Người Churu đi "bắt chồng" - Kỳ 3: Được "mua", chàng rể Churu phải làm quần quật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khi cưới vợ, chàng rể Churu xem như được gia đình vợ “mua” về, quanh năm suốt tháng làm việc để nuôi gia đình bên vợ. Thân phận làm rể có nhiều tâm sự trắc ẩn trong lòng...


Làm quần quật để nuôi nhà vợ

Dưới cái nắng chang chang và gió giật phả bụi mù rát cả mặt, chúng tôi gặp Ya Thương đang đào khoai lang cùng nhóm nông dân ở đám nương thuộc xã Ka Đô (huyện Đơn Dương).

Chàng trai này năm nay 24 tuổi, đang sống trong nhà vợ ở cách rẫy đang làm chừng 20 km.

 

Già làng Ya Ga cũng phải chịu “thân phận chàng rể” theo phong tục Churu.
Già làng Ya Ga cũng phải chịu “thân phận chàng rể” theo phong tục Churu.

Ya Thương cho biết đào khoai lang gần một tuần rồi. Sau rẫy khoai lang này, anh đã nhận lời sang thu hoạch vườn su bắp cho một người dân xã Ka Đơn cùng huyện.

“Ai thuê gì mình làm nấy thôi, có thể cuốc đất, làm cỏ, chặt củi, phá gốc cà phê hay thợ hồ, thợ sơn, đào đất làm gạch, kể cả bốc xếp... Rảnh người ta ới là đi làm ngay ấy mà!” - Ya Thương nói.

Công việc quần quật của Ya Thương kiếm được mỗi ngày khoảng 200.000 đồng về đưa cho vợ, nhưng gần như không đủ để trang trải trong gia đình.

Ngoài người vợ trẻ 18 tuổi tên Konsa V. và một con gái gần 2 tuổi, Ya Thương còn cáng đáng thêm mẹ vợ và bà của vợ nên khó khăn thiếu thốn cứ chồng chất...

Gần ba năm trước, Konsa V. cùng những người cậu từ làng Đa Hoa sang làng Ma Đanh “bắt” Ya Thương về làm chồng.

Biết nhà V. nghèo, cha mất sớm nên gia đình Ya Thương chỉ thách cưới lấy lệ, mấy chỉ vàng, một số nhẫn cưới, khăn áo, chuỗi hạt cườm... cho một số rất ít thân tộc.

Thương con trai, gia đình bố mẹ cũng gửi Ya Thương đem theo về nhà vợ một số của hồi môn.

Nhưng về nhà vợ còn trẻ quá, lúc đó chỉ mới 16 tuổi nên người chồng trẻ vừa phải lo lắng đủ thứ việc lớn nhỏ trong nhà, vừa phải lao động quần quật để kiếm tiền nuôi gia đình nhỏ của mình và gia đình bên vợ.

“Hồi đó mình muốn đưa vợ về nhà mẹ đẻ lắm mà bên ngoại không chịu. Ở nhà thì mình rất được cưng chiều, có cha mẹ lo hết. Phong tục người mình (Churu) như vậy rồi, không theo thì không được.

Ở nhà vợ phải làm quần quật nhưng thấy có chuyện gì chướng mắt, va chạm với ai mình cũng bị thiệt cả, không thể nói được!” - Ya Thương chia sẻ.

Cách nhà Ya Thương không xa là nhà già làng Ya Ga, cũng là một trí thức người Churu của xã Tu Tra, huyện Đơn Dương. Chúng tôi gặp ông khi đang làm cỏ cho nương cà phê gần nhà.

Ông nói tranh thủ làm buổi trưa để chiều còn ra ruộng lo mấy sào lúa nữa. “Giờ già rồi làm ít chứ khi trẻ, còn sức thanh niên làm quần quật chú à, mà phải làm mới nuôi đủ gia đình, lo cho bầy con nên người, khôn lớn, dựng vợ gả chồng cho chúng được!”.

Dù lao động quần quật như vậy nhưng đến khi người vợ qua đời, theo luật tục của người Churu thì chàng rể sẽ phải đi tay không về nhà mẹ đẻ, ở với mẹ, chị em gái hoặc cháu gái của mình.

Những người lớn tuổi kể rất nhiều trường hợp trước đây sau khi vợ chết đi, người đàn ông bị đuổi ngay về nhà mẹ đẻ một cách tàn nhẫn như thế nào, phải xa rời con cháu và xa rời nhà cửa, vườn tược do chính công sức mình tạo lập một cách đau đớn ra sao...

Những hình ảnh đó trở thành mối bi kịch ám ảnh các cụ già người Churu cho đến mãi bây giờ.

 

Ya B (giữa) thu hoạch su bắp thuê cùng các chàng trai Churu khác.
Ya B (giữa) thu hoạch su bắp thuê cùng các chàng trai Churu khác.

