Tan vỡ giấc mộng vàng-bài 2: Phu vàng-những phận đời xấu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cuộc đời nô lệ trong hầm vàng như các cháu đào thoát ra kể lại với lực lượng công an và chính quyền, đặc biệt là khi lần lượt nhiều nạn nhân trả lời phỏng vấn chúng tôi, có lẽ không thể nào thuyết phục hơn.

Vừa rồi, trong hành trình cả nghìn cây số chinh phục các mỏm núi chon von của xã biên giới Keng Đu của người Khơ Mú ở Kỳ Sơn - huyện xa xôi nhất tỉnh Nghệ An - chúng tôi còn nghe một câu chuyện lạnh sống lưng khác.

Lãnh đạo đồn biên phòng Keng Đu và lãnh đạo UBND xã sở tại đều thề thốt: Trong nhiều lán thổ phỉ, bọn cai đã áp đảo các cậu bé 12-13 tuổi, các thanh niên nghèo người thiểu số bằng cách tra tấn cho mất ý chí “chiến đấu”. Hàng ngày, chúng bỏ cơm ra nền đất, bắt phu phải bò lổm ngổm như con chó tiến lại, không được dùng tay dùng chân, cứ thế vục miệng xuống mà ăn. Không ăn thì chết đói, chết cũng chỉ có rừng núi và bè lũ độc địa kia biết, chứ chẳng thế kêu ai. Và khi họ chết...

 
Tại xã Na Loi, chị Moong Mè Chi hơn một tháng qua vẫn chưa thôi vật vã khóc, sau cái chết thảm của chồng là phu vàng Moong Văn Hoài.
Tại xã Na Loi, chị Moong Mè Chi hơn một tháng qua vẫn chưa thôi vật vã khóc, sau cái chết thảm của chồng là phu vàng Moong Văn Hoài.

1. Khi kể những dòng này, có ghi âm, ghi hình, có xác nhận của nhân chứng và cán bộ, nhưng chúng tôi vẫn liên tục sửng sốt: Bây giờ là thế kỷ nào mà thân xác của “nô lệ” bị đối xử ngoài mọi sự tưởng tượng đến mức này. Một mình cậu bé Oong (người bản Tạt Thoong, xã Chiêu Lưu), mới 12 tuổi đầu, bé như cái kẹo, mà phải lăn lộn với cả một lán vàng. Cu cậu phụ trách cả đào đất đá, nổ mìn, chống cọc hầm lò, khai quặng và đào đãi cho ra vàng.

Lúc đào thoát được, cu cậu lang bạt cả mấy tháng từ Quảng Nam ra đến đường lớn. Đi làm thuê cho những người trồng keo để có lộ phí tìm đường về quê mẹ. Khi xe khách đưa về đến ngã ba Yên Lý, huyện Diễn Châu quê mình, đó là khu vực ven quốc lộ 1, cách nhà hơn trăm cây số, cu cậu nhờ người gọi về ủy ban xã báo tin.

Anh Sơn, bố cậu bé tí hon phải bán một con bê, có tiền đi tìm con. Oong may hơn hai bà chị gái bị bán làm gái mại dâm xứ người của mình đến ngàn lần. Và anh rể của Oong chính là Cụt Văn Toại, 17 tuổi, người bị tra tấn trong hầm vàng mà bài trước chúng tôi đã kể.

Tại bản Huổi Nguồi, xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn, chúng tôi còn gặp Moong Văn Chi, Moong Văn Seo (đều xấp xỉ 40 tuổi) bị bóc lột, tra tấn dã man trong bãi vàng, họ đã tìm đường sống bằng cách bỏ trốn. Họ cắt rừng đi, đi mãi đến mức lạc sang tận biên giới giáp Trung Quốc.

Trưởng công an xã Na Loi, anh Kha Văn Tú kể: Khi nhận được điện thoại từ công an biên giới gọi về bảo đi đón người xã nhà bị lạc mà anh cứ ngỡ mình nằm mơ. Họ đã phải lên tận cửa khẩu quốc tế bên Móng Cái nhận Chi và Seo về. Tuy nhiên, được ít ngày, bao nhiêu công sức chăm sóc bảo bọc lại trở thành công cốc, khi mà nửa đêm, Seo và Chi rủ nhau trốn khỏi bản, đi theo giấc mộng vàng tiếp.

