Thợ sơn tràng đạp rừng săn lan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mỗi dịp Tết đến xuân về, nhiều người dân An Lão (Bình Định) lại nô nức hẹn nhau vào rừng sâu tìm những loại cây phong lan quý hiếm về bán cho các cửa hàng cây cảnh ở miền xuôi.

Mỗi gốc phong lan hái được họ có thể thu lợi đến vài trăm thậm chí cả vài triệu đồng, nhưng để kiếm được những đồng tiền này không phải là điều dễ dàng. Đã có nhiều trường hợp phải bỏ mạng trong những cuộc tìm kiếm phong lan rừng đầy hiểm nguy này, nhưng vì miếng cơm manh áo, họ vẫn bất chấp tất cả.

Ăn rừng - ngủ núi

Để được tận mắt chứng kiến sự nhọc nhằn trong cái nghề lấy lan rừng này, chúng tôi quyết định theo chân Đinh Văn Dinh (23 tuổi, người H’rê ngụ thôn 4, xã An Dũng, An Lão, Bình Định) để hiểu thêm. Chuyến đi của chúng tôi bắt đầu từ sáng sớm sau khi đã lót bụng bằng bữa cơm với rau rừng và một vài con cá sông mà vợ Dinh chuẩn bị từ lúc giữa đêm.

 

Để hái lan rừng, thợ săn lan phải buộc dây dừng vào thân cây để leo lên và sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm ở trên cao.
Để hái lan rừng, thợ săn lan phải buộc dây dừng vào thân cây để leo lên và sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm ở trên cao.

Dinh cười bảo: “Mình phải đi sớm cho kịp chứ không bữa để tìm được những nhánh lan đẹp khó lắm. Dịp này những cửa hàng cây cảnh dưới xuôi lên hỏi mua lan rất nhiều. So với các loại cây cảnh khác thì lan rừng rất có giá trị trên thị trường, bởi thế mà cứ đến độ này người dân trong vùng lại tập trung thành từng nhóm để đi hái về bán.

Lan rừng thì ít mà người thì đông nên càng ngày càng hiếm. Có khi phải đi mất một ngày đường vào tận rừng sâu mà vẫn không thấy đó. Anh mới đi lần này chắc chắn là vất vả lắm đó nên phải chuẩn bị tinh thần trước đi chứ đi giữa đường mà đòi về là không ai đưa về đâu”.

Chuyến đi này ngoài chúng tôi và Dinh còn có thêm 3 người bạn khác của Dinh là Đinh Văn Mường, Đinh Văn Khăm và Đinh Văn Bái. Dụng cụ của một tay săn lan rừng vô cùng đơn giản: Bao tải lớn, dao quắm, dây thừng, đinh mười phân, búa đóng đinh, đèn pin, lương thực và không thể thiếu rượu nhằm giữ ấm cơ thể trong cái rét đến cắt da cắt thịt của tiết trời miền núi. Khi tất cả đã sẵn sàng, mỗi người chúng tôi nhấp một chén rượu rồi nai nịt gọn gàng để khởi đầu chuyến hành trình.

Trên đường đi, Dinh cho biết: “Địa điểm có nhiều phong lan nhất là trong rừng sâu. Bữa trước có đoàn nghiên cứu về rừng rú gì đó, thuê mình dẫn đường. Đi miết, ăn ngủ trong rừng một tuần liền. Trả công cho mình nhưng mình không nhận, chỉ ăn uống no say là được. Còn mình đi theo kiếm được vài nhánh lan rừng xem như là có công rồi”.

Quả thực, ban đầu chúng đã suy đi tính lại có nên đi theo những người làm nghề này không. Lúc làm quen nghe Dinh kể khó kể khổ tôi không tin. Nhưng giờ thì miệng mũi đua nhau thở mới hiểu được sự vất vả của nó dù chỉ mới đi được một chặng ngắn. Sau hơn 3 giờ đi bộ ròng rã, chúng tôi nghỉ chân bên con suối Xà Rong.

