Chuyện ở trang trại dê sữa lớn nhất Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bước chân qua cổng trại, lập tức tôi choáng váng bởi mùi dê khai nồng đậm đặc vây quanh. Dè dặt xỏ đôi bao giày, giẫm lên lớp vôi bột khử trùng, tiến sâu vào trang trại, cùng những câu chuyện thú vị được kể giữa hàng nghìn đôi mắt dê to đẹp lấp lánh như thôi miên chúng tôi...

Tiềm năng

Nằm giữa bốn bề rừng thẳm ở thôn Kon Tu Rằng (xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), trang trại chăn nuôi dê sữa quy mô lớn của Công ty cổ phần dược liệu và thực phẩm Măng Đen (Công ty CP Măng Đen) hiện vẫn là địa chỉ chưa nhiều người biết.

 

Dê Maria to lớn nhất đàn nặng 120 kg.
Dê Maria to lớn nhất đàn nặng 120 kg.

Hướng dẫn chúng tôi tham quan, bác sĩ thú y Dương Văn Hưởng cho biết việc tiếp nhóm phóng viên là ngoại lệ, chiều theo đề nghị của cán bộ huyện, chứ chủ dự án chưa muốn “lộ”. Bởi, quá trình đầu tư dự án mới ở bước đầu. Và trang trại cũng cần sạch sẽ, yên tĩnh, bảo đảm cho những đàn dê ngoại mới nhập về không nhiễm bệnh.

Mỗi dãy nhà cao rộng trong khối 7 tòa dài hàng trăm mét được đánh số thứ tự theo từng “chuồng”. Mỗi chuồng nuôi bình quân 1.000 con dê trong rất nhiều ô, theo giới, giống và độ tuổi khác nhau. Anh Hưởng kể, hơn 7.000 con dê đã gắn mã số trên tai trong 7 dãy chuồng này chủ yếu được nhập về từ Úc và Pháp trên máy bay vận tải chuyên dụng.

Lứa dê nhập về đợt đầu tháng 4-2016, đến tháng 10-2016 đã có nhiều bé dê lai chào đời và trại bắt đầu vắt sữa... Chuyện đang giòn, bỗng có tiếng công nhân gọi nhau huyên náo. Một mẹ dê vừa sinh ra cặp dê con bé bỏng. Nam công nhân vít sừng dê mẹ để nữ công nhân an toàn lau chùi cho đôi dê con, rồi cả hai bế con lùa mẹ qua ngăn bên cạnh. Anh Hưởng kể tiếp: 5 ngày đầu cặp dê con sở hữu hoàn toàn đôi vú mẹ. Còn sau đó, bé dê bú giặm thêm nguồn sữa thay thế khác, nhường sữa mẹ lại cho người. Mỗi dê mẹ được vắt ngày 2 lần, hiện đang cho lượng sữa bình quân 2,5-3 lít.

Chưa có nhà máy, lâu nay trang trại lấy sữa hấp tiệt trùng rồi sử dụng nội bộ, ưu tiên con em cán bộ công nhân. Thỉnh thoảng sữa dê từ đây cũng được bán ra thị trấn huyện thăm dò thị hiếu, giá trên dưới 100 nghìn đồng/lít, đắt gấp mấy lần giá sữa bò vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của giới trung lưu. Một nữ doanh nhân đồng bằng định cư trong khu biệt thự làng Măng Đen khen sữa dê ngon tuyệt, dễ tiêu, dùng đắp mặt nạ thì da mịn màng như lụa. Anh Hưởng xác nhận: Các cháu bé con cán bộ công nhân trong trại được uống sữa dê rồi đều... nghiện, không chịu dùng sữa bò. Trang trại chưa quảng bá, mà đã có những doanh nghiệp Hàn Quốc qua xin đăng ký bao tiêu hết sản phẩm sau này. Họ cần dùng sữa dê cho công nghệ mỹ phẩm, làm đẹp!

Trong tổng đàn dê nhập, tỉ lệ dê đực chỉ khoảng 1/23. Mỗi ngày, một chàng dê đực phục vụ truyền giống cho 3 nàng dê cái. Chị Bích công nhân chỉ cho chúng tôi xem con dê đực đồ sộ nhất chuồng số 1, có cái tên dễ nhầm giới tính là ... Maria, nặng cỡ 120 kg. Bộ râu quặp đặc trưng rậm dài, lông mượt, mắt to. Maria hiền lành gặm mớ cỏ tổng hợp trên tay tôi. Bích bảo, nhìn vậy chứ chúng nghịch lắm. Sinh lực dồi dào quá nên húc nhau gãy sừng, dập chân là thường, công nhân cứ phải để mắt trông coi liên tục.

Quý dê, phải quý cả rừng

Việc một doanh nghiệp non trẻ nội tỉnh trở thành nhà đầu tư dự án lớn nhất lên cao nguyên Kon Plông đã nảy sinh nhiều luồng dư luận khác nhau.

Công văn số 884/UBND-KTN do UBND tỉnh Kon Tum ban hành ngày 7-5-2015, về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án quản lý bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch, nhân giống, trồng phát triển cây dược liệu kết hợp chăn nuôi dê sữa công nghệ cao của Công ty CP Măng Đen cho thấy tổng mức đầu tư của dự án trong 10 năm, là 5.100 tỷ đồng. Trong đó, riêng kế hoạch nuôi 100.000 con dê sữa để sản xuất sữa dê với công nghệ tiên tiến hàng đầu của Mỹ và các nước châu Âu, chu trình khép kín từ vùng trồng thức ăn cho tới chuồng trại nuôi và nhà máy chế biến sữa, bước đầu được đánh giá có quy mô lớn nhất Việt Nam, tại thời điểm hiện nay.

 

BS Hưởng trao đổi cùng phóng viên (ảnh lớn). Dê mẹ hạ sinh 2 dê con (ảnh nhỏ).
BS Hưởng trao đổi cùng phóng viên (ảnh lớn). Dê mẹ hạ sinh 2 dê con (ảnh nhỏ).

Tuy nhiên, 10 vạn con dê, hay hơn nửa vạn tỷ vốn tự có và vay ngân hàng mà Công ty CP Măng Đen đăng ký, cũng không khiến dư luận quan tâm bằng con số 1.350 ha đất và rừng cho dự án tỉnh dự kiến giao doanh nghiệp. Trong đó, diện tích xây dựng khu chăn nuôi, trồng cây thức ăn, trung tâm điều hành nhà máy chế biến sữa khoảng 150 ha. Diện tích thuê rừng để quản lý bảo vệ, kinh doanh du lịch và nhân giống, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng phục vụ nuôi dê sữa khoảng 1.200 ha.

Kon Plông là huyện còn giàu rừng nguyên sinh vào hàng nhất Tây Nguyên. Trong tỉ lệ che phủ 80,02%, ngoài vài trăm hecta rừng thông được trồng cách đây trên dưới 30 năm, còn lại toàn là rừng tự nhiên với độ đa dạng sinh học cao, muôn vàn kỳ hoa dị thảo dưới tán rừng tạo nên hệ sinh thái vô cùng phong phú. Từ thành phố Kon Tum băng qua huyện Kon Rẫy bụi mù là tới huyện Kon Plông. Dọc những cung đèo Măng Đen quanh co, ngược dốc tới đâu, rừng thẳm tầng tầng lớp lớp muôn màu trải dài tới đó. Khí hậu mát lạnh không dàn máy điều hòa khổng lồ nào có thể sánh bằng.

Vài năm gần đây rất nhiều dự án được lãnh đạo tỉnh Kon Tum chấp thuận phê duyệt cho đầu tư vào Kon Plông. Hầu hết trong số đó là dự án nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp du lịch sinh thái của nhiều công ty, tập đoàn có uy tín trong và ngoài nước. Tất nhiên, dự án tiến tới đâu, rừng lùi tới đó. Ban đầu, là rừng trồng, rồi tới rừng sản xuất. Chưa sao. Nhưng cái giá phải trả sẽ đắt lên dần, nếu tỉnh cho phép các dự án xóa sổ cả rừng tự nhiên!

