Kho báu, án oan Tân Lộ Kiều Lương và những mảnh gốm vỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cuộc sống thường ngày của gia đình Thoại Ngọc Hầu ra sao? Sách viết về Thoại Ngọc Hầu nặng đến mấy ký, nhưng quanh quẩn cũng chỉ có sự nghiệp và công lao gắn liền với việc khai phá miền Tây Nam Bộ. Câu hỏi đó cứ ám ảnh tôi cho tới một ngày tận mắt thấy những mảnh gốm vỡ từ một kho báu bí mật được khai quật từ khu lăng mộ Thoại Ngọc Hầu bên triền núi Sam…

Kho báu bí mật hơn 180 năm

Một buổi sáng cách đây 8 năm (20.9.2009), khu lăng mộ Thoại Ngọc Hầu ở dưới chân núi Sam lúc ấy đang trong quá trình tu bổ. Trong khi dọn dẹp mặt bằng để chuẩn bị lát gạch chung quanh thì các công nhân của đơn vị thi công phát hiện một khoảnh đất bị sụp xuống. Ban Quản lý khu di tích Lăng miếu núi Sam và Bảo tàng An Giang sau đó đến khảo sát, thống nhất nhận định khả năng có khu vực chôn đồ tùy táng là rất lớn và xin phép UBND tỉnh và Sở VH-TT-DL An Giang tiến hành khai quật khu vực này.

 

Tân Lộ Kiều Lương, đoạn mang tên Thoại Ngọc Hầu ở thành phố Châu Đốc.
Tân Lộ Kiều Lương, đoạn mang tên Thoại Ngọc Hầu ở thành phố Châu Đốc.

Và những người khai quật đã không tin vào mắt mình khi sau 4 ngày, số lượng hiện vật thu được lên con số hơn 500 hiện vật phong phú và đa dạng, gồm nhiều chất liệu: vàng, bạc, đồng, đồng tráng men (pháp lam), sắt, antimony, gỗ, gốm sứ, thủy tinh, đá, ngà, xương, răng, nanh hổ, vỏ ốc... và hàng trăm tàn tích đồ gỗ, đồ vải, đồ kim loại... Tất cả cổ vật có niên đại từ thế kỷ 18 - đầu thế kỷ 19 có xuất xứ từ nhiều nơi trên thế giới.

“Đó là một kết quả mang lại cho chúng tôi sự thú vị và bất ngờ lớn bởi cho đến nay, những phát hiện đã công bố về đồ tùy táng của các quan lại đại thần phong kiến Việt Nam, thậm chí của cả vua nữa, chưa từng có nhân vật nào vừa có công lao, tài đức mà còn để lại một khối lượng di vật to lớn, quý giá và phong phú như vậy.

Các hiện vật này đã giúp phần nào hình dung về cuộc sống của tầng lớp quan lại cấp cao Việt Nam đầu thế kỷ 19 tại khu vực biên giới phía Tây Nam”, ông Bùi Hữu Tâm – Tổ phó Tổ quản lý lăng Thoại Ngọc Hầu- nói. Lạ là cho đến trước khi phát hiện, trong dân gian hầu như không có những huyền thoại lưu truyền về đồ tùy táng ở lăng mộ Thoại Ngọc Hầu. Thậm chí những ký ức về cuộc sống gia đình ông cho đến nay cũng không còn dấu vết, đặc biệt là khu vực dinh quan bảo hộ (ông từng giữ chức Thống chế Bảo hộ Cao Miên), nơi sinh sống của gia đình Thoại Ngọc Hầu lúc đương thời cũng chưa xác định được chính xác.

Chỉ đến năm 2003, kết quả khảo sát mới cho thấy có dấu hiệu dinh quan bảo hộ cũ hiện nay nằm trong khu vực doanh trại Quân đội nhân dân Việt Nam ở Châu Đốc. Cũng trong hơn 180 năm đó, lăng Thoại Ngọc Hầu đã trải qua nhiều nhiệm kỳ của nhiều ban quản lý và hàng chục lần trùng tu sửa, nhưng tuyệt nhiên đã không có một phát hiện hoặc một ghi chép nào về đồ tùy táng của Thoại Ngọc Hầu. Điều đó chứng tỏ hậu nhân của ông, những người được giao sứ mạng chôn cất các di vật, đã giữ bí mật một cách tuyệt đối khối di sản quý giá này trong lòng đất.

