"Kỳ nhân" độc tôn trên núi Chứa Chan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không chỉ mở đường, tìm nguồn nước và chế tạo máy phát điện thắp sáng núi Chứa Chan, 'thần núi' Ngô Văn Phước (49 tuổi), còn là bản đồ sống cho du khách lẫn cơ quan chức năng.

Từ chùa Bửu Quang (nằm lưng chừng đỉnh núi Chứa Chan, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) chúng tôi len theo con đường mòn nhỏ, những đoạn dốc khúc khuỷu nhắm hướng đỉnh núi tìm nhà "thần núi" Ngô Văn Phước.

Hai bên đường dẫn lên, cỏ tranh mọc um tùm, cao lút đầu người, có những đoạn cây cối rậm rạp, dốc đá trơn trượt như bôi mỡ.

 

Ông Ngô Văn Phước gắn bó với ngọn núi Chứa Chan hơn 25 năm nay.
Ông Ngô Văn Phước gắn bó với ngọn núi Chứa Chan hơn 25 năm nay.

Vừa tới nơi thì chúng tôi bắt gặp ông Phước đang chuẩn bị xuống núi để phụ giúp việc cho sư trụ trì chùa Bửu Quang. Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà đã dọn sạch đồ đạc, trống hoác, ông Phước phân trần: "Vợ con tôi chuyển xuống đồng bằng ở rồi. Giờ chỉ còn mình tôi trên núi thôi".

Ông Phước kể tiếp, hai vợ chồng ông lấy nhau và ra ở riêng với hai bàn tay trắng. Năm 1992, ông có quyết định táo bạo khi dắt vợ lên núi Chứa Chan để lập nghiệp. Vùng núi rừng hoang vu, cây cối rậm rạp, thiếu vắng bóng người ở khiến quyết tâm của ông gặp không ít lời gièm pha. Thời gian này, du khách khắp nơi tìm về cúng chùa Bửu Quang và tham quan ngọn núi Chứa Chan càng nhiều nên ngọn núi bớt hiu quạnh dần.

Hằng ngày, vợ chồng ông bán đồ uống, bánh trái cho du khách lên núi hành hương. Tranh thủ thời gian rảnh, ông Phước còn luồn rừng chặt tre, củi mang xuống chợ bán đổi gạo sống qua ngày. Khi Nhà nước có chương trình trồng rừng phủ kín đồi núi trọc, ông Phước nhận hơn 1ha và khai hoang cho mảnh đất rộng thêm để trồng cây tràm, điều và chuối.

Tận dụng nguồn cỏ dồi dào trên núi, ông Phước chặt tre, nứa làm chuồng mua bò về nuôi. Gầy dựng xong đàn bò, ông tiếp tục mua lợn rừng về nuôi để có thêm nhiều nguồn thu. Khi những hộ dân quanh rẫy ông canh tác không hiệu quả và muốn bán rẫy để xuống đồng bằng sống thì ông Phước đã bỏ tiền ra gom mua tới 20 ha để trồng cây công nghiệp.

Lúc mới lên, khu vực qanh đỉnh núi chưa có đường, ông Phước phải lần mò vạch cỏ, cắt lối để đi, dần dần hình thành những con đường mòn quanh núi. Khách hành hương đổ về ngày càng đông và thường xuyên bị lạc đường. Ông Phước lại cất công hàng tháng trời đào đất mở rộng những con đường mòn cho mình đi sản xuất và khách tham quan núi.

"Du khách leo lên núi Chứa Chan tham quan thường xuyên bị lạc đường. Mấy đứa trẻ bị lạc thì la hét, cầu khẩn. Tôi làm việc ở rẫy suốt ngày phải dừng lại để chỉ đường cho họ. Riết rồi, tôi liền nghