Chuyện tình thời chiến: Lời hẹn ước gửi đến một tù binh Côn Đảo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Họ đến với nhau trong bão táp cách mạng. Anh mới ngỏ lời, chị còn chưa dám ước hẹn thì cả hai bị địch bắt. Họ bị đày đọa qua nhiều nhà tù, không ít lần đứng ở ranh giới mong manh của sự sống và cái chết.

Riêng anh, trong 15 năm tù đày thì có tới 13 năm ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo với án tử hình, ba lần chuẩn bị ra pháp trường… Kể từ lúc ngỏ lời, sau 15 năm xa cách, họ mới gặp lại nhau, hạnh phúc trong đám cưới khi đất nước đã thống nhất, giang sơn đã thu về một mối.

Đó chính là câu chuyện tình yêu giữa hai chiến sỹ cách mạng Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu.

 

Ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu thời trẻ.
Ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu thời trẻ.

Cô gái mặc áo dài trắng

“Thời thanh xuân đã qua lâu nhưng với tôi, đó vẫn như một giấc mơ, có lúc tưởng như mọi chuyện mới xảy ra ngày hôm qua,” ký ức hiện về như thước phim quay chậm, mở ra trước mắt người chiến sỹ cách mạng năm xưa những câu chuyện bi tráng.

Nói rồi, ông Lê Hồng Tư nghẹn lại. Một khoảng lặng kéo dài… Đó là câu chuyện về số phận cá nhân gắn chặt với vận mệnh dân tộc.

Khoảng năm 1955-1956, Lê Hồng Tư là một thanh niên nghèo từ Bình Chánh lên Sài Gòn vừa học vừa làm đủ thứ nghề kiếm sống (nhân viên điện tín, thợ tiện…). Sau đó, Lê Hồng Tư được tổ chức cách mạng đưa vào các trường học để gây dựng phong trào đấu tranh của học sinh-sinh viên.

Ngày đầu năm học 1956, có một nữ sinh từ Biên Hòa đến trường Văn Lang (Sài Gòn) nhập học. “Tôi bị thu hút bởi vẻ dịu dàng, cách nói năng nhỏ nhẹ, lễ phép và đặc biệt là bộ áo dài trắng thướt tha, mái tóc dài hiền hòa của cô ấy. Đó cũng là ngày đầu tiên tôi gặp Châu,” ông Lê Hồng Tư nhớ lại.

Sau một thời gian chung lớp, sự nhanh nhẹn, chăm chỉ và chân thật, hòa nhã của cô bạn Nguyễn Thị Châu đã thuyết phục được người chiến sỹ cách mạng Lê Hồng Tư và khiến trái tim của chàng thanh niên ấy rung động.

 

Họ đến với nhau trong bão táp cách mạng...
Họ đến với nhau trong bão táp cách mạng...

Cô nữ sinh Nguyễn Thị Châu được lựa chọn để bồi dưỡng trở thành hạt nhân của phong trào đấu tranh chống Mỹ trong học sinh-sinh viên ở các đô thị miền Nam.

“Từ những rung động ban đầu, dần dần, tôi cảm thấy thực sự thương và muốn bảo vệ, che chở cho người con gái có vẻ ngoài nhỏ bé mà nghị lực phi thường ấy,” ông Tư kể.

Sau những đòn roi tra tấn (thọc ống vào cổ họng, đổ nước vôi trộn bột ớt, xà phòng vào miệng…) của kẻ địch, năm 1950, cha của Nguyễn Thị Châu qua đời. Nhờ sự đùm bọc của họ hàng, cô mới có thể tiếp tục đi học.

Cũng vì nhà nghèo nên cô không thể theo học trường Gia Long (mặc dù tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp với số điểm cao nhất tỉnh Biên Hòa khi ấy), phải đổi sang học trường Văn Lang. Trước khi về Sài Gòn, cô hứa với mẹ sẽ cố gắng học để sau này nuôi các em. Một cô gái nhỏ phải gánh vác trách nhiệm lớn của một người đàn ông trụ cột trong gia đình.

“Hơn nữa, thời điểm ấy, chúng ta đã nhận thấy rõ, không thể có hòa bình, thống nhất như vẫn kỳ vọng sau khi ký Hiệp định Geneve năm 1954. Việc nước, việc nhà đều bộn bề những nỗi đau, chất chồng những lo lắng. Bởi thế, cô ấy đã từ chối lời thổ lộ tình cảm của tôi,” ông Tư nhớ lại.