2. Không có nỗi đau nào lớn được như ở nhà ông Cụt Phò Quyên, người bản Sao Va, xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn. Ông Quyên có 5 người con trai và một đàn con gái. Bản Sao Va thăm thẳm cách ủy ban xã 3 giờ leo núi, nhìn bên kia là đại ngàn Mường Lống “trăm bảy mươi thác trăm ba mươi ghềnh”.

Ít nhất 4 người con của ông Quyên nghiện ma túy. Ba anh em trai Cụt Văn Sơn (tuổi ngoài 40), Cụt Phò Pheng và Cụt Văn Ngọ (mới ngoài 20 tuổi) đi làm vàng ở Quảng Nam. Họ nghĩ đơn giản, ở nhà thì thành gánh nặng cho vợ con, bố mẹ, ma túy là thứ rất khó từ bỏ. Nghiện oặt như thế, chữ bẻ đôi không biết thế, cơ quan đoàn thể nào dám nhận vào công tác?

Thế là họ, như nhiều trai bản khác, bèn tính một viên đạn trúng hai mục đích: Vào bãi vàng thổ phỉ, vừa thả phanh hút xách, lại có tiền tiêu rủng rỉnh như lời hứa của kẻ đưa mối. Họ đi, để lại bố mẹ già, một người em trai nghiện oặt tên là Hồng và 3 bà vợ chăm 10 đứa con nhỏ.

Họ vào thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam làm thuê trong hầm vàng của Văn Thị Hoài Thương (36 tuổi), là vợ của cán bộ đội cảnh sát giao thông, công an huyện sở tại. Họ nổ mìn, bị ngạt khí, vài người buộc dây xuống cứu, bị ngạt nốt. Kết quả là 5 người chết, trong đó có 3 anh em ruột Sơn, Pheng, Ngọ.

Sơn và Pheng mỗi người có 4 đứa con. Ngọ ít tuổi nhất, mới có 2 con. Khi chúng tôi đến, xác của ba anh em đang được trai bản khênh thấp thểnh trên cáng tre, trong đêm tối mưa gió mù trời để về nhà. Đường trơn, dốc ngược, mỗi cái xác bọc trong một tấm bạt nilon xám. Họ buộc đầu và chân của túm thi thể người vào hai đầu gậy mà khiêng, lúc nào đường bớt xấu thì kê hai đầu đùm túm đó vào hai cái yên xe máy mà gầm gào nổ máy tiến mãi vào phía bản Sao Va. Nước mắt trộn mưa núi, bùn đất, kể cả người cầm máy ảnh chụp cũng bặm môi để khỏi bật khóc thành tiếng.

Trai tráng để ba cái bạt chứa xác lên nền nhà sàn rồi ngồi thở. Đám người chở xe ô tô từ Quảng Nam về, quẳng các xác ngoài đầu xã rồi họ bỏ của chạy lấy người. Ông Quyên và bà vợ già ngồi khóc thút thít. Bọn trẻ gặp người lạ cứ nhao nhao bám theo, hình như chúng chưa hiểu thế nào là mất mát.

Có đứa về nhà mình, cầm di ảnh của bố sang cho nhà báo xem, rồi nhân thể lội qua suối tắm bì bõm, ảnh giơ lên đầu như cầm đầu đoàn đi biểu tình đòi mạng cha. Suốt một thời gian dài, các chủ bãi vàng gây ra các chết của 3 người con trai ông Phò Quyên không “đền bù” gì cả, người em nghiện ma túy của ba nạn nhân xấu số chỉ còn biết ngồi chửi lầm bầm, mắt Hồng vằn lên những tia máu.

Bố mẹ già ngơ ngẩn. Ba bà vợ không sõi tiếng Kinh, chiều đến thỗn thện ra bờ suối tắm truồng. Đàn con thơ lấm lem bùn đất, đen nhẻm như những quả sim lẫm chẫm. Khi chúng tôi đưa đoàn luật sư vào bảo vệ quyền lợi miễn phí cho gia đình, thì “nhà bưởng” ở thị trấn Thạnh Mỹ mới phải đền 280 triệu đồng cho ba mạng người trong một phiên tòa được mở tại tỉnh Quảng Nam.

