Nín thở... qua cầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hơn 13 nghìn người dân của 2 xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên) và Cẩm Kim (Hội An) tỉnh Quảng Nam luôn bất an khi thường xuyên di chuyển trên cây cầu Hà Tân đang sụt lún nghiêm trọng, gãy gập, sập bất cứ lúc nào.

Điều đáng nói, cây cầu 23 tuổi này là con đường duy nhất để dân 2 địa phương thông thương với bên ngoài.

“Độc đạo” của hơn 13 nghìn dân

Cây cầu Hà Tân (thuộc xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) bắc qua sông Bàn Thạch (tỉnh Quảng Nam) là con đường duy nhất để nối 5 thôn của xã Duy Vinh (nằm ở phía TP.Hội An) là Trà Nam, Trà Đông, Hà Thuận, Hà Mỹ và Đông Bình và xã Cẩm Kim (TP.Hội An) với thế giới bên ngoài. Đây cũng là “độc đạo” mà hơn 8.000 hộ dân thuộc 5 thôn của xã Duy Vinh và hơn 5.000 dân của xã Cẩm Kim thường xuyên qua lại mỗi người vài lượt mỗi ngày.

 

Cây cầu xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được sự quan tâm của các ngành chức năng, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần.
Cây cầu xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được sự quan tâm của các ngành chức năng, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần.

Năm 2013, sau một trận lũ lớn, mố cầu của nhịp số 3 bị sụp xuống. Từ đó đến nay, nhịp cầu số 3 sụt lún dần với tốc độ chậm. Tuy nhiên, ngày 23-10-2017, nhịp số 7 của cầu bất ngờ sụt lún mạnh, tạo thành hình chữ V khiến mặt cầu bị sụt xuống gấp khúc. Không chỉ mặt cầu sụt lún, thành cầu 2 bên cũng gập xuống tạo thành gấp khúc khiến người dân lưu thông qua cầu gặp khó khăn.

“Mấy ngày trước, nhịp cầu thứ 7 bắt đầu lún và đến chiều 23-10 vừa rồi, sau khi 1 chiếc xe tải lớn đi qua thì cầu lún mạnh xuống độ nửa mét, tạo thành 1 đường gấp giữa cầu. Trụ chống phía dưới đã bị lún sâu xuống khiến 2 nhịp cầu bị tách ra chỉ còn khoảng 10 phân. Cứ mỗi ngày, đoạn này lại lún xuống thêm một chút. Giờ chỉ cần có xe tải nặng lưu thông qua là sẽ bị sập ngay lập tức” - ông Phạm Văn Khánh (trú thôn Hà Mỹ, xã Duy Vinh) nhớ lại.

“Tôi đi mua phế liệu ở thị trấn Nam Phước nên mỗi ngày qua lại cầu này ít cũng 4 bận, nhiều thì 6 - 8 bận. Cứ mỗi lần qua cầu, nhất là đoạn lún, tôi ráng đạp xe thật nhanh, nhiều lúc tưởng như nín thở, qua hết cầu rồi mới thấy nhẹ nhõm” - bà Lân, một người dân ở thôn Trà Đông (xã Duy Vinh) chia sẻ.

Theo ông Võ Tương (72 tuổi, trú thôn Hà Thuận, xã Duy Vinh), người dân sống gần cầu Hà Tân, trước đây, khi cây cầu có dấu hiệu xuống cấp, chính quyền địa phương đã cấm ôtô, xe tải đi qua cầu. Tuy nhiên, do nhu cầu của người dân cần chuyên chở đồ đạc, vật liệu xây dựng nên các phương tiện tiếp tục qua lại. Vì đây là con đường duy nhất nên địa phương không thể cấm xe.

“Kẻ đi Nam Phước buôn bán, người đi Hội An làm việc. Học sinh đi học, bà con đi chợ, khám bệnh,… đều phải đi qua cây cầu này. Trước đây, cầu này đã lún nhưng lún ít, khoảng 1 tuần trở lại đây thì lún mạnh tới cả nửa mét. Nếu cứ đà này thì mùa mưa lũ tới đây là sập thôi. Cầu này mà sập thì coi như khu dưới này (5 thôn của xã Duy Vinh và xã Cẩm Kim) coi như cô lập vì chẳng còn đường nào khác đi qua, mà nếu có thì phải đi xa gấp mấy chục lần” - ông Tương quả quyết.

Cầu sập là dân bị cô lập

 

Mỗi ngày có hàng nghìn lượt người liều mình qua lại trên cây cầu chờ... sập.
Mỗi ngày có hàng nghìn lượt người liều mình qua lại trên cây cầu chờ... sập.