Đó là một ngày cuối năm 1958. Trái tim chàng trai Lê Hồng Tư như thắt lại.

Sau đó, Lê Hồng Tư bị lộ và phải chuyển sang trường khác. Nguyễn Thị Châu tiếp tục ở lại gây dựng phong trào ở trường Văn Lang. Đến năm 1959, họ mới gặp lại nhau và đó cũng là cuộc gặp cuối cùng trước cuộc chia xa kéo dài 15 năm đằng đẵng.

 

Khi biết anh bị tuyên án tử hình, chị tự nhận mình là hôn thê của anh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Khi biết anh bị tuyên án tử hình, chị tự nhận mình là hôn thê của anh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Sài Gòn chấn động

Đầu tháng 2-1961, chiến sỹ cách mạng Nguyễn Thị Châu bị địch bắt. Những ngày sau đó, địch giam cầm, tra tấn chị ở những xà lim, cấm cố, ngục tối của nhiều nhà tù: trại Lê Văn Duyệt, quân lao Gia Định, hầm khói Thủ Đức, nhà tù Phú Lợi…

Ngày 8-7-1961, đô thành Sài Gòn chấn động bởi thông tin biệt động đánh bom xe của Đại sứ Hoa Kỳ Frederick Nolting. Đây là chiến công của lực lượng biệt động Ban các sự học sinh-sinh viên Sài Gòn-Gia Định, do chiến sỹ cách mạng Lê Hồng Tư chỉ huy.

Ngay sau đó, lực lượng quân cảnh, cảnh sát… lùng sục khắp nơi để truy bắt nhóm ám sát. Ngày 23-5-1962, tòa án quân sự Sài Gòn đưa nhóm của Lê Hồng Tư ra xét xử. Ngay sáng hôm sau, Lê Hồng Tư cùng ba chiến sỹ khác bị tuyên án tử hình.

Tin tức về vụ xét xử ấy nhanh chóng lan truyền khắp hệ thống lao tù. “Trong ngục tù, nhiều lần tôi tưởng mình ‘chết đi sống lại’ vì đòn roi, sức khỏe kiệt quệ, toàn thân đau đớn. Thế nhưng, nỗi đau thể xác ấy không là gì so với nỗi đau khi nghe tin anh Tư bị tuyên án tử hình. Tôi bàng hoàng tâm can mà gắng gượng để nước mắt không trào ra, tránh để cai ngục nhìn thấy,” bà Châu kể lại, giọng run run.

Trong ngục tối, nữ tù binh sống nỗi đau hòa cùng sự hối tiếc vì chưa nhận lời tỏ tình của người con trai mà mình yêu thương. Chị quyết định nhận lời cầu hôn của anh.

 

Ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu trong ngày cưới.
Ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu trong ngày cưới.

Khi truyền thông tin tới các phòng giam trong trại giam Lê Văn Duyệt, chị nhắn gửi: “Lê Hồng Tư là vị hôn phu của tôi. Nếu có đồng chí nào gặp anh, xin nói với anh ấy rằng: Nguyễn Thị Châu đồng ý!”

Tuy nhiên, do sức ép từ nhiều phía, phán quyết của tòa án quân sự Sài Gòn đối với tử tù Lê Hồng Tư đã không thể thực hiện. Chiến sỹ cách mạng Lê Hồng Tư bị đày ra Côn Đảo.

“Qua những người bạn tù, hai năm sau, khi bị giam ở Côn Đảo, tôi mới biết Châu nhận lời cầu hôn của tôi. Tôi còn nhớ rất rõ, hôm ấy, tôi đã khóc vì thương cô ấy. Khi còn hoạt động cùng nhau, cô ấy không chịu. Vậy mà khi tôi sắp chết, cô ấy lại đồng ý. Tôi không thể cầm lòng, nước mắt cứ trào ra như một đứa con nít,” ông Tư kể.

Ngày 4-5-1975, chiến sỹ cách mạng Lê Hồng Tư trở về từ Côn Đảo. “Hơn ba tháng sau, chúng tôi tổ chức đám cưới. Ngày ấy, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Tôi và Châu góp lại cũng chỉ có khoảng 50 đồng, nên đám cưới cũng chỉ có ít bánh kẹo và trà mời khách. Điều thú vị là, quá nửa số khách là khách… không mời, có những người chúng tôi cũng không quen. Thế nhưng, họ biết câu chuyện tình yêu của chúng tôi và chủ động đến chia vui,” ông Tư kể.

An Ngọc/TTXVN

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.