Lớn lên ba kể con nghe nghề ai cũng sợ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

"Con lớn, tôi sẽ kể cho nó nghe chuyện về cuộc đời tôi, về cái nghề giữ xác người ai cũng sợ hãi. Tôi nghĩ con tôi sẽ ủng hộ tôi như mẹ nó", anh Lâm tâm sự.

Chúng tôi theo chân anh Nguyễn Sơn Lâm (44 tuổi), nhân viên phụ trách nhà đại thể bệnh viện Nhi Đồng 1, đi dọc hết con đường có hàng cây xanh rậm rạp, mát lạnh nằm ở cổng sau của bệnh viện để đến khu vực nhà đại thể. Khu vực này rất ít người lui tới, ngoại trừ anh Lâm và hai đồng nghiệp.

 
Khu vực nhà đại thể tại bệnh viện Nhi Đồng 1 nằm lặng lẽ ở cổng sau của bệnh viện.
Khu vực nhà đại thể tại bệnh viện Nhi Đồng 1 nằm lặng lẽ ở cổng sau của bệnh viện.

“Con tôi sẽ ủng hộ tôi như mẹ của nó”

Đến nơi, anh Lâm mở cánh cửa sắt hoen gỉ được khóa kỹ. Tiến vào bên trong, chúng tôi cảm nhận ngay một không khí im lìm, lạnh lẽo. Đây chính là nơi làm việc hằng ngày của anh Lâm và hai “đồng đội”.

“Hiện tại nhà đại thể ở bệnh viện Nhi Đồng 1 có ba nhân viên chia nhau túc trực 24/24. Một người làm công việc hành chính và một người trực ở nhà xác, người còn lại được nghỉ, ….cứ thế chúng tôi thay phiên nhau làm từ ngày này sang tháng nọ”, anh Lâm nói.

Trước đây, anh Lâm làm hộ lý tại phòng mổ được hơn 8 năm, cho đến năm 2014 không may anh bị tai nạn gãy chân nên mất 3 tháng để điều trị. Trong thời gian đó, vì Khoa thiếu người nên đã đề xuất một người khác thay thế. Từ đó, anh được phân công vào vị trí trông coi nhà đại thể.

Anh Lâm kể về những ngày đầu tiếp nhận công việc giữ xác người: “Tôi làm tại nhà đại thể cũng gần 3 năm, lúc đầu cũng bị tâm lý lắm nhưng được anh Hưng, người có thâm niên hơn 20 năm trong nghề, hướng dẫn nên quen dần. Nói tới xác người thì ai mà không ghê, không sợ, nhưng khi nhìn thấy xác của những đứa bé tím tái thì tôi không thể nào cầm lòng được, thương lắm”.

 

Anh Nguyễn Sơn Lâm (44 tuổi) đến với nghề trông coi nhà xác như một cái duyên.
Anh Nguyễn Sơn Lâm (44 tuổi) đến với nghề trông coi nhà xác như một cái duyên.

Anh Lâm thú thật rằng, trước đây cũng có rất nhiều người đến ứng tuyển vào vị trí trông coi nhà đại thể, nhưng họ chỉ tiếp xúc với xác người một hai lần là họ biệt tăm. Từ đó, anh không thấy họ đến làm nữa, chắc họ sợ. Nhiều người gọi anh là “bạn” của những vong hồn, anh nghe rồi cũng ậm ừ cho qua.

Nửa thật nửa đùa, anh Lâm nói: “Từ xưa giờ nhiều người nói thấy ma, thấy quỷ nhưng bản thân tôi thì không tin và cũng chưa từng thấy bao giờ, mặc dù tôi thường xuyên tiếp xúc với xác. Cũng nhờ vậy mà tôi mới trụ được với nghề này, nếu thấy chắc tôi cũng chạy sớm”.

Anh Lâm thật sự may mắn khi cả đôi bên gia đình đều ủng hộ, đặc biệt là người vợ tuyệt vời của anh. “Vợ tôi hay nói với tôi: công việc của anh có chút đáng sợ nhưng anh không làm thì ai làm. Câu nói đó cũng chính là động lực để tôi tiếp tục và hoàn thành tốt công việc của mình”, anh Lâm tự hào nói.

“Con lớn, tôi sẽ kể cho nó nghe chuyện về cuộc đời tôi, về cái nghề “giữ xác người” bao người sợ hãi. Tôi nghĩ con tôi sẽ ủng hộ tôi như mẹ nó”, anh Lâm tâm sự.