Theo ông Nguyễn Sáu - Chủ tịch UBND xã Duy Vinh - cầu Hà Tân được đưa vào sử dụng từ năm 1994, tính đến nay đã 23 năm. Cầu có 16 nhịp với chiều dài 200 mét, mặt cầu rộng 3,5 mét. Khoảng vài năm trở lại đây, cầu bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, sụt lún nhưng ở mức độ nhẹ. Thời gian này, địa phương cho lập barie để ngăn các xe tải, xe ôtô lưu thông qua cầu.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, do nhu cầu chở vật liệu xây dựng để phục vụ thi công công trình đường dẫn về thôn Đông Bình nên xã cho mở barie để các xe chuyên chở vật liệu. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cầu sụt lún nhanh như hiện tại.

“Người dân muốn đi chợ, khám bệnh, công nhân đi làm việc, học sinh đi học, ai muốn đi ra Quốc lộ 1A, đi Đà Nẵng, Tam Kỳ đều phải qua cầu mới được. Cầu này mà sập thì coi như hơn 13 nghìn dân bên này sông “cắt đứt” hoàn toàn với bên kia. Đơn giản, bây giờ đóng barie, cấm ôtô mà bên này có ca cấp cứu, hỏa hoạn thì cũng chịu, vì giờ chỉ cần xe hạng nặng chạy qua là sập ngay…”- ông Sáu nói.

Cây cầu 23 tuổi xuống cấp không chỉ là con đường lưu thông của người dân mà còn là đường dẫn ống nước sạch để phục vụ hơn 8.000 hộ dân của 5 thôn thuộc xã Duy Vinh. Đường ống sắt dẫn nước sạch từ thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên) mỗi ngày cung cấp hàng nghìn mét khối nước sạch phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt của người dân được dẫn đi dọc theo thành cầu Hà Tân.

“Nếu cầu sập đồng nghĩa đường ống bị đứt gãy, hơn 8.000 hộ dân của xã Duy Vinh mất nước sạch là điều rất dễ xảy ra. Nguồn nước tại địa phương nhiễm mặn nặng, không thể dùng trong sinh hoạt. Nếu cầu sập, người dân coi như không còn giọt nước để uống…” - một người dân khẳng định.

Giải pháp cầm cự

Trong khi mùa mưa lũ đang đến gần nhưng các cơ quan chức năng vẫn còn đang lúng túng trong việc tìm giải pháp để khắc phục cây cầu sụt lún. Theo người dân, hiện tại, việc người và phương tiện lưu thông qua cầu, nhất là hàng trăm em học sinh đi học hằng ngày có thể rơi xuống sông bất cứ lúc nào vì cây cầu chỉ còn đợi ngày… sập.

Trong 5 năm qua, xã cũng đã nhiều lần gửi các văn bản “cầu cứu” các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Trong các cuộc họp tiếp xúc, cử tri cũng nhiều lần phản ánh nhưng tình hình vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Trước tình trạng cây cầu sụt lún thêm mỗi ngày, chính quyền xã Duy Vinh chỉ còn cách cho lập thêm barie chốt chặn ở cả 2 đầu cầu và cắt cử lực lượng túc trực 24/24 để ngăn xe ôtô, xe tải qua cầu và điều tiết lượng người qua cầu vào giờ cao điểm.

“Mỗi ngày, tại 2 đầu cầu, lực lượng Công an xã chia thành 2 ca ngày và đêm túc trực 24/24 để tránh tình trạng các xe tải, ôtô lưu thông qua cầu khiến tình trạng sụt lún nặng thêm” - ông Phạm Văn An, Công an xã Duy Vinh - cho biết.

“Sau khi xảy ra sự cố trên, tôi đã báo cáo lên huyện Duy Xuyên và Sở GTVT tỉnh Quảng Nam. Phía huyện và đại diện Sở GTVT đã cho người đến kiểm tra. Xã cũng đã đề xuất cấp kinh phí để sửa chữa tạm thời 2 nhịp cầu bị hỏng để người dân đi lại. Về lâu dài, có thể sẽ đề xuất xin xây mới vì cầu Hà Tân xây dựng đã lâu và đang xuống cấp nặng” - ông Sáu, Chủ tịch xã nói.

Trao đổi với ông Lê Văn Sinh - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam - ông Sinh thông tin, vừa qua, có nhận được tin báo từ xã Duy Vinh về tình trạng cầu Hà Tân bị sụt lún. Sau khi đến hiện trường kiểm tra, sở đã cho lục tìm các tài liệu về cầu Hà Tân để nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân để có phương án khắc phục.

Theo ông Sinh, nhiều khả năng, cầu Hà Tân sụt lún là do xói lở. Tuy nhiên, hiện tại, “chưa đánh giá được phần hạ bộ, mố trụ. Hiện tại, có 2 trụ bị lún, còn các trụ khác chưa đánh giá được. Sở đang trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân để đề xuất giải pháp”.

Ông Lê Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết, tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở GTVT tiến hành kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân và tìm phương án khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Lam Phương/laodong

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.