Lạc vào nơi các vị thần đánh cờ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tương truyền Bạch Mã là nơi các vị thần cưỡi ngựa trắng xuống núi đánh cờ. Khung cảnh nơi đây đẹp như cõi tiên. Bạch Mã dường như còn nguyên vẹn vẻ hoang sơ của thuở ban đầu...

 
Du khách khám phá núi rừng Bạch Mã bằng đường mòn
Du khách khám phá núi rừng Bạch Mã bằng đường mòn



Chốn bồng lai tiên cảnh

Nằm cách TP. Huế khoảng 40 km về phía Nam, núi Bạch Mã nép mình bên dãy Trường Sơn hùng vĩ, trông giống như một con ngựa bạch duỗi chân hướng ra biển cả mênh mông. Truyền thuyết kể rằng, thuở xưa các vị tiên thường cưỡi ngựa trắng xuống núi Bạch Mã đánh cờ. Khi các tiên ông ngồi tỷ thí, bầy ngựa sẽ mải mê tìm cỏ non tơ. Chơi cờ xong, đợi ngựa về không được, các tiên ông đã bay về trời.

Đàn ngựa ngơ ngác, lang thang khắp núi, hóa thành những đám mây hệt như đàn ngựa trắng, quanh năm chờ chủ ở núi Bạch Mã. Theo người dân bản địa, Bạch Mã được khám phá bởi một kỹ sư người Pháp có tên M.Girard từ năm 1932, đến năm 1945 nơi đây trở thành thị trấn nghỉ dưỡng nổi tiếng. Sau nhiều thăng trầm, từ năm 2001 vườn quốc gia này bắt đầu đón khách khám phá. 10/139 biệt thự cổ được phục hồi với hơn 60 phòng nghỉ. Du lịch Bạch Mã dần định hình và thu hút du khách.  


 

Bình minh trên đỉnh Bạch Mã
Bình minh trên đỉnh Bạch Mã


Giữa thiên nhiên hùng vĩ, “dàn giao hưởng” từ tiếng chim hót, vượn hú, tiếng rì rầm của nước trong, tiếng lá cây “cổ vũ”, khiến du khách phải thốt lên: “Bạch Mã quả đúng là chốn bồng lai tiên cảnh!”. Muốn chinh phục và khám phá nơi này chỉ có hai cách, hoặc đi bộ lên núi và ngắm những nét đẹp trong bức tranh muôn màu, hoặc ngắm những đỉnh núi mây mù như bức tranh thủy mặc hữu tình qua cửa sổ ô tô. Xưa kia, người Pháp mất 10 năm để hoàn thành con đường lên Bạch Mã.

Đó là con đường nhỏ uốn lượn, ẩn khuất giữa đại ngàn và ngày nay được tỉnh Thừa Thiên - Huế đầu tư mở rộng lên thành 6m. Thế nhưng, chiếc ô tô 28 chỗ chở chúng tôi vẫn phải chậm rãi lăn bánh ngay từ dưới chân Bạch Mã. Con đường lên đỉnh quanh co, uốn lượn bên những tán cây cổ thụ, tiếng suối róc rách chào đón người phương xa, tài xế khuyên mọi người hạ cửa kính để cảm nhận được những cơn gió từ khu rừng thổi đến. Càng di chuyển lên cao, cái nóng càng giảm và tầm nhìn cũng rộng hơn. Có lúc còn bắt gặp những đám mây nhỏ lững thững ngang tầm mắt hoặc những đám mây khổng lồ bị hổng ở giữa khiến nắng xuyên qua bên dưới, tạo nên một góc sáng lung linh. Đặc biệt, khu vực đón khách ở độ cao khoảng 800m cũng chính là trạm dừng chân đầu tiên của Bạch Mã. Cái nắng nóng gay gắt dưới chân núi hoàn toàn biến mất, nhiệt độ đã thấp hơn bên dưới khoảng 7-10oC.

Bạch Mã đẹp, thơ mộng với mây gió ngút ngàn, với dải hoa thơm bên những khe suối cạn, bởi vẻ cổ kính của những biệt thự ẩn hiện sau những rặng cây xanh, hay những lớp sương giăng kín lối. Tiếng chuông vời vợi bên vọng Hải Đài đem lại cho nơi đây vẻ thanh tịnh hiếm có. Ở đó, có thể bao quát tầm nhìn về cố đô Huế; hồ Truồi bát ngát trong xanh; Thiền viện Trúc Lâm ẩn hiện trong làn sương khói; biển Cảnh Dương nước xanh thẳm; đầm Cầu Hai nổi tiếng với nhiều sản vật cũng còn nét nguyên sơ…

Anh Trương Cảm, người dẫn đường cho biết, ngoài khí hậu ôn hòa, được xem là “Đà Lạt giữa miền Trung”, Bạch Mã còn có giá trị đa dạng sinh học nổi bật, với 1.715 loài động vật, trong đó có 15 loài đặc hữu, 2.420 loài thực vật. Có 2 loài ong cùng 5 loài thực vật mới phát hiện. Cũng trong không gian ấy, những ngọn thác Đỗ Quyên, Hoàng Yến, Trĩ Sao, Ngũ Hồ... như nét chấm phá cho bức tranh xanh mướt mát. Nổi tiếng hơn cả là thác Đỗ Quyên cao 300m, được xem là ngọn thác cao nhất Asean. Thác như đài nước khổng lồ nên có tên gọi là Chateau D’ Eau, người Việt gọi là “Xa Tôi Đô”, còn dân gian gọi là thác Đỗ Quyên, bởi quanh thác là những thảm đỗ quyên nở hoa rực rỡ quanh năm.

