Vượt "rừng" định kiến, nuôi 2 người con đồng đội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Lòng tôi quặn thắt khi kết quả xét nghiệm cho thấy bé gái có “H”. Lúc đó toàn thân cháu đầy ghẻ lở, sưng tấy, rỉ máu. Vợ chồng tôi tự tay giặt giũ và bôi thuốc...”.

Để nuôi 2 con của đồng đội đã qua đời vì HIV/AIDS - căn bệnh thế kỷ, vợ chồng anh không chỉ bơi trong “biển” khó khăn thiếu thốn vật chất, mà còn vượt qua “rừng” định kiến. Câu chuyện của thiếu tá Danh Trường Danh (Đồn Biên phòng Gành Dầu, Phú Quốc, Kiên Giang) khiến lòng tôi từ thẳm sâu dâng trào xúc động, cảm phục trước tấm lòng nhân ái của người lính biên phòng.

 

Để phụ giúp chồng ổn định cuộc sống gia đình có thêm 2 con nuôi, chị Bích phải nhận giữ trẻ tại nhà.
Để phụ giúp chồng ổn định cuộc sống gia đình có thêm 2 con nuôi, chị Bích phải nhận giữ trẻ tại nhà.

Đêm đêm ôm con vào lòng...

Đến Đồn Biên phòng Gành Dầu công tác, tôi được nghe anh em kể về thiếu tá (chuyên nghiệp) Danh Trường Danh (Phó Trưởng trạm Kiểm soát Gành Dầu) tự nguyện nhận nuôi 2 người con của đồng đội chết vì HIV/AIDS.

Đã trưa muộn, căn nhà “Đồng đội” do Bộ Tư lệnh Biên phòng hỗ trợ cho thiếu tá Danh đầy tiếng nói, tiếng cười. Nước da màu đồng đặc trưng người Khmer, anh Danh trông già hơn cái tuổi sắp tròn 50, nhưng nụ cười tươi lại khiến anh trông thật trẻ. Anh xởi lởi: “Chị vợ ghé thăm nên tổ chức cơm muộn”.

Vừa nghe sĩ quan Đồn giới thiệu mục đích chuyến thăm, anh Danh cười, chỉ tay về phía 2 cô cậu trẻ đang ngồi giữa mâm cơm “đại gia đình”: “2 đứa nó đó. K.C, năm nay học lớp 9 rồi, còn Quốc Bảo cũng to “như cột đình”, hiện đang công tác tại BCH Quân sự xã Gành Dầu”.

Đúng như lời anh Danh, mới tuổi “bẻ gãy sừng trâu” nhưng Quốc Bảo đã vạm vỡ, còn K.C đã ra dáng thiếu nữ “trắng da, dài tóc”. Dù đã được cán bộ chiến sĩ ở Đồn cung cấp thông tin sơ bộ trước lúc lên đường, nhưng tôi vẫn bất ngờ như lạc vào “huyền thoại giữa đời thường” khi gặp bé gái từ cõi chết cách đây 14 năm, giờ đã là nữ sinh xinh đẹp...

“Chuyện bắt đầu từ năm 2004 - anh Danh bồi hồi nhớ lại, chất giọng đậm âm sắc đặc trưng người Khmer Nam Bộ - sau khi nhận cháu về nuôi, theo lời khuyên của lãnh đạo Đồn, tôi đưa 2 cháu vào bệnh viện tỉnh xét nghiệm máu. Rồi lòng tôi như quặn thắt khi thầy thuốc cho biết cháu K.C có “H” ở giai đoạn cuối. Khi biết tin này, vợ chồng tôi càng thương yêu K.C hơn. Bởi chúng tôi biết rằng, căn bệnh này gần như chưa có thuốc trị được, người bệnh rất cần có chỗ dựa tinh thần để có thêm sức mạnh chống chọi với thần chết. Không chỉ vay mượn tiền chòm xóm để chạy thuốc thang, hay dành miếng ngon nhất cho cháu để có sức chống chọi với bệnh, vợ chồng tôi còn dành tất cả tình thương cho cháu”. Chính điều này đã truyền sức mạnh tinh thần để cháu K.C vượt khỏi bàn tay thần chết. Bởi, với anh Danh, không chỉ nuôi dưỡng mà còn là cả một hành trình yêu thương. Không chỉ chăm lo cái ăn, cái mặc, hay thuốc thang, điều trị, người lính Cụ Hồ còn cưu mang, truyền cả niềm tin sự sống...

Do đang trong giai đoạn phát bệnh, nên lúc đó khắp người cháu K.C nổi đầy mụn nhọt, ghẻ lở và các vết thương lúc nào cũng rỉ máu, nước vàng. Vậy mà anh vẫn không chỉ nuôi nấng, tắm giặt, dạy cháu học, đưa cháu đến trường, đêm đêm còn ôm K.C vào lòng để cháu bớt gào khóc vì những cơn đau xé
da thịt...

Bước qua “rừng” định kiến

“Phải hiểu bối cảnh xã hội và bối cảnh gia đình lúc bấy giờ mới thấy hết được những hy sinh thầm lặng của anh Danh” - thiếu tá Dương Thanh Hoàng - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Gành Dầu - nói với tôi.

Để nuôi được 2 người con của đồng đội, anh Danh đã phải bước qua cả “rừng” định kiến bên ngoài và cả những giằng xé, đau rát bên trong. Đúng 4 ngày trước khi cha ruột của K.C trút hơi thở cuối cùng, gia đình anh Danh rơi vào tột cùng đau thương khi con trai đầu lòng Danh Trường Quốc (12 tuổi), trên đường đi học về đã té suối tử vong và vợ đang mang thai, bụng đã vượt mặt.

