Di dân tự do - những "cuộc chiến" và hệ lụy-(kỳ cuối): Giải quyết đúng luật nhưng cần hài hòa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trả lời P.V, ông Điểu Mưu - Quyền Vụ trưởng vụ Dân tộc - Tôn giáo, Ban chỉ đạo Tây Nguyên - cho biết, hiện, biện pháp giải quyết vấn đề ổn định dân di cư tự do của các cấp chính quyền ở các tỉnh Tây Nguyên đang gặp nhiều khó khăn. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng giải quyết vấn đề di dân tự do ở các địa phương trên địa bàn vùng Tây Nguyên không những đúng pháp luật, mà còn cần phải hài hòa, linh hoạt, đồng bộ từ các cấp, các ngành và các chính sách kinh tế-xã hội, làm sao để người dân di cư có cuộc sống ổn định và phát triển.


- Thưa ông, xin ông cho biết thực trạng di dân tự do trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên hiện nay?
 

Ông Điểu Mưu - Quyền Vụ trưởng vụ Dân tộc - Tôn giáo thuộc Ban chỉ đạo Tây Nguyên.
Ông Điểu Mưu - Quyền Vụ trưởng vụ Dân tộc - Tôn giáo thuộc Ban chỉ đạo Tây Nguyên.

Qua nắm tình hình, báo cáo của địa phương và của Bộ Nông nghiệp&PTNT, từ năm 1976 đến nay toàn Tây Nguyên có 189.846 hộ, 937.564 khẩu thuộc dạng dân di dân tự do. Cụ thể, tỉnh Kon Tum có 7.243 hộ với 21.708 khẩu; Gia Lai có 6.250 hộ với 23.624 khẩu; tỉnh Đắk Lắk có 2.986 hộ với 8.038 khẩu; tỉnh Đắk Nông có 5.391 hộ với 23.694 khẩu và tỉnh Lâm Đồng có 3.862 hộ với 14.639 khẩu.

Thực tế, từ năm 2005 đến nay, tình trạng dân di dân tự do từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến Tây Nguyên có giảm cả về số lượng và quy mô, mức độ di cư nhỏ lẻ. Song, tình trạng dân di cư tự do vẫn diễn biến phức tạp gây hệ lụy đến tài nguyên, môi trường sinh thái do đồng bào di cư vào đến các khu rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, vùng sâu, vùng xa, cách xa khu trung tâm, tránh kiểm soát của chính quyền sở tại, đời sống khó khăn, nghèo đói, con cái không học hành, chính quyền rất khó quản lý…

Một số địa phương hiện đang gặp khó khăn trong việc di dời số đồng bào đã xâm canh và ở trong khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng khi họ đã tự hình thành cụm dân cư, bản làng. Chưa kể các dự án bố trí dân cư tập trung vào vùng quy hoạch hiện cũng đang khó thực hiện vì quỹ đất và nguồn gốc đất xâm canh đất lâm nghiệp, khó chuyển đổi mục đích sử dụng đất và không có kinh phí triển khai dự án...

Hệ lụy nữa là tình trạng di cư tự do ngoài kế hoạch khiến công tác quy hoạch bố trí dân cư, quy hoạch sản xuất, quản lý dân cư, đảm bảo an ninh, trật tự và phòng chống tệ nạn xã hội tại các địa phương này, việc kiểm soát của các cấp chính quyền gặp nhiều khó khăn.

- Thời gian qua, chính quyền địa phương các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã có những giải pháp gì để giải quyết ổn định đời sống dân cư trên địa bàn, thưa ông?

Nhiều năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương (nơi có dân đi và nơi có dân đến) đã có những biện pháp tích cực triển khai, huy động nguồn lực thực hiện chính sách phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống cho đồng bào. Điều này thể hiện qua việc thực hiện các Chương trình 135, 755, 1776, 570.. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững… Trong đó, chỉ riêng thực hiện chính sách bố trí, ổn định dân di cư tự do tại các địa phương vùng Tây Nguyên đã lập và thực hiện khoảng 55-57 dự án…

Đối với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, từ năm 2005 đến nay, chúng tôi đã chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương bằng nhiều hình thức như: Kế hoạch, chương trình phối hợp khảo sát, đánh giá, kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình và đề xuất giải pháp giải quyết tình hình di cư tự do trên địa bàn. Cụ thể, từ năm 2005-2006, đơn vị đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc (Vụ Địa phương II) khảo sát tình hình vùng đồng bào Mông trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Trung đoàn 720, 726 thuộc Binh Đoàn 16 (Bộ Quốc phòng)...

 

Căn chòi tạm giữa rừng sâu và tương lai mịt mờ của một người trẻ tuổi.
Căn chòi tạm giữa rừng sâu và tương lai mịt mờ của một người trẻ tuổi.

Hiện nay Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện mục tiêu đề ra các dự án quy hoạch bố trí, ổn định dân di cư tự do theo các chủ trương và Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ... Quan điểm của chúng tôi là các địa phương cần ưu tiên bố trí ổn định dân cư theo hình thức xen ghép, nhằm giảm chi phí; tháo gỡ khó khăn về quỹ đất...

