Làn điệu dân ca Pa Kô, Vân Kiều sống lại trên dãy Trường Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Câu lạc bộ (CLB) dân ca cụm thôn Húc - Pa Lu gồm có 27 thành viên. Họ là phụ nữ sinh sống ở 2 thôn liền kề (Húc và Pa Lu) với nhiều lứa tuổi khác nhau, trong đó có khá nhiều người trên 60 tuổi và có người chưa đến tuổi 20.

Định kỳ, 1 tháng CLB sinh hoạt 1 lần tại nhà học tập cộng đồng hoặc có khi CLB di dời đến những nhà sàn của già làng, trưởng bản trong 2 thôn để vừa sinh hoạt vừa nhận được sự hỗ trợ, góp ý của những người có kinh nghiệm về hát dân ca.

Cùng nhau tìm lại vẻ đẹp xưa

 

Bà Y La hướng dẫn thành viên trẻ tuổi của CLB học sử dụng nhạc cụ và hát dân ca truyền thống.
Bà Y La hướng dẫn thành viên trẻ tuổi của CLB học sử dụng nhạc cụ và hát dân ca truyền thống.

Nhằm góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị tinh thần và văn hóa tinh hoa của dân tộc mình, được sự quan tâm, hỗ trợ của Hội LHPN huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), năm 2015, phụ nữ cụm thôn Húc – Pa Lu (xã A Túc, huyện Hướng Hóa) thành lập CLB dân ca.

Sau hơn một năm đi vào hoạt động, CLB đã thu hút được nhiều thành viên tham gia, sinh hoạt đều đặn và bước đầu có hiệu quả. CLB thực sự là nơi tăng cường sự đoàn kết giữa các dân tộc Vân Kiều và Pa Kô, tạo cho đời sống tinh thần của người dân nơi đây phong phú, có thêm động lực để chung sức xây dựng cuộc sống mới.

Việc sinh hoạt của CLB khá thuận lợi vì 2 thôn gần nhau nên hiếm khi có thành viên nào vắng mặt. Nội dung lời các bài hát dân ca được CLB sưu tầm và thể hiện chủ yếu đề cập đến những tâm tư, tình cảm, triết lý sống của người đồng bào dân tộc thiểu số đối với tự nhiên, xã hội và cuộc sống. Bên cạnh đó, có những bài hát ngợi ca về tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc anh em sinh sống cùng địa phương; sự chung sức chung lòng xây dựng gia đình, bản làng tiến bộ.

Là người thích sưu tầm và có giọng hát dân ca ngọt ngào nên khi có chủ trương thành lập CLB dân ca cụm thôn Húc – Pa Lu, bà Y La được phụ nữ 2 thôn tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm CLB. Dưới sự điều hành của Y La, CLB đã sớm sưu tầm được hàng chục bài hát dân ca, hát theo các làn điệu truyền thống của 2 dân tộc Vân Kiều và Pa Kô, như: tà oái, oát, xà nớt, a dên…

Để các bài hát có đệm nhạc phù hợp, Y La đích thân nhờ các nghệ nhân giỏi nhạc cụ trong 2 thôn hướng dẫn chị em cách đánh đàn ta lư, thổi sá, thổi khèn bè… và giúp góp ý sáng tác lời để hát theo từng điệu nhạc cho phù hợp. Nhờ vậy, các buổi sinh hoạt của CLB luôn diễn ra sôi nổi, đa số thành viên tích cực học hỏi kinh nghiệm và thể hiện khả năng biểu diễn của mình thông qua các điệu nhạc, lời ca, tiếng hát dân ca truyền thống.

Truyền lại cho các thế hệ tiếp theo

 

Một buổi sinh hoạt của CLB dân ca cụm thôn Húc – Pa Lu có sự tham gia của các nghệ nhân.
Một buổi sinh hoạt của CLB dân ca cụm thôn Húc – Pa Lu có sự tham gia của các nghệ nhân.

Bà Y La chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi thường được nghe ông bà, bố mẹ hát ru con, cháu hoặc vào các dịp lễ, tết, cưới hỏi… các nghệ nhân trong bản cùng nhau hát, múa những làn điệu dân ca mộc mạc, gần gũi, vui tươi, mang nhiều ý nghĩa trong cuộc sống.

