Trở lại bãi ngang sau mùa "biển chết" Kỳ 3: Tỷ phú miền chân sóng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vượt qua những thăng trầm cuộc đời, vợ chồng anh chị Phạm Phước Phi (45 tuổi) và Văn Thị Mười (42 tuổi) ở đội 1, thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã khẳng định được bản lĩnh can trường để trụ vững và vươn lên trở thành “đại gia” nơi miền biển bãi ngang chang chang nắng gió.

Gian nan lập nghiệp

            

Giờ thì người dân ở miệt biển Hải Khê đều gọi anh chị là “đại gia” Mười Phi. Song ít ai biết để có được thành công như bây giờ, họ đã trải qua nhiều lận đận xen lẫn sự táo bạo mang tính tiên phong với lối suy nghĩ khác người. Lúc chúng tôi ghé thăm, anh Phi đang tự tay bơm xăng cho khách tại cây xăng của vợ chồng anh đặt ở đầu thôn. Người đàn ông đen nhẻm, rắn rỏi với nụ cười hiền luôn thường trực trên môi tranh thủ nghỉ tay tiếp chuyện. Anh kể lại câu chuyện đời lắm thăng trầm, sóng gió của mình. Tuổi thanh niên mới lớn, như nhiều chàng trai biển khác, anh cũng theo thuyền ra biển đánh bắt cá tôm để mưu sinh.

 
Khu ao tôm đang thả nuôi của vợ chồng anh Mười Phi.
Khu ao tôm đang thả nuôi của vợ chồng anh Mười Phi.

Sau đó, anh bất ngờ theo nhiều người làng vượt biên đi Hồng Kông với ước vọng được quá cảnh sang Mỹ tìm kiếm một cơ hội đổi đời. Tuy nhiên, anh lại “mắc kẹt” tại trại tị nạn ở Hồng Kông. Trại tị nạn này do Liên Hợp Quốc bảo trợ, mỗi người tị nạn được nhận hỗ trợ 1 USD/ngày. Cơ hội đổi đời tan biến, anh và nhiều người trong trại bị trục xuất về nước vào năm 1993. Dù ở trại tị nạn, với số vốn mang theo cùng chắt chiu, dành dụm nên khi trở lại quê nhà anh vẫn mua được 7 chỉ vàng.  Năm 1995, anh nên duyên với chị Mười và lần lượt họ có với nhau 5 mặt con. Từ số tiền sau “tị nạn”, anh mua chiếc thuyền có gắn máy để rong ruổi ra biển kiếm tiền nuôi vợ con. Anh kể, những năm 1996-1997, vợ chồng anh túng quẫn đến nỗi trong nhà chẳng còn hạt gạo để ăn.

Vào khoảng năm 1998, xã Hải Khê bắt đầu có điện lưới kéo về. Nhận thấy nghề đi biển vất vả, lại nhiều bất trắc, anh quyết định nghỉ biển. Hai vợ chồng đánh bạo vay mượn anh em, bạn bè đang định cư ở nước ngoài một số vốn mở cơ sở làm nước đá để cung cấp cho các thuyền cá, cơ sở thu mua hải sản, quán tạp hóa quanh vùng. “Thời điểm ấy, cả vùng biển Hải Lăng và một số xã lân cận ở Triệu Phong, Thừa Thiên - Huế cũng chỉ có tôi làm nước đá. Giá đá hồi ấy đã 7 nghìn đồng một cây mà cũng chẳng có bán. Có những ngày hai vợ chồng thu được 5 phân vàng. Nói chung làm đá thời điểm ấy kiếm được rất nhiều tiền”, anh Phi kể.

