Little Tokyo trong lòng Sài Gòn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

"Little Tokyo" (Tiểu Tokyo) hay "phố Nhật Bản" là khu vực thuộc ba tổ dân phố 33, 34 và 36, phường Bến Nghé, quận 1, cạnh giao lộ Thái Văn Lung - Lê Thánh Tôn.

Người Việt khoái người Nhật

Ngay từ đầu hẻm 8A Thái Văn Lung, đón chào khách là hàng loạt biển hiệu giới thiệu các "hàng quán Nhật Bản" trong khu phố.

 
"Làng ẩm thực Nhật" ở Q.1, TP.HCM.
"Làng ẩm thực Nhật" ở Q.1, TP.HCM.

Rảo bộ ban đêm, chúng tôi như lạc vào một "thế giới Nhật" với đủ loại quán bar, quán nướng, quán cơm, quán mì, hiệu massage… Những đoàn khách cũng chủ yếu là người Nhật.

Có hàng loạt khách sạn được giới thiệu theo "phong cách Nhật Bản", cả không gian, vật liệu, nội thất, cung cách phục vụ cho đến nhiều dịch vụ khác.

Trong khu vực này, có ít nhất 2 cửa hàng bán toàn thực phẩm Nhật, gồm các loại thịt và thủy hải sản đông lạnh, đồ hộp hay các loại gia vị, bia rượu, đồ đóng gói…

Không chỉ hàng quán và nhiều loại dịch vụ Nhật Bản, theo một người dân, Little Tokyo là nơi người Nhật lưu trú đông nhất TP.HCM.

Chỉ riêng tổ 34, trong số 70 hộ dân chỉ có 2 hộ là không cho thuê nhà. 68 hộ còn lại cho người Nhật thuê, phần thì cho thuê mở dịch vụ, nhà hàng hay khách sạn, phần thì cho thuê phòng trọ hoặc nguyên căn nhà lưu trú dài ngày.

"Trong khu phố này hầu hết chủ nhà cho thuê rồi đi ở nơi khác, nên người Việt rất ít, trong khi chiếm số đông là người Nhật Bản. Người dân ở đây chủ yếu cho người Nhật thuê và chỉ chọn người Nhật để cho thuê nhà!" - vị đại diện khu phố cho biết.

 

Một đoạn
Một đoạn "phố Nhật" trên đường Lê Thánh Tôn, Q.1.

Ông Ph. ở tổ 34 cho biết nhà ông có 3 phòng cho thuê, mấy năm trước còn cho một số người nước khác, nhưng từ 2 năm nay chỉ cho người Nhật thuê mà thôi.

Sự cảm tình đặc biệt với người Nhật bắt nguồn từ cô con gái sinh sống ở nước Nhật. Lúc ông đến sân bay ở Tokyo, nhân viên ở đây đã đến giúp đỡ rất tận tình. Khi thăm con gái đang sinh đẻ, ông chứng kiến cảnh các hộ lý của bệnh viện chăm sóc cháu ngoại ông không thể ân cần hơn.

Năm thanh niên Nhật hiện đang ở trọ trong nhà ông, mọi sinh hoạt của họ đều rất quy củ, sạch sẽ và ngăn nắp, tuân thủ thời gian thức giấc, nấu nướng, đi làm, làm việc thì không nề hà…

"Người Nhật là người dễ chịu nhất trong số người nước ngoài mà tôi từng biết. Họ sống có kỷ cương, kỷ luật, tự giác và đức tính chịu khó rất đáng để học hỏi" - ông Ph. nhận xét.

Quán mì Nhật

Quán mì 75TD của ông chủ Tomidaya người Nhật nằm trên con hẻm 8A Thái Văn Lung rất khó nhận biết vì chỉ treo cái biển hiệu nhỏ xíu, đơn giản gắn phía trên cửa, lại toàn tiếng Nhật.

 

Quán mì Nhật ở khu Tiểu Tokyo, Sài Gòn.
Quán mì Nhật ở khu Tiểu Tokyo, Sài Gòn.

Không gian quán chỉ vỏn vẹn 15m2, và phần lớn diện tích dành cho bếp; phần dành cho khách chỉ là cái "bàn" dài hình L, đủ chỗ xếp 8 cái ghế gỗ cao đặt san sát.

Chập choạng tối, chúng tôi ghé quán, có 7-8 vị khách xếp hàng chờ tới phiên mình. Các nhân viên chào đón khá lịch sự, mời chúng tôi xếp hàng và đưa thực đơn đề nghị chọn món.