Gần trưa, từng tia nắng yếu ớt xuyên qua tán lá rừng ken dày sương rừng và khí núi vón thành từng mảng. Lấy chai rượu trong túi tu một hơi, Dinh đưa cho mọi người bảo: “Uống đi, làm ngụm cho đỡ rét. Càng đi vào sâu thì càng rét nữa, chỉ có cái chai này mới trị nổi cái rét từ trong cái bụng ra thôi”.

Vừa uống xong, Dinh đổ một tí rượu xuống con suối. Thấy lạ, tôi hỏi: “Sao không để dành lại uống vì đường còn dài lại mà lãng phí như thế?”.

Trầm ngâm một chút, Dinh mới trả lời: “Những năm trước, có mấy người đi hái lan chết trôi ở con suối này, vài ngày mới tìm được xác. Khi đi thì nước nhỏ, về thì nước lớn, ngã trên vách đá xuống suối nước lũ cuốn. Bây giờ mình cúng chút rượu cho họ bớt lạnh lẽo cũng là cầu mong cho chuyến đi của mình có được may mắn”.

Đến trưa cả nhóm chia nhau từng nắm cơm chấm muối tiêu nhai một cách ngon lành. Rồi vục đầu xuống suối mà tu ừng ực. Từng hơi thuốc nhả ra xối xả để xua đuổi tụi muỗi rừng đang vo ve. Chiều xuống, cả nhóm cũng đến nơi có nhiều lan rừng: Đỉnh Voi Mẹp.

Chiếc bạt được căng lên, lá cây rừng làm chiếu thế là ngôi nhà dã chiến hoàn thành. Ai việc nấy, người kiếm củi, kẻ hái rau rừng rồi đánh một bữa qua loa. Mờ sáng, nhóm chúng tôi bắt đầu lần theo các cây cổ thụ, dùng dao quắm phát những dây cắng chi chít vướng ngang tầm mắt để quan sát xem phía trên có lan rừng hay không.

Sau gần nửa giờ đồng hồ lần tìm, cả nhóm mới phát hiện thấy một gốc lan rừng bám trên một cây cổ thụ ở độ cao 15m. Dù chưa biết là giống lan gì nhưng ai nấy đều phấn khởi. Liền sau đó, Dinh lấy cuộn dây thừng khoác lên người rồi dùng đinh mười đóng lên thân cây cổ thụ từng cái một làm chỗ đặt chân để trèo, trèo đến đâu đóng đến đó.

Leo đến nơi, Dinh dùng dây thừng buộc người vào thân cây kẻo ngã rồi hét lớn: “Một gốc lan Ninh Xuân to lắm chúng mày ơi”. Nghe thế, cả nhóm mừng ra mặt, tôi dù chưa hiểu chuyện gì cũng cảm thấy vui lây.

 

Đinh Văn Dinh hồ hởi với gốc lan rừng hái được.
Đinh Văn Dinh hồ hởi với gốc lan rừng hái được.

Ăn của rừng rưng rưng nước mắt

Xúm lại bên gốc lan rừng vừa được gỡ xuống từ thân cây mẹ, Dinh và những người trong nhóm cho biết: Trong các loại lan rừng thì lan Ninh Xuân là loại quý nhất, lá của chúng dày và to hơn các loại lan khác. Mỗi nhánh Ninh Xuân có giá đến 200 ngàn đồng. Có được bao nhiêu thì chủ hàng đều lấy hết mà không bao giờ kỳ kèo giá cả.

Với gốc lan Ninh Xuân hái được, chúng tôi đếm được tất cả là 9 nhánh lớn và chi chít các nhánh nhỏ. Tính ra thì gốc lan này cũng được gần 2 triệu đồng. Bên cạnh đó còn có các loại lan khác cũng có giá thấp hơn một chút như lan Tai Trâu thì có lá rất to, phiến lá mỏng, mọc ở tầm trung, loại này chủ hàng mua theo trọng lượng. Lan Tóc Tiên thì thân tựa cái roi mây vậy, thường mọc ở các lèn khe suối, chủ hàng thường mua theo nắm...

