Sâu lắng xứ Đoài!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hà Tây - xứ Đoài được ví như cửa ngõ thủ đô Hà Nội nhưng có rất nhiều thứ để níu chân du khách. Đó không chỉ là những di tích lịch sử văn hóa mà còn là các làng nghề thủ công.

"Bóng chiếc thoi đưa ánh mắt long lanh, trời đất Hà Tây tay em dệt lụa…". Lời bái hát "Hà Tây quê lụa" của nhạc sĩ Nhật Lai thúc giục trái tim tôi nhớ về mảnh đất xứ Đoài.

 

Làng cổ Đường Lâm với nhiều giá trị văn hóa còn nguyên bản.
Làng cổ Đường Lâm với nhiều giá trị văn hóa còn nguyên bản.

Lôi cuốn đến lạ kỳ

Mãi những năm 1965, cái tên Hà Tây mới xuất hiện sau khi sáp nhập hai tỉnh Sơn Tây và Hà Đông. Còn trước đó, xứ Đoài là cái tên của vùng đất này và trở nên thân thuộc với nhiều người trong hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Bính: "Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/Một người chín nhớ mười mong một người" (Tương tư). Xứ Đoài là vùng đất cổ phía Tây kinh thành Thăng Long, có lịch sử phát triển lâu đời gắn liền với các triều đại phong kiến Việt Nam.

Tuổi thơ tôi gắn liền với ca khúc "Hà Tây quê lụa" qua giọng hát của ca sĩ Quốc Hương. Mỗi chiều rong chơi ngoài đồng làng miên man, nghe giọng hát vang lên từ loa truyền thanh của xã, trong người rạo rực rồi lẩm nhẩm hát theo không biết tự khi nào. Cứ nghe xong, nghe hết từng câu cuối cùng là tôi biết đến giờ phải về nấu cơm chiều giúp mẹ. Đắm say với bài hát này nhưng ngày đó, những địa danh trong bài như khu Cháy, cầu Giẽ, suối Hai, quê gái đảm… thì tôi chưa hề đặt chân đến, tất cả đều trong tưởng tượng của một cậu bé.

Tôi còn nhớ chuyến tham quan vào năm lớp 7. Lần ấy, cô giáo dẫn lớp đến làng cổ Đường Lâm. Từng nếp nhà, mái lá, ngõ xóm, giếng nước, đồ nông cụ, tất cả đều lạ lẫm với đám trẻ chúng tôi. Để tới được Đường Lâm, xe phải qua nội thành Hà Nội, kẹt xe, người đông nghẹt, ai cũng vội vã, hối hả với cuộc sống đô thị. Rồi xe lăn bánh dần ra ngoại thành, không khí bức bối của đô thị giảm dần, tới Đường Lâm thì nhẹ cả người vì sự an lành đến lạ lùng, làng quê mộc mạc, giản dị, không gian thoáng đãng.

 

Cựu chiến binh Đinh Văn Lai và ngôi nhà cổ 99 tuổi.
Cựu chiến binh Đinh Văn Lai và ngôi nhà cổ 99 tuổi.

Lớn lên chút nữa, tôi còn biết Hà Tây không chỉ có Đường Lâm mà còn hai làng cổ trứ danh khác nữa, tạo ra bộ ba làng cổ đặc sắc đậm chất Hà Tây. Đó là làng Cựu (huyện Phú Xuyên) và làng Cự Đà (huyện Thanh Oai). Mỗi làng cổ có một nét độc đáo riêng. Làng Cựu đậm phong cách kiến trúc của Pháp đan xen kiến trúc Việt cổ. Những biệt thự lừng lững vào đầu thế kỷ XX ở làng này đều là của những người giàu có nhất xứ Bắc Kỳ. Ở làng Cự Đà là những mái ngói đỏ, đường lát gạch chỉ, đôi cóc đá sừng sững ngồi đầu làng tượng trưng cho một đô thị cổ ven sông nước (sông Nhuệ). Cự Đà còn có nghề làm tương, làm miến cổ truyền nay vẫn giữ được cả "tiếng lẫn miếng".