Thực đơn chỉ có tám món, chủ yếu là mì ramen (sợi tròn nhỏ) và mì tsukemen (sợi vuông lớn), bốn món chan nước xúp sẵn vào tô mì và bốn món mì khô chấm với nước dùng.

Chúng tôi khá "choáng" với cái giá từ 100.000-190.000 đồng/tô mì, nhưng thực khách đi cùng bảo: "Cứ ăn trước đã rồi nhận xét!"…

Thực khách đi cùng là một người khá đặc biệt: đầu bếp ẩm thực cung đình Hồ Hoàng Anh. Nhân vật này không chỉ thích hương vị của tô mì mà còn ở sự bày biện và cung cách phục vụ khá đặc biệt, điều mà theo bà "tinh thần rất Nhật Bản".

Vừa chờ thức ăn ở bàn, vừa quan sát đầu bếp chế biến bằng mấy động tác cân lượng, nhúng mì cho chín và trang trí thực phẩm, chan nước dùng…

Nhân viên bếp làm xong tô mì, đưa qua tay chủ bếp đứng cạnh; ông sắp xếp, trang trí lại bề mặt tô mì, từ miếng thịt, cái trứng, cọng măng hay tấm rong biển; ông ngắm nghía kỹ lưỡng trước khi tận tay dâng thực khách.

Điều ấn tượng nhất chính là mỗi lần thực khách nói chuyện là chủ bếp đứng nhìn trừng, khiến khách "sợ", thôi không nói nữa mà tập trung vào thưởng thức tô mì.

Đúng như lời bà Hoàng Anh giới thiệu, nước dùng thật đậm đà, miếng thịt giò rút xương ninh nhừ mềm tan. Những miếng măng mềm vừa nhưng còn tí "xừng xực" khi cắn. Và những cái trứng gà ướp gia vị, lòng đỏ hồng đào sền sệt, thơm bùi.

"Bởi vì chủ quán đặt hết mình vào từng tô mì. Vì thế, khi đến đây, tôi không chỉ ăn mì mà còn được chứng kiến, được trải nghiệm, được truyền cảm xúc bởi các đầu bếp Nhật.

Họ trân quý thực phẩm, trân quý khách và tận tụy hết mình cho việc làm bếp. Và đặc biệt là họ coi mỗi tô mì là một tác phẩm ẩm thực" - bà Hồ Hoàng Anh nhận xét.

Tại quán ăn này, nhiều người hỏi mua mì mang về nhà nhưng luôn bị từ chối thẳng thừng.

Lý do từ chối, theo đầu bếp Dương Tiểu Lộc: "Anh chủ Tomidaya kỹ lưỡng với tô mì của mình lắm, anh không bao giờ cho đưa tô mì của mình ra khỏi quán vì tất cả đều được cân lượng, kể cả thời gian chế biến lẫn thời gian ăn mì.

Nếu đưa ra khỏi quán mang về nhà, tô mì sẽ bị nguội và dở đi, điều mà anh tối kỵ!"…

Quán Nhật khắp nơi

Có thể tìm thấy hàng trăm cửa hiệu bán đồ Nhật, đặc biệt là hàng loạt nhà hàng ẩm thực Nhật, trên khắp các quận huyện của TP.HCM. Trong đó, riêng ẩm thực có rất nhiều chuỗi nhà hàng mà mỗi một chuỗi, nhà hàng đều theo những phong cách, đặc sản đặc trưng kiểu Nhật.

Có thể kể từ Tokyo Deli, Hokkaido nổi tiếng với các món sushi từ Nhật, Suzunoya nổi tiếng với lẩu và các món nhắm, Gyu-Kaku với nhiều món nướng, Osaka Ohsho có các món mì…

Những nhà hàng Nhật tập trung nhiều trên đường Lê Thánh Tôn, Thái Văn Lung, Phạm Ngũ Lão (Q.1) hay Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận)…

Tuy nhiên, nhiều người trẻ ở TP.HCM vẫn cho rằng khám phá Nhật Bản thuận tiện bậc nhất vẫn là tòa nhà Sài Gòn Centre trên đường Lê Lợi, Q.1, với hàng loạt thương hiệu, dịch vụ và kiểu thức kinh doanh của người Nhật.

Tại cao ốc này, trong rất nhiều thương hiệu nước ngoài, hàng Nhật, món Nhật vẫn chiếm số đông, không chỉ ẩm thực mà còn buôn bán rất nhiều loại thực phẩm, hàng tiêu dùng, thời trang hay mỹ phẩm…, cả xuất khẩu lẫn hàng nội địa Nhật Bản…

Thái Lộc/tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…