Phú Mỹ Hưng-khu phố châu Á bờ Nam Sài Gòn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với hơn 50% số dân là người nước ngoài sinh sống, đông hơn cả là người đến từ các nước châu Á nên khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP.HCM) còn được mệnh danh là "khu phố châu Á" ở bờ nam Sài Gòn.

Đô thị đẳng cấp

Chúng tôi đến khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng trong một trạng thái bất ngờ như đang lạc vào những khu phố cao cấp của một đất nước tiên tiến nào đó.

 

Một dãy phố thuộc khu Văn hóa giải trí của Phú Mỹ Hưng.
Một dãy phố thuộc khu Văn hóa giải trí của Phú Mỹ Hưng.

Ấn tượng đầu tiên là từ đại lộ "xương sống" Nguyễn Văn Linh hơn 10 làn xe rộng 120m, luồng đường nào cũng rợp bóng cây xanh, và dãy công viên rộng ở giữa nghe đâu sẽ được xây dựng tuyến tàu điện xuyên suốt.

Rẽ vào các đường "xương cá" bên trong, những dãy nhà phố liền kề và biệt thự nối tiếp quy củ, ngăn nắp trên những tuyến phố sạch sẽ, rợp bóng cây xanh.

Xen kẽ là các cụm cao ốc thiết kế hiện đại, sang trọng dọc dài quanh những khu công viên, hồ nước, bờ kênh, tạo thành các điểm nhấn đô thị bắt mắt.

Trên những lối đi bộ ven đường, ven công viên hay dọc bờ sông, nhiều người nước ngoài nắm tay nhau tản bộ, dắt chó, ôm mèo hay ngồi ghế đá hóng gió, thưởng cảnh...

Được đầu tư xây dựng từ giữa thập niên 1990, cho đến nay khu đô thị Phú Mỹ Hưng đang dần hoàn thiện với năm khu chức năng có tiện ích đầy đủ của một thành phố hiện đại thu nhỏ.

Trong đó, rộng nhất là khu trung tâm gồm nhiều khu ở, khu thương mại tài chính, khu điều dưỡng và văn hóa giải trí. Kế đến là khu "Làng đại học", cơ quan hành chính, công viên...

Khu trung tâm kỹ thuật cao chủ yếu tập trung các xí nghiệp, công ty đầu tư công nghệ tiên tiến. Và hai khu trung tâm lưu thông hàng hóa được định hướng trở thành đầu mối vận chuyển, thương mại và dịch vụ từ các tuyến đường bộ và đường thủy tỏa đi khắp nơi...

Điều ấn tượng nhất đối với chúng tôi vẫn là những khu ở cao cấp, nhà ở liền kề, biệt thự và cao ốc căn hộ, nơi sinh sống của giới "thu nhập tầm trung trở lên" không chỉ của TP.HCM mà còn của cả nước; đồng thời là nơi tập trung sinh sống của công dân đa quốc tịch.

Dạo một vòng quanh Phú Mỹ Hưng có thể dễ dàng nhận ra sự phân biệt đẳng cấp giữa các phân khu dựa trên đặc điểm phố xá, kiến trúc, mật độ cây xanh, mặt nước...

Một chủ căn hộ ở khu Cảnh Đồi thuộc Phú Mỹ Hưng cho hay: "Các khu vực ở Phú Mỹ Hưng, phần lớn được phân biệt đẳng cấp theo giá thuê căn hộ.

Một trong các khu vực "đại đồng" nhất chính là khu Văn hóa giải trí, giá thuê gần như thấp nhất, có căn hộ mỗi tháng chỉ 500-700 USD.

Trong khi các khu Cảnh Đồi, khu Hồ Bán Nguyệt hay khu Tài chính quốc tế có giá thuê mỗi tháng 1.000 USD trở lên. Cao bậc nhất vẫn là khu Nam Viên, giá thuê có thể lên đến hơn 2.500 USD/căn hộ"...

Giới đầu tư địa ốc

Khắp nơi trong khu đô thị này có thể tìm thấy hầu hết những thương hiệu quốc tế lớn từ ẩm thực, giải trí, thời trang, mỹ phẩm...

Sài Gòn có gì thì bên đây có nấy, thậm chí còn tập trung hơn. Riêng về ẩm thực, rất dễ tìm thấy ở đây những nhà hàng Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc hay Trung Quốc...

