Nhớ một thời tay súng, tay rựa ở Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tây Nguyên thời đánh Mỹ là chiến trường rừng núi ác liệt, xa hậu phương, địa hình cách trở, vận chuyển khó khăn nên thiếu thốn về mọi mặt, nhất là lương thực, thực phẩm. Vì vậy, từ đầu năm 1969, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã phát động phong trào tăng gia sản xuất, đồng thời rút 10% quân số chiến đấu chuyển qua làm nhiệm vụ sản xuất để tự túc một phần lương thực, thực phẩm.

Sau ngày Hiệp định Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam có hiệu lực, điều kiện cho phép, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên chủ trương để một bộ phận làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, còn lại rút về tuyến sau củng cố, huấn luyện và tăng gia sản xuất cải thiện đời sống.

 

Dân quân giúp bộ đội kéo pháo lên trận địa (ảnh tư liệu).
Dân quân giúp bộ đội kéo pháo lên trận địa (ảnh tư liệu).

Vào những ngày đầu tháng 4-1973, đại đội tôi đang làm nhiệm vụ chiến đấu ở tuyến tiếp xúc làng Yít-đồn Tầm (nay thuộc xã Ia Lang, huyện Đức Cơ) thì được lệnh bàn giao cho đơn vị bạn, cơ động về phía sau xây dựng hậu cứ. Vị trí hậu cứ của đơn vị là một vạt rừng non cách ngã ba Phước Thiện hơn 3 km về phía Tây Bắc. Trước đó, Tiểu đoàn bộ và Đại đội 3 đã về xây dựng hậu cứ ở phía Đông Nam và Tây Nam. Riêng Đại đội 2 về đứng chân ở gần làng Tre, cách đồn Tầm hơn 4 km về phía Bắc. Sau hơn nửa tháng lao động khẩn trương, khu hậu cứ của đơn vị với đầy đủ nhà chỉ huy, nhà bếp, nhà ở của từng khẩu đội theo kiểu nhà âm nửa nổi nửa chìm đã hoàn thành. Đơn vị bước vào học tập, huấn luyện kết hợp tăng gia sản xuất.

Do mùa mưa đến nên đơn vị chọn một số rẫy cũ của đồng bào đã bỏ, tiến hành phát cây dọn cỏ, làm đất để trồng đậu... Dụng cụ lao động như dao, cuốc là sản phẩm của tổ rèn tiểu đoàn do anh Nguyễn Văn Mão-y tá của tiểu đoàn bộ vốn xuất thân trong gia đình có nghề rèn ở phố Yên Lãng (huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái) phụ trách. Anh đã cử người lên Đức Cơ lấy tôn cũ của địch về cuốn bễ làm lò. Tổ chức anh em đi đến những nơi có xe tăng, thiết giáp của địch bị bắn hỏng tháo từng thanh nhíp giảm xóc của xe đem về rèn dao, cuốc. Cho anh em tìm những cây gỗ cứng bằng bắp tay chặt ra từng khúc đưa xuống hầm đốt dở rồi om lại một ngày đêm để cho ra một loại than hầm mà khi đốt nhiệt lượng của nó không kém mấy than kíp lê. Nhờ vậy mà các loại dụng cụ do tổ rèn làm ra đều rất tốt, đặc biệt là rựa chặt cây làm theo kiểu dao quắm cán dài của đồng bào vừa bén và rất dễ chặt.

Đất ở đây khá màu mỡ, trồng đúng vụ, lại được làm cỏ, vun xới kịp thời nên cây trồng phát triển nhanh. 3 tháng sau, cùng với hoàn thành tốt đợt huấn luyện, đơn vị có một vụ đậu bội thu. Bữa ăn của chúng tôi có thêm canh đậu xanh, giá xào, đậu phụng nhân kho. Vì thế, sức khỏe bộ đội nhanh chóng được phục hồi sau những ngày chiến đấu ác liệt, ăn uống kham khổ.