Bộ ba làng cổ Hà Tây tạo nên tiếng nói đồng nhất của một không gian văn hóa người Việt cổ. Giờ thì làng cổ vẫn còn nhưng đã đôi chút phai mờ do sự xâm nhập của kinh tế thị trường. Đường Lâm đang phải tìm mọi cách để tu sửa nhà cổ trước nguy cơ đổ sập. Nhiều biệt thự ở làng Cựu nay vô chủ, rêu phong bám kín, đầy mạng nhện. Sông Nhuệ không còn xanh trong soi bóng Cự Đà mà đã thành "dòng sông đen" với những dòng chất thải công nghiệp đổ về.

Nhưng Hà Tây vẫn có một sức lôi cuốn đến lạ kỳ. Ấy là khi tôi về Cự Đà và gặp cựu chiến binh Đinh Văn Lai. Ông Lai 80 tuổi và ngôi nhà ông ở đã tròn 99 tuổi. Đây là ngôi nhà cổ nhất làng Cự Đà, làm bằng gỗ vàng tâm 100%. Tuy có nhiều chỗ xuống cấp nhưng ông Lai vẫn quyết không phá ngôi nhà để bê tông hóa mà giữ cho khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu kiến trúc miễn phí. Là thương binh hạng 2/4, ông Lai về quê và là tấm gương sáng Bộ đội Cụ Hồ với lối sống giản dị, chân chất. Niềm mong mỏi của ông bây giờ là sau này, khi ông mất, nhà nước có thể thay mặt để tiếp tục giữ gìn ngôi nhà cổ của tiền nhân.

 

Cụ Trương Văn Tuân vẫn hằng ngày hương khói cho Lăng đá Quận Vân.
Cụ Trương Văn Tuân vẫn hằng ngày hương khói cho Lăng đá Quận Vân.

Ăn sâu trong tâm khảm

Mỗi chiều, tôi chọn cho mình những chuyến "phượt" nhẹ nhàng bằng xe đạp. Một lần đến xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, gần bờ đê sông Hồng, tôi sững sờ thấy một quần thể đá nghi ngút khói hương. Tò mò, tôi bước xuống ngắm nghía, ghi chép.

Bỗng một ông cụ phía cuối quần thể đá đi tới. Hỏi thì cụ cho biết đây là lăng đá Quận Vân, nơi thờ tự quận công Đại giang Đỗ Bá Phẩm (triều Lê Trung Hưng). Lăng đá này được xây dựng từ năm 1733, là một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia (xếp hạng vào năm 2001). Lão nông quản lăng tôi gặp là cụ Trương Văn Tuân đã 88 tuổi. Lăng đá Quận Vân đặt ở nơi heo hút, ít ai lui tới. Cụ Tuân tình nguyện trông coi lăng với phụ cấp 60.000 đồng/tháng. Hằng ngày, cụ thắp nhang, dẫy cỏ, trồng cây bóng mát, tính thế mà đã 20 năm rồi.

Cụ bảo lúc cụ còn trẻ thì cỏ không mọc nhiều thế này, vì lên cây nào là cụ nhổ hết, giờ già yếu không nhổ kịp, đành thắp nhang mỗi ngày cho lăng ấm áp, cho quận công yên lòng. Cụ Tuân dẫn tôi về nhà chơi. Trong căn nhà tuềnh toàng, tay cụ run run nâng chén nước vối ấm mời khách. Tuổi trẻ của cụ gắn bó với chiến trường miền Nam, công trạng được ghi nhận qua tấm Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất treo trang trọng.

Tôi gặp một người con Hà Tây nữa cũng đầy trăn trở. Đó là cụ Nguyễn Thị Khướu, nghệ nhân ca trù ở Chanh Thôn (xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên). Ở tuổi gần 90, cụ đau đáu với nỗi lo thất truyền làn điệu ca trù. Lớp học do cụ mở chỉ lác đác mấy cháu nhỏ lúc rảnh thì tới học nhưng cụ vẫn ca, vẫn hát để tiếng ca trù còn mãi với quê hương.

