Trầm tích Sró

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vẫn biết cuộc sống bây giờ nơi đâu chẳng đổi thay, nhưng ở mảnh đất từng là căn cứ cách mạng như xã Sró (huyện Kông Chro), mỗi sự đổi thay dù nhỏ cũng khiến ta trân trọng, nâng niu. Bởi đấy là những mảnh đất “Lịch sử lấy nơi này làm đất chôn rau…”.

Chỉ một con đường

Chậm rãi như đếm từng bước, cụ Đinh Truk vẫn lên tới tầng 2 trụ sở UBND xã Sró mà không cần ai dìu. 82 tuổi, tham gia cách mạng từ lúc thiếu niên, 35 năm làm Bí thư xã, cụ là một nhân chứng lịch sử hiếm hoi như hãy còn nguyên hơi thở của những cánh rừng một thời đạn bom và bụi bặm của những khoảnh ruộng nương nắng nôi se sắt…

- Nhà báo muốn nghe chuyện hồi chiến tranh ư? Dài lắm, kể đến đêm chắc gì hết được-cụ Đinh Truk cười hóm hỉnh gõ chiếc tẩu thuốc làm bằng inox nặng trịch vào thành ghế, nhồi một nhúm “thuốc đồng bào” rồi chậm rãi châm lửa hút. Lặng im một lúc như thể nên bắt đầu ở một khúc quanh nào đáng nhớ, câu chuyện của ông đưa tôi về những ngày cậu bé Đinh Truk đến với cách mạng bằng một lẽ giản dị mà tất yếu như bao con người ở mảnh đất này…

 

Ông Đinh Truk kể cho nhà báo nghe về những năm tháng chiến tranh.                  Ảnh: Huỳnh Lê
Ông Đinh Truk kể cho nhà báo nghe về những năm tháng chiến tranh. Ảnh: Huỳnh Lê

…Được 13 mùa rẫy, Đinh Truk đã biết ghét Pháp rồi. Pháp đóng đồn ở Puih Sró. Cứ mươi hôm nó lại xuống càn quét các làng. Mỗi lần Pháp càn là các làng như qua một trận đại dịch: nhà cháy, trâu bò bị giết, đàn bà con gái bị hãm hiếp… Thấy Đinh Truk tuy bé nhưng nhanh nhẹn, ông Đinh Nhông mến lắm. Một hôm trên đường ra rẫy chỉ có 2 chú cháu, ông cầm tay hỏi: “Thằng Pháp đến làng nước mình làm điều ác, người Bahnar ta phải chung sức cùng anh em Kinh đánh đuổi nó đi, giành độc lập tự do để tiến lên chủ nghĩa xã hội, mày có dám theo không?”. Sửng sốt vì bất ngờ nhưng cậu bé Đinh Truk vẫn cứng cỏi đáp: “Dám chớ. Tức Pháp quá rồi. Nhưng “độc lập tự do” là cái gì?”. Ông Nhông giảng: Độc lập là thằng Pháp phải cút khỏi làng nước mình. Tự do là muốn đi đâu cũng được, làm gì cũng được. “Thế còn chủ nghĩa xã hội?”. Ông Nhông nói nhiều cái không hiểu được nhưng ý là: Lúc đó mình được học hành, muốn ăn mặc sung sướng thế nào cũng có… Vậy thì còn gì hơn nữa. Đánh Pháp có chết cũng cam!  

Đội du kích xã được thành lập. Đinh Truk được cử làm Tiểu đội trưởng. Cả đội du kích chỉ có mấy quả lựu đạn với vài cây gươm. Phải chờ Pháp ra khỏi đồn đi càn mới phục kích nó bằng chông, bẫy mang cung. Ba lần tổ chức phục kích đồn Sró, cuối cùng Đinh Truk bị bắt. Pháp hỏi: “Ai xui mày làm du kích ?”. Đáp: “Học người Kinh thôi”. “Lựu đạn để đâu ?”. “Ném vào người Pháp hết rồi !”. Pháp tức lấy nước xà phòng đổ vào miệng rồi giẫm lên bụng... Suốt 18 con trăng không làm được gì, Pháp phải thả ra.

