Khởi đầu hàng không dân dụng miền Bắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ở miền Bắc, thời điểm chính thức ra đời ngành hàng không dân dụng, tiền thân của Vietnam Airlines ngày nay, bắt đầu từ giữa tháng 1-1956 khi Cục Hàng không dân dụng được thành lập.

Sau bước ngoặt lịch sử ngày 30-4-1975, phần lớn cơ sở vật chất của Air Việt Nam từ máy bay, trang thiết bị kỹ thuật, văn phòng, bến bãi phi trường đến nhân lực đều được chính quyền mới tiếp quản.

 
Máy bay AN-2 khai trương tuyến Hà Nội - Nà Sản - Điện Biên - Ảnh tư liệu Đoàn bay 919
Máy bay AN-2 khai trương tuyến Hà Nội - Nà Sản - Điện Biên - Ảnh tư liệu Đoàn bay 919

Hai chiếc máy bay hiếm đầu tiên

Mốc điểm đặc biệt có lẽ bắt đầu từ tháng 4-1946, khi cựu hoàng Bảo Đại trao cho chính quyền cách mạng hai chiếc máy bay riêng của mình.

Đó là loại cánh quạt Tigermoth và Morane từng được chính ông Bảo Đại sử dụng tập lái và di chuyển đường xa. Máy bay được tháo cánh và bốc lên xe lửa để chuyển từ Huế ra Hà Nội.

Ngoài máy bay, tổ nhân viên kỹ thuật sửa chữa, bảo dưỡng máy bay hoàng gia cũng đi theo ra Hà Nội. Họ rất cần thiết cho việc tháo, ráp, bảo trì và vận hành máy bay sau này.

Theo nghiên cứu của giáo sư sử học Văn Tạo, ngay từ đầu chính quyền Việt Minh, đặc biệt là ông Võ Nguyên Giáp, đã rất quan tâm đến sức mạnh hàng không sử dụng trong không quân và dân dụng.

Bởi từ thời tiền Cách mạng Tháng Tám, phe đồng minh Mỹ đã nhiều lần sử dụng thế mạnh áp đảo của mình là phương tiện bay từ Trung Quốc, bắt liên lạc với lực lượng cách mạng Việt Nam, chở sĩ quan tình báo sang giúp đỡ huấn luyện quân sự lẫn tiếp tế vũ khí chống phát xít Nhật.

Tuy nhiên, khi tiếp nhận máy bay từ cựu hoàng Bảo Đại, chính quyền Việt Minh chưa kịp có điều kiện sử dụng, do ngay sau đó đã xảy ra cuộc chiến chống trả quân Pháp tái xâm lược. Chiếc Tigermoth và Morane phải tạm cất giấu ở Sơn Tây.

 

Phi trường Gia Lâm năm 1959 với các máy bay do Liên Xô sản xuất - Ảnh tư liệu Đoàn bay 919
Phi trường Gia Lâm năm 1959 với các máy bay do Liên Xô sản xuất - Ảnh tư liệu Đoàn bay 919

Đầu năm 1947, khi lực lượng cách mạng rời Hà Nội rút lên chiến khu, máy bay cũng được kéo lên (chưa có người để lái và tình trạng kỹ thuật máy bay cũng không sẵn sàng) huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang.

Trên đường qua Bình Ca thì không quân Pháp phát hiện, bắn phá, làm hư cánh chiếc Tigermoth. Nhưng do cánh máy bay bằng vải nên về sau tạm khắc phục được bằng cách thay vải khác.

Một thời gian sau đó, "tài sản" quý hiếm đầu tiên này của lực lượng không quân - hàng không dân dụng lại phải tạm cất giấu ở bản Soi Đúng bên bờ sông Gâm, để chờ các hoạt động chuẩn bị hạ tầng sân bay và nhân lực vận hành.

Ngày 9-3-1949, đại tướng Võ Nguyên Giáp (khi ấy là Tổng tư lệnh quân đội nhân dân VN) ký quyết định thành lập Ban nghiên cứu không quân do ông Hà Đổng làm trưởng ban cùng một số người có kiến thức hàng không như hàng binh Đức Verner Schultze với tên Việt là Nguyễn Đức Việt và các hàng binh Nhật...

Ý định ban đầu là lập đội huấn luyện không quân nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo chỉ thành lập ban nghiên cứu để đúng với mức độ khởi đầu nghiên cứu, học tập.

Chiều 14-5-1949, chiếc Tigermoth được phép cất cánh trên đường băng dài 450m, rộng 25m ở bản Soi Đúng bên bờ sông Gâm. Phi công là ông Nguyễn Đức Việt, ngồi ghế thợ máy phía sau là ông Nguyễn Văn Đống.

