Koh Kret-Vùng đất hứa của tộc Mon

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từng đem văn minh, dạy chữ viết cho người Miến Điện (Myanmar), tộc người Mon hiện sống rải rác ở miền trung Thái Lan và vẫn duy trì nghề gốm cổ truyền từ hàng trăm năm trước.

Người Mon là một trong những tộc người theo Phật giáo nguyên thủy - Theravada đầu tiên ở Đông Nam Á, trước cả triều đại Thái và Burma (Miến Điện) được thiết lập. Thế kỷ 18 - 19, người Mon ở Miến Điện bị tàn sát nên di dân sang Thái Lan. Vua Thái ngày xưa ban cho riêng người Mon hòn đảo nhỏ Koh Kret khoảng 3,5 km2 (nằm trên sông Chao Phraya, cách Bangkok chừng 20 km về phía bắc). Qua bao thăng trầm, tới nay dù chỉ còn vài chục gia đình người Mon, dù tiếng Thái đã trở thành quốc ngữ, tiếng Mon vẫn còn được nói ở Koh Kret.

 

Koh Kret nhìn từ bên kia sông.
Koh Kret nhìn từ bên kia sông.

Đảo gốm xứ chùa Vàng

Bến Pak Kret sáng cuối tuần đông nghẹt người Thái từ Bangkok sang chơi. Đi đò chừng 5 phút giá 2 baht/lượt (khoảng 1.300 đồng) là tới Koh Kret.

Bên này sông nhà cửa san sát, nhan nhản cửa hàng, trung tâm mua sắm thì Koh Kret bên kia sông như chậm lại đến vài chục năm. Đảo còn khá hoang sơ, cỏ mọc um tùm, rải rác vài mái nhà sàn nằm lẩn khuất trong những vườn cây xanh mướt. Nhờ không có xe hơi nên không khí làng quê trên đảo càng thêm yên bình.

“Năm 1993, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Thái Lan từng đề xuất xây dựng một cây cầu nối Koh Kret với quận Pak Kret để phát triển du lịch, nhưng dự án không được thông qua vì vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân trên đảo”, một cư dân cho biết.

Trên đảo không thấy bóng dáng cửa hàng tiện lợi nào, thay vào đó là những tiệm tạp hóa nho nhỏ bán “đủ thứ trên đời”. Góc chợ có ông già tỉ mỉ tô vẽ đầu tượng các vị thần đầy màu sắc mê hoặc, có anh chàng nặn tò he trước ánh mắt ngưỡng mộ của bọn trẻ con đang bu quanh...

 

Gốm người Mon nổi tiếng về độ tinh xảo, kiểu dáng lạ mắt.
Gốm người Mon nổi tiếng về độ tinh xảo, kiểu dáng lạ mắt.

Koh Kret nổi tiếng nhất về gốm. Bí quyết làm gốm của người Mon trước đây chỉ được truyền miệng cho người cùng huyết thống từ đời này sang đời khác. Mỗi cộng đồng người Mon ở Thái có một loại gốm riêng. Nếu người Mon ở Sam Khok hay Klong Sa Bua sản xuất đồ gốm có bề mặt trơn láng, kiểu dáng truyền thống thì người Mon ở Koh Kret cho ra đời loại gốm chạm khắc tinh xảo, kiểu mẫu lạ mắt, được nước ngoài ưa chuộng và trở thành sản phẩm gốm tiêu biểu của người Thái (vào các dịp lễ hội truyền thống của Thái Lan như lễ thả đèn Loy Krathong, Tết Song Kran hoặc tại các hội chợ truyền thống luôn có nghệ nhân trình diễn kỹ thuật làm gốm đặc trưng này).
 

Bổn mạng của người Mon

Một số niềm tin tâm linh từ xa xưa mà người Mon tại Koh Kret vẫn giữ đến ngày nay. Người Mon có bốn biểu tượng: rùa, gà, rắn và cơm nếp. Người thuộc bổn mạng con rùa thì khi gặp rùa không được bắt, mà phải nói “Nó có mùi tệ quá” và để nó đi. Nếu người đó lỡ tay giết rùa thì phải mang con rùa về, dâng cái đầu và gan của rùa lên bàn thờ thông thiên ở góc nhà gần nhất. Người mang bổn mạng gà có thể bắt và ăn thịt gà, nhưng phải dâng đầu và gan lên bàn thờ. Người bổn mạng cơm nếp thì không được mang cơm nếp cho người khác.

Vì thế, cũng dễ hiểu gốm là đặc trưng văn hóa thu hút du lịch nhất của Koh Kret. Người đến đây sẽ không thể cưỡng lại sự dễ thương của những bộ đồ chơi trẻ em nhỏ xíu bằng gốm đất nung như: nồi nấu cơm, bếp lò, khuôn làm bánh khọt, cối giã som tằm, chum nấu lẩu… với giá khoảng 10 - 40 baht (từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng). Sẽ khó bỏ qua những món ngon như xôi đậu, cải hấp cà ri... được đựng trong những chiếc thuyền hoặc chén gốm hình quả bí vô cùng đáng yêu. Đồ ăn cũng như thức uống, khi mua là du khách được tặng luôn món đồ gốm đang dùng để đựng món đó, vừa bảo vệ môi trường vì hạn chế dùng đồ nhựa, vừa có thể làm kỷ niệm hoặc tái sử dụng.