Đánh Pháp đã gian khổ nhưng cái khổ ấy so với đánh Mỹ thì thấm đâu… Nhưng đây cũng là lúc tinh thần cách mạng ăn sâu vào tâm trí bà con các làng rồi. Mỹ-Diệm lên “tố Cộng” lùng bắt cán bộ. Chúng bắt từng người đổ nước mắm vào mũi, vào miệng rồi lấy cây dận lên bụng… Nhằm những đêm thật rét, nó bắt dân làng cởi quần áo dìm xuống vũng trâu đằm. “Tẩm” xong kéo đến đống lửa cho hong một lúc rồi dìm tiếp… Cực hình là vậy nhưng không ai hé răng khai một lời. Không lấy được đất, Mỹ-Ngụy lấy trời hòng khuất phục bà con. Núi rừng, làng mạc thành than vì bom đạn, vì chất độc hóa học. Làm ra hột lúa nhọc nhằn còn hơn cả đeo tảng đá leo núi Kông Chro: chỉ ra rẫy được lúc sớm tinh mơ hoặc khi mặt trời sắp khuất núi. Thế nhưng có được bao nhiêu cũng chia bộ đội một nửa, mình một nửa. Hết mấy ngày mùa, chỉ con nít và người già là đôi khi còn biết đến cơm; còn thì ai cũng củ mì luộc nhiễm chất độc đắng ngắt… Nhà Đinh Truk hồi đó cũng như bao người ở Sró này: chồng đi thoát ly, vợ ở nhà làm rẫy nuôi bộ đội. Sinh 7 đứa con chỉ sống được 3 vì đói cơm, thiếu thuốc… Ngày không lửa, tối không đèn; đói ăn, thiếu mặc… gian khổ chất cao hơn ngọn Chư Ro nhưng suốt một thời chiến tranh dân các làng Sró không một ai chạy vào vùng giặc. Ai cũng chỉ một con đường theo cách mạng.

Vẫy vùng trên đất khó

Giữa mùa nắng nôi nghiệt ngã này, tìm một khoảnh xanh sự sống trên đất Sró cũng là điều khó. Miên man một màu nắng. Nắng hòa tan màu đất, màu cỏ cây. Nắng run rẩy cả những nếp nhà vênh vao giữa triền đất trống…Trong hơi thở nồng hơi nắng, tôi thấm thía một điều rằng người Sró tồn tại qua bao năm tháng đạn bom đã là kỳ tích, nhưng cũng không thể suy luận thẳng băng rằng thuần là mưu sinh thời bình thì chỉ là sự  dễ dàng. Không còn đạn bom, chết chóc nhưng sự sống phải nhờ trời cho 2 thứ cây muôn năm là lúa rẫy và mì thì gần như vẫn còn nguyên đó. Ấy vậy nhưng trên tấm bản đồ đa sắc nghèo Kông Chro, Sró cũng nâng được mình lên bằng một sắc màu trung tính.

Với thu nhập bình quân đầu người hơn 10 triệu đồng/năm, Sró thậm chí đã vượt hơn một số xã kế ngay bên thị trấn như Ya Ma chẳng hạn… Không nói 2 thôn kinh tế mới với những hộ làm ăn giỏi như bà Hoàng Thị Tươi, ông Hoàng Văn Hiến thu nhập tới 700-800 triệu đồng/năm thì một số bà con Bahnar cũng đang vươn tới đích hộ khá. Đấy là các ông Đinh Y Vai (làng Poh), Đinh Pít (làng Kước), Đinh Pek (làng Quel)… Trong số họ nổi bật là ông Đinh Pek với 6 ha rẫy, nuôi 15 con bò, thu nhập mỗi năm trên 150 triệu đồng… Tuy nhiên, những tấm gương làm ăn được như thế hãy còn quá ít. Và với quá khứ cách mạng như vậy, người ta nghĩ Sró lẽ ra phải có một thành tích chiến thắng đói nghèo cao hơn… Điều tôi băn khoăn dường như chạm đúng những gì ẩn chứa trong lòng, cụ Đinh Truk nói vẻ bức xúc:    

