Thăm làng Bạc anh hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã 55 năm trôi qua kể từ ngày 162 người dân làng Bạc Ngó và Bạc Yố (nay là làng Bạc 1, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) thương vong trong cuộc thảm sát năm 1962. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hơn 40 hộ gia đình còn sống sót quay trở về làng cũ để cùng nhau xây dựng cuộc sống mới.

Quá khứ đau thương

Những năm 1962-1963, Mỹ-ngụy đẩy mạnh càn quét, dồn dân lập ấp phục vụ cho chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” trên chiến trường miền Nam. Nhân dân làng Bạc Ngó và Bạc Yố lúc bấy giờ cũng bị cưỡng ép, buộc phải rời làng vào sống trong khu đồn Del (đồn làng Pó). Lịch sử truyền thống cách mạng xã Ia Phìn (1945-2015)-NXB Chính trị Quốc gia, 2015 có ghi: Trong thời gian địch dồn dân 2 làng Bạc Ngó và Bạc Yố, Ban Cán sự Đảng huyện 5 đã chỉ đạo cán bộ, đảng viên như: đồng chí Krêl, Rah Lan H’Bình, Bloih, Rah Lan Thônh… bám sát dân làng, lãnh đạo đấu tranh phá ấp, phá đồn trở về làng cũ, quyết làm thất bại âm mưu dồn dân lập ấp của địch.

 

Một góc làng Bạc ngày nay.                                                                                                   Ảnh: P.L
Một góc làng Bạc ngày nay. Ảnh: P.L

Trước tình hình bố ráp dồn dân và truy bắt gắt gao của địch, Ban Cán sự Đảng huyện 5 quyết định tấn công phá ấp (đồn Del). Sau 3 tháng nắm tình hình, vào một đêm tháng 10-1962, Trung đội vũ trang tập trung của huyện 5 có lực lượng du kích của xã E5 phối hợp đã tấn công đồn Del. Đồng bào phá ấp, đốt lán trại và về làng cũ trong đêm. Riêng lực lượng thanh niên tạm lánh ra rừng tránh địch truy lùng khủng bố.

Sự kiện dân làng nổi dậy phá ấp, quay về làng cũ khiến quân địch vô cùng tức giận và lập tức cử 1 đại đội lính đến vây 2 làng Bạc. Chúng bắt dân làng xếp thành hàng để tra hỏi và ép quay về ấp. Trước tinh thần không chịu khuất phục của dân làng, quân địch đã điên cuồng nã súng và ném lựu đạn vào bà con. Cuộc thảm sát ấy khiến 162 người chết và bị thương, trong đó có 96 phụ nữ và trẻ em. Có gia đình không còn một ai sống sót. Cuộc thảm sát đã khiến sự căm phẫn lan rộng trong quần chúng nhân dân. Ban Cán sự Đảng huyện 5 phát động quần chúng nổi dậy đấu tranh phá ấp, tự do làm ăn; đồng thời nhanh chóng chỉ đạo cán bộ, đảng viên bám dân, bám làng ổn định tình hình, tổ chức chôn cất người chết, cứu chữa người bị thương, tìm và đưa số người sống sót chạy ra rừng dựng lán trại tạm sinh sống.

Trong ký ức của bà Kpă H’Ó-Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cuộc thảm sát năm 1962 mãi là một ký ức đau thương khi bà ngoại của bà bị bắn chết; mẹ, anh trai, em gái bị thương. Người em gái của bà một năm sau thì mất bởi vết thương quá nặng. Nhưng đó cũng là động lực để bà quyết tâm tham gia du kích giúp bộ đội đánh giặc. Bà tâm sự: “Ngày ấy, dù rất khổ cực, người dân làng Bạc vẫn kiên cường cùng nhau đấu tranh, quyết tâm không để bị ép vào sống trong đồn, mọi người đều tìm cách trở về làng cũ để sinh sống. Sau ngày thảm sát, những người còn sống sót lánh vào các làng khác để tránh khủng bố, bắt bớ, sau giải phóng thì trở về lập lại làng và sinh sống đến nay”.

Khởi sắc từng ngày

Sau ngày giải phóng, làng Bạc chỉ vỏn vẹn hơn 40 hộ dân. Những lúc đói kém, củ mài là món ăn chính. Sau 42 năm, làng Bạc ngày nào nay đã thay da đổi thịt, nhà cửa đua nhau mọc lên, cuộc sống nhiều gia đình đã sung túc, đủ đầy. Dọc theo những con đường làng trải nhựa sạch sẽ là những ngôi nhà kiên cố, hàng rào thẳng tắp, ngăn nắp. Cuối chiều, những chiếc xe công nông chở đầy cà phê từ trên rẫy trở về khiến ngôi làng thêm nhộn nhịp, vui tươi.

Chúng tôi tìm đến nhà bà Siu H’Noanh là người từng trực tiếp chứng kiến cha và anh rể bị thương trong vụ thảm sát dân làng năm nào. Sau này, bà H’Noanh cũng tham gia du kích, rồi làm Xã đội phó kiêm Tiểu đội trưởng nữ du kích làng Bạc. Đất nước thống nhất, bà H’Noanh được phân công làm Phó Trưởng Công an xã và đảm nhiệm nhiều vị trí khác nữa. Ngôi nhà xây của bà H’Noanh nằm cách nhà rông của làng chừng 50 m, có một khoảng sân rộng rãi, chiếc xe công nông nằm bên hông nhà, 2 vợ chồng đứa cháu ngoại của bà chuẩn bị chở thóc đi xay. Từ ngày về lại làng, bà H’Noanh cùng các con chăm chỉ làm nương rẫy, gắn với cây lúa và cây cà phê, dần dần thoát nghèo. Bây giờ, 2 ha cà phê cùng vài sào lúa bà để lại cho các con làm, chứ sức bà không còn nữa. Tài sản mà bà để lại mỗi năm cũng đem về nguồn thu khoảng 200 triệu đồng.

Nói về ngôi làng mà mình gắn bó, bà H’Noanh tâm sự: “Bây giờ dù chưa hẳn giàu có nhưng ai trong làng cũng đủ ăn đủ mặc, nhà nào cũng có ruộng, có rẫy, biết chăn nuôi. Có nhiều nhà biết tiết kiệm sắm sửa ti vi, tủ lạnh, xe máy, xe công nông… Mình cũng luôn răn dạy con cháu trong nhà phải chăm chỉ, không lười biếng, phải luôn giữ vững tinh thần cách mạng của người dân làng Bạc”.

Trao đổi với P.V, ông Trần Văn Duân-Chủ tịch UBND xã Ia Phìn, cho biết: “Làng Bạc 1 hiện có 122 hộ với 509 khẩu, 100% là người Jrai. Đây là ngôi làng kiên cường chống giặc trong kháng chiến chống Mỹ, khi trở về thời bình gặp khá nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế bởi tư liệu sản xuất không còn. Nhiều năm qua, chính quyền địa phương ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng từ đường giao thông (96% đường nhựa, bê tông), nhà rông, trường học… cũng như đầu tư nhiều chương trình, dự án cho người dân làng Bạc 1. So với trước đây, làng Bạc 1 bây giờ đã có nhiều đổi thay, bà con trong làng chú trọng làm ăn, phát triển kinh tế. Bên cạnh cây lúa nước, bà con đã biết trồng cà phê, hồ tiêu và chăn nuôi heo, bò... Hiện làng còn khoảng 25 hộ nghèo và 17 hộ cận nghèo”.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.