Những đứa con ngoại biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hàng ngày, Bot Let Kriem (15 tuổi, ngụ tại phum C’viên Chơn, xã C’Viên, huyện Mi Mốt, tỉnh Tbong Kh’mun, Vương quốc Campuchia) đi bộ gần 20km, để bán xôi nướng phụ mẹ.

Bot Let Kriem cho hay, hôm nào bán hết thì lời khoảng 12.000 ria (60.000 đồng). Gặp ngày mưa, cả nhà ăn xôi nướng trừ cơm. 6 miệng ăn trong nhà chỉ trông cậy vào sạp bán xôi nhỏ bên vệ đường và công việc giặt đồ thuê của mẹ.

 

Gia đình Bot Let Kriem phấn khởi khi bộ đội biên phòng Việt Nam đến thăm.
Gia đình Bot Let Kriem phấn khởi khi bộ đội biên phòng Việt Nam đến thăm.

500.000 đồng và những ước mơ

Hai năm trước, cuộc sống bấp bênh khiến Bot Let Kriem ngậm ngùi giã từ ước mơ trở thành cô giáo. Em quyết định nghỉ học giữa chừng. Nghe chuyện về Bot Let Kriem từ chính quyền xã K’viên, Đồn biên phòng Tống Lê Chân (tỉnh Tây Ninh) đã thống nhất dành tặng em một suất học bổng. Hôm đại úy Trương Thanh Đẳng, Bí thư Chi đoàn, Đồn biên phòng Tống Lê Chân, đại diện đơn vị, đến thăm hỏi, trao tận tay gia đình 500.000 đồng, Bot Let Kriem vui không tả xiết. Năm học tới, em đã có tiền mua sách vở. Vậy là em không phải chia tay bạn bè, thầy cô.

Hiểu lòng con gái, chị Bot Sna (mẹ Bot Let Kriem) nói: “Nó muốn trở thành cô giáo”. Bot Let Kriem giải thích đây là nghề cao quý nhất ở Campuchia. Khi trở thành giáo viên, em sẽ giúp gia đình ổn định cuộc sống, giúp quê hương vươn lên bằng con chữ. “Con cảm ơn chú bộ đội Việt Nam. Nếu không có các chú tìm đến thì giờ này con không biết ra sao nữa”, Bot Let Kriem vừa nói, vừa nhìn đại úy Đẳng.

Chia tay Bot Let Kriem và cán bộ, chiến sĩ đồn Tống Lê Chân, chúng tôi tiếp tục hành trình đi tìm những giấc mơ ngoài biên giới. Đến Trường THCS Hêng Xom Rin (nằm trên địa bàn phía ngoại biên do Đồn biên phòng Tân Phú, tỉnh Tây Ninh, quản lý) đúng lúc nhà trường đón học sinh đến đăng ký nhập học. Thấy bộ đội biên phòng Việt Nam sang thăm, dù bận rộn nhưng các thầy cô vẫn niềm nở tiếp đón.

Hai năm qua, Đồn biên phòng Tân Phú đã chung tay cùng ban giám hiệu Trường THCS Hêng Xom Rin giúp em Tho Si Tha vững bước đến trường. Không thấy Tho Si Tha ghi danh, cán bộ, chiến sĩ và giáo viên quyết định đến nhà hỏi thăm. Sau gần 1 giờ lội bộ trên con đường đất lầy lội dài 20km, chúng tôi đến nhà Tho Si Tha tại phum Luông Chơ Rây, xã Cọ, huyện Bô Nhi Rết, tỉnh Tbong Khmun.

 

Hàng ngày, Bot Let Kriem đi bán xôi giúp gia đình trang trải cuộc sống.
Hàng ngày, Bot Let Kriem đi bán xôi giúp gia đình trang trải cuộc sống.

Trong ngôi nhà sàn cũ kỹ, Tho Si Tha đang chăm sóc bà ngoại tuổi ngoài 80. Em tâm sự, từ ngày mẹ mất, cha bỏ xứ, em chưa bao giờ có một mùa hè đúng nghĩa. Ngoài giờ học, Tho Si Tha đi làm thuê kiếm thêm tiền phụ giúp cậu và bà ngoại. Ai thuê gì em làm nấy, chẳng ngại nặng nhọc. Ngồi nói chuyện với thầy và các chú bộ đội, thỉnh thoảng em cứ xoa xoa hai bàn tay. Hỏi ra mới biết, em thường đi giặt đồ thuê. Do hay ngâm nước nên da tay bị rộp và bong tróc.

