"Lạnh người" thám hiểm rừng thiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bước chân vào thế giới của người M’Nông sống ven hồ Lắk luôn là điều mới lạ, huyền bí đối với người miền xuôi bởi nó luôn phảng phất nhiều dấu ấn của thuở hồng hoang.

Buổi chiều ở vùng núi thẳm trời nắng như đổ lửa, giọng già Y Vé Nhơm vẫn đều đều vang lên: Khu rừng ấy (rừng mộ ché) có từ rất lâu rồi, già cũng không xác định được tuổi của nó, chỉ biết rằng từ trước thời cố nội đã có khu rừng, đến giờ hơn 300 năm. Những câu chuyện liên quan đến khu rừng đang dần phai mờ trong tâm thức của người dân ở buôn làng này, vì người già đã về với Yang (thần linh). Bây giờ khu rừng không còn riêng của dòng họ già mà thuộc sự quản lý của nhà nước.

Chết xấu và con ngải ma

Theo già Y Vé Nhơm và bà con trong buôn đó là chuyện của nhiều năm về trước, bây giờ có thể vào rừng bình thường. Nhưng không được chặt cây làm điều xấu trong rừng.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn được vào khu rừng thiêng thì các già làng lưỡng lự, họ phân trần: Trong đó chỉ có bụi tre và những ngôi mộ, có gì đâu mà vào. Sau hồi thuyết phục, các cụ già trao đổi bằng tiếng bản địa, quyết định để ông Y Vế Liêng (SN 1967), nguyên Bí thư chi bộ buôn dẫn đi.

Lần đầu vào chốn được cho là nơi của những hồn ma bóng quế, chúng tôi nghĩ ngay đến những ngôi nhà ma rệu rã vì thời gian và nắng gió, tượng nhà mồ bạc phếch theo năm tháng, tài sản người sống chia cho người chết giữa lau lách cỏ cây… Nhưng không như chúng tôi nghĩ, rừng ma ở buôn M’Liêng không hoang sơ, thâm u. Ngay rìa bìa rừng, bên con đường mòn nhỏ, một số ngôi mộ tráng men mới tinh, cạnh bên là chiếc ché chôn xuống đất một nửa. Đây là những ngôi mộ của dòng họ Nhơm được chôn cách đây mấy năm đang còn rất mới. Ông Y Vế Liêng nhấc từng bước cẩn trọng trên con đường mòn, giọng trầm đều đủ để chúng tôi nghe thấy: Nơi đây có những ngôi mộ khoảng 300 tuổi gắn liền với khu rừng, huyệt mộ không đào sâu, những ngôi mộ chỉ đắp đất nhô cao hơn gang tay. Đi sâu hơn nữa chúng tôi nhận thấy nhiều con đường nhỏ được tõe ra từ đường mòn chính. Chỉ có một số ít cây cổ thụ cao chót vót đứng hiên ngang giữa đất trời. Phủ hết khu rừng là những bụi tre lớn um tùm choáng hết lối đi. Vài ba ngôi mộ bên trên có tấm xi măng dựng đứng, dòng chữ khắc trên đó bị xóa nhòa theo năm tháng, chỉ có những chiếc ché chôn bên cạnh vẫn còn mới. Có những ngôi mộ là một ụ đất trồi lên cao được bao bọc bởi những cây lớn xung quanh. Tiến đến sát gần ngôi mộ, như có dòng điện chạy dọc sống lưng khi thấy trong chiếc ché đôi rắn hổ mang chúa trên đỉnh đầu có hình vầng trăng khuyết nằm khoanh tròn. Trong đầu tôi hiện lên những suy nghĩ về bùa ngải của người M’Nông. Có lẽ ché là vật thiêng người M’Nông dùng để trấn yểm hay gắn với nghi thức thiêng liêng kỳ bí nào đó.

Tôi lẽo đẽo theo già tiếp tục vào cấm địa rừng già. Mang thắc mắc hỏi già về điều nhìn thấy, già ái ngại nhìn tôi không nói, tiếp tục bước đi. Ra đến ven bờ hồ Lắk, gặp cụ bà đang phơi phân bò, những nếp nhăn hằn trên khuôn mặt đen sạm vì nắng, cụ H’Gông (70 tuổi) nói dè dặt: Chuyện liên quan đến bùa ngải vẫn có. Những người “có ngải ma” có thể làm cho người mà họ bực tức đang khỏe mạnh, đau bệnh không rõ lý do. Cũng theo cụ H’Gông, người đàn ông nào được cô gái miền sơn cước đem lòng yêu thương sẽ bị thư ếm quên hết mọi chuyện của mình, cam tâm tình nguyện sống suốt đời suốt kiếp cùng sơn nữ. Các cụ nói rằng, nếu kẻ nào làm phật lòng người vùng cao sẽ bị trù ếm đau bệnh triền miên không thầy thuốc nào chữa được và sau cùng thì chết trong đau đớn. Vì thế người M’Nông rất sợ những cái chết xấu, họ sẽ mang lại nhiều điều kinh khủng như dịch bệnh, cái chết cho người thân và dân làng. Một làng có người chết xấu, kiêng uống nguồn nước, cấm người lạ vào làng trong suốt 7 ngày và ngược lại. Không được giã gạo bởi âm thanh sẽ dẫn ác ma về làng hại người. Người chết xấu khi an táng, phải làm các nghi lễ hiến sinh, phải giết dê, gà, heo, chó, mèo để cúng tế cho các ác ma và thần linh.


 

 Cận cảnh những chiếc ché quý trong rừng ma.
Cận cảnh những chiếc ché quý trong rừng ma.