Có cả chủ nhân nước ngoài mở hàng phục vụ khách ngoại lẫn khách Việt. Ngược lại, rất nhiều quán Việt của chủ người Việt phục vụ cả khách Việt lẫn nước ngoài.

Dân số Phú Mỹ Hưng hiện trên 30.000 người, chiếm hơn 50% là người nước ngoài đến từ hàng chục quốc gia.

Theo Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng, đông hơn cả vẫn là công dân các nước và vùng lãnh thổ châu Á, nhiều nhất đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc...

"Tại Phú Mỹ Hưng, giới đầu tư bất động sản ở toàn dân châu Á chiếm đến 70-80%!" - đại diện Công ty Phú Mỹ Hưng nói. Chính vì vậy người ta gọi Phú Mỹ Hưng là "khu phố châu Á".

Những cộng đồng cư dân châu Á thường có xu hướng ở theo từng cụm. Trong đó người Hàn tập trung đông nhất ở khu Văn hóa giải trí, trong khi người Nhật lại chọn mua căn hộ ở khu Midtown...

 

Chủ quán bar gốm, James, hướng dẫn một vị khách làm gốm.
Chủ quán bar gốm, James, hướng dẫn một vị khách làm gốm.

Chàng rể Đài Loan và quán bar gốm

Tại một quán "bar - gốm" trên đường Trần Văn Trà thuộc khu Kênh Đào, bước vào tôi gặp ngay các vị khách nước ngoài đang tạo hình gốm bên mấy cái bàn xoay dưới sự hướng dẫn của chủ quán.

Tầng hầm của xưởng gốm là bếp và lò nung, trong khi tầng 2 là quán bar - cà phê. Đó là nơi kinh doanh của anh James Michael Kershek (người Mỹ) và cô vợ Anny Chen (người Đài Loan), thu hút rất đông khách từ nhiều tháng nay.

James ở California, dân công nghệ máy tính. Dù anh đang ăn nên làm ra trên đất Mỹ nhưng lại bị stress nặng.

Theo lời khuyên của bố, anh theo học một số bộ môn nghệ thuật để làm giảm stress. Cho dù những ngón đàn guitar của anh đạt mức "cao tay" nhưng chứng stress không giảm mà còn nặng thêm.

Thế là anh theo học làm gốm, và thật bất ngờ anh tìm thấy niềm vui với nghề này... Sau khi gặp và kết hôn với Anny, anh quyết định rời Cali đi du lịch nhiều nơi. Năm 2015, trong một lần được giới thiệu khu phố Phú Mỹ Hưng tại VN, hai vợ chồng đã chọn đây làm nơi định cư.

Sau khi mở quán bar - cà phê, James ghé thăm xưởng dạy gốm Raku của một người Nhật ở quận 3, anh liền mở ngay xưởng gốm ở ngay quán của mình để thu hút mọi người đến học.

"Tôi không kinh doanh để lấy lời mà kinh doanh để tìm niềm vui. Giống như tôi chọn Phú Mỹ Hưng để sinh sống vậy, vì nơi đây vợ chồng tôi được sống thoải mái để hưởng thụ niềm vui" - James nói.

 

"Rất đặc biệt"
Nhiều người dân TP.HCM thường tìm đến khám phá những nơi tập trung buôn bán và giải trí của người nước ngoài. Trong ảnh là chợ ẩm thực châu Á ở
Nhiều người dân TP.HCM thường tìm đến khám phá những nơi tập trung buôn bán và giải trí của người nước ngoài. Trong ảnh là chợ ẩm thực châu Á ở "phố tây" Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM.
Anh Nguyễn Thiên Phúc, giám đốc sản phẩm của Công ty du lịch - thương mại Á Đông Vidotour, cho rằng các khu chợ ngoại, phố ngoại ở TP.HCM là điều "rất đặc biệt" không dễ tìm thấy.

Anh nói: "Tôi đi nhiều nơi nhưng ít thấy thành phố nào có... yếu tố quốc tế, nhất là văn hóa ẩm thực phong phú như ở TP.HCM. Rõ ràng đó là chi tiết rất cần chú trọng để đầu tư khai thác và quảng bá, thu hút du lịch cho cả khách nội địa lẫn quốc tế.

Những khu chợ, phố ngoại này làm cho TP.HCM trở nên đặc biệt hấp dẫn, vì ngay tại đây mọi người có thể thưởng thức đủ các hương vị của thế giới!".

Thái Lộc/tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.