Nhiều trường hợp khi về nhà mẹ đẻ, ở với chị em gái của mình hoặc có khi chẳng còn ai để nương tựa, trong khi người đàn ông tuổi đã lớn, khó khăn trăm bề.

Cũng có trường hợp gia đình nhà vợ cho ở lại nhưng gia đình nhà trai cương quyết đưa cho được “người của mình” về nhà theo luật tục, dù biết trước người ấy sẽ phải sống trong cảnh cô đơn, buồn bã.

Những năm gần đây do ảnh hưởng của người Việt, đàn ông Churu góa vợ mới được hai bên gia đình chấp thuận để ở lại cùng con cháu của mình.

Nỗi lòng chàng rể

Chúng tôi gặp Ya B. khi anh đang cùng nhiều người khác thu hoạch su bắp thuê trên một đám rẫy của xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương.

Nhìn khuôn mặt đen sạm trải đời, không ai nghĩ đó là chàng trai 25 tuổi. Ya B. nói: “Bọn tui toàn làm việc nặng dưới mưa dưới nắng thôi, mà làm riết cũng quen rồi!”.

Ya B. vốn người làng K’Lot sang làm rể ở làng Kambut cùng xã Tu Tra. Vợ anh là con gái út, theo phong tục Churu là người sống với bố mẹ vợ, đồng thời được hưởng phần lớn gia tài bên gia đình vợ.

Vậy mà tháng trước, người chị gái của vợ đã âm thầm đem 3 trong số 4,5 sào đất của gia đình vợ đi cho người ta thuê trồng màu trong 10 năm.

Biết chuyện, Ya B. xin canh tác 1,5 sào còn lại nhưng chị gái cũng không chịu. Quá uất ức, anh rời vợ con bỏ về nhà mẹ đẻ ở làng K’Lot.

Ít hôm sau, mấy ông cậu và anh trai bên vợ đành phải sang nhà Ya B. xin lỗi, hứa sẽ dàn xếp, tính toán lại chuyện chia đất đảm bảo vợ chồng Ya B. không bị thiệt. Nhờ vậy Ya B. mới trở về, tiếp tục làm lụng nuôi gia đình vợ và nuôi vợ con mình.

 

Chàng rể Ya Thương và con gái.
Chàng rể Ya Thương và con gái.

“Trong xã hội mẫu hệ của người Churu, người đàn ông có vai trò nhất định trong gia đình mình và dòng họ mình. Nhưng khi lấy vợ, cư trú bên nhà vợ, anh ta trở thành người thừa hành các công việc đã được gia đình vợ bàn bạc quyết định. Người làm rể, ngoài trách nhiệm, nghĩa vụ lao động nuôi sống bản thân mình và tôn trọng lễ phép với ông bà chủ nhà, sống hòa hiếu với tất cả thành viên trong đại gia đình, anh ta phải hết lòng thương yêu vợ mình, làm việc siêng năng chăm chỉ để xứng đáng với số của cải mà dòng họ nhà vợ đã bỏ ra cưới anh ta về”.
 

TS Võ Tấn Tú (trưởng khoa lịch sử Trường ĐH Đà Lạt, tác giả nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa Churu)

“Mình làm rể đâu nói gì được dù có nhiều chuyện chướng tai lắm. Vợ mình thường xuyên bị chị gái hà hiếp và xâm phạm quyền lợi, nhưng mình phải nhịn vì tiếng nói của mình trong gia đình vợ không có giá trị.

Nhiều lúc thấy phận làm rể như mình vô lý quá, khổ quá, tự dưng nai thân đi nuôi nhà bên vợ mà lại không có quyền hành, không được nói một tiếng nào!” - Ya B. tâm sự.

Thường để giải tỏa ấm ức trong lòng, cũng như hầu hết chàng rể Churu, Ya B. thường đem chuyện nhà tâm sự với những chàng rể khác những lúc làm công trên nương rẫy hoặc tụm năm tụm ba quanh chén rượu cay...

Thái Lộc/tuoitre

Có thể bạn quan tâm

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).
Những cuộc đời ven kênh

Những cuộc đời ven kênh

Từ bao đời nay, trên các nhánh sông Sài Gòn từng có những xóm làng ven kênh, họ sống đời cha nối tiếp đời con. Đó là những xóm kênh hay dân bờ kè gắn liền với cuộc đời và số phận thăng trầm cùng các dòng sông, bờ kênh của thành phố...
Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội

Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội

(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trái tim những người từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia vẫn luôn hướng về vùng đất Đức Cơ-nơi tiễn các anh đi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả và cũng là nơi đón các anh trở về với đất mẹ. Và, ở miền biên viễn này còn có bao đồng đội đang yên giấc vĩnh hằng.

Người của biển khơi

Người của biển khơi

Cứ mỗi lèo biển đánh được nhiều cá, anh lập tức nhớ ngay tọa độ, ngày tháng đánh bắt, đêm có trăng hay không trăng, dòng hải lưu thế nào... để mùa sau, năm sau quay trở lại đánh bắt