Sau nhiều năm, một số nơi lân cận bắt đầu xuất hiện các cơ sở làm đá, công việc của vợ chồng anh không còn tất bật như trước. Năm 2007, vợ chồng anh chính thức đóng cơ sở làm đá để chuyển hướng làm ăn mới. Tích góp được 31 cây vàng từ những ngày làm nước đá, cộng với tiền vay mượn thêm khoảng 25.000 USD của anh em, bạn bè ở Thụy Sĩ, áng chừng 1 tỷ đồng, vợ chồng anh quyết định xin phép mở cây xăng. Và từ đó đến nay, cây xăng dầu mang tên Mười Phi ngày càng ăn nên làm ra. Đây cũng là cây xăng duy nhất ở vùng biển Hải Lăng cũng như một số xã lân cận… cung cấp hầu như toàn bộ xăng dầu cho tàu thuyền, các cơ sở sản xuất trong vùng. Hiện nay vợ chồng anh đã đăng ký thành lập doanh nghiệp Mười Phi, chuyên kinh doanh mặt hàng xăng dầu tại địa phương… Riêng cây xăng, thu nhập mỗi năm của vợ chồng anh cũng có tiền tỷ! Nhưng với đôi vợ chồng này, việc làm ăn như thế vẫn là chưa đủ…

 

Anh Phi đang đổ xăng cho khách.
Anh Phi đang đổ xăng cho khách.

Bản lĩnh Mười Phi

Đận 2007, lúc phong trào nuôi tôm đang rộ lên ở vùng cát ven biển, nghề được xem là “chỉ một canh bạc là đổi đời”, anh quyết định đổ tiền bạc đầu tư vào con tôm thẻ chân trắng trên diện tích 1 hecta. Năm đầu mọi thứ thuận lợi, vợ chồng anh thu bạc tỷ chỉ sau một vụ. Những tưởng với đà này vợ chồng anh chẳng có sức mà đếm tiền từ tôm.

Song con tôm đâu có dễ, nó cũng đỏng đảnh, bất thường như thời tiết vậy. Kể từ năm thứ 2 trở đi, một mạch cho đến 5 năm tiếp theo… liên tù tì vợ chồng anh thất bát, ôm nợ theo con tôm. Nguyên nhân chủ yếu là do: Khi thì gần kề thu hoạch, tôm đổ bệnh chết đỏ hồ; khi thì mưa bão ập đến chẳng kịp trở tay, tôm trôi hết; khi thì phải xuất bán non vì bị nhiễm bệnh…

“Hồi ấy vợ chồng tôi cũng gọi là khá mạnh về tiền bạc mới trụ lâu đến thế, chứ nhiều gia đình chỉ qua vài ba vụ là tán gia bại sản, ôm một đống nợ ngân hàng rồi tha phương. Nuôi tôm như đánh bạc là thế, chỉ cần một vụ trúng lớn là lo được nợ nần cho khoảng 3 vụ thất bại. Nhưng khi thất bát liên miên thì chỉ có… mạt vận. Sau đợt thất bại liên tiếp đó, từ trong tay có sẵn hàng tỷ đồng tiền mặt, vợ chồng tôi trở thành con nợ với số tiền 3-4 tỷ đồng, duyên do mình nuôi tôm thiếu hiểu biết”, anh Phi nhớ lại.

Anh vẫn quyết gắn bó với con tôm bởi anh ngẫm chỉ có con tôm là nhanh chóng vực lại nợ nần và sẽ có lãi. Nhưng để chắc chắn hơn trong nuôi tôm, anh bắt đầu lại, phải học thật kỹ lưỡng những bài học thất bại đắt giá đã nếm trải. Anh bắt đầu chấp nhận treo hồ một thời gian để cải tạo, khử trùng toàn bộ 3 ao (diện tích 1 ha), rồi tìm hiểu thật cặn kẽ các khâu kỹ thuật, phòng trị từng loại bệnh, tự tay chọn giống nuôi… Năm 2013, anh bắt đầu thả nuôi tôm trở lại trong tâm trạng xen lẫn hồi hộp, lo âu và hy vọng.

 

Những đầm nuôi tôm vùng biển bãi ngang Hải Lăng.
Những đầm nuôi tôm vùng biển bãi ngang Hải Lăng.