Kẻ sử dụng bùa ngải yếm hại người mắc tội nặng không kém gì tội ma lai. Hình phạt rất nghiêm khắc có khi phải đền mạng. Trong luật tục M’Nông đoạn trị tội yểm bằng bùa ngải nói rõ điều này: “Người nuôi ma ngải chính là ma lai, dân làng bị chết đổ thừa cho nó, bắt vợ con nó đền mạng người”. “Người nuôi ngải chữa bệnh cũng có tội, chính nó làm lại bảo nó chữa, phải phạt nặng bằng ché, bằng trâu, buôn làng bị chết, nó phải chịu tội”.

Anh Y Đel (sinh 1987, buôn M’Liêng) trấn an tôi bằng minh chứng: Nghe những người già kể chuyện thư ếm bằng bùa ngải, người miền xuôi nói đồng bào dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt người M’Nông ở Đắk Lắk nắm trong tay những thuật bùa ngải khủng khiếp. Anh quyết tìm hiểu và phát hiện đó là màn diễn của thầy cúng, thầy bùa. Cuộc sống nơi rừng sâu nước độc khiến người M’Nông trước đây thường mắc các bệnh: Sốt rét, tiêu chảy, ghẻ lở, đậu mùa… Khi mắc những bệnh này người ta nghĩ mình bị yểm bùa ngải nên người bệnh hay thân nhân chỉ biết cậy nhờ thầy cúng làm lễ trục xuất bệnh tật bằng phép thuật ma mị hút các chất độc ra khỏi cơ thể. Kết thúc màn chữa trị thầy cho người bệnh uống nước phép, đang đau đớn tự nhiên hết bệnh nhờ thầy, lòng tin của họ càng cao hơn.

Và cũng vì sống nơi rừng thiêng nước độc, các vị thầy cúng có nhiều công thức tạo chất độc, các loại chất độc được lấy từ một số mủ cây độc trên rừng như nấm độc…, mủ trên da đầu rắn độc, con cóc, tất cả những thứ này hòa lẫn với nhau. Khi bực tức hay muốn hãm hại một ai chỉ cần sử dụng thuốc này, người bị thuốc này rơi vào sẽ bị bệnh tật hành hạ vô phương cứu chữa, chẳng ai biết hóa giải độc tố trừ người tạo ra nó.


 

 Khu rừng được hồ Lắk bao bọc.
Khu rừng được hồ Lắk bao bọc.



Thần nước bao bọc

Bây giờ khu rừng không còn rộng lớn như ngày xưa, chỉ còn khoảng mười mấy hecta, bên rìa khu rừng bà con đã khai hoang để trồng lúa và hoa màu, nhưng họ chỉ dám làm phía rìa không dám mạo phạm vào trong rừng. Phía bên kia rừng được bao bọc bởi hồ Lắk trong veo, những ruộng lúa xanh mát. Tạo nên bức tranh phong cảnh hữu tình, nếu không có những câu chuyện xoay quanh nó thì không ai nghĩ đây là khu rừng một thuở không ai dám đặt chân vào.

Người dân ở đây lưu truyền những câu chuyện truyền thuyết về hồ Lắk: Từ thuở xa xưa ở bản làng nọ, có 2 bà cháu nghèo khổ, họ bị các tù trưởng nhà giàu coi khinh, hằng ngày phải đi mò cua, bắt cá để nuôi sống nhau qua ngày. Một ngày nọ, hai bà cháu bắt được một con lươn. Đứa cháu mừng quýnh toan làm thịt, bà ngăn lại đưa lươn bỏ vào chiếc ché để nuôi. Lươn lớn nhanh như thổi, nó vùng vẫy làm vỡ ché. Hai bà cháu ra phía sau đào một cái hố rất to, ngày ngày đi xách nước đổ vào cho lươn. Cứ thế mỗi lần lươn vùng vẫy cái hố  được nới rộng ra, lâu dần đã thành một cái hồ lớn (là hồ Lắk) bây giờ. Khi biết việc này, các vị thần khác đến thử sức và đánh vật con lươn chết. Hai bà cháu thương tiếc khóc cạn nước mắt. Đêm đó bà mơ thấy lươn hiện về báo mộng: Lấy bộ xương của lươn đốt thành tro và bỏ vào 4 ống để ở 4 chân giường. Bà lão liền dậy thực hiện ngay. Sau đêm đó tỉnh dậy thấy khung cảnh khác lạ. Nơi đây như một bản làng mới, có đàn bà dệt vải, đàn ông đan gùi, các chàng trai trẻ đánh chiêng, những cô gái đệm lời bằng những câu hát của núi rừng. Và từ đó hai bà cháu cai quản buôn làng một cách yên bình.

Cũng có một truyền thuyết khác kể rằng: Từ thuở lâu lắm rồi, cuộc chiến quyết liệt giữa thần lửa và thần nước kéo dài nhiều mùa rẫy. Sau khi thần lửa chiến thắng buôn làng người M’Nông chìm trong đại hạn. Một chàng trai M’Nông được sinh ra trong rừng này (rừng ma) từ cuộc tình vụng trộm của một sơn nữ M’Nông và thần lửa. Để chuộc tội cho mẹ, chàng ra đi tìm nguồn nước cứu dân làng. Sau khi vượt nhiều núi non hiểm trở chàng trai ngồi nghỉ chợt thấy một chú lươn nhỏ nằm kẹt trong khe đá. Chàng cứu lươn thoát nạn, lươn dẫn chàng trai đi đến một hồ nước mênh mông đó là hồ Lắk ngày nay.

Theo Tiền Phong/NLĐO

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.