Miền biển "cạn" ngư dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thiếu lao động nghiêm trọng từ nhiều tháng nay, hàng trăm tàu công suất lớn phải nằm lại ở cảng Mỹ Á (Quảng Ngãi) và Thọ Quang (Đà Nẵng).

Nhiều chủ tàu cá Quảng Ngãi buộc phải đi biển với số lao động chỉ bằng 2/3 bình thường. Bạn biển lợi dụng tình cảnh khó khăn còn lừa lấy tiền ứng rồi trốn biệt. “Nghề cá nếu vẫn để phát triển một cách bản năng thì không sớm thì muộn sẽ chẳng còn ngư dân” - ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Đà Nẵng - cảnh báo.

 

Tàu cá Quảng Ngãi nằm dài đợi ngư dân.
Tàu cá Quảng Ngãi nằm dài đợi ngư dân.

Ngư dân chê biển, trốn tàu

Trở lại cảng biển Mỹ Á, xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) sáng 3-4, khung cảnh đìu hiu bao trùm cả làng biển nghèo. Thỉnh thoảng chỉ có vài ngư dân leo lên thuyền đang nằm bờ để che chắn ngư lưới cụ. Trong số đó, có ngư dân Trương Văn Chín, trú xã Phổ Quang - chủ tàu vỏ thép QNg 94749.

Anh Chín buồn bã kể, sau chuyến đi đầu tiên, ngày 23-3, anh Chín trả đầy đủ tiền công 5 triệu/người cho 12 ngư dân cùng tiền ăn theo sản lượng đánh bắt. Ngoài ra, để giữ chân lao động, anh Chín phải bỏ thêm 50 triệu cho các bạn thuyền ứng trước.

Để đáp lại tình cảm và sự “ưu ái” của anh Chín, cả 12 ngư dân hứa hẹn chắc nịch: “Em sẽ đi làm cùng anh, mai 8 giờ em có mặt”. Vậy nhưng, lời hứa gió bay, đến sáng hôm sau, 8 giờ, 9 giờ, 12 giờ,... cũng chỉ có 2 người bạn biển đến.

Còn 10 thuyền viên khác đều “bận” cưới hỏi, chăm con hoặc “thuê bao không liên lạc được”. “Tàu tôi nằm bờ 10 ngày nay rồi vì không có lao động. Cứ nghe giới thiệu chỗ nào có lao động tôi cũng chạy đến gọi đi làm, nhưng cuối cùng chẳng có ai” - anh Chín buồn bã.

Theo anh Chín, con tàu vỏ thép trị giá 16 tỉ đồng của anh chưa bao giờ phải nằm bờ lâu như vậy. Bởi vì từ khi hạ thủy (đầu năm 2016) đến nay, con tàu của anh hoạt động rất tốt. Chuyến biển nào cũng có lãi.

May mắn không gặp phải tình trạng tương tự như trên nhưng 3 tàu cá của ông Võ Thanh Nam (trú thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) phải vay mượn bỏ ra gần 100 triệu đồng để chuyển đổi từ nghề lặn sang nghề lưới vây cũng vì thiếu bạn biển.

Ông Nam giải thích, 3 tàu cá của ông (do 3 con trai ông làm thuyền trưởng) đều hành nghề lặn biển ở Hoàng Sa, mỗi tàu phải cần có 10 đến 12 lao động. Nhưng thời gian gần đây, xảy ra tình trạng khan hiếm lao động đi biển nên buộc phải chuyển sang nghề câu.

“Mùa này là mùa đánh bắt, nên chủ tàu nào cũng phải tìm cách vươn khơi dù thiếu lao động trầm trọng. Như chuyến biển mới đây, trên 3 tàu cá của tôi chỉ có 8 người nhưng phải ra khơi hành nghề câu. Còn đồ lặn mới mua gần trăm triệu đồng buộc phải để ở nhà vì không đủ lao động” - ông Nam ngao ngán.

Thiếu lao động, phải bỏ tiền “mua bạn” cũng là tình cảnh xảy ra tại cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng). Chị Lê Thị Sơn - chủ tàu cá QNg 92817, Quảng Ngãi - cho biết, một tàu giã cào bình thường cần 15-17 lao động nhưng nay chỉ có 12 người cũng đi.

