Xanh lại đất rừng Kon Tum

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Để có được trên 9.000 ha rừng nguyên liệu giấy hiện nay, Công ty Nguyên liệu giấy Miền Nam đã trải qua nhiều thăng trầm, dâu bể… Đã có đến 23 cán bộ, công nhân của Công ty đã vĩnh viễn nằm xuống trên mảnh đất vùng rừng núi nơi cực Bắc Tây Nguyên này. Những ký ức về một thời gian khó vẫn còn đây như tiếp thêm động lực cho cán bộ, công nhân của Công ty vượt qua thử thách để giữ lấy thành quả ấy.

Bạt núi, trồng rừng trên đồi cao, đất dốc

Năm 2000, Cty Nguyên liệu giấy Đồng Nai bắt đầu mở vùng nguyên liệu, trồng rừng ở tỉnh Kon Tum. Hơn 17 năm qua, để có được trên 9.000ha rừng nguyên liệu giấy hôm nay, công ty đã phải trải qua bao thăng trầm, gian khó để trồng và giữ rừng. Bom mìn còn xót lại của chiến tranh, nước lũ, mưa nguồn, muỗi rừng, vắt suối… đã cướp đi tính mạng của 23 cán bộ, công nhân của Cty. Sự nghiệp trồng rừng đã in đậm dấu ấn của quá khứ khốc liệt nhưng đấy cũng chính là động lực để hàng trăm kỹ sư, cán bộ, công nhân của công ty bám rừng, bám đất, bạt núi, mở đường trên khắp 8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Kon Tum, đưa cây thông 3 lá phủ xanh những vùng đất trơ trọi, hoang vu do chất độc dioxin của đế quốc Mỹ đã làm tàn lụi mọi gốc cây, ngọn cỏ trên đất rừng Kon Tum.

 

Giám đốc Tống Hữu Chân (thứ 3 từ trái sang) kiểm tra công tác phòng, chống cháy trên những địa bàn trọng điểm.
Giám đốc Tống Hữu Chân (thứ 3 từ trái sang) kiểm tra công tác phòng, chống cháy trên những địa bàn trọng điểm.

Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch kiêm Giám đốc Tống Hữu Chân nhớ lại, vượt qua gian khó, từ năm 2000 đến 2004 công ty đã trồng được gần 17.000ha rừng nguyên liệu giấy. Rừng đang phát triển tốt thì gặp phải khó khăn do không còn vốn để phát dọn thực bì, vì số rừng trồng đến năm thứ 3 thì hết quy trình chăm sóc theo quy định của Tổng Công ty Giấy Việt Nam. Đất Tây Nguyên 6 tháng mùa khô không một giọt mưa, khắc nghiệt nên mùa khô năm 2003-2004, hơn 1.600ha rừng của công ty bị lửa thiêu rụi. Rừng bị cháy kết hợp với việc Nhà máy bột giấy Kon Tum ngừng xây dựng khiến việc giải ngân vốn cho công ty chăm sóc, bảo vệ và phòng chống cháy rừng hầu như ngừng trệ.

Không có tiền lo cho rừng, nguy cơ cháy luôn rình rập, Cty lâm vào cảnh khốn khó. Hơn 8 tháng không có lương. Trong tổng số 232 cán bộ, công nhân của Cty có trên 100 người xin chuyển hoặc xin nghỉ việc, trong đó có gần 40 kỹ sư lâm nghiệp và cán bộ kỹ thuật. Phó Bí thư Đảng ủy Phạm Văn Hà nhớ lại: “Khi ấy nghĩ đến mùa khô, với nguy cơ hàng trăm tỉ đồng của Nhà nước bỏ vào rừng sẽ tiếp tục bị cháy mà xót xa, cám cảnh. Đây là thời điểm nguy nan nhất, khó khăn nhất của những người trồng rừng nguyên liệu giấy Kon Tum.

Đổi thay từ “ghế nóng”

Việc cháy rừng, mất rừng nguyên liệu giấy ở Kon Tum đã nhiều lần được đặt lên bàn nghị sự của Chính phủ. Bộ Công nghiệp lúc ấy đã chỉ đạo Tổng Công ty Giấy phải kiên quyết giữ lấy gần 14.000ha rừng còn lại. Cty giấy Đồng Nai cùng lúc đó được chuyển đổi thành Công ty Nguyên liệu giấy Miền Nam với việc chuyển trụ sở đặt đại bản doanh chỉ huy tại tỉnh Kon Tum.