“Nhiều lúc thèm một chiếc áo mới mà không có tiền mua, chứ nói chi đến chuyện học hết phổ thông. Hai năm nay, em có thể đến trường là nhờ mấy chú biên phòng Việt Nam và Đồn biên phòng Luông Chơ Rây. Mỗi tháng, các chú bộ đội Việt Nam cho em 500.000 đồng. Em nghe nói bên tỉnh Tây Ninh có trường dạy ngành y, trước đây có mở lớp dạy người Campuchia. Em sẽ cố gắng học rồi trở thành bác sĩ”, Tho Si Tha thỏ thẻ.

Cán bộ Đồn biên phòng Tân Phú thông báo, từ nay Tho Si Tha sẽ nhận 6 triệu đồng/năm học. Tho Si Tha mừng, rưng rưng nước mắt.

Ra thăm Hà Nội

Trở về sau chuyến thăm thủ đô Hà Nội, Yong Ty (học sinh Trường Tiểu học Bun Rany Hun Sen Boeng Chroung, thuộc xã Chom, huyện Mi Mốt, tỉnh Tbong Kh’mum) được các cán bộ xã sang tận Đồn Biên phòng Kà Tum đón. Vừa về đến nơi, Yong Ty hân hoan mời bà ngoại và mọi người ăn bánh cốm - quà em mua ở Hà Nội. Nhìn 2 tấm ảnh Yong Ty chụp cùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang, mọi người đều hãnh diện. “Sang Việt Nam, ai cũng quan tâm, chăm lo cho con, con thật vui”, em nói với bà ngoại.

Mồ côi mẹ từ khi lên 3 tuổi, cha bỏ đi, Yong Ty sống với bà ngoại trong căn nhà dột nát rộng chưa đầy 10m2. Bà ngoại ngoài 80 tuổi vẫn lặn lội bẻ măng, hái rau đổi lấy bữa cơm cho hai bà cháu. Dù vậy, Yong Ty chưa bao giờ ngừng quyết tâm đeo đuổi con chữ. Với thành tích học tập tốt, Yong Ty nhận học bổng 500.000 đồng/tháng do Đồn biên phòng Kà Tum hỗ trợ.

Vừa qua, Yong Ty vinh dự đại diện học sinh Campuchia ra Hà Nội dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” với chủ đề “Chiến sĩ quân hàm xanh nâng bước em tới trường”. Chuyến đi đầy bất ngờ giúp mong mỏi “một lần sang Việt Nam” mà em nhiều lần tâm sự với các chú bộ đội biên phòng, trở thành hiện thực.

Yong Ty kể, sau khi nhận thông báo ra thăm Hà Nội, em được các bác, các chú ở Đồn biên phòng Kà Tum hỗ trợ toàn bộ chi phí và tặng thêm 2 triệu đồng tiêu vặt. Đồn còn cử một chú phiên dịch chăm sóc em suốt hành trình; đưa em đi mua sắm quần áo, giày dép, ba lô trước chuyến đi. Khi ấy, căn nhà nhỏ lúc nào cũng rộn ràng, ấm áp. Ra Hà Nội, các chú biên phòng đưa em đi tham quan Phủ Chủ tịch, Văn miếu Quốc Tử Giám và nhiều danh lam thắng cảnh khác. Nghe cháu hào hứng kể chuyện tham quan Hà Nội, bà ngoại Yong Ty liên tục cảm ơn bộ đội biên phòng Việt Nam.

Ông Mơk Nau, Chủ tịch xã Chom, bộc bạch: “Thay mặt chính quyền, nhân dân và gia đình cháu Yong Ty, tôi cảm ơn bộ đội biên phòng Việt Nam vì sự giúp đỡ chân thành và tình cảm nồng nàn các đồng chí dành cho trẻ em Campuchia. Chúng tôi hy vọng, thông qua những việc làm ý nghĩa như trên, tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc ngày thêm bền chặt”.

Bot Let Kriem, Tho Si Tha hay Yong Ty đều là những đứa con ngoan ở vùng ngoại biên của bộ đội biên phòng.

Đại tá Cao Văn Vĩnh, Phó Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh, cho biết: đơn vị dành 15 suất học bổng (500.000 đồng/tháng) hỗ trợ những em học sinh nghèo hiếu học bên đất bạn. Xuất phát từ mệnh lệnh con tim, những người lính biên phòng Việt Nam luôn đồng hành cùng chính quyền và lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Campuchia chăm lo cho các em với hy vọng chia bớt nỗi nhọc nhằn. Các anh bộ đội Cụ Hồ mong các em luôn vững bước tới trường, kiên trì theo đuổi giấc mơ.

Trung Quân/sggp

Có thể bạn quan tâm

Niềm đam mê bất tận với billiards

Niềm đam mê bất tận với billiards

Hành trình chinh phục ngôi vô địch đồng đội thế giới 2024 nội dung carom 3 băng của “cặp bài trùng” Trần Quyết Chiến và Bao Phương Vinh đã đưa người hâm mộ billiards trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, có cả sự hồi hộp, nghẹt thở đến vỡ òa hạnh phúc.
Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.