“Không đủ người cũng phải đi chứ chẳng thể đậu bờ. Nhà tôi đầu tư 4 chiếc tàu lớn, mỗi tàu vay hoàn toàn vốn ngân hàng từ 10 đến 12 tỉ đồng. Mỗi tháng phải trả tiền vay ngân hàng 80 triệu đồng mà nằm bờ thì tiền đâu ra” - chị Sơn cho hay.

Nói là vậy nhưng từ tết đến nay đi biển được 2 chuyến, gia đình chị Sơn không đủ tiền công cán. Có tàu may mắn được một ít lãi nhưng đi thiếu bạn, công việc nặng nề hơn.

“Chuyến vừa rồi chúng tôi đi 20 ngày mà chia phần được 2 triệu đồng/người. Những năm khác có thể thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng mà nay lương công quá thấp như vậy thì hỏi ai muốn đi nữa? Nhiều lao động ngán ngẩm, nghỉ biển tìm việc trên bờ là phải. Chúng tôi đi cũng vì chưa tìm được nghề trên bờ mà thôi” - anh Nguyễn Dương, một ngư dân tại cảng cho hay.

Tình cảnh trên khiến không chỉ chủ tàu lẫn bạn biển đều ngao ngán mà cả cảng cá Thọ Quang đều “buồn thiu”. Chị Phạm Chung - chủ một đầu mối cung cấp nước ngọt tại cảng - lắc đầu: “Biển đói lắm, đánh bắt không có nên nhiều ngư dân bỏ biển, các tàu thiếu bạn đậu bờ hàng dài. Nhiều tàu ra khơi về lỗ vốn bởi nhiên liệu, nguyên liệu ngày càng tăng. Mỗi chuyến biển như vậy các tàu phải bỏ ra 300 triệu tiền vốn chứ đâu ít. Nhiều tàu phải “mua bạn” tại Đà Nẵng. Tức là cho bạn ứng tiền trước, có người đòi 5 triệu, có người đòi đến vài chục triệu cho cả mùa biển họ mới chịu đi. Chủ tàu phải đáp ứng, không cần biết chuyến đi tới có trúng hay không”.

Vậy nhưng theo chị Chung, đó cũng là tâm lý tất yếu bởi họ còn gia đình và so ra với công việc trên bờ thì nghề biển đang ngày càng bấp bênh. Kiếm bạn khó quá, có tàu rao bán chỉ còn 1/3 giá trị mà chẳng ai thèm hỏi mua - chị Chung chỉ tay về phía cuối cảng cá. Hàng dài con tàu lớn nằm bờ im lìm. “Mấy nay chủ tàu về quê tìm lao động rồi, không còn ai ở đó cả”.

Liên quan đến câu chuyện thiếu lao động, mới đây tại Quảng Ngãi đã xảy ra câu chuyện buồn khi lực lượng chức năng cảng Sa Kỳ phát hiện 2 tàu cá QNg 93839-TS và QNg 92450-TS (do ông Dương Minh Tiến, trú xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi - làm chủ) đã bắt giữ và dùng dây xích trói 4 ngư dân (tỉnh Bình Thuận) trên tàu.

Theo lời khai của ông Tiến, để có lao động, ông Tiến đã ứng trước cho 4 người số tiền khoảng 28 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình đánh bắt, do các ngư dân không chịu làm việc nên ông Tiến phải đưa về lại Quảng Ngãi và dùng dây xích trói 4 ngư dân vì sợ các thuyền viên trốn nợ.

 

Ông Trần Văn Linh - Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Đà Nẵng - nhận định nếu không được mở ngành nghề đào tạo và các cơ sở hạ tầng cần thiết, ngư dân sẽ không còn mặn mà với nghề.
Ông Trần Văn Linh - Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Đà Nẵng - nhận định nếu không được mở ngành nghề đào tạo và các cơ sở hạ tầng cần thiết, ngư dân sẽ không còn mặn mà với nghề.

Bao giờ mới hết nghề cá nhân dân?

Tình cảnh chủ tàu Quảng Ngãi đỏ mắt đi tìm ngư dân. Bạn biển thì chẳng còn mặn mà gì với nghề khiến nhiều người xót xa. Vậy nhưng ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Đà Nẵng - cho biết: “Đây là điều đã được cảnh báo”. Bởi, không chỉ có tàu Quảng Ngãi không có lao động mà tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay với tàu Đà Nẵng.