Panit Pimroon, cử nhân Anh văn người Mon, tiết lộ: “Tuy nổi tiếng về làm gốm truyền thống, nhưng chúng tôi phải nhập đất từ bên ngoài để làm gốm. Chẳng phải đất ở đảo không làm gốm được mà vì ngày xưa khi ban hòn đảo này cho người Mon, nhà vua đã có lệnh cấm không ai được mang ra khỏi đảo dù chỉ một hòn đất nhỏ”.

 

Khao chae - đặc sản của người Mon.
Khao chae - đặc sản của người Mon.

Món ăn của hoàng gia

Tôi lững thững đi bộ chơi thì gặp một nhà bán khao chae nên ghé vào. Đây là món ăn đặc trưng của người Mon từng được Hoàng gia Thái rất ưa chuộng.

Một bà chừng hơn 60 tuổi bước ra chào bằng giọng tiếng Anh chuẩn: “Ngoài này nóng lắm, con vô nhà ngồi cho mát”. Đó là căn nhà mát rượi xây kiểu cổ, màu gỗ trầm tối. Bà Nok (chủ quán) bày ra một mâm gồm: chén cơm trắng ngập trong nước đá, một số chén nhỏ món ăn như ớt xanh nhồi thịt, hành tây nhân thịt hấp, củ cải trắng và trứng, thảo dược... Cơm trắng từng hạt rời nhau trong nước đá thơm dịu mùi hoa lài. Những món ăn kèm cũng có mùi vị rất đặc biệt, vừa đậm đà vừa mang lại cảm giác thanh mát.

Bà Nok ngồi kế bên, kể tôi nghe cách làm từng món với vẻ đầy tự hào. Bà bảo đây là món truyền thống của người Mon, quy trình làm rất công phu. Riêng nước để ăn chung với cơm phải mất một đêm ngâm với hoa lài hoặc hoa hồng và nến thơm, ngày hôm sau mới nấu. Còn món có vị thảo dược bà phải ướp và phơi, chuẩn bị từng thứ riêng rồi mới nhào lại, mất 3 ngày mới xong.

 

Nhà của một người dân trên đảo.
Nhà của một người dân trên đảo.

Thấy tôi có vẻ hứng thú với đồ ăn của người Mon, bà bưng vào một nồi canh nghe mùi rất lạ. Canh đặc sệt, vừa chua vừa ngọt, beo béo, ăn với cơm cùng cá muối chiên. Bà cười bảo: “Đây là cà ri của người Mon có dùng quả “matard” chỉ có ở vùng này, bảo đảm con chưa ăn đâu”.

Hỏi chuyện mới biết bà Nok từng du học ở Anh 11 năm, rồi trở về Thái làm đến khi nghỉ hưu. “Tổ tiên đã truyền lại rằng đất này là đất thiêng của tộc Mon, có đi đâu cũng phải quay về”, bà nói. Dù vậy, các con của bà đều có sự nghiệp riêng ở nước ngoài, lâu lâu mới về chơi. Bà thích nấu ăn và gìn giữ truyền thống dân tộc mình nên đang lo rằng sau này không có ai nối nghiệp làm các món ăn Mon nữa.

Đang đăm chiêu, bà lại cười hiền: “Mà thôi kệ đi, cuộc sống cứ đổi thay vậy đó, có cái gì còn mãi được đâu, con hén!”.

Hoa... chiên giòn

Đến Koh Kret bạn sẽ được thưởng thức món... hoa chiên. Bạn có nghĩ một ngày nào đó mình sẽ được nếm đủ loại hoa: lan, đậu biếc, hoa trang, hoa giấy, bông điên điển, bông bí, đậu đũa, xà lách, các loại nấm... Hoa được rửa sạch, tẩm một lớp bột mỏng rồi cho vào chảo dầu sôi, ăn giòn giòn, thơm thơm chấm với nước xốt chua ngọt, cay cay.

Đặc biệt, mọi thứ ở đây đều dùng sản phẩm thủ công từ nguyên liệu tự nhiên. Màu để làm bánh, nấu ăn, pha nước, xà phòng, dầu gội, nước xịt đuổi côn trùng, dầu cù là... đều được làm từ các loại hoa, lá, quả trên đảo. Khi được hỏi làm thủ công như vầy mất công quá không, một anh đang thoăn thoắt nhào bột cười vô tư: “Làm để bán cũng như làm cho mình ăn vậy mà, mất công gì đâu”.

Lam Yên/thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…