Động cơ máy bay được một người bên dưới hỗ trợ khởi động bằng cách dùng tay quay cánh quạt. Chiếc Tigermoth sau thời gian dài nằm đất, vẫn nổ giòn lăn bánh trên đường băng về phía Nam, rồi quay ngược đầu chạy lấy đà cất cánh thành công.

Bay vài vòng lượn ở độ cao 800 - 1.000m, phi công hàng binh Đức cho máy bay hạ cánh nhưng trượt xuống sông làm gãy cánh quạt và vỡ kính chắn gió.

Từ đó chiếc Tigermoth không còn cất cánh được và trở thành phương tiện học tập dưới mặt đất đầu tiên của ngành không quân - hàng không dân dụng miền Bắc.

28 học viên khóa 1 và 87 học viên khóa 2 được dạy bởi các ông Nguyễn Đức Việt, Trần Hà (hàng binh Nhật), thợ máy người Đức Mallenbach, Schertaner, huấn luyện viên dù Lubrish cùng một số người Việt từng là thợ máy của cựu hoàng Bảo Đại và các ông Đoàn Mạnh Nghi, Lê Thạch Liên.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đi máy bay về thăm Nghệ An năm 1961 - Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh đi máy bay về thăm Nghệ An năm 1961 - Ảnh tư liệu

Xây dựng hàng không dân dụng

Năm 1954, hàng không miền Bắc có bước ngoặt phát triển sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Ở miền Nam, Air Việt Nam nâng tầm cao phát triển khi người Pháp chuyển giao toàn bộ hạ tầng hàng không cho chính phủ người Việt từ vĩ tuyến 17 trở vào.

Ngoài miền Bắc, phi trường trung tâm Gia Lâm được tiếp quản cùng hơn 40 phi trường khác như Cát Bi, Vinh, Đồng Hới, Nà Sản, Điện Biên Phủ, Cao Bằng, Lạng Sơn, Kiến An...

Ngày 15-1-1956, tức đúng năm năm sau sự ra đời của Air Việt Nam ở miền Nam, Cục Hàng không dân dụng được thành lập ở miền Bắc dưới sự lãnh đạo của ông Đặng Tính, nguyên cục trưởng Cục Tác chiến, được điều phái sang.

Một số phòng để phục vụ hành khách cũng được thành lập như phòng thương vụ, phòng giao dịch quốc tế, phòng vé... Đây cũng là thời điểm miền Bắc được viện trợ năm chiếc máy bay loại nhỏ gồm hai chiếc Li-2 và ba chiếc Aero-45.

Đội bay hàng không dân dụng miền Bắc tuy còn ít ỏi nhưng đã nhanh chóng vận hành hiệu quả. Ngoài một số chuyến bay phục vụ hành khách trên tuyến Hà Nội - Vinh - Đồng Hới, hai chiếc máy bay vận tải Li-2 còn đảm nhiệm trọng trách chở các đoàn cán bộ cấp cao đi công cán.

Đặc biệt là chiếc chuyên cơ Li-2 mang số hiệu 203 do Liên Xô tặng đã nhiều lần chở Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đội máy bay dân dụng của miền Bắc hồi ấy mang số hiệu VN 198, VN 199 (loại Li-2) và VN 200, VN 201,VN 202 (loại Aero-45). Đường bay VN - Trung Quốc được thực hiện sớm từ đầu tháng 1-1956.

Đường bay quốc nội đầu tiên là tuyến Hà Nội - Vinh - Đồng Hới được khánh thành đúng vào lễ Quốc khánh 2-9-1956 với mức vé ban đầu 30 đồng tiền miền Bắc.

Hai năm sau, tuyến Hà Nội - Nà Sản - Điện Biên cũng được vận hành với chiếc máy bay vận tải mới AN-2 mang số hiệu 30C.

Bức điện lịch sử

Đúng 12 giờ đêm 31-12-1954, một bức điện vô tuyến được phát đi từ Gia Lâm: "Kể từ 0h ngày 1-1-1955, theo giờ Hà Nội, thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, phi trường Gia Lâm không còn nằm trong khu quản chế Đông Dương.

Tất cả máy bay muốn vào, ra miền Bắc Việt Nam, từ vĩ tuyến 17 trở ra, phải xin phép cơ quan điều phái của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đặt tại phi trường Gia Lâm, Hà Nội".

Bộ chữ tín hiệu mới là chữ HN (Hà Nội) được thay cho chữ F2Y của Pháp quy định trước đó. Lịch sử hàng không dân dụng của miền Bắc được viết trang mới.

Quốc Việt/tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Niềm đam mê bất tận với billiards

Niềm đam mê bất tận với billiards

Hành trình chinh phục ngôi vô địch đồng đội thế giới 2024 nội dung carom 3 băng của “cặp bài trùng” Trần Quyết Chiến và Bao Phương Vinh đã đưa người hâm mộ billiards trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, có cả sự hồi hộp, nghẹt thở đến vỡ òa hạnh phúc.
Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.