Cuối cùng thì câu hỏi gia đình Thoại Ngọc Hầu từng sống và sinh hoạt ra sao của tôi cũng được giải đáp phần nào khi được dạo một vòng trong nhà Bảo tàng Cổ vật Thoại Ngọc Hầu ở bên trái khu lăng mộ. Những câu chuyện của đời sống thường ngày của một gia đình quan lại triều Nguyễn bỗng hiện về mồn một qua lăng kính những hiện vật không còn nguyên vẹn, từ đồ sinh hoạt cá nhân, đồ được tặng biếu và ban thưởng, đồ quý kim làm của để dành, đồ kỷ niệm, đồ y tế, đồ dùng trong thú vui thưởng ngoạn...

Thú vị nhất là có đến 304 hiện vật và khá nhiều tàn tích hiện vật thuộc về bà Châu Thị Vĩnh Tế - vợ cả của Thoại Ngọc Hầu. Trong khi đó, hiện vật thuộc về Thoại Ngọc Hầu lại ít hơn vợ một chút về số lượng nhưng lại có rất nhiều khác biệt khi ông có những hiện vật dùng riêng mà bà không có như 3 chung, 1 đĩa sứ Cảnh Đức men xanh trắng vẽ phong cảnh sơn thủy do vua ban; mão quan bằng vàng có gắn 9 con rồng và 33 chi tiết; một cái lấy rái tai và tẩu hút thuốc; 1 kính đeo mắt gọng kim loại của châu Âu có thể gấp lại, mắt kính tròn, loại 2,5 độ…

Án oan Tân Lộ Kiều Lương…

Hôm từ Núi Sam trở về thành phố Châu Đốc trên Tân Lộ Kiều Lương gặp đúng mùa trăng, tôi quyết định dừng xe tản bộ để nghe cảm giác “Vần dương mai in rõ bước chân/ Bóng trăng tối lồng theo tận gót” như Thoại Ngọc Hầu năm nào viết trên bia ký “Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương” khi hoàn thành đoạn đường dài hơn 5km này cùng thời với việc đào kênh Vĩnh Tế.

 

Bàn ủi - một trong những hiện vật liên quan đến bà Châu Thị Vĩnh Tế được trưng bày ở bảo tàng.
Bàn ủi - một trong những hiện vật liên quan đến bà Châu Thị Vĩnh Tế được trưng bày ở bảo tàng.

Đặc biệt, trong bài bi ký này có một chi tiết rất lạ là Thoại Ngọc Hầu chỉ xin “lệnh trên” phê chuẩn chủ trương làm đường. Còn chi phí do ông lấy từ bổng lộc cá nhân và các quan viên lân cận quyên góp, nhân dân hỗ trợ sức người và xe cộ... Và cuối bài bi ký ông chỉ khiêm tốn nhận xét việc mình làm rằng: “Làm việc ấy chính là đã tỏ chút lòng đền đáp của kẻ chăn dân”.

Mới đó mà đã ngót 180 năm. Và giờ, tấm bia ký đã hòa mình vào gió bụi biên cương nhưng Tân Lộ Kiều Lương thì vẫn còn đó với 8 làn xe và 2 tên đường khi đoạn xuất phát ở trung tâm thành phố Châu Đốc có tên là Nguyễn Văn Thoại. Lần nào sải bước trên con đường này, tôi cũng nghe mình bồi hồi bởi đang chạm, đẫm vào một sự kiện lịch sử đặc biệt. Bởi chính Tân Lộ Kiều Lương là một trong những lý do khiến sau khi qua đời ông bị dinh vào một án oan và bị vua Minh Mạng Minh Mạng xuống lệnh tịch thu gia sản, rồi truy giáng ông từ hàm nhị phẩm xuống thất phẩm, tước quyền tập ấm của con trai, bao nhiêu gia sản đều sung công, dù trước đó năm 1829, khi Thoại Ngọc Hầu qua đời, ông không những được truy thăng chức vụ, thưởng thêm nhiều tiền và gấm lụa, mà con trai trưởng còn được tập ấm chức Ân kỵ úy.