Hầu như suốt những ngày tháng đó, anh ăn ngủ luôn tại chòi canh tôm của mình. Anh giám sát chặt chẽ mọi di biến động của con tôm từ lúc nó tí ti bằng đầu kim cho đến khi chuẩn bị xuất bán. “Lo lắng dữ lắm! Dân nuôi tôm đến lúc hoàn tất bán cho thương lái, tay cầm tiền mới dám nói là mình thắng lợi. Tôi cũng đã trải qua nhiều lo âu đến bạc đầu sau vụ làm lại ấy. May thay trời thương, sau gần nửa năm nuôi, vụ đó tôi lãi hơn 2 tỷ đồng.

Rồi những vụ tiếp theo cũng trúng lớn, vừa được mùa vừa được giá. Đến cuối năm 2016, tức trong khoảng 3 năm từ 3 ao nuôi gia đình tôi thu lãi trắng hơn 6 tỷ đồng từ tôm. Đợt hè năm 2016 do sự cố môi trường biển, 2 trong số 3 ao bị ảnh hưởng, nhưng ao còn lại cũng thu cũng được trên 1 tỷ đồng, xem như bù đủ chi phí. Hiện tại, tôi đang thả 3 hồ gần đến thời điểm thu hoạch và mọi thứ rất khả quan. Dự kiến mỗi hồ thu được ít nhất cũng được khoảng 7-8 tấn tôm, quy ra cũng được 500 triệu đồng/hồ sau khi trừ chi phí”, anh Phi vui vẻ chia sẻ.

Ở Hải Khê, giới nuôi tôm vẫn nể phục và xem anh Phi như một “vua tôm” thật sự có bản lĩnh. Bởi anh nuôi tôm không chỉ gặp thời, mà anh cũng đã từng nếm trải thất bại cay đắng và đạt được thành công như hiện tại sau nhiều năm “ăn ngủ cùng tôm”. Ở vợ chồng anh Phi luôn có một ý chí, khát vọng mãnh liệt với cách tính toán, lối suy nghĩ, cách làm đột phá để làm giàu chính đáng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, hiện vợ chồng anh đang tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng, bao ăn ở.   

Không chỉ có thu nhập cao từ nuôi tôm, cây xăng, mà chỉ riêng chị Mười vào mỗi vụ thu tôm, chị chạy quanh cùng buôn tôm bán lại cũng có thêm khoản lãi khoảng 10 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy, anh chị trang trải hết mọi nợ nần và có điều kiện chăm lo tốt nhất việc ăn học cho con. Lần chúng tôi ghé thăm, anh chị đang khởi công căn nhà khá bề thế ngay gần cây xăng. Chị Mười cười: “Lâu ni bươn chải làm ăn vẫn ở nhà lụp xụp. Nay có dư dả nên làm căn nhà khang trang rộng rãi hơn để có chỗ cho cả gia đình ăn ở, sinh hoạt đàng hoàng, con cái có điều kiện học tập tốt hơn”.

Con du học Nhật, Canada

Về kinh tế, vợ chồng anh Phi - chị Mười có thể gọi là vững vàng ở vùng quê biển bãi ngang huyện Hải Lăng này. Và sự đầu tư chăm lo tương lai của con cái thì anh chị cũng được xem là người “chịu chi” nhất. 5 đứa con nheo nhóc ngày nào, giờ 2 đứa lớn được anh chị cho đi du học. Con trai lớn hiện đang theo học ngành điện tử tại Nhật Bản. Đặc biệt, cô con gái thứ 2 đang theo học Y tại Canada. Cháu là du học sinh Việt Nam duy nhất trong số 13 em cùng khóa thi đỗ điểm cao chính thức được chọn theo học từ 100 em dự thi đầu vào. Mỗi tháng, vợ chồng anh chị chu cấp cho cả 2 con du học với số tiền 55 triệu đồng. “Vì tương lai con cái tốt đẹp hơn, vợ chồng tôi sẵn sàng chịu mọi vất vả để chăm lo. Sau này, 3 đứa con còn lại nếu học giỏi (lớp 8, lớp 1 và mẫu giáo), chúng tôi cũng sẽ cố hết sức cho chúng được đi du học để mở mang tri thức, tìm kiếm tương lai tươi sáng”, vợ chồng anh Phi chị Mười quả quyết.

Hữu Thành-Sĩ Việt/tienphong

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).