Mùa cá đồng ở miền Tây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nước lũ lên cao cũng là lúc mùa cá đồng bắt đầu. Với người miền Tây, mùa cá đồng đã trở thành ký ức về vùng đất trù phú, sản vật dồi dào.

Hiện nay, con cá đồng vẫn mang lại cuộc sống cho những ai theo nghề câu lưới dù không còn phong phú như xưa.

 

Bủa lưới mùa nước nổi.
Bủa lưới mùa nước nổi.

Đưa mắt nhìn về cánh đồng giáp biên xã Vĩnh Tế (TP. Châu Đốc, An Giang) đang mênh mông mùa nước, ông Nguyễn Văn Y có vẻ hài lòng. Với dân câu lưới "cố cựu" như ông, con nước năm nay hứa hẹn sẽ cho mùa cá khá hơn. "Tính ra cũng 4 - 5 năm nay mùa lũ không như ý muốn nên dân câu lưới cũng sụt giảm nguồn thu. Năm nay, nước lên sớm và nhanh nên mới tháng 6 (âm lịch) là tôi đã có đồng ra, đồng vô từ con cá đồng. Với tui và nhiều người dân lao động ở xã Vĩnh Tế này, mùa cá đồng cũng là mùa mưu sinh" - ông Y chia sẻ.

Trong ánh mắt xa xăm của "lão ngư phủ" này ánh lên nỗi nhớ miên man về những mùa lũ xưa, khi "mẹ thiên nhiên" còn hào phóng. Đó cũng là lúc khoang xuồng của ông Y đầy ắp cá sau mỗi chuyến bủa lưới xuyên đêm. "Hồi trước, cánh đồng dọc biên giới này nhiều cá lắm. Chịu khó bủa chừng 10 tay lưới có thể kiếm vài chục ký cá đủ loại như chơi. Thời điểm đó, tui vừa bủa xong đầu này thì đầu kia đã có cảm giác cá dính lưới rồi. Chừng 2 giờ sáng, tui cuốn lưới về đợi mờ trời ra cân cho bạn hàng ở chợ Tha La. Hồi đó, cá linh được tính bằng giạ, chứ mấy ai cân ký như bây giờ" - ông Y kể.

Theo ông Y, mùa lũ năm nay có một nghịch lý là con cá linh không nhiều như mong đợi. Ngược lại, những loài cá ngon như: Cá lóc, cá lăng hay cá tra phèo (cá tra tự nhiên) thì số lượng nhiều hơn. Hiện tại, cá lóc đồng được bạn hàng cân với mức 120.000 đồng/kg, riêng cá lóc bóc (cỡ ngón chân cái) thì được mua với giá 70.000 - 80.000 đồng/kg. Cá lăng 80.000 đồng/kg, đối với những loại "cá hiếm" như cá kết thì giá có thể đến 150.000 đồng/kg.

Ông Trịnh Văn Thùy, người dân xã Thạnh Mỹ Tây (huyện Châu Phú) đã gắn bó với nghề đặt lọp cá lóc hơn 30 năm. Mùa nước năm nào ông Thùy cũng chống xuồng men theo mấy tuyến kênh ở xã Thạnh Mỹ Tây và một số huyện lân cận để đặt lọp cá lóc. Năm nay, ông Thùy lặn lội đến kênh Trà Sư (Tịnh Biên) để đón mùa cá đồng vốn được trông chờ sẽ bội thu hơn. Ông thật tình: "Năm trước nước ít quá nên tui không lên đến đây. Mùa này nước cao hơn nên mình ráng chống chèo để kiếm thêm thu nhập. Với 50 cái lọp, mỗi ngày tôi kiếm được 2-3kg cá lóc đủ cỡ, mang ra chợ bán xô cho bạn hàng với giá 80.000 đồng/kg. Nếu bỏ sở hụi, tui vẫn kiếm được gần 200.000 đồng/ngày". Đó là những ngày cá vô lọp, có hôm ông Thùy chống xuồng đi rồi chống xuồng về với vài ba con cá lèo tèo trong khoang. Ông nói vui rằng, những ngày như thế sẽ không thèm mang cá đi bán mà để dành nướng "ăn chơi".

 

Ông Thùy đặt lọp cá lóc.
Ông Thùy đặt lọp cá lóc.

Dù con cá đồng chẳng còn dồi dào nhưng trong thực đơn của người miền Tây vẫn xuất hiện những món ngon mùa lũ. Hiện nay, cá linh non đã có mặt trên nhiều bàn tiệc từ nhà hàng sang trọng cho đến gian bếp bình dân. Nếu "sang" một chút, người ta có thể thưởng thức lẩu cá lăng hay cá chạch kho nghệ… Với những người con xa xứ, mùi vị cá đồng mang họ về với tuổi thơ bên nồi canh bông súng những chiều mưa lũ. Vẫn chỉ là những món bình dân nhưng con cá đồng đã trở thành đặc sản của An Giang mỗi khi nước lũ mang theo phù sa tưới mát bờ bãi mênh mông.

Hiện nay, mùa cá đồng chỉ mới bắt đầu. Vì vậy, những người như ông Y, ông Thùy vẫn tiếp tục hy vọng vào sự hào phóng của mùa nước năm nay. "Dù chỉ mới đầu mùa cá nhưng tôi rất mừng vì nguồn thu đã khá hơn so với cùng thời điểm này năm trước. Vẫn còn con nước tháng 8, tháng 9 (âm lịch), cá vô đồng sẽ mau lớn nên dân câu lưới cũng được nhờ. Chỉ mong năm nay "trời thương" cho tui kiếm được khá hơn, bù lại mấy năm trước mất mùa cá đồng, cuộc sống rất khó khăn" - ông Y chia sẻ. Theo kinh nghiệm dân gian, thời điểm nước rút khỏi đồng thì nguồn cá sẽ dồi dào hơn bởi chúng sẽ đổ ra sông lớn. Khi đó, các chợ sẽ xuất hiện đủ mặt cá đồng chứ không chỉ lác đác vài loại như hiện nay.

Dù dòng nước sông Cửu Long đã không còn hào phóng nhưng đặc sản cá đồng mùa lũ vẫn còn xuất hiện trong văn hóa ẩm thực của người miền Tây. Mong rằng, mùa cá đồng vẫn sẽ tiếp tục nối dài trong nỗ lực bảo vệ nguồn lợi thủy sản của các cấp, các ngành để thế hệ mai sau còn có dịp nhớ về nồi mắm kho mùa lũ và vị ngọt chân quê với bông điên điển vào mùa!

Thanh Tiến/nld

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...