Khoảng 90 triệu đồng cho một mạng người, tiền ấy nuôi hai bố mẹ già, 3 bà vợ và 10 đứa trẻ miệng còn hơi sữa. Nó rẻ rúng đến mức, trưởng bản bảo, mạng người sao có giá trị bằng 3 con trâu, bằng hai cái xe máy!

 

Tại UBND xã Keng Đu, chúng tôi gặp ba phụ nữ là chị em ruột này, hai trong số họ là góa phụ có chồng chết trong bãi vàng Quảng Nam.
Tại UBND xã Keng Đu, chúng tôi gặp ba phụ nữ là chị em ruột này, hai trong số họ là góa phụ có chồng chết trong bãi vàng Quảng Nam.

3. Chưa hết oái oăm, quá cám cảnh, sau khi mồ ba anh trai xanh cỏ, Nguyệt, cô em gái mỏng mày hay hạt đã từ bỏ bản Sao Va đi bán mình làm vợ người ta ở bên Trung Quốc. Hôm chúng tôi vào bản lấy xác nhận, làm hồ sơ “kêu kiện” trước tòa cho ba nhân mạng xấu số, thì gặp con gái lớn của anh Sơn đang son phấn lòe loẹt, đem tuổi 15 của mình đi theo mẹ mìn để... bán dâm.

Chúng tôi ngăn, đề nghị công an xã vào cuộc. Cô bé gọi cho Tú Bà Tú Ông rút quân ra khỏi Bảo Thắng kẻo nguy hiểm, rồi bé chấp nhận về bản, nhưng chỉ được ít ngày sau, cháu lại cất bước ra đi như một điều không thể nào khác được (?).

Khi chúng tôi vượt đèo cả một ngày lăn lộn vào đến Đồn biên phòng Keng Đu, anh Lương Văn Ngam, Chủ tịch UBND xã đã có mặt ở tít tịt ngoài bìa núi mờ sương để đón cán bộ miền xuôi. Cả đồng chí thượng tá Nam, đồn trưởng và anh Ngam, chủ tịch, đều tỏ vẻ bất bình trước việc các nơi sử dụng lao động người địa phương đối xử với các thi thể người xấu số quá tàn độc.

Gần như 100% bà con ở Keng Đu là người Khơ Mú. 40km từ xã Huổi Tụ (như một thị tứ) vào tới Keng Đu, cách đây hai, ba năm vẫn phải mất mấy ngày đi bộ mới đến nơi. Bây giờ nhà nước mở đường cấp phối, nhưng xe ôtô hai cầu may ra mới đi được thôi.

Lúc đường vừa mở rậm rạp qua loa thì Lường Thị My, ngoài 20 tuổi, người bản Ta Ha Ven - Keng Đu - có chồng bị chết trong bãi vàng vùng Quảng Nam. Hơn chục ngày sau, chiếc xe cũ kỹ định mệnh do toán chủ mỏ thuê mới ì ạch vá víu đem xác người vào đến thị tứ Huổi Tụ “bàn giao”. Đến nơi, lấy lý do đường xấu, lại do bên thuê chở xác chỉ chi trả tiền đến khúc ấy, nên lái và phụ xe khênh xác người xuống bỏ ven bìa núi, bảo là gia đình đem về mà mai táng.

Thấy tình hình quá căng thẳng, cán bộ xã, các chiến sĩ biên phòng đã yêu cầu chủ xe phải chở thi thể người đang phân hủy kia vào tận bản, nếu không sẽ bắt giữ, xử lý theo pháp luật. Chị My gặp nhà báo, hỏi chị bao nhiêu tuổi, chị không biết đâu, chồng chị chết vì lý do gì, mình không nhớ đâu. Cũng không biết người nằm trong quan tài hôm đó có phải chồng mình không nữa, vì người ta không cho phép mở nắp.

