Đến Bình Đức ngắm gốm Gọ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ở tỉnh Bình Thuận có một làng Chăm quanh năm đỏ lửa. Đó là làng gốm Gọ thuộc thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhờ vào đôi bàn tay khéo léo và đức tính cần cù, tỉ mỉ của những nghệ nhân, thợ thủ công, nghề gốm làng Gọ không chỉ bảo lưu nguyên giá trị văn hóa truyền thống mà còn tạo công ăn việc làm, giúp hàng trăm hộ dân thoát nghèo.

Nét độc đáo làng nghề

Giữa cái nắng gắt buổi trưa của miền đất Bình Thuận, con đường dẫn chúng tôi vào làng gốm Gọ không hề thưa bóng những phụ nữ đang thoăn thoắt dỡ những mẻ gốm màu đỏ ngói ra khỏi đống than rực hồng. Trong nhà, nhiều phụ nữ đủ lứa tuổi hì hục nhào đất, tạo hình cho các sản phấm gốm để kịp giao cho các mối hàng từ khắp các tỉnh, thành.

 

Gốm của người Chăm Bình Thuận được nung lộ thiên.
Gốm của người Chăm Bình Thuận được nung lộ thiên.

Tiếp xúc với nghề gốm từ khi mới hơn 10 tuổi, bà Dụng Thị Bương kể, nghề gốm ở thôn Bình Đức có từ rất lâu đời, được các gia đình người Chăm duy trì qua nhiều thế hệ. Quy trình làm gốm bao gồm nhiều khâu, nhiều công đoạn kết nối. Trong đó, việc chọn loại đất là công đoạn quan trọng nhất.

“Theo kinh nghiệm dân gian của các nghệ nhân cao tuổi truyền lại, loại đất sét được sử dụng làm gốm phải có màu vàng nhạt, có độ dẻo và độ mịn vừa phải, không bị lẫn nhiều sạn, sỏi. Có đất rồi, người làm gốm phải đập, ủ, pha trộn, nhồi bóp - đây là công đoạn quyết định đến chất lượng sản phẩm sau khi nung”, bà Bương, chia sẻ.

Trong căn nhà nhỏ của chị Trần Thị Hương, người gắn bó hàng chục năm với làng gốm Gọ, từ ngoài sân, hiên nhà đến gian bếp, đâu đâu cũng thấy đủ loại gốm. Gốm ở đây có màu ngói đỏ, lấm chấm một ít màu đen nâu như màu đất nung bị quá lửa làm cho sản phẩm gốm Bình Đức có nét độc đáo riêng, không nơi nào có được.

Thợ làm gốm hầu hết là những phụ nữ Chăm, họ tạo hình sản phẩm gốm không dùng bàn xoay như nhiều dân tộc khác mà chỉ sử dụng những công cụ giản đơn theo phương pháp thủ công truyền thống, gồm một bàn kê, một miếng vải nhỏ.

“Trước khi đặt đất sét lên bàn kê, chúng tôi rắc một ít cát trắng để chống dính. Sau đó dùng tay tạo hình cho sản phẩm bằng cách đi vòng tròn quanh bàn. Khi xương gốm dần hình thành, chúng tôi dùng một chiếc vòng tre vót mỏng và miếng vải nhúng nước vuốt lên mặt ngoài sản phẩm để tạo độ đều và láng mịn. Gốm sau khi tạo hình được để khô tự nhiên. Riêng các loại sản phẩm như bếp lò, khuôn đổ bánh xèo, bánh căn… thì được phơi trực tiếp ngoài nắng to để cứng lại”, chị Hương nói về quy trình làm xương gốm.

Gốm sau khi được tạo hình để khô sẽ được đưa đi nung. Đến công đoạn này, bà Bương kêu mấy đứa cháu di chuyển khoảng 1.000 sản phẩm ra cánh đồng gần nhà rồi chất củi, rơm đốt.

“Gốm của người Chăm được nung lộ thiên. Gốm và củi sắp xếp thành hàng ngang vuông góc với hướng gió thổi để gốm chín đều và tỷ lệ nổ, vỡ thấp. Gốm được xếp theo thứ tự từ nhỏ đến lớn, từ dày đến mỏng. Thông thường, một lần nung mất từ 2-3 giờ tùy vào số lượng sản phẩm”, bà Bương nói.

Một điều đặc biệt khác làm cho gốm làng Gọ nổi tiếng chính là màu sắc trên các sản phẩm. Khi gốm chín được đưa ra ngoài, người thợ sẽ dùng một loại nước làm từ trái thị rừng hoặc vỏ cây chùm dụ vảy lên mặt thân gốm để tạo hoa văn. Nhờ đó, gốm Chăm Bình Đức không chỉ có màu đỏ  ngói tươi tắn mà còn toát lên những vệt nâu đen trông như da báo trên thân gốm, trông rất lạ mắt.

Phát huy giá trị truyền thống

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Bình Thuận, hiện nay tại địa phương có 26 thôn của người Chăm, nhưng chỉ có người Chăm ở thôn Bình Đức còn làm gốm với kỹ thuật và quy trình thủ công truyền thống. Đây là làng nghề thủ công riêng biệt, thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng người Chăm.

Năm 2012, Bộ VH-TT-DL đã quyết định đưa nghề gốm của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình nghề thủ công truyền thống.

Bà Bương nhớ lại những thăng trầm trong nghề làm gốm: “Trước đây, làng chúng tôi làm gốm chủ yếu vào lúc nông nhàn và chỉ phục vụ cho nhu cầu của bà con, dòng họ trong làng. Đến khi xã hội phát triển, những vật dụng sinh hoạt như bếp, lu, nồi niêu đều được hiện đại hóa nên những vật dụng làm bằng gốm trở nên lỗi thời. Có thời gian chúng tôi đã không sản xuất nữa”.

Thế nhưng, những năm gần đây, người tiêu dùng, nhất là các nhà hàng có xu hướng sử dụng đồ đun nấu bằng gốm vì ít độc hại, lại mang nét dân dã. Làng gốm Gọ đã khởi sắc trở lại.

“Gốm làng Gọ không chỉ khách du lịch ở các khu vực lân cận mua về sử dụng mà một số nhà hàng, khách sạn ở TPHCM, Đồng Nai… cũng ra tận làng đặt hàng với số lượng lớn”, bà Bương phấn khởi.

Thời gian qua, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương và các tổ chức phi chính phủ, nghề làm gốm ở Bình Đức càng có cơ hội phát triển góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, nhờ đó gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc.

Hiện nay, sản phẩm gốm làng Gọ khá đa dạng và phong phú, có thể chia làm 3 nhóm: đun nấu, đồ đựng và sản phẩm phục vụ du lịch. Gốm của người Chăm Bình Đức giá thành rẻ, nhiều kích cỡ và chủng loại, tiện lợi trong sử dụng, được nhiều tỉnh, thành ưa chuộng.

Chỉ tay về người con gái cả của mình, bà Bương trải lòng: “Cho dù hiện nay thế hệ trẻ nhiều người không còn mặn mà với nghề làm gốm, nhưng trong mỗi gia đình người Chăm ở làng Gọ đều truyền nghề lại cho một thành viên để lưu truyền lại nét văn hóa cho thế hệ kế tiếp”.

Rời làng gốm Gọ trong chiều muộn, nhà nhà, người người cùng lúc đốt mẻ gốm cuối ngày để kịp giao hàng cho khách hàng vào sáng hôm sau. Cả cánh đồng Gọ khói bay mù mịt, gió thổi cuốn những cột khói cao ngất bay xa…

Nguyễn Tiến/sggp

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.