Lớp học tình thương của người thương binh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hơn 22 năm qua, lớp học tình thương của ông Nguyễn Hữu Thời (69 tuổi), thương binh 3/4, là nơi dạy từng con chữ, phép tính cho hàng trăm trẻ mồ côi, nghèo khó không được đến trường.

Từ dạy chữ...

Nhà của ông Thời ở khóm Nguyễn Du, phường Mỹ Bình (TP.Long Xuyên, An Giang). Lớp học của ông vỏn vẹn 15 m2, nằm trong con hẻm nhỏ thuộc khóm văn hóa Nguyễn Du (phường Mỹ Bình, TP.Long Xuyên), các học trò ở đây đều gọi ông Thời là ông ngoại.

 

Ông Thời dạy các học trò trong lớp học tình thương.
Ông Thời dạy các học trò trong lớp học tình thương.

Ông Thời kể, sau năm 1975, xóm ghe cào này là một địa bàn phức tạp, tội phạm ngày một gia tăng. Đặc biệt, trẻ em đa phần không được đến trường do cha mẹ nghèo khó, gia đình ly tán, con cái phải sống với ông bà, không có giấy khai sinh... “Thiếu sự quan tâm dạy dỗ của gia đình, sống lêu lổng nên các cháu thường tụ tập đánh nhau, trộm cắp vặt.

Điều này làm tôi luôn lo lắng sợ bọn trẻ sẽ bị lôi kéo vào con đường tệ nạn, dẫn đến vi phạm pháp luật”, ông Thời nói. Giữa năm 1995, ông quyết định mở lớp học tình thương. Lúc ấy, dù mảnh đạn còn ghim trong lòng bàn chân phải nhưng ông đã đi từ đầu làng đến cuối xóm xin người dân từng cây tre, tấm tôn để dựng lớp. Sau đó, ông cất công đến từng gia đình để vận động cha mẹ cho các em đến lớp, đồng thời hỗ trợ quần áo, tập sách...

Em Nguyễn Văn Tý (7 tuổi) nói với chúng tôi: “Gia đình con về đây ở hơn 1 năm trên chiếc ghe bầu đậu cạnh bến chợ Long Xuyên. Hằng ngày, cha đi bán dưa ngoài chợ, mẹ làm công ty may, con cũng phải đi theo cha bán dưa, không được đến trường. Sau đó, được ông ngoại giúp đỡ nên con đến lớp. Ngoài học chữ, học số, ông ngoại và các thầy cô còn dạy con nhiều điều hay lẽ phải, biết kính trọng người lớn tuổi”.

Thời gian đầu, lớp học chỉ được vài học sinh, và giáo viên là những người lớn tuổi có kiến thức, uy tín ở địa phương; nhưng dần về sau, nhận thấy cách làm trên không phù hợp, ông Thời tìm đến các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn để nhờ các sinh viên tình nguyện đến dạy miễn phí cho các em. Sinh viên Cao Thị Chúc Ly, Trường đại học An Giang, chia sẻ: “Thấy các em ham học, cẩn thận viết từng con chữ, nhẩm từng phép tính, lòng tôi như thắt lại. Thấy cuộc đời mình quá may mắn khi được đến trường, còn con đường tìm đến con chữ sao quá khó với các em”.

... Đến dạy lễ nghĩa

Không dừng lại ở việc chăm lo, duy trì lớp học để dạy các em biết chữ, ông Thời còn chú tâm dạy lễ nghĩa cho các em. Hiệu quả của lớp học ngày càng thấy rõ khi các em nhỏ lêu lổng trước đây trở nên ngoan ngoãn, biết đi thưa về trình, không còn trộm cắp, đánh nhau.

Em Võ Thành Đạt (10 tuổi) kể: “Con không được đến trường từ nhỏ, sau này gặp ông ngoại, con mới được đến lớp và giờ có thể tự viết được tên của mình, con vui lắm. Vào lớp được học cùng các bạn, tụi con đoàn kết, hòa đồng, không đánh nhau. Con đã hứa với ông ngoại và thầy cô là không bao giờ trộm cắp, lêu lổng nữa”. Bà Trần Thị Diễm Trang, Phó chủ tịch UBND P.Mỹ Bình, cho biết từ khi lớp học tình thương được hình thành, ngoài việc góp phần xóa mù chữ ở địa phương, lớp còn giúp tình hình an ninh trật tự ở đây ngày càng ổn định.

Ngồi trầm ngâm bên tách trà, ông Thời chia sẻ niềm mong mỏi của mình: “Ngót 22 năm rồi, lớp học tình thương đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Những lúc trời mưa, mái tôn bị dột khiến cả lớp phải co ro lại một góc phòng, khi trời nắng thì căn phòng nóng hừng hực. Tôi chỉ mong sao có được lớp học đàng hoàng cho những học trò của mình”.

Linh Giang/thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.