Với thành quả thu được, chúng tôi nhanh chóng xuống núi với hy vọng sẽ không phải ở trong rừng một thêm một đêm nữa. Đường đi đã khó, đường về cũng không hề dễ dàng. Tôi cố bám theo những dấu vết mà Dinh đã tạo ra khi đi lên nhưng vẫn lạc nhiều lần. Có lúc một con suối thôi nhưng đảo lui tới vài ba lần mới đi đúng đường. Những lèn đá, vách núi làm tôi ngã dúi dụi mặc dù được giao cho những thứ nhẹ nhàng nhất. Về tới nơi, ai cũng cảm thấy mệt rã rời.

Từ trong nhà, vợ Dinh mừng rỡ: “Các anh đi đường không có chuyện gì chứ? Cả đêm tôi ngủ không được, thấy trời mây đen dày đặc mà lo quá. Nếu mưa một trận to thì làm sao về được, cứ nghĩ điều này điều nọ xảy ra mà sợ”.

Sinh nghề, tử nghiệp

Nhấp chén rượu ấm nồng, tâm sự những cay cực trong nghề, Dinh bảo: “Bản mình có nhiều người đã bỏ mạng ở rừng sâu rồi đó. Đó là trường hợp của Đinh A Pua, ở sát nhà mình.

Năm đó, A Pua một mình vào rừng lấy lan rừng về bán. Khi trèo lên cây cao thì rắn lục xanh nằm trong lan rừng, do trùng với màu lá cây nên anh không biết được. Thế là một vết cắn vào tay làm A Pùa ngã từ trên cao xuống. Vài ngày sau dân bản đèn đuốc đi tìm thì phát hiện thi thể của A Pùa bị dập nát dưới gốc cổ thụ.

Sau lần ấy, ai nấy đều khiếp sợ không dám làm nghề nữa. Bẵng đi một thời gian, đến khi những chủ hàng cây cảnh ráo riết tìm mua với giá cao ngất ngưởng thì chúng tôi lại trở về với nghề cũ. Dù trong thâm tâm vẫn còn bị ám ảnh nhưng cố gắng quên đi, biết sẽ rất dễ đối mặt với chết chóc, bi thương nhưng vẫn đánh liều vậy đó”.

Đinh Văn Khăm thêm vào câu chuyện bằng chính sự việc đã xảy ra với chính mình: “Hôm đó tôi cùng người anh em vào rừng tìm lan để biếu cho một người quen dưới xuôi. Khi chặt nhánh cây có lan xuống thì đập vào tổ ong vò vẽ. Thế là ba chân bốn cẳng chạy thục mạng, may mà có con suối gần đó thế là lặn hụp xuống. Về đến nhà thì sốt đến vài ngày, phải lên trạm y tế xã truyền dịch mới đỡ”.

Chính vài lý do đó mà trước mỗi chuyến đi Dinh đều làm một cái lễ cúng thần rừng và các bạn bè đã mất vì lan rừng trong xa thẳm đỉnh Voi Mẹp. Một cái lễ rất đơn giản nhưng rất ý nghĩa cho cả người sống lẫn người đã mất. Người dân ở đây cho rằng lan rừng là loại cây rất thiêng, chúng là hóa thân của các vong hồn trinh nữ chết thảm trong rừng sâu. Căn nhà sàn đã đỏ lửa, xua bớt đi cái rét của miền cao.

Câu chuyện của chúng tôi bị cắt lời bởi vợ Dinh: “Thôi bỏ cái nghề này đi anh à, mình còn trẻ làm cái gì mà chả được. Ở nhà với em gắng cày cuốc lật cỏ mà ăn. Lỡ có chuyện gì thì em biết phải làm sao đây?”. Sau một hồi trầm ngâm, Dinh đáp lại: “Chắc có lẽ phải từ giã thôi, chứ đi lắm cũng có ngày mất mạng. Bẫy rừng giăng mắc dọc đường lấy lan thế thì không gặp hôm nay cũng gặp hôm khác”.

Tạm biệt rừng An Lão, Dinh tiễn tôi ra con dốc đầu bản rồi bảo: “Tặng anh một giỏ lan làm kỷ niệm đó, về gắng chăm sóc chứ lấy được nó phải trả bằng mạng sống đó”. Tôi cầm chắc giỏ lan trong tay mà lòng nặng trĩu khi nghĩ về những con người không tiếc thân mình để săn lan rừng đổi miếng cơm mỗi ngày.

Minh Ngọc-Khanh Duy/laodong

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.