Có lẽ nhờ vậy mà khi trở thành một thiếu nữ tôi đã thẩm thấu một tình yêu đặc biệt đối với những làn điệu dân ca của dân tộc mình. Tôi thích tham gia vào đội văn nghệ của địa phương, sẵn sàng biểu diễn phục vụ các dịp lễ, tết, cưới hỏi của bà con. Sau này, khi lập gia đình và giờ đã lớn tuổi nhưng không lúc nào tôi thôi đam mê múa hát dân ca.

Nhờ gắn bó với dân ca truyền thống mà tôi luôn cảm thấy mình trẻ mãi với thời gian. Mới đây nhất, CLB dân ca được các nghệ nhân lớn tuổi trong cụm thôn Húc – Pa Lu sáng tác tặng một bài hát mang tên đoàn kết. Hiện các thành viên CLB đang luyện tập để phổ biến rộng rãi. Lời bài hát này rất ý nghĩa, chúng tôi hát theo được nhiều điệu như: tà oái, xà nớt, à dên…

Lời bài hát đó như sau: “Chúng ta sum họp một nhà/Chung sức đoàn kết trẻ già mẫu mực/Mong sao quê hương phát triển bền vững/Kinh tế - an ninh - quốc phòng/Giữ gìn, sạch đẹp mọi nhà an vui/Đề cao thực hiện bình đẳng/Thanh niên nam nữ phải sao công bằng”.

Để các làn điệu dân ca của dân tộc không bị mai một, bà Y La chú tâm truyền lại cho con, cháu và thế hệ trẻ của 2 thôn Húc và Pa Lu. Với sự nhiệt tình dạy bảo của Y La, chị em trong CLB tiếp thu, luyện tập và tham gia sáng tác nhiều bài hát dân ca ý nghĩa.

Em Hồ Thị Giang, 18 tuổi cho biết: “Em rất vui khi được tham gia sinh hoạt CLB dân ca cụm thôn Húc – Pa Lu. Đây là sân chơi bổ ích để thế hệ trẻ như chúng em có cơ hội học tập, nghiên cứu những làn điệu dân ca truyền thống mà các nghệ nhân đi trước truyền đạt. CLB còn là nơi tạo điều kiện để 2 dân tộc Vân Kiều, Pa Kô học tập, giao lưu với nhau; góp phần tăng cường tình đoàn kết, cùng nhau gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số”.

Dân ca của người Vân Kiều và Pa Kô luôn có đặc trưng riêng, tùy theo lời từng bài hát mà kết hợp với điệu nhạc phù hợp. Bất cứ bài hát dân ca nào được các thành viên CLB thể hiện cũng chứa đựng tinh thần đoàn kết của các dân tộc anh em; màu sắc không khí từng lễ hội, ngày vui cưới, hỏi của các đôi trẻ… Do đó, họ luôn cố gắng làm sao duy trì dân ca truyền thống của mình trong cuộc sống hiện đại với phương châm “hòa nhập chứ không hòa tan”.

Chị Hồ Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Hướng Hóa cho biết: “Chỉ mới hơn một năm thành lập nhưng CLB dân ca cụm thôn Húc – Pa Lu đã được nhiều nơi biết tiếng. Các thành viên CLB luôn nỗ lực hết mình trong việc sưu tầm, sáng tác nhiều bài hát dân ca; tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của từng thành viên đối với các hoạt động của CLB rất cao.

Nhiều bài hát dân ca của người Vân Kiều, Pa Kô tưởng chừng như bị lãng quên với thời gian được CLB khơi dậy và tạo nên một sức sống mới. Nhờ họ mà dân ca truyền thống sẽ không bị mai một mà sẽ ngày càng được phát huy. Nhận thấy việc thành lập CLB dân ca do phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số đảm trách phù hợp, có hiệu quả thiết thực, trong thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục phổ biến và nhân rộng mô hình CLB dân ca trên địa bàn huyện.

Đồng thời, Hội sẽ kêu gọi, vận động sự hỗ trợ, hợp tác từ các đơn vị, cơ quan trên địa bàn cũng như các chương trình, dự án để tạo nguồn kinh phí nhằm duy trì và hoạt động có hiệu quả các câu lạc bộ dân ca truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô”.

Kô Kăn Sương/laodong

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.