 

Công ty đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ tặng đơn vị xuất sắc năm 2016.
Công ty đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ tặng đơn vị xuất sắc năm 2016.

Chiếc ghế giám đốc của Cty này luôn “nóng” không kém gì sức nóng của lửa rừng. Đã có hai vị giám đốc xin “thoái vị” chiếc ghế nóng này. Năm 2005, Tổng Công ty Giấy Việt Nam điều động một vị ở Vĩnh Phúc vào làm giám đốc thì cũng chỉ gần hai năm sau, vị giám đốc này cũng “cáo lui”, xin thôi để trở lại Phú Thọ. Tống Hữu Chân từ Kế toán trưởng được tín nhiệm giao chức phó giám đốc rồi hơn một năm sau trở thành giám đốc. Đã có rất nhiều người không dám nhận lấy cái chức vị này vì lo hơn là vui, lo nhất là mất rừng và tai ương có thể đến bất cứ lúc nào. Trưởng thành từ công nhân rồi đến kế toán, Tống Hữu Chân đã gắn bó, đắm mình với Cty từ những ngày đầu gian khó. Nhìn thấy rừng bị cháy, người lao động bị mất việc làm, anh không nỡ. Anh tâm sự: “Biết là khó, cực kỳ khó khăn nhưng anh em, tổ chức tín nhiệm chẳng lẽ mình lại thoái thác. Hơn nữa mình là đảng viên, lại nguyên là người lính mà đứng nhìn rừng bị mất từng ngày hay sao!”.

Thế là xắn tay vào việc. Cùng với việc ngược xuôi lo tiền đầu tư tiếp cho rừng, Giám đốc Tống Hữu Chân và ban lãnh đạo lặn lội hết từng hang cùng, ngõ hẻm ở những vùng sâu như: Sa Thầy, Đak Tô, Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông… để đánh giá, khảo sát thực trạng của rừng. Địa hình ở Kon Tum rất khó khăn, cách trở, với độ cao so với mặt nước biển từ 1.100 mét đến 1.300 mét, núi đồi chia cắt, đất dốc đồi cao, nơi xa trụ sở công ty nhất đến trên 100km. “Nếu không sát, không lội hết rừng thì rất khó biết thực trạng để quản lý” - Giám đốc Chân tâm sự. Anh kêu gọi anh em xốc lại đội ngũ, bàn cách giữ lấy rừng. Cũng có một số ít người xin chuyển khỏi công ty vì chưa tin vào sự thành công của cơ chế mới, cách quản lý mới do Giám đốc Chân đưa ra. Đứng trước hàng trăm cán bộ, công nhân viên của công ty, Giám đốc Chân dõng dạc: “Bây giờ là lúc chúng ta phải đoàn kết, chung sức lại để giữ lấy rừng, giữ lấy chính cuộc sống của chúng ta. Ai vì sự nghiệp chung, vì rừng thì hãy ủng hộ tôi…”.

Sự tâm huyết, lăn xả vào công việc của giám đốc khiến mọi người dần thay đổi suy nghĩ, ủng hộ và tiếp tục bám rừng cùng ban giám đốc. Sự năng động, mạnh dạn quyết đoán của Tống Hữu Chân đã làm cho diện mạo của công ty có sức sống mới. Đó là kiên quyết thay đổi, luân chuyển những cán bộ yếu, không phù hợp với công việc. Cùng với công tác cán bộ là việc phân bổ lại cơ cấu khoán hợp lý, thiết lập cơ chế để các ban nhận rừng có trách nhiệm gắn bó với rừng. Giữ được rừng thì được thưởng, mất rừng thì phải đền. Mà cũng đã có một vài cán bộ phải đền (trồng lại hoặc bị mất cây) hết cả trăm triệu đồng đều phải bỏ tiền túi của cá nhân mà vẫn phải chấp nhận. Chế độ tiền lương cũng được phân bổ lại. Tất cả đều bình xét hằng tháng theo 3 loại: loại A hưởng 100%; loại B: 70% và loại C: 50%. Để có tiền, có vốn tiếp sức cho rừng, Tống Hữu Chân phải tất tả ngược xuôi đến các bộ, ngành chức năng để thuyết phục, bảo vệ các phương án giữ rừng của mình. Công ty được Bộ Công Thương phê duyệt dự án phòng cháy chữa cháy với kinh phí trên 27 tỉ đồng. Dự án đã được triển khai với việc xây dựng 400 bể nước, 20 lán trại trực chỉ huy phòng chống cháy, rà ủi khoảng 700km đường cơ giới, đường ray cản lửa, đường bao lô, mua sắm dụng cụ, ống nước… để phục vụ công tác phòng, chữa cháy rừng.