Chỉ khai thác du lịch cao cấp

Đứng ở điểm cao nhất Bạch Mã, trời se lạnh, không gian tĩnh mịch, thâm u của núi rừng hoang sơ, bước chân như nhẹ tênh. Anh Trương Cảm chia sẻ, cái gì cũng có mặt tốt - mặt xấu, chuyện khu du lịch Bạch Mã thiếu hấp dẫn cũng thế. Vì rất ít dịch vụ vui chơi giải trí, nên Bạch Mã chưa hấp dẫn giới trẻ. Nhưng với những người thích tìm về thiên nhiên, yêu sự hoang sơ, đơn giản, tĩnh lặng… thì Bạch Mã đúng là “chốn thiên đường”. Một nàng sơn nữ đầy hương sắc, càng hiểu càng khiến cho ta say. Trong khi nhiều người trong đoàn nói với tôi rằng, Bạch Mã phát triển chậm và còn giữ được nguyên vẹn như thế này đâm ra hay, nếu phát triển theo quy hoạch chuẩn thì vừa giữ được nét yên bình của một không gian núi rừng, hệ sinh thái đa dạng, mà còn sàng lọc đối tượng khách. Chứ nhiều khu du lịch phát triển bằng mọi cách đã phá hủy hệ sinh thái vốn có.

Đánh thức tiềm năng Bạch Mã là mong muốn của rất nhiều người. Song đánh thức như thế nào để vừa thu hút được du khách gần xa nhưng vẫn bảo tồn giá trị vốn có là điều mà các nhà quản lý, hoạch định chính sách du lịch phải nghĩ đến. Đặc biệt, làm du lịch chỉ cần có ý tưởng và thực hiện nó một cách bài bản là đã chiếm tỷ lệ thành công rất lớn, chứ không nhất thiết phải xây dựng cái này, cái nọ nhiều khi tốn kém mà chẳng đem lại lợi ích gì. TS Huỳnh Văn Kéo, Giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã, cho biết, Bạch Mã trước khi trở thành một vườn quốc gia đã nổi tiếng về tài nguyên đa dạng sinh học với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Dưới thời Pháp thuộc, để bảo vệ loài Gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsii) chính quyền sở tại đã xây dựng và đệ trình lên Bộ Thuộc địa Pháp một dự án thành lập vườn quốc gia. Năm 1986, khu rừng cấm Bạch Mã - Hải Vân được thành lập với diện tích là 50.000ha. Năm 1991, Vườn Quốc gia Bạch Mã chính thức được thành lập với tổng diện tích 22.031ha trực thuộc Bộ Lâm nghiệp. Năm 2008, Vườn Quốc gia Bạch Mã được điều chỉnh mở rộng với tổng diện tích 37.487 ha.

Hiện Vườn Quốc gia Bạch Mã trực thuộc sự quản lý của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT. Bên cạnh đó, theo quy hoạch du lịch quốc gia, Bạch Mã là 1 trong 6 điểm du lịch của vùng Bắc Trung bộ. Nhưng Bạch Mã lại là vườn quốc gia với nhiệm vụ chính là bảo tồn thiên nhiên quý hiếm với rừng nguyên sinh hàng triệu năm tuổi và nhiều loài động thực vật đặc hữu, nên đòi hỏi cần một cách khai thác du lịch cao cấp, thu nhiều tiền nhưng không đón nhiều khách. Nhà đầu tư phải thật sự yêu thiên nhiên và kiên nhẫn chờ vốn sinh lãi. Đó là lý do mà du lịch Bạch Mã đến giờ này vẫn còn hoang sơ.

“Khu vực được phép khai thác dịch vụ gần 300ha nhưng mới chỉ khai thác một phần nhỏ. Còn nhiều khu rộng lớn, tiềm năng đang được kêu gọi đầu tư dịch vụ du lịch cao cấp. Thời gian qua, vườn quốc gia này đã tiếp nhiều nhà đầu tư là các tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài, nhưng đơn vị nào đến cũng e ngại. Mặt khác, quy chế khai thác vườn quốc gia rất nghiêm ngặt về mật độ xây dựng, chiều cao công trình, tiếng ồn, vệ sinh môi trường và điều kiện kinh doanh... Đó cũng là lý do để các nhà đầu tư e ngại”, TS Huỳnh Văn Kéo chia sẻ.

Văn Thắng (sggp)

 Dự kiến xây dựng cáp treo tại Bạch Mã

Đồ án quy hoạch Khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng Bạch Mã, trong đó có hạng mục cáp treo vừa được tỉnh Thừa Thiên - Huế trình Bộ Xây dựng. Theo đó, điểm đầu của cáp treo là khu vực Cầu Hai và điểm kết thúc tại biệt thự thuộc Khách sạn Morin (trên đỉnh Bạch Mã). Đồ án này được khởi động từ năm 2014, với việc UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đồng ý chủ trương xây dựng Khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng rộng 300ha tại Vườn Quốc gia Bạch Mã, tổng mức đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng của nhà đầu tư là một công ty cổ phần.

Đến năm 2016, nhà đầu tư trình bày với tỉnh Thừa Thiên - Huế là khu du lịch sẽ được chia làm 6 phân khu chính, gồm làng trung tâm, làng di sản, làng đỉnh núi, làng dịch vụ, khu tâm linh và thung lũng thác nước. Để kết nối các phân khu, dự án sẽ xây dựng hệ thống cáp treo tại Vườn Quốc gia Bạch Mã.

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.