Tìm học trò giữa đại ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc cho vắt xanh cắn chảy máu, ruồi vàng đốt bầm đen và đường trơn ngã dúi dụi, các giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Krong vẫn lặng lẽ đi bộ xuyên rừng Kon Ka Kinh đến làng Pờ Ngăl cũ (xã Krong, huyện Kbang) tìm học trò.

Thầy giáo cõng học sinh qua những đoạn đường khó đi để trở lại trường. Ảnh: Huyền Thương
Thầy giáo cõng học sinh qua những đoạn đường khó đi để trở lại trường. Ảnh: Huyền Thương

Làng Pờ Ngăl cũ nằm giữa đại ngàn Kbang, cách trung tâm xã Krong khoảng 40 km. Dù huyện Kbang đã dời làng về khu tái định cư gần trường Trường PDTBT Tiểu học và THCS Krong, cách trung tâm xã khoảng 25 km nhưng dân làng Pờ Ngăl vẫn thường trở về làng cũ tại một thung lũng thuộc rừng Kon Ka Kinh để sinh sống và làm rẫy. Muốn đến được làng cũ phải đi bộ khoảng 15 km đường rừng. Thói quen sống dựa vào rừng còn ăn sâu vào máu của người Bahnar làng Pờ Ngăl. Nhà mới ở khu tái định cư xây dựng kiên cố luôn vắng người, trái ngược với cảnh đông đúc tại các nhà đầm nơi làng Pơ Ngăl cũ. Khi cả gia đình kéo nhau lên nhà đầm theo cuộc mưu sinh thì chuyện học hành của con cái đành gác lại.

Để duy trì sĩ số học sinh, đội ngũ giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Krong lại khăn gói vượt rừng già đến nhà đầm vận động các em trở lại trường học hành. 1 tuần nay, 4 học sinh bán trú Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Krong là Thăch, Klei (cùng học lớp 4), Suế, Đoàn (cùng học lớp 5) nghỉ học không lý do. Nhà trường cử giáo viên chủ nhiệm đến nhà tìm học sinh nhưng không thấy các em ở nhà và thế là một hành trình vượt rừng của giáo viên lại diễn ra. Lần này, nhà trường cử 3 thầy giáo là Hải, Kiệt và Trí lên làng Pờ Ngăl cũ. “Trước đây tại làng cũ có 1 phòng học, nhà trường cử giáo viên vào đó dạy nên các em ít bỏ học. Sau chuyển làng về làng mới, các em hay nghỉ học, nhất là vào thời kỳ gieo trồng, thu hoạch nông sản hoặc mùa mưa. Để các em không bị thất học, nhà trường thường cử giáo viên vào vận động”-thầy Nguyễn Văn Thuấn-Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Khi ánh nắng chói của mặt trời đứng bóng xua bớt không khí ẩm ướt ở Krong sau cơn mưa dầm đêm trước, chúng tôi cùng 3 thầy giáo Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Krong lên đường đến làng Pờ Ngăl cũ tìm học trò. 30 phút đầu của hành trình tìm học trò thuận lợi. Dù con đường mòn bé xíu xiu chỉ có đất và đá lởm chởm nhưng còn chạy được xe máy. Sau đó chặng đi bộ vượt rừng già gian khó. Bỏ xe máy bên con suối đục ngầu nước, chúng tôi lội qua suối rồi cứ men theo con đường mòn lớn hơn bàn chân quanh co bên sườn núi dẫn lên làng Pờ Ngăl. “Các anh chị cứ đi sau chúng tôi và phải cẩn thận nhé. Đường khó đi lắm, trượt chân là rớt xuống vực ngay. Thỉnh thoảng cũng ngó quanh và che kín người nhé, dọc đường này vắt xanh với ruồi vàng nhiều lắm. Vắt cắn còn đỡ, chứ ruồi vàng mà cắn là bị bầm đen và ngứa lắm”-thầy Hải dặn dò.


 

Nhà đầm của người dân làng Pờ Ngăl cũ-ảnh Huyền Thương
Nhà đầm của người dân làng Pờ Ngăl cũ. Ảnh: Huyền Thương

Càng đi vào sâu, đường càng dốc, trơn trượt hơn. Ánh nắng lẩn khuất giữa rừng già. Muỗi bay theo từng đàn kêu o o. Vắt xanh búng tách tách trên lá cây. Sau 1 tiếng lội rừng, chúng tôi cảm thấy rã rời và liên tục bị vấp ngã. Một vài thành viên trong đoàn bị muỗi vàng cắn. Dù đã dừng lại nặn bớt máu nhưng các vết cắn vẫn gây ngứa, rát và bắt đầu chuyển màu đen. “Trước đây mỗi lần đi về là trên người chi chít vết cắn của ruồi vàng. Ruồi vàng cắn độc lắm, ngứa rát cả tháng mới hết, bôi dầu cũng không trị được. Giáo viên nào lên làng Pờ Ngăl về là biết liền à, hay gãi như bị ghẻ. Bây giờ đỡ hơn, chắc do bị cắn miết nên miễn dịch rồi”- thầy Kiệt tếu táo.

Sau gần 2 tiếng đi bộ, chúng tôi đến đầu làng Pờ Ngăl cũ. Dưới một thung lũng rộm vàng mùa lúa chín, những nhà đầm ẩn hiện. Nhìn thì gần nhưng để đi từ đầu làng đến cuối làng Pờ Ngăl cũ hết 5km đường rừng. Nơi giọt nước đầu làng, ông Đinh Phănl niềm nở chào chúng tôi và mời về nhà. “Mấy nay mưa quá và cũng không ai trông em nên mình bảo con Thăch phải ở lại. Mình định ít hôm nữa sẽ đưa con ra trường. Nay các thầy giáo vào làng thì tý nữa cho mình gửi con ra luôn nha”-ông Phănl nói.

Chúng tôi rời làng khi trời về chiều. 4 học sinh vắng học cả tuần nay được phụ huynh cho trở lại trường. Các thầy giáo thêm vất vả. Nhiều đoạn trươn trượt, các thầy giáo thay phiên nhau cõng các em. Chúng tôi về đến làng khi bóng đêm đã ngự trị ở Krong. Sau bữa cơm tối tại nhà bếp của trường, học sinh trở về nhà bán trú chuẩn bị bài vở cho ngày mai, thầy giáo về chuẩn bị giáo án để mai đứng lớp.

 

Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Krong (thôn 5, xã Krong, huyện Kbang) được thành lập năm 2015 với 100% học sinh là người Bahnar. Toàn trường có 273 học sinh, trong đó có 143 học sinh bán trú. Quanh trường có 6 làng, trong đó xa làng Pờ Ngăl cũ xa nhất. Mỗi học sinh bán trú tại trường được hỗ trợ 520 ngàn đồng/tháng. Mặc dù trường mới xây dựng nhưng trường gặp còn nhiều những khó khăn về cơ sở vật chất và kinh phí hỗ trợ cho học sinh bán trú. Mỗi ngày, một học sinh bán trú tại trường được nấu ăn 3 buổi /ngày. Mỗi buổi ăn trị giá 8.600 đồng. Giáo viên trường phải tăng gia trồng thêm rau xanh, nuôi heo để cải thiện cuộc sống và hỗ trợ các em học sinh.

Nguyễn Tú-Huyền Thương

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).