Đời thường bình dị, khiêm nhường

Luôn trẻ trung, xởi lởi với mọi người là phong cách sống hằng ngày của vị giám đốc 53 tuổi này. Khi mới nhận chức giám đốc, mọi người trong công ty chưa tin vì khả năng xốc lại đội ngũ để chống lại lửa rừng. Nhưng đến hôm nay, mọi việc đều đã thay đổi. Tiếp xúc với nhiều cán bộ, công nhân của công ty mọi người đều đánh giá cao tinh thần trách nhiệm thực tiễn đến lối sống bình dị, sâu sát nhưng cũng kiên quyết của Tống Hữu Chân. Từ các trưởng phòng thuộc cấp như Nguyễn Nhã Hoàng, Nguyễn Trung Trực, Hà Bá Hường, Cao Vinh Quang… đến các trưởng ban và các Phó Giám đốc Phạm Văn Hà, Võ Đình Lợi đều cho rằng: may mắn cho công ty khi đã lựa chọn được một giám đốc biết cách quản lý, sát người, sát việc, thấu lý, đạt tình và luôn lắng nghe, đối thoại để tìm ra giải pháp tốt nhất, chung tay giữ lấy sự nghiệp rừng nguyên liệu giấy của công ty.

Khi nhắc lại những quá khứ thăng trầm của công ty, tâm sự với chúng tôi, Tống Hữu Chân giọng chùng xuống: “Em à, chúng ta sẽ mãi không được quên ký ức đau buồn khi 23 cán bộ công nhân của Cty đã vĩnh viễn nằm xuống nơi mảnh đất này, với sự nghiệp này… Không chỉ có hàng trăm tỉ đồng đã đổ xuống mà còn có cả xương máu nữa… Mình phải giữ lấy, quyết tâm giữ lấy vì sự phát triển của rừng nguyên liệu, em ạ”.

Cuối năm 2014, một sự kiện làm nức lòng cán bộ, đảng viên và người lao động Cty. Đó là việc TCty Giấy Việt Nam đã quyết định xây dựng nhà máy sản xuất ván Vener tại xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô do công ty quản lý. Nhà máy có công suất thiết kế 12.000m3 ván vơ nia/1 năm với nguyên liệu đầu vào là số gỗ tỉa thưa hằng năm trên phần diện tích rừng thông trên 9.000ha của Cty nhằm nâng cao giá trị sản phẩm rừng trồng, tạo điều kiện cho rừng phát triển, giải quyết việc làm và thu nhập cho nhân dân huyện Đăk Tô. Đảng bộ Cty cũng vừa nhận cờ đơn vị 5 năm liền trong sạch vững mạnh tiêu biểu của Tỉnh ủy Kon Tum khen tặng. Bí thư Đảng ủy Tống Hữu Chân 12 năm liền đạt danh hiệu đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Hôm nay, những người đến với Cty Nguyên liệu giấy Miền Nam đều nhận thấy, có một ngọn lửa đang cháy, nhưng không phải là ngọn lửa rừng mà là ngọn lửa lòng nhiệt huyết của Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch kiêm Giám đốc Tống Hữu Chân đang cùng với những người lao động ở vùng cực bắc Tây Nguyên này giữ rừng, giữ lấy nguồn nguyên liệu chính để phục vụ cho công nghiệp sản xuất giấy và những ngành phụ trợ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum và những vùng lân cận.

Siết chặt tay anh lúc chia tay, Giám đốc Tống Hữu Chân vội nhảy lên chiếc xe U-oát thẳng tiến về phía rừng. Ở đó, anh em công nhân, những người lao động của Cty đang chờ anh, đón người giám đốc đến để “chia lửa” với mình, để bàn và giải quyết những việc mới phát sinh nơi rừng sâu, núi cao, nơi những cây thông, những cánh rừng… đang bật dậy, hồi sinh từ những vùng đất lửa.

Bút ký của Nguyễn Văn Chiến/laodong

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.