Tang thương chất ngất, lòng dạ “rối như canh hẹ”, nhưng lời hứa với người đồng đội trước lúc hấp hối đã thôi thúc anh dồn nén tất cả buồn đau vào lòng, để vui đón 2 đứa trẻ mồ côi cha, về nuôi. “Đó không chỉ là sự kiện mở đầu cho sự quá tải về kinh tế - anh Danh thật thà - hồi đó gia đình tôi thiếu trước, hụt sau nên bà xã phải mở tiệm bán tạp hóa, vì không thể cậy nhờ cả bên nội lẫn bên ngoại”.

Gia đình bên anh cũng nghèo, gia đình chị Lê Thị Ngọc Bích (vợ anh Danh) còn nghèo hơn với 14 người con tứ tán khắp nơi kiếm ăn qua ngày. Vì vậy, khi phát hiện cháu K.C mắc HIV/AIDS, anh phải vay mượn để có tiền thuốc thang. Cảm thông, đồng đội trong đơn vị góp sức. Thế nhưng như “họa vô đơn chí”, chẳng bao lâu sau cái tiệm tạp hóa nho nhỏ của gia đình anh đã phải đóng cửa vì mọi người ngại... nhà có người có “H”.

Để có tiền đắp đổi, vợ anh phải đi làm công tại cơ sở nhặt đầu cá cơm. Vì vậy, xong việc đơn vị, anh Danh chạy nhanh về nhà cơm nước, tắm giặt cho 2 đứa con nuôi. Công việc tưởng như đã vắt kiệt sức người sĩ quan biên phòng, thì thách thức dồn dập kéo đến mà nếu không có tấm lòng nhân ái thì không sao vượt qua được. Năm 2006, vợ sinh con gái Danh Bích Ngọc, nhà mất đi một nguồn thu nhập, còn anh thì cùng lúc lo cho 4 người trong điều kiện cũng... nhạy cảm, là không để lây bệnh. Bởi lúc đó, bệnh cháu K.C đang lên đỉnh điểm.

Thấy gia đình anh quá đỗi chật vật, năm lần bảy lượt, người trong xóm thương tình khuyên anh gửi cháu K.C vào trung tâm chăm sóc người có “H” vừa để được y-bác sĩ chuyên nghiệp chăm sóc, vừa nhẹ gánh lo cho gia đình. Thoạt nghe, thấy cũng có lý, có tình, anh Danh đã khăn gói sẵn sàng... Nhưng nghĩ đến chuyện nhà nội, nhà ngoại hắt hủi đứa cháu có “H”, anh thay ý định vào phút 89. “Tôi nghĩ mình như chỗ dựa tinh thần cuối cùng của cháu, nếu từ bỏ thì không có thuốc nào hỗ trợ cháu nổi” - anh Danh thật lòng. Thế là phải “tả xung, hữu đột” với việc đơn vị, với việc nhà, thỉnh thoảng Danh lại băng rừng xuyên đêm từ Gành Dầu về bệnh viện huyện khi cháu K.C lên cơn sốt.

“Tình đồng chí, đồng đội đưa lối, dẫn đường”

“Chính cái tình đồng chí, đồng đội đã đưa lối, dẫn đường” - không chút màu mè, anh Danh thật lòng khi nói về động cơ đưa mình nhận lời nuôi 2 đứa con của bạn thân trong đơn vị. Xuất thân từ gia đình Khmer lao động nghèo ở huyện Gò Quao (Kiên Giang) nên khi tình nguyện vào lực lượng biên phòng, anh Danh dễ dàng hòa nhập và chơi thân với nhiều đồng đội nghèo. Trong đó có trung úy chuyên nghiệp D.T.G. Không may, vợ chồng người bạn xấu số mắc HIV/AIDS. Bị gia đình ruồng rẫy, xóm làng kỳ thị, nên trước lúc lâm chung, D.T.G đã trăng trối nhờ anh Danh nuôi giúp Quốc Bảo và K.C. Thương đồng đội trẻ, trong giờ phút D.T.G hấp hối, anh Danh đã nắm chặt tay D.T.G: “Tao hứa sẽ nuôi và thương tụi nó như con ruột”.

Và anh Danh - người lính biên phòng - đã thực hiện lời hứa của mình. Đặc biệt hơn anh còn thuyết phục vợ, con cùng chia sẻ và chung tay chăm lo. Khi con gái đã lớn và sức khỏe cháu K.C cũng dần ổn định sau thời gian điều trị theo Chương trình Quốc gia, chị Bích đi làm thuê tại cơ sở nhặt đầu cá cơm, khi nguồn cá cơm giảm, chị lại nhận trẻ về nhà giữ thuê với quy mô gia đình để chia sẻ gánh nặng cơm áo gạo tiền với chồng.

Cuộc sống chật vật là vậy, nhưng khi nghe tôi đưa ra tình huống xấu nhất là Chương trình Quốc gia không còn tài trợ thuốc nữa, Danh nói dứt khoát: “Còn nước, còn tát; vợ chồng tôi sẽ tát đến giọt nước cuối cùng...”. Nghe chuyện được nhà báo tôn vinh mình là “Ông Bụt”, Danh chỉ nói “Tôi chưa từng nghĩ đó là thành tích. Vì nuôi con của đồng đội đã khuất, thì không chỉ riêng tôi, mà những người lính là đồng đội, đồng chí của tôi nếu ở vào hoàn cảnh như tôi, ai cũng sẽ hành động như vậy”.

Tấm lòng “thi ân bất cầu báo” của anh Danh đã khiến chúng tôi thêm bừng sáng niềm tin về hình ảnh bộ đội Cụ Hồ thời bình: Sẵn sàng sống hết mình với đồng chí, đồng đội mà không hề nghĩ suy dù chút lợi danh...

Lục Tùng/laodong

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.