Mùa khô đến, địch gia tăng các hoạt động phá hoại Hiệp định Paris. Quân đoàn 2 ngụy ráo riết thực hiện kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ”, cho quân khiêu khích, lấn chiếm ở đường 14, 19, 21; đặc biệt, chúng có kế hoạch mở đợt tiến công chiếm lại Võ Định ở phía Bắc thị xã Kon Tum và Đức Cơ ở phía Tây Pleiku. Để chủ động đánh bại âm mưu và các hành động lấn chiếm của địch, cuối tháng 8-1973, Sư đoàn 320 được giao mở đợt tiến công vào khu vực Tây Pleiku, trong đó có căn cứ biên phòng Chư Nghé nằm sâu trong vùng giải phóng của ta. Đại đội tôi được giao tăng cường cho Trung đoàn 48 tiến công tiêu diệt căn cứ này của địch. Đợt hoạt động của sư đoàn diễn ra gần một tháng và đã hoàn thành tốt mục tiêu, trong đó căn cứ Chư Nghé do Tiểu đoàn 80 biệt kích biên phòng ngụy trấn giữ đã bị xóa sổ.

 

Đẩy mạnh các phong trào thi đua sản xuất, tăng sản lượng lương thực, đáp ứng chi viện cho chiến trường miền Nam (ảnh tư liệu).
Đẩy mạnh các phong trào thi đua sản xuất, tăng sản lượng lương thực, đáp ứng chi viện cho chiến trường miền Nam (ảnh tư liệu).

Sau ngày Chư Nghé thất thủ, địch nhiều lần tổ chức tái chiếm nhưng không thành. Chúng đã cho máy bay ném bom xuống Đức Cơ-nơi có phái đoàn của Ủy ban Quốc tế giám sát thi hành Hiệp định Paris và ngã ba Đức Nghiệp-điểm trao trả tù binh, cùng một số nơi khác để trả đũa. Vài ngày sau, vào khoảng 2 giờ chiều, khi đơn vị đang tập trung huấn luyện ở thao trường, vừa nghe có tiếng rì rì đã nghe tiếng nổ rền và khói bom bốc lên mù mịt phía tiểu đoàn bộ, ngẩng lên đã thấy 3 chiếc A37 tít trên cao đang bay về hướng Đông. Do anh em đốt dọn cây cỏ làm đất tăng gia để khói bốc lên nên địch phát hiện dùng máy bay phản lực bay cao thả bom tọa độ xuống. Rất may không ai việc gì, nhưng đơn vị có được bài học giữ gìn bí mật nơi trú quân.

Sau vụ bom tọa độ, đầu tháng 12-1973, tiểu đoàn bộ và đại đội tôi lập tức di chuyển sang phía Đông đường 15, cách vị trí cũ hơn 5 km. Nơi đây có suối Ia Krêl chảy qua, rất thuận tiện cho việc trú quân và tăng gia; cách về phía Tây Bắc hơn 1 km là làng Do của đồng bào Jrai; còn tiểu đoàn bộ ở về phía Bắc 700 m. Chúng tôi lại tập trung xây dựng lán trại. Chỉ hơn nửa tháng, khu doanh trại với những ngôi nhà nửa nổi nửa chìm khung gỗ, mái tranh, vách thưng bằng nan tre, lồ ô khá đẹp, vững chãi, có hầm tránh phi pháo chắc chắn nép dưới tán cây xanh đã hoàn thành. Đây là cơ ngơi to đẹp đàng hoàng nhất của chúng tôi từ ngày vào chiến trường Tây Nguyên.

Qua Tết Giáp Dần, chúng tôi trở về thì đúng mùa làm rẫy. Sau ít ngày củng cố, đơn vị bước vào phát rẫy chuẩn bị cho vụ trồng trỉa mới. Để giữ bí mật nơi đóng quân, đơn vị chọn khu rẫy cũ của bà con đã bỏ từ lâu, cách chỗ ở 15 phút đi bộ. Những ngày này, trời khô hanh nắng gắt suốt cả ngày. Chúng tôi cứ sáng dậy sớm, ăn cơm xong là mỗi người một rựa một bi đông nước ra rẫy. Cả đơn vị chia thành từng nhóm dàn ra suốt chiều rộng gần 200 m, chặt dọn từ dưới lên trên. Mỗi nhóm 5-6 người phụ trách khoảng 20 m, đến 11 giờ về nghỉ; 13 giờ lại tiếp tục đến 17 giờ mới nghỉ. Sau hơn 3 tuần lao động miệt mài, đơn vị đã có 2 rẫy, mỗi cái gần 3 ha.

Hơn một tháng học tập huấn luyện, cây đã khô, đơn vị tổ chức đốt rẫy. Công đoạn này còn nặng nhọc hơn cả khi chặt cây, vì phải đốt, dọn, khênh vác các đoạn cây cháy dở xếp ra ngoài trong điều kiện nắng nóng, bụi bặm, người lúc nào cũng đẫm mồ hôi, mặt mũi nhem nhuốc tro than.