4. Căn nhà lụp xụp, nghèo khó. Cả xã, cả chị My đều thở dài: Họ đền cho mạng chồng chị My có 30 triệu đồng. Thời giá lúc đó cũng chỉ bằng một con trâu mộng. Mà chị My, rồi cả lãnh đạo đồn biên phòng và lãnh đạo xã bức xúc nhất, lại là chuyện: Người ta không cho mở quan tài ra để nhìn mặt người quá cố lần cuối. Họ bảo xác đang phân hủy, độc hại.

Bà con thì nghi ngờ: Xác đó chưa chắc đã phải là chồng chị My, cũng có thể là xác súc vật thì sao (chủ tịch xã nói). Tại sao không cho người ta mở quan tài ra. Tại sao đem xác về “quẳng” ở rệ cỏ bờ núi rồi định phủi tay ra đi. Coi thường mạng người, coi thường luân thường đạo lý thế là hết chỗ nói rồi.

Bản Huổi Nguôi xã Na Loi, cách Keng Đu 50km đèo dốc thì có 44 hộ người dân tộc Khơ Mú thì 35 hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo. Trưởng Công an xã Kha Văn Tú dẫn chúng tôi vào thăm gia đình ông Pịt Phò Nguyễn, 55 tuổi. Ông Nguyễn là bố vợ anh Moong Văn Hoài, SN 1991, anh Hoài vừa bị chết trong hầm vàng ở Quảng Nam vào tháng 11.2017. Xã Na Loi và xã Bắc Lý cách đó mấy chục cây số có hai nạn nhân cùng chết trong một ngày, ở cùng một hầm vàng thổ phỉ.

Cả hai đều hiền lành tử tế và mới bị lừa vào hầm vàng làm “nô lệ” chừng một tháng thì bị chết. Một chuyến xe “trao trả xác người” kỳ lạ được thực hiện. Ông Nguyễn và anh Tú cùng hồi ức lại trong thảng thốt: Vợ anh Hoài là chị Moong Mè Chi đã ngất xỉu khi thấy chiếc xe ô tô chở chồng mình “hồi hương”.

Xe ôtô cũ kỹ 12 chỗ, khi đến Na Loi thì có 4 người sống và 2 thi thể người cùng lăn lóc thối tha. Họ là người của mỏ vàng, lái và phụ xe. Nghe nói xe đi 5 - 7 ngày từ núi rừng Quảng Nam ra núi rừng Na Loi. Không hiểu đói nghèo hay tàn độc cỡ nào, mà các thi thể không hề được bỏ trong quan tài hay bao bọc cho kín và vệ sinh. Hai người chết nằm lăn lóc trên sàn xe, phía trên là 4 người sống rồi cứ thế “đùng đùng gió giật mây vần/ một xe trong cõi hồng trần như bay”.

Họ ba cùng với nhau ngót tuần trời thật sao? Cả ông Nguyễn và anh Tú, cũng như tất cả chúng tôi đều không dám tin đó là sự thật. Trưởng Công an xã là người bộc trực và yêu công lý, anh Tú bảo: Nhiều trai bản còn định “xử” các lái xe và cánh “cán bộ” đi trả người chết đó. Chứ mất luân thường đạo lý như thế thì họ cũng không đáng sống nữa. Vì người ta đã đối xử quá độc ác với hai thi thể người. Nước chảy lõng bõng trong sàn xe, mùi hôi thối của tử thi phân hủy kinh dị.

 

Moong Văn Xi chết đi, để lại sổ nợ ngân hàng khiến gia đình lao đao.
Moong Văn Xi chết đi, để lại sổ nợ ngân hàng khiến gia đình lao đao.

5. Vừa rồi, lại thêm hai nạn nhân chết trong hầm lò vùng Quảng Nam ngay cuối năm 2017. Hai thanh niên Seo Phó Tuyết (xã Keng Đu) và Moong Văn Si (xã Bắc Lý) cùng chết trong tích tắc. Có một sự tình cờ thế này, khi chúng tôi vượt đèo dốc cả ngày cặm cụi các vòng cua tay áo thấp thểnh để vào Keng Đu, lãnh đạo huyện Tương Dương, anh Vi Tân Hợi rồi Kỳ Sơn nữa, chắc thấy chín suối mười đèo, thương tình mới gọi cho anh Lương Văn Ngam, Chủ tịch UBND xã Keng Đu nhờ vả tạo điều kiện tìm đường đến nhà nạn nhân cho nó dễ.