Được cấp phép đầu tư lên Kon Plông đồng thời với Công ty CP Măng Đen, còn có Dự án đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco Kon Tum Măng Đen của Công ty cổ phần - Tập đoàn VinGroup cũng với diện tích xin cấp lên tới 1.000 ha.

Tôi đem nỗi băn khoăn này chất vấn lãnh đạo tỉnh Kon Tum. Người nắm rõ vấn đề nhất vẫn là ông Nguyễn Đức Tuy-Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Kon Tum, nguyên Bí thư huyện ủy huyện Kon Plông. Cảm thông với nỗi lo mất rừng của công luận, ông Tuy cho biết con số 1.350 ha đất và rừng cấp cho Cty CP Măng Đen, và 1.000 ha cấp cho VinGroup chỉ là dự kiến ban đầu. Sau lệnh đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng và hàng loạt thông tư, Nghị định liên quan, các dự án đều buộc phải co cụm diện tích lại, và tính thêm các giải pháp khả thi khác.

 

Trò chuyện cùng tôi, Tiến sĩ Ngô Thành Vinh-Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây chia sẻ: Gần 2 năm trước, Công ty CP Măng Đen có mua vài chục con dê lai của trung tâm, trong đó có những dòng dê mẹ có thể đạt kỷ lục cho vắt tới 6 lít sữa mỗi ngày. Một số chuyên gia, cán bộ am tường kỹ nghệ chăm nuôi dê sữa của trung tâm cũng đã chuyển sang làm việc cho Cty CP Măng Đen. Sữa dê đã đắt lại quý, nên việc có một dự án sản xuất sữa dê quy mô lớn, hiện đại như thế xứng đáng là tin vui không chỉ riêng cho Tây Nguyên.

Trong đó, Công ty CP Măng Đen dự định đầu năm tới sẽ động thổ xây nhà máy chế biến sữa dê khoảng 400 tỷ đồng tại thành phố Kon Tum, cách Kon Plông 60 km. Từ nay đến khi nhà máy xây xong vào giữa năm 2018, Công ty vẫn ồ ạt nhập dê, vì cần có khoảng 3 vạn dê vắt sữa mỗi ngày mới đủ sản lượng nguyên liệu cho nhà máy vận hành. Thay vì cần đồng cỏ rộng lớn, Cty sẽ tổ chức liên kết cho hàng nghìn hộ dân địa phương gieo trồng thảo dược, cỏ, mía, ngô, khoai, thu hoạch bán cho nhà máy. Lợi nhiều phía.

Nhiều người ở vùng đất này biết ông Trần Hoàn- Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty tuổi chưa tới 50, cùng lúc đang đầu tư khá nhiều lĩnh vực với cả chuỗi công ty con. Nhắc đến Trần Hoàn, ông Tuy tỏ ra tin tưởng: Cậu Hoàn là người nói được, làm được! Từ 20 năm trước cậu ấy đã tự mở lối trồng sâm Ngọc Linh, bây giờ riêng 300ha sâm mà cậu ấy sở hữu đủ tạo ra nguồn vốn nghìn tỷ. Sâm Ngọc Linh mà kết hợp với sữa dê, chắc chắn tạo được dòng sản phẩm vô cùng đặc sắc. Kon Tum sẽ có thêm những mặt hàng đặc sản khác biệt, giá trị cao, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, đáp ứng được các tiêu chí sản xuất theo hướng Sạch và Xanh của thế giới. Từ đây sẽ cho ra các dòng sữa bột, sữa tươi cao cấp bồi bổ cho trẻ em, người cao tuổi, bệnh nhân cần phục hồi sinh lực, rất đáng khích lệ, động viên!

Hoàng Thiên Nga/tienphong

Có thể bạn quan tâm

Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.