Chuyện là một ngày đẹp trời, quan Thị lang Tào Hình Bộ là Võ Du đi dò xét tình trạng dân Chân Lạp trở về đã báo cáo với quan Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt rằng Nguyễn Văn Thoại khi lĩnh chức Bảo hộ, ngày thường bắt dân Chân Lạp đi lấy gỗ táu đem nộp mà không cấp tiền và gạo, lại bắt dân Chân Lạp đắp đường cái (Tân Lộ Kiều Lương) để phục vụ việc đưa tang vợ từ Châu Đốc ra núi Sam…

Lê Văn Duyệt đem lời tố cáo ấy tâu lên triều đình, lập tức vua Minh Mạng ra lệnh tịch thu gia sản và giao cho Bộ Hình nghiêm trị. Vụ việc này khiến Minh Mạng ghét Thoại Ngọc Hầu đến nỗi vào tháng 7 năm 1830, khi một vị quan ở Gia Định dâng sớ xin cấp phu trông coi mộ ông, nhà vua thẳng thừng từ chối. Đọc đến đây không nhịn được cười bởi Minh Mạng, suy cho cùng cũng là con người với đầy đủ những xúc cảm tầm thường. Và cũng cần nhắc lại là trước đó, khi Thoại Ngọc Hầu và vợ ông - bà Châu Thị Vĩnh Tế còn sống, chính vua Minh Mạng đã làm một việc vô tiền khoáng hậu khi cho lấy tên bà để đặt tên kênh Vĩnh Tế sau đó khắc lên cửu đỉnh để thờ trước Thế miếu trong Đại Nội.

Chưa hết, tháng 3-1838, Nguyễn Văn Quang (là cháu họ của Nguyễn Văn Thoại, đồng thời là cháu nội của Khâm sai Thuộc nội Chưởng cơ Nguyễn Văn Bình) đã cùng Lê Văn Sơn (cháu họ của Lê Văn Duyệt) đang là tù phạm bị giam ở ngục tỉnh Gia Định, bàn mưu vượt ngục chiếm giữ thành phản lại triều đình. Mấy người này sau đó bị bắt, bị kết án xử tử lăng trì. Lần này thì Thoại Ngọc Hầu liên luỵ, bị triều đình lấy lại các sắc dụ đã cấp và bị tước luôn hàm Chánh ngũ phẩm...

Thực tế thì lịch sử đã chứng minh những lời của Võ Du là vu cáo, không có cơ sở nhưng phải đến thời Khải Định, tức gần 90 năm sau, Thoại Ngọc Hầu mới được minh oan, danh dự của ông mới phục hồi khi được phong thần (Đoan Tức Dực Bảo Trung Hưng Tôn thần). Chuyện án oan của Thoại Ngọc Hầu có gì đó hơi buồn cười khi vua Minh Mạng và cả Tổng trấn Lê Văn Duyệt thời đó chỉ nghe tâu một chiều mà không cần suy xét.

Nhớ hôm mãi miết với những mảnh gốm vỡ từ kho báu Thoại Ngọc Hầu, không hiểu sao lại nghe chạnh lòng khi nhớ về người cũ. Phận người suy cho cùng cũng không khác chi phận gốm. Lành đó rồi lại vỡ, vinh đó rồi lại nhục, huy hoàng đó mà rồi cũng tan tác đó. Nhưng dù có thế nào thì gốm quý vẫn như châu ngọc, dù vỡ vẫn sáng chứ không như ngói lành vẫn tồi tàn. Với người dân miền Tây Nam Bộ, Thoại Ngọc Hầu bây giờ là “ân đức” chứ không còn là “công lao” đơn thuần. Nên dù thế cuộc có xoay vần ra sao, Thoại Ngọc Hầu vẫn là một ngọn núi lừng lững giữa đất trời phương Nam, càng lùi xa càng nhìn thấy sự vĩ đại đôi khi không nói hết bằng câu chữ...

Tường Minh/laodong

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).