Qua điện thoại, anh Ngam bảo, chúng tôi đã báo cho gia đình anh Seo Phó Tuyết đừng đi nương mà ở nhà gặp luật sư với nhà báo rồi. Chứ đi tiếp Bắc Lý thì đêm nay cũng chưa đến nơi được đâu. Để tôi bảo người nhà của Moong Văn Si ở lại xã Keng Đu luôn mà gặp nhà báo nhé.

“Bởi vì anh Si chết, để lại 17 triệu tiền nợ ngân hàng do vay làm nhà trước khi đi hầm vàng. Giờ anh ấy chết, gia đình đang lên xin giãn nợ, giảm nợ, chứ lấy đâu ra tiền mà trả!”. Hóa ra Si là người gốc ở Keng Đu, về Bắc Lý theo vợ (phong tục ở rể) mà chưa kịp chuyển hộ khẩu nốt. Tại nhà ủy ban, trước mặt lãnh đạo biên phòng, ba phụ nữ trẻ là chị em ruột cứ ôm nhau ngơ ngác nhìn khách lạ. Hai trong số họ cùng ở góa, cùng có chồng là phu vàng tử nạn. Trai tráng ở đây cứ rủ nhau đi, chứ chết theo chùm, hai ba bốn người chết cùng lúc, để lại những chùm chị em ruột cùng là ở góa và đàn trẻ mồ côi.

Seo Me Tiết là vợ của phu vàng vừa tử nạn Seo Phó Tuyết, Tiết mới 30 tuổi, chồng chết thảm để lại 3 đứa con thơ. Cháu lớn 10 tuổi, cháu út mới 2 tuổi. Cái nghèo ụp đến càng khốc liệt thêm, khi mà trụ cột gia đình bỗng dưng biến mất. Một trăm triệu đồng người ta đền cho mạng của Tuyết, thêm 20 triệu bù cho việc không có quan tài trở về nữa, tiền đó nhà nội (anh em ruột và cha mẹ của nạn nhân) giữ hết.

Tiết chẳng có gì cả. Tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Mũ với nhiều viền tua đỏ rồi các hình đồng xu xanh đỏ trên đầu Tiết cứ bảng lảng trong sương mờ. Dường như, đến việc nói về nỗi đau, sự mất mát của mình, họ cũng không biết phải nói thế nào. Chút tiền nhỏ chúng tôi cho, như muối bỏ vào cái bể trầm luân phía trước của mẹ con Tiết.

Em trai của phu vàng Moong Văn Si thì vẫn cái giọng chán nản nhưng rành rọt hơn: “Công ty vàng Bãi C. ở Quảng Nam đã làm chết anh Si của em đấy”. Họ đền 100 triệu cho cái chết của Si, mình không ý kiến gì, chỉ nói là mình tiếc anh trai mình lắm. Anh chết, giờ còn nợ 17 triệu đồng ở ngân hàng, hôm nay phải lên giải quyết. Tiền 100 triệu lo ma chay, quan tài, cúng bái, lo cho đàn con của Si đi học, hết lâu rồi. Giờ xin nhà nước giãn nợ cho, vì Si chết rồi mà.

6. Có lẽ, bởi hầm vàng tăm tối và giấc mộng vàng vốn đã đầy rẫy các ảo giác ma quỷ, cho nên cái chết của phu vàng bị đối xử dưới mức có thể có của một... con người (?). Ở bản Tạt Thoong, xã Chiêu Lưu, chúng tôi vào thăm gia đình Lương Văn Đương, SN 1975, thì tất cả chỉ còn là hoang tàn. Đương nghiện ma túy, đi làm vàng chết trong dãy núi sâu tỉnh Quảng Nam. 20 ngày sau thì anh Bình, Trưởng Công an xã mới nhận được điện thoại rằng báo với người nhà vào đưa tử thi Đương về mà chôn.

Anh Lương Văn Thanh, anh rể Đương bán một con trâu nái lấy tiền vào tìm xác em vợ. Bởi Đương mồ côi cha mẹ. Sau khi Đương chết, vợ là Vi Thị Sen tự bán mình sang Trung Quốc, con gái mới nứt mắt ra cũng bị lừa bán làm vợ người bên kia biên giới nốt.