 

Nghệ nhân Chu Tiến Công (bìa trái) rất nặng lòng với nghề nặn tò he Xuân La.
Nghệ nhân Chu Tiến Công (bìa trái) rất nặng lòng với nghề nặn tò he Xuân La.

Hà Tây được ví như cửa ngõ thủ đô Hà Nội, cả phía Nam lẫn phía Tây nhưng có rất nhiều thứ để níu chân du khách. Đó không chỉ là các di tích lịch sử văn hóa mà còn là các làng nghề thủ công. Ở đây nổi tiếng là "đất tổ trăm nghề", trong đó có những nghề độc nhất như tò he Xuân La, thêu phục chế long bào Đông Cứu, nón làng Chuông, sơn mài Hạ Thái, điêu khắc Nhân Hiền, quạt Chàng Sơn…. Nghệ nhân Chu Tiến Công ở làng nghề Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên) nói ông quyết giữ nghề tò he như mối tình không bao giờ dứt, dù chỉ kiếm được thu nhập vài chục ngàn đồng/ngày. Rất nhiều, rất nhiều nghệ nhân già như vậy ở xứ Đoài vẫn nặng lòng với những nghề truyền thống.

Xứ Đoài còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc gắn liền với lịch sử của dân tộc như sự tích Sơn Tinh, Thủy tinh trên ngọn núi Tản Viên (huyện Ba Vì), chuyện tình Tiên Dung - Chử Đồng Tử tại bãi Tự Nhiên (huyện Thường Tín), sự tích Lạc Long Quân hóa về trời tại Đền Nội (huyện Thanh Oai); nhiều chùa cổ còn giữ được giá trị kiến trúc, văn hóa nguyên bản như chùa Đậu (Thường Tín), chùa Hương (Mỹ Đức)… hay đền Hai Bà Trưng ở huyện Phúc Thọ.

 

Vọng về trong tiềm thức

Giờ thì tôi cũng không còn thói quen mỗi chiều ngóng loa truyền thanh để nghe ca khúc "Hà Tây quê lụa" nữa. Nhớ lắm thì lại vào internet nhưng quả là rất khó tìm lại cảm xúc rạo rực như đã nghe trên loa truyền thanh ngày nào. Vẫn sống ở Hà Tây đấy thôi, vẫn quẩn quanh với thôn xóm cũ mà sao nhiều ký ức cứ mang mang vọng về trong tiềm thức.

Kể từ ngày Hà Tây sáp nhập Hà Nội (năm 2008), những gì của Hà Tây tạm xếp vào kỷ niệm. Có người thích xưng danh người Hà Nộinhưng tếu táo gọi là Hà Nội 2 vì nơi đó vẫn có những đống rơm to, có con bò vàng, hẳn là vì vẫn lưu luyến với Hà Tây - xứ Đoài từng là niềm tự hào trong tim. Đó không chỉ là địa giới hành chính mà còn là tiếng quê hương trĩu nặng ăn sâu trong tâm khảm.

Nhưng có nhiều điều đáng vui khi Hà Tây sáp nhập Hà Nội, đó là kinh tế phát triển hơn, được hưởng nhiều cơ chế, ưu đãi đặc thù, rồi hệ thống xe buýt nay đã về tận từng làng quê, nhiều khu công nghiệp mọc lên giải bài toán việc làm... Văn hóa xứ Đoài được cơ hội giao lưu tiếp biến với văn hóa Thăng Long - mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Khánh Văn/nld

Có thể bạn quan tâm

Niềm đam mê bất tận với billiards

Niềm đam mê bất tận với billiards

Hành trình chinh phục ngôi vô địch đồng đội thế giới 2024 nội dung carom 3 băng của “cặp bài trùng” Trần Quyết Chiến và Bao Phương Vinh đã đưa người hâm mộ billiards trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, có cả sự hồi hộp, nghẹt thở đến vỡ òa hạnh phúc.
Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.