“Hơn 30% số lượng ngư dân tại Đà Nẵng đã sụt giảm từ nhiều năm qua. Chủ tàu phải thuê nhân công từ Quảng Nam và nhiều địa phương khác và nay là đến tàu Quảng Ngãi gặp phải vấn đề này”.

Nguyên nhân được ông Lĩnh phân tích, nghề biển vốn dĩ đã nguy hiểm và rủi ro thì nay mức độ đó đang tăng cao hơn. “Biển ngày càng cạn kiệt tài nguyên, năng suất thấp, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống thì ai theo?

Bên cạnh đó, dù chúng ta có những chính sách chú trọng với nghề đánh cá nhưng nghề cá của Việt Nam hiện nay vẫn đang là nghề cá nhân dân, ai làm gì thì làm, tất cả đều theo bản năng. Hệ thống giáo dục của Việt Nam từ trường nghề đến đại học không có nơi nào dạy đánh cá.

Chúng ta chỉ có vài khoá dạy thuyền trưởng để cấp bằng, dạy kỹ năng hàng hải nhưng đó không phải là nghề cá. Chúng ta có chương trình 67, nhưng chỉ hỗ trợ cho con tàu - một bộ phận rất nhỏ của nghề cá. Tôi e rằng, mai mốt đây sẽ không có người đi đánh cá nữa và nguy cấp hơn là biển cũng không ai giữ cả!” - ông Lĩnh cảnh báo.

Quả thật, có một thực tiễn là từ trước hay cho đến bây giờ, nghề cá phát triển theo nghiệp cha truyền con nối. Ngư dân là những người không biết đi học ngành nghề gì thì xuống tàu đi biển. Cũng chính vì vầy mà ngư dân không biết, không hiểu luật hoặc cố tình phạm luật khi đánh bắt ở vùng biển nước ngoài, khiến cho ngành xuất khẩu thủy-hải sản Việt Nam bị tuýt còi.

“Chưa kịp mừng vì mới đây Quốc hội vừa qua đã thông qua Luật Hải sản mới, theo đó chúng ta sẽ áp dụng những tiêu chuẩn của nghề cá hiện đại. Nhưng áp dụng luật hiện đại của Châu Âu trên cơ sở từ phương tiện đến công nghệ, con người đều là nghề cá nhân dân sẽ tiếp tục tạo nên những mâu thuẫn. Liệu bao nhiêu ngư dân đáp ứng được những tiêu chuẩn đó?” - ông Lĩnh đặt câu hỏi.

Từ thực tiễn ấy, ông Lĩnh khẩn thiết đề nghị, muốn nghề cá phát triển, phải coi nghề cá là một nghề thực sự. Tức là lao động phải được đào tạo bài bản, đi từ cơ giới hoá lên hiện đại hoá. Nguồn nhân lực đó bao gồm người thợ, thuyền trưởng.

Đi kèm theo đó là những chính sách xuất phát từ đặc điểm của một nghề rất rủi ro. Mà đã là ngành nghề phải có thứ bậc, bậc lương, có quy chế, quy định hành nghề. Chính phủ cũng phải làm ngay và phải đi đầu trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng như cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền để ngư dân vững tâm bám biển.

“Có như vậy mới mong rằng, 5 hay 10 năm nữa sẽ có đội ngũ ngư dân thuần thục, hành nghề chuyên nghiệp và đưa ngư nghiệp Việt Nam một ngành nghề. Chúng ta không trồng cây thì không thể mong có trái ngọt được!” - ông Lĩnh chia sẻ.

Thùy Trang-Trần Hóa/laodong

Có thể bạn quan tâm

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.
Hành trình trả rừng về nguyên bản

Hành trình trả rừng về nguyên bản

Hơn 500 cây sao đen được trồng trên khu rừng cộng đồng rộng 4ha ở thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) là bước đệm đầu tiên của hành trình “cõng” cây gỗ lớn về rừng, trả lại mảng xanh cho núi rừng Hòa Bắc cũng như tạo sinh kế bền vững cho bà con Cơ Tu ở đây.