Anh Thanh vào, giữa rừng hoang, thịt da Đương đã rữa. Người gầy xác ve, trong túi còn cái chứng minh thư làm cơ sở để người ta gọi về nhà báo tin, chứ nếu không thì chắc chắn xương trắng giữa rừng theo đúng nghĩa. Trên cành cây cao có một sợi dây thừng giống như Đương đã treo cổ tự tử. Nhiều ý kiến cho rằng, đó là hiện trường giả.

Điều bà con và cán bộ sở tại thắc mắc nhất: Tại sao sau 20 ngày rồi mà xác người xấu số, vẫn để nằm chình ình đó, sao họ không chôn rấp để an ủi một linh hồn? Gia đình gom rác, củi, nhang khói đốt lửa lên xua ruồi muỗi rồi đào hố chôn tạm nắm xương tàn của Đương ở góc rừng. Họ khóc, và còn khóc mãi, không chỉ vì cái chết của Đương, mà vì sự chua xót cho lòng người quá nguội lạnh và tàn nhẫn.

Hãi hùng nhất phải là câu chuyện ở xã Bảo Thắng, do anh Thắng - đương kim Chủ tịch HĐND xã, người nhiều năm làm Trưởng công an xã đã chứng kiến và giải quyết bao nhiêu tang thương của xác phu vàng - kể, rồi anh đưa tôi vào tận bản phỏng vấn để “chứng thực”.

Ốc Văn Năm, SN 1992, đi đào vàng ở Quảng Nam rồi bị dụ dỗ lang thang ra tận Móng Cái kiếm ăn. Bố mẹ Năm là ông bà Ốc Phò Chin và Ốc Mè Chin, đều là người Khơ Mú. Một ngày tai hại, họ nghe tin cán bộ xã đi xe máy về bản báo hung tin.

Năm chết. Vợ Năm bỏ đi Trung Quốc “làm ăn” bằng vốn tự có. Đứa con 3 tuổi được giao cho ông bà Chin chăm bẵm. Khi họ chở xác Năm về, nhà xe đòi 12 triệu kèm theo bao nhiêu cằn nhằn “xe em là xe chở hàng lậu Móng Cái, một ngày làm ra ối tiền, em chở xác chết về đây với giá 12 triệu là muốn tạo phúc thôi”.

Không có xu nào của ai đền như các trường hợp chết trong mỏ vàng khác, vì Năm chết trong hoàn cảnh bị đánh chém đầy rẫy vết băm dọc cơ thể, lại thêm các vệt mổ tử thi của cơ quan điều tra. Bố mẹ Năm bán cả con trâu “đầu cơ nghiệp” được 9 triệu. Đưa cho nhà xe, bảo là tôi lạy các anh, tôi không xoay đâu được 3 triệu nữa, cho chúng tôi xin. Hai ông bà khấu đầu lạy. Nhà xe không đồng ý. Họ bảo, họ được thuê với giá như vậy và tiền này gia chủ phải lo, nếu không họ sẽ không bàn giao xác.

Nhìn thi thể Ốc Văn Năm bốc mùi kinh khủng, anh Thắng cám cảnh quá mới bảo ông bà Chin: Ông bà về bản đi. Cho họ đem thằng Năm đi về nhà họ hoặc đem đi đâu thì tùy. Quả nhiên, khi đoàn tùy tùng rời đi, lập tức nhà xe lao ra van lạy ngược lại, thôi 8 triệu chúng tôi cũng lấy tiền để về. Chứ chúng tôi đem xác con ông bà ra Móng Cái để làm gì!

Có một sự vô lối, một sự coi trời bằng vung và một vùng không phủ sóng với các giá trị luật pháp và nhân văn ở đây. Ai đã để cho chúng tồn tại? Không lẽ cuộc sống chỉ là việc thân ai nấy lo, ai dại thì chết, chết rồi thì vứt xác thế nào hoặc định giá một mạng người mấy chục triệu đồng nhiều ít là tùy ư? Đã đến lúc, tất cả chúng ta cần xem lại mình từ những tấn kịch bi thiết này.

Quân Anh - Tâm Ninh/laodong

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.