Người Lô Lô làm homestay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bao đời nay người Lô Lô - một dân tộc ít người (ở thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang) - chỉ biết sống dựa vào nương ngô trên núi đá tai mèo lởm chởm thì những năm gần đây đã biết chọn nghề làm homestay đề "khởi nghiệp".

Trưởng thôn Lô Lô Chải, anh Sình Dỉ Gai nói như đinh đóng cột: "Mình làm được thì bà con cũng sẽ làm được thôi. Nhờ kinh doanh homestay mà đời sống người dân ở bản đã thay đổi, phát triển tích cực".

 

Bà Mùng Thị Gối (78 tuổi) giới thiệu đồ uống ở quán cà phê của bản có tên Cực Bắc.
Bà Mùng Thị Gối (78 tuổi) giới thiệu đồ uống ở quán cà phê của bản có tên Cực Bắc.

Cán bộ đi đầu

Năm 2011, sau một lần được đi học tập mô hình làm du lịch cộng đồng, anh Gai về nhà bàn với vợ. Thế là gia đình bán ngô, thóc đầu tư một phòng nghỉ dành cho sáu người ngủ qua đêm. May mắn, mùa du lịch đầu tiên vợ chồng anh không chỉ thu hồi được vốn mà còn có được tiền lãi.

"Mới đầu mình làm không ai tin là sẽ kiếm được tiền đâu, người nào đi qua cũng nhìn ngó rồi lắc đầu. Người Lô Lô sống cả trăm năm ở đây mặc dù chăm chỉ nhưng do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên vẫn cứ nghèo. Tiếp xúc với bên ngoài ít, đến nay nhiều người chỉ thạo tiếng mẹ đẻ, còn tiếng Kinh nói chưa sõi" - anh Gai nói.

Rồi khách du lịch ngày càng đông. Năm 2014 bản đón một đoàn khách người Nhật đến thăm. Thích thú với nét văn hóa người Lô Lô, sau chuyến thăm này ông Ogura (người Nhật) đã tư vấn cho dân bản cách phát triển du lịch văn hóa cộng đồng.

"Ông Ogura không chỉ dạy kinh doanh sao cho hiệu quả mà còn hỗ trợ tiền để gia đình mình làm thêm một căn nhà phục vụ du lịch" - chị Vàng Thị Xuyến (vợ anh Gai) nói.

Sau khi khánh thành đưa vào hoạt động, ngôi nhà nghỉ trình tường (vách đất) của anh Gai có hai tầng, ba phòng ngủ riêng biệt, một phòng tập thể chứa được 20 khách.

Từ đó gia đình anh Gai đã ổn định hơn về kinh tế. Dù là dịch vụ homestay nhưng phòng riêng dành cho khách không khác gì nhà nghỉ ở thành phố.

"Phòng riêng mình thu 200.000 đồng/đêm, phòng tập thể thì 100.000 đồng/người, vào mùa hoa tam giác mạch gần như cháy phòng. Năm 2017 trừ mọi chi phí gia đình thu được 62 triệu đồng. Ngoài tiền trang trải cuộc sống, mình còn để dành cho hai đứa con lấy cái học" - anh Gai cười tươi.

Thấy gia đình anh Gai "ăn nên làm ra", anh Dìu Dỉ Siến đến học hỏi kinh nghiệm để làm... homestay.

Mùa hoa tam giác mạch đầu tiên từ tháng 10 âm lịch đến hết tháng 11-2017 gia đình anh Siến đã đón được hơn 200 khách.

Ngoài cho thuê phòng nghỉ qua đêm, gia đình anh còn nấu các món ăn truyền thống phục vụ khách theo nhu cầu như mèn mén, thịt treo gác bếp, rau cải xanh...

Anh Siến khoe: "Trừ mọi chi phí, mỗi tháng mình kiếm được hơn 2 triệu đồng. Từ ngày đón khách, nhà vui hẳn lên vì có người ra vào trò chuyện. Có khách tới chơi, thuê phòng nên nhà nào nhà nấy trong bản cũng phải vệ sinh sạch sẽ, trong nhà thì ngăn nắp hơn. Bây giờ chúng tôi không chỉ lo no cái bụng mà còn phải phấn đấu làm giàu".

Hướng mắt nhìn về ngôi nhà đã dựng khung gỗ, đang chờ thời tiết nắng ấm để trình tường, anh Vàng Dỉ Tình, bí thư chi bộ thôn Lô Lô Chải, bảo rằng: "Hi vọng lần này mình khởi nghiệp làm homestay thành công. Mình là cán bộ nên phải làm để người dân nào chưa làm homestay học theo mô hình".