- Có một thực tế là một bộ phận di dân tự do có hoàn cảnh rất khó khăn. Họ sống trong những cánh rừng sâu, không điện đường, trường trạm; trẻ con không được đi học; xảy ra tình trạng tranh chấp đất sản xuất với các đơn vị quản lý rừng… Quan điểm của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đối với những vấn đề này như thế nào?

Đối với số hộ dân di cư đang sống trong vùng xung yếu, trọng điểm của rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, quan điểm của chúng tôi là các địa phương cần có biện pháp xử lý đúng theo quy định của pháp luật; kiên quyết đưa dân ra khỏi rừng, để bố trí dân cư vào dự án theo quy hoạch…

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng đã đề nghị các địa phương tăng cường quản lý, đăng ký nhân, hộ khẩu và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện cho con em được đi học, khám chữa bệnh. Đẩy mạnh thực hiện các chính sách dân tộc và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Các địa phương cũng cần chủ động đề nghị các bộ, ban ngành nghiên cứu quy định về chế tài để quản lý dân di cư tự do đảm bảo đủ pháp lý, nhằm điều chỉnh ràng buộc người di cư tự do đến nhiều địa phương hoặc “chạy theo” dự án để trục lợi, gây bất ổn trong nhân dân và địa phương.

- Dù thế nào thì họ cũng là con dân Việt Nam, nhưng một số địa phương, đơn vị, cơ quan chức năng đôi lúc đã dùng nhiều biện pháp xử lý quá mạnh tay (như cưỡng chế, chặt phá cây trồng của họ, hay bắt bớ, gọi hỏi…), trong khi chưa tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý xã hội, quản lý dân cư và công tác tuyên truyền, vận động đồng bào còn hạn chế, ít quan tâm đến chính sách anh sinh xã hội cho người dân di cư tự do. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Chúng tôi cho rằng, cơ quan chức năng, lực lượng bảo vệ rừng với trách nhiệm thực thi pháp luật, không riêng dân di cư tự do mà bất cứ cá nhân nào vi phạm luật đất đai, vi phạm luật bảo vệ phát triển rừng thì họ thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền thực thi pháp luật theo đúng quy định. Tuy nhiên, vẫn xảy ra ở một số nơi, có trường hợp cơ quan chức năng, lực lượng bảo vệ rừng sử dụng biện pháp quá mạnh đối với người dân rất dễ dẫn đến các mâu thuẫn, xung đột đáng tiếc.

Chúng ta phải nhìn nhận rằng, phần lớn dân di cư tự do là người dân tộc thiểu số đều có xuất thân từ các vùng do điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội khó khăn, không có đất sản xuất, nghèo khó, vì kế sinh nhai họ phải rời bỏ quê hương tìm vùng đất mới để có cuộc sống tốt hơn. Chính vì vậy, chúng ta cần có những biện pháp, hướng xử lý hài hòa, linh hoạt làm sao vừa đúng quy định của pháp luật nhưng ổn định và phát triển xã hội.

- Ban chỉ đạo Tây Nguyên và các địa phương có gặp khó khăn gì lớn, cần sự can thiệp và hỗ trợ của các ban ngành và Chính phủ?

Phải xác định công tác bố trí, ổn định dân di cư tự do là vấn đề cấp thiết trong chiến lược ổn định dân cư và phát triển bền vững của các vùng (đặc biệt là vùng Tây Bắc, Tây Nguyên); gắn với thực hiện Chương trình bố trí dân cư từ nay đến năm 2020 theo Chương trình của Chính phủ.

Về giải pháp lâu dài, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo và giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp các tỉnh có kế hoạch điều tra cụ thể, trên cơ sở đó xây dựng đề án tổng thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết một cách căn cơ.

Một trong những vấn đề cần giải quyết cần được các bộ, ngành tháo gỡ là những hộ dân đã cư trú ổn định thành cộng đồng cư trú lâu năm trên đất rừng sản xuất, chúng ta cần linh động cho phép chuyển đổi đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp để ổn định dân cư tại chỗ.

 

Gần đây tình trạng di dân tự do lại xuất hiện những diễn biến phức tạp khó kiểm soát. Bây giờ họ di cư không nhiều như những năm trước mà di cư theo từng nhóm nhỏ lẻ, vào tá túc với người đến trước, sau đó dựng nhà tạm và đưa cả gia đình vào. Sau đó tự khai phá rừng tự nhiên rồi khai hoang lấy đất sản xuất.

Riêng đối với số dân cư trú trên đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì địa phương cần căn cứ tình hình cụ thể về quy mô khu dân cư từ đó đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đưa ra phương án giải quyết dứt điểm.

Hiện nay, theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương trong vùng và của Bộ NN&PTNT, từ năm 2005 đến nay vẫn còn nhiều dự án đã phê duyệt, đang thực hiện dở dang nhưng do không có hoặc chưa bố trí kinh phí nên chưa thực hiện, đề nghị các bộ, ngành liên quan và các địa phương có dự án tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính Chính phủ sớm xem xét, cân đối nguồn kinh phí để bố trí cho các địa phương triển khai hoàn thành dứt điểm dự án, để người dân trong vùng dự án có được cuộc sống ổn định...

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Văn Minh-Hữu Long/laodong

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.