- Từng làm Bí thư xã suốt 35 năm lẽ nào mình không biết. Ai đến Sró chỉ trước những năm 2004 thôi, giờ đã thấy khác quá nhiều. Nhà nước ưu tiên cho điện-đường-trường-trạm, nước sạch… đủ hết, dân chỉ lo mỗi việc làm ăn thôi vẫn nghèo. Nói nắng gió bao đời đã vắt kiệt đất, còn rừng mỗi ngày mỗi xa con người thì đúng. Thế nhưng cùng sống trên đất này mà bà con ở 2 thôn Kinh mới vào năm 2004 có ai phải nghèo đâu. Cũng là tại cái đầu cả thôi. Nếp nghĩ thời ông bà chưa dứt được nên cứ ngại theo cái mới. Bên mắt mình đây, bà con Kinh trồng mía làm giàu mà người Bahnar đâu có mấy ai theo… Tệ hơn, có người lại cho nghèo là… sướng. Thế nên mình đi vận động, nó cãi lại bằng cái lý thế này: Ông siêng làm thì được ăn gạo đỏ (gạo rẫy của đồng bào-N.V), tôi nhác làm nên được ăn gạo trắng của người Kinh(!).

Tôi phải bật cười bởi câu chuyện “đậm chất đồng bào” của ông cụ… Những điều ông nói có lẽ chẳng riêng gì Sró. Đấy là vấn đề tâm lý xã hội chung của nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để thay đổi được nó thì cần có thời gian. Tuy nhiên, tôi cũng đã thấy những điều này đang thay đổi dẫu hãy còn hơi chậm. Ấn tượng nhất với tôi trong sự đổi thay ấy là bà con Sró đã biết dứt khỏi đời sống những gì lạc hậu, trì kéo; giữ lại những gì tốt đẹp của truyền thống để làm nền tảng đi lên. Chẳng hạn như vấn nạn tự tử. Trong khi nhiều xã đang đau đầu với tình trạng này thì ở Sró từ năm 2015 đến nay đã không xảy ra trường hợp nào. Ở Sró bây giờ vẫn còn nhiều phong tục mà các làng nơi khác đã lùi về tít tắp, chẳng hạn lúa tuốt về cứ để luôn ngoài chòi rẫy, ăn đến đâu lấy về đến đấy mà không sợ mất. Chuyện trộm cắp trong các làng nếu có chỉ đôi vụ vặt vãnh mà cũng rất ít khi xảy ra. 2 thôn kinh tế mới người Kinh và người Bahnar sống hòa thuận, không có việc xích mích hay tranh chấp đất đai; các thôn còn thành lập hội kết nghĩa để giao lưu, giúp nhau cách làm ăn. Ở Sró không hề có chuyện tà đạo. Kẻ xấu nếu đến gieo rắc luận điệu phản động sẽ không có chỗ đặt chân… Có thể nói cuộc sống ở nơi này đang là một sự bình yên lý tưởng. Đó là gì nếu không phải từ nền tảng của truyền thống cách mạng mà ra?

Và đấy mới là lý do tôi tin rằng nhất định sẽ có một ngày Sró vượt lên. Xây cái mới trên sự thuần khiết, yên bình bao giờ chẳng thuận hơn là xây cái mới trên sự khập khiễng của lòng người… Hoàng hôn chín sẫm trên đầu núi. Màu nắng một ngày ác liệt lả dần. Đến quán nước đầu làng đã nghe nhịp chày giã gạo đâu đây văng vẳng. Cái âm thanh gợi nên một cái gì trầm ấm thanh bình.

Đăng Vương

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.