Khi đất đã nguội, tơi xốp và đằng đông xuất hiện những đám mây đen báo hiệu chuẩn bị có những cơn mưa đầu mùa là bắt đầu gieo hạt. Lúa giống là loại lúa rẫy, hạt to tròn của đồng bào địa phương mà tiểu đoàn tổ chức mang gạo đi đổi về cấp cho các đơn vị. Chúng tôi gieo trồng theo cách “chọc lỗ, bỏ hạt” của bà con. Ngoài gieo lúa, đơn vị dành ra một khoảnh để trồng đậu phụng, đậu xanh, đậu đen. Chỗ có gốc cây to, nhiều than nhưng đất rắn thì trồng bầu, bí, mướp, dưa leo. Việc trồng trỉa đã hoàn thành nhưng việc chăm sóc, làm cỏ mới là khâu quyết định.

Khi lúa lên được hơn gang tay thì địch cho Trung đoàn 47 đổ 2 tiểu đoàn ra giải tỏa đường 5A ở khu vực làng Không Tên, đơn vị được lệnh phối thuộc với Tiểu đoàn 631 tiêu diệt địch. Hơn một tháng sau hoàn thành nhiệm vụ trở về thì lúa đã vào kỳ con gái, bộ phận ở nhà làm cỏ kịp thời lại có mưa đều nên lúa xanh tốt. Đậu thì trái đâm tua tủa. Bầu, bí, mướp, dưa leo cũng bắt đầu kết trái. Rồi đậu chín, đậu phụng già. Chúng tôi vừa huấn luyện vừa tranh thủ hái đậu, thu đậu phụng. Đậu hái về, phải trải ra phên đưa lên bếp sấy, chờ hôm có nắng mới đem ra phơi cho giòn vỏ rồi vò lấy hạt, ròng rã hàng tháng trời đơn vị mới thu hết đậu. Còn đậu phụng, chỉ cần túm chặt thân cây nhổ từ từ là gốc bật lên lộ ra những củ đậu phụng to đều, vỏ cứng chắc. Số cần sử dụng ngay thì vặt củ tại rẫy, còn lại cứ để nguyên, cắt bớt thân cây cho gọn rồi buộc thành từng túm mang về rửa sạch đất treo lên trái nhà cho khô để sử dụng dần. Bầu, mướp, dưa leo già đến đâu làm thức ăn đến đấy. Riêng bí xanh phải chờ cho vỏ già có phấn trắng mới thu về giao cho nuôi quân bảo quản để dự trữ.

Thấm thoắt lúa đã cho thu hoạch. Việc trước tiên của đơn vị là làm nhà đựng lúa theo kiểu nhà sàn, lợp tranh, sàn trải cót, xung quanh che phên kín đáo giống như kho lúa của đồng bào. Chúng tôi cứ mỗi người một gùi (mượn của đồng bào) đeo sau lưng đi dọc theo hàng lúa, hai tay đón tuốt từng bông rồi ném vào gùi ở phía sau. Ai không có gùi thì dùng chậu chia cơm, tuốt đầy thì mang ra đổ vào bao ở đầu bờ. Ngày đầu chưa quen, tuốt còn chậm, hai tay đau rát do dằm lúa đâm vào. Những ngày sau quen dần, tốc độ và năng suất cũng dần nâng lên. Lúa thu về đến đâu được phơi khô, quạt sạch đổ vào kho luôn. Phải mất cả tháng trời vừa thu vừa phơi mới đưa hết lúa vào kho. Có lúa mới, đơn vị quyết định cho anh em liên hoan mừng cơm mới. Để đủ gạo cho bảy, tám chục người ăn một bữa, chúng tôi phải dùng 5, 6 mũ sắt của địch làm cối rồi thay nhau giã cả buổi sáng mới được hơn 20 kg gạo. Cơm gạo mới dẻo thơm, ăn với chả đậu xanh, đậu phụng rang muối sao mà ngon đến thế!

Nhờ tăng gia sản xuất mà bữa ăn của chúng tôi được cải thiện rất nhiều. Chỉ tính riêng mùa rẫy năm ấy, sau khi đã sử dụng cho đơn vị theo quy định, trước khi cơ động vào phía Nam Gia Lai để chuẩn bị tham gia chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, toàn tiểu đoàn còn giao lại cho địa phương gần 50 tấn thóc, riêng kho của đại đội tôi là hơn 10 tấn. Ngày ấy ở Tây Nguyên, số thóc đó là đáng kể!

Hùng Tấn

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).