Chuyện về gia đình làm lồng chim treo ở nhà sàn Phủ Chủ tịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Làng Vác, Kẻ Vác hay Canh Hoạch đều là tên gọi của làng nghề đan lồng chim nổi tiếng ở xã Dân Hoà, Thanh Oai, cách trung tâm Hà Nội khoảng 35 km. Nghề làm lồng chim đã có từ lâu đời, theo lối cha truyền con nối, dân chơi chim không ai là không biết đến làng Vác.
 

 

Làng Vác là nơi sống chủ yếu bằng nghề thủ công với rất nhiều loại nghề khác nhau như: làm nón lá, giấy pháo, giường tre, chõng tre, đũa tre, hàng mã, đồ chơi trung thu,…Nhưng có lẽ, những sản phẩm đặc trưng nổi tiếng nhất của làng là quạt giấy và lồng chim. Nhưng qua thời gian, cuộc sống trở nên hiện đại hơn, quạt giấy không còn thông dụng nữa thì nghề làm quạt giấy bắt đầu chìm dần, người dân làng Vác vẫn muốn gắn bó với tre trúc nên nghề làm lồng chim phát triển như một cách để thích nghi với cuộc sống hiện đại.
 

 

Bác Bần (60 tuổi) cho biết: “Khách hàng thường ưa chuộng lồng chim ở đây bởi sự tinh xảo từ nan lồng đến phần đế rồi trang trí, chạm trổ cầu kì với độ tỉ mỉ, chính xác cao”. Vậy nên, lồng chim làng Vác luôn có đặc trưng riêng mà ít cơ sở sản xuất nào có thể sánh được, đó là sự bền, đẹp và sang trọng có sức hút rất lớn đối với những người có sở thích chơi chim.
 

 

Nguyên liệu phải là loại tre rừng mua về từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Hòa Bình, Cao Bằng. Bước vào làng đã nghe tiếng máy, tiếng khua của máy cắt, máy xẻ tre.
 

 

Sân nhà nào cũng giăng đầy những lồng chim đang làm dở dang. Từ người già đến trẻ nhỏ, từ nam thanh niên đến cô gái tuổi đôi mươi đều nhanh tay, lành nghề. Mỗi người làm một công đoạn theo khả năng của riêng mình.
 

 

Để đáp ứng được ba tiêu chí bền, đẹp, sang, người thợ làng Vác phải kỳ công làm khá nhiều công đoạn như ngâm tre, luộc tre, hun tre, quang dầu, vót nan làm đáy, làm vanh (vành), cửa, cầu, trang trí trên vanh, ráp lồng.
 

 

Tuy nhiên nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ chia sẻ: “Làm lồng chim không khó ở công đoạn vót nan, mà khó ở việc chạm đường viền cho các vanh lồng. Trên vanh lồng, những họa tiết rất nhỏ như một bài thơ chữ Hán; hình long, ly, quy, phượng; hình cây cỏ, hoa lá … được chạm khắc một cách tinh xảo bằng vô số đường nét nhỏ”.
 

 

Bồi hồi về chuyện xưa, bác Nghệ tự hào: “Đây là nơi tôi lưu giữ những hình ảnh của bố, những bằng khen, giải thường của gia đình. Gia đình tôi đã làm hàng chục lồng chim theo lời yêu cầu của ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ, để treo tại nhà sàn trong Phủ Chủ tịch. Nhà tôi rộn ràng ngày đêm như chuẩn bị hội làng vậy. Gia đình của mấy người em cùng náo nức vào cuộc. Người thì chuẩn bị trúc, người thì chuốt nan, người lại làm vành, hay chạm đục hoa văn”.
 

 

Vợ của nghệ nhân Nguyên Văn Nghệ kể thêm: “Ông Nghệ luôn nhớ như in lời cha dạy, làm lồng chim phải có hồn, con chim mới trường thọ, nên đêm nào ông cũng mơ về công việc, sao cho từng nan nhỏ cũng phải đẹp nhất. Và người trong làng cũng nói, ngôi nhà của chim nếu đẹp, nuôi chim cũng khôn hơn. Chiếc lồng có bền, có nuột nà thì tiếng chim hót sẽ vui và ngọt hơn. Người già còn dạy, tiếng chim chính là tiếng người vậy nếu mình biết chăm chút yêu thương nó”.
 

 

Nhiều người dân ở Làng Vác chia sẻ họ đã đón rất nhiều lượt khách du lịch quốc tế từ Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... đến thăm, đặt hàng. Du khách thích thú xem từng động tác chẻ tre, uốn vòng tròn khung lồng cho đến lắp ghép thanh tre, giang dài vào khung, ghép cửa, ghép chân vào lồng. Nhìn bàn tay nghệ nhân tỉa nét trên tre, cảm nhận vẻ đẹp của những chiếc nan đều tăm tắp, khó ai cưỡng được ý muốn mua một vài chiếc.

Hằng Nga - Trúc Hà/laodong

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.