Chạy ra ngoài để... khóc

Theo anh Lâm, nếu nói làm công việc này thường xuyên tiếp xúc với xác nên dễ nhiễm bệnh từ người chết cũng đúng, nhưng chủ yếu là do cách vệ sinh, khử trùng của mình có đảm bảo hay không. “Vi khuẩn thì nơi nào mà chẳng có, nhưng tôi được học qua một lớp tập huấn về các bước vệ sinh, khử trùng. Tôi thường tắm rửa sạch sẽ trước khi về nhà, nên việc mang mầm bệnh về nhà thì cũng không đáng để lo ngại”, anh Lâm nói.

 

Khu nhà đại thể tại bệnh viện Nhi Đồng gồm có 3 phòng: Phòng chờ, nhà tang lễ, phòng lạnh.
Khu nhà đại thể tại bệnh viện Nhi Đồng gồm có 3 phòng: Phòng chờ, nhà tang lễ, phòng lạnh.

Công việc của anh Lâm và đồng nghiệp chỉ đơn giản là nhận xác, trông coi và bảo quản xác. Nhìn thì đơn giản vậy thôi, nhưng anh Lâm lại rất sợ một điều, anh sợ đến mức trốn chạy… đó là nỗi buồn của sự mất mát.

“Khi những em bé mất, sẽ được các cô hộ lý tắm rửa thay quần áo sạch sẽ hết rồi, khi các bé được chuyển đến đây là đã tươm tất, sạch sẽ. Chúng tôi sẽ mang các bé vào hộc lạnh”, anh Lâm nói.

Nhìn nhiều bé mới chào đời, cái tên còn chưa có, bản thân anh Lâm cũng xót xa lắm, nhưng anh bất lực. Anh chỉ biết làm tốt công việc hiện tại, điều đó cũng một phần giúp cho sự ra đi của các bé được thanh thản.

“Có những bé 14, 15 tuổi vì bệnh quá nặng nên không thể vượt qua, thậm chí có những có bé sơ sinh chỉ sống được một hai tuần thì mất. Chứng kiến cảnh tượng đó, tôi chỉ biết câm lặng, nhìn gia đình người chết khóc lóc trong sự bất lực”, anh Lâm trải lòng.

Trong suốt những năm tháng anh Lâm gắn bó với nghề, anh đã tiếp xúc với biết bao xác chết, cảm nhận biết bao sự đau thương, mất mát, có ngồi kể thì đến bao giờ mới hết. Nhưng trong hoài niệm của anh vẫn hằn sâu hình ảnh của một cô bé, nằm trêm chiếc xe lạnh ngắt, mà anh đã từng đưa đến nhà đại thể.

Anh Lâm kể: “Đó là trường hợp của một bé gái đáng thương khoảng 4 tuổi ở Hóc Môn. Theo người nhà kể, trong một lần được cậu chở đi ăn chè thì bị một người say xỉn tông trúng, vụ tai nạn khiến cho cả 2 cậu cháu tử vong ngay tại chỗ. Gia đình bé gào thét trong vô vọng khiến tôi phải chạy ra bên ngoài để khóc”.

Cũng đôi lần anh suy nghĩ vu vơ rồi tự hỏi, “Tại sao mình lại làm công việc này, mình sẽ bị chai lì cảm xúc mất thôi. Vì hằng ngày, hằng giờ mình phải chứng kiến cảnh tượng đau thương mất mát”. Nhưng rốt lại, anh vẫn gắn bó với công việc trông coi nhà đại thể như một cơ duyên kỳ lạ, như bấy lâu vẫn thế...

Phan Định-Hoài Nhân/thanhnien

Có thể bạn quan tâm

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).
Những cuộc đời ven kênh

Những cuộc đời ven kênh

Từ bao đời nay, trên các nhánh sông Sài Gòn từng có những xóm làng ven kênh, họ sống đời cha nối tiếp đời con. Đó là những xóm kênh hay dân bờ kè gắn liền với cuộc đời và số phận thăng trầm cùng các dòng sông, bờ kênh của thành phố...
Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội

Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội

(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trái tim những người từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia vẫn luôn hướng về vùng đất Đức Cơ-nơi tiễn các anh đi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả và cũng là nơi đón các anh trở về với đất mẹ. Và, ở miền biên viễn này còn có bao đồng đội đang yên giấc vĩnh hằng.

Người của biển khơi

Người của biển khơi

Cứ mỗi lèo biển đánh được nhiều cá, anh lập tức nhớ ngay tọa độ, ngày tháng đánh bắt, đêm có trăng hay không trăng, dòng hải lưu thế nào... để mùa sau, năm sau quay trở lại đánh bắt