dựa cho vợ và con. Anh Thanh vốn là công nhân Cty CP Minh Hữu Liên (quận Bình Tân). Năm 2011, khi đó anh 23 tuổi, trong lúc làm việc, anh bị máy dập đứt 8 ngón tay. Sau tai nạn, công ty bố trí cho anh làm bảo vệ, thu nhập 4 triệu đồng/tháng và hưởng trợ cấp tai nạn lao động 1,4 triệu đồng/tháng. Vợ anh làm công nhân cùng công ty, thu nhập mỗi tháng hơn 4 triệu đồng. Hiện tại, vợ chồng anh đã có 1 cô con gái nhỏ 5 tuổi. Vừa gồng gánh gia đình, vợ chồng anh còn nhận trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ già 2 bên. Một cuộc sống không lấy gì làm dư giả, nhưng với anh, chỉ cần gia đình yên ấm, vợ con vui thì những khiếm khuyết dù lớn hay nhỏ không còn là vấn đề.

Chị Trong, chị Loan Anh, anh Thanh chỉ là 3 trong rất nhiều những người lao động vốn là trụ cột của gia đình, sinh ra lành lặn rồi bỗng chốc chịu cảnh tật nguyền. Hàng tháng, chị Trong, với tỉ lệ thương tật 75% nhận được hơn 1,5 triệu đồng tiền trợ cấp, chị Loan Anh với tỉ lệ thương tật 51% nhận được 1,4 triệu đồng, anh Thanh với tỉ lệ thương tật 81% nhận được 1,4 triệu đồng… Nhiều hoàn cảnh chúng tôi đến thăm, hỏi về những khoản trợ cấp, anh chị em không giấu được những giọt nước mắt “chả lẽ mình không nhận, cái giá của 1 bàn tay, 1 đôi chân quá rẻ mạt, nhưng biết làm sao được”.

Tháng công nhân” năm 2018, cũng là “Tháng hành động vì an toàn vệ sinh lao động”, bà Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch LĐLĐ TPHCM - khi đến thăm những công nhân bị tai nạn lao động nặng, không giấu được xúc động: “Mức trợ cấp cho anh chị em công nhân bị tai nạn lao động cao hay thấp còn liên quan đến mức đóng BHXH, thời gian người lao động được tham gia BHXH, tiền lương cơ sở. Mức trợ cấp thấp khiến cuộc sống của anh chị em gặp nhiều khó khăn. Tổ chức công đoàn mong anh chị em sống thật vui, trong điều kiện của mình, tổ chức công đoàn sẽ hỗ trợ cho anh chị em”.

Lê Tuyết/laodong

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).