Bí thư Tình dự kiến theo tiến độ, ngôi nhà của anh sẽ hoàn thành và đón khách dịp 30-4 này.

"Chúng mình là dân tộc Lô Lô, một trong các dân tộc ít người và có rất nhiều nét văn hóa riêng. Nghèo thì không thể gìn giữ được nét văn hóa của dân tộc mình nên bằng mọi cách phải phát triển kinh tế, đi lên từ chính nơi đã sinh ra mình..." - anh nói.

 

Bản Lô Lô Chải.
Bản Lô Lô Chải.

Thoát khỏi ký ức... mèn mén

Cách gia đình anh Tình vài nóc nhà, vợ chồng anh Sình Đại Dương cũng đã chuyển đủ gỗ, đá để chuẩn bị làm nhà trình tường.

Anh Dương nói: "Dự kiến đến lúc hoàn thiện phải tốn hơn 400 triệu đồng. Nhà sẽ làm hai tầng, gia đình chỉ ở hai phòng, còn lại để dành chỗ cho khách thuê".

Để có tiền xây ngôi nhà này, ngoài vay mượn anh em họ hàng thì hai vợ chồng anh phải tích góp trong nhiều năm liền.

Cuộc sống trước đây của dân Lô Lô Chải chủ yếu dựa vào một vụ lúa nương, một vụ ngô trên núi đá. Năm nào được mùa thì có cơm trộn ngô để ăn, nếu mất mùa thì chỉ ăn mèn mén (ngô xay nhỏ rồi hấp) thay cơm, rau cải nương triền miên.

"Nuôi được lợn, gà thì không dám ăn mà để dành mỗi khi có công to việc nhỏ mới bán. Bữa cơm hằng ngày chỉ món chính là rau cải thôi, ăn mãi rồi cũng xót ruột..." - chị Xuyến kể.

Chị Sình Thị Tuyên (vợ anh Siến) nói vài năm trước chị nuôi lợn, đi nương cực khổ, còn chồng thì làm thuê, ai nhờ gì làm đó nhưng vẫn không đủ gạo cho các con.

 "Diện tích của bản rộng nhưng đất canh tác rất ít nên chúng tôi trồng cả ngô trong hốc đá tai mèo. Nhìn thấy con thì biết bọn chúng ăn không đủ no nhưng chẳng còn cách nào khác" - chị Tuyên nói.

Từ ngày có khách du lịch về với bản Lô Lô này, một số cửa hàng tạp hóa đã mọc lên. Hiện nay đàn ông trong bản ngoài phụ vợ chăn trâu, làm nương còn kiêm cả chạy xe ôm chở khách du lịch.

Đưa chúng tôi đi tham quan một vòng ở bản, trưởng thôn Gai nói: "Cái đói, cái rét đã đè lên người Lô Lô bao đời nay rồi. Sắp tới họp thôn tôi sẽ thông báo ai cần bổ túc học tiếng Anh sẽ có con trai nuôi của tôi dạy. Phải học ngoại ngữ để người dân trong bản làm du lịch tốt hơn".

 

Bảo tồn để làm du lịch
Hai vị khách Thụy Sĩ đến nghỉ ngơi tại bản của người Lô Lô.
Hai vị khách Thụy Sĩ đến nghỉ ngơi tại bản của người Lô Lô.
Người dân bản Lô Lô Chải cho biết mặc dù làm homestay đang rất phát triển bởi nhu cầu của khách du lịch ngày một đông, tuy nhiên chính quyền địa phương cần có những định hướng để phát triển bền vững.

"Đã có một số gia đình cho doanh nghiệp thuê lại nhà để kinh doanh. Tôi đã kiến nghị lên cấp trên hướng dẫn cách làm du lịch để người dân trực tiếp làm homestay. Cần có quy hoạch, bảo tồn những ngôi nhà trình tường có từ lâu đời nhưng đến nay vẫn chưa thấy trả lời" - trưởng thôn Lô Lô Chải cho biết.

Theo chủ tịch UBND xã Lũng Cú - ông Lê Đăng Hải, làng văn hóa Lô Lô được tỉnh công nhận từ năm 2007 nên được khuyến khích đầu tư để phát triển du lịch nhưng vẫn phải bảo tồn, không được phá vỡ cảnh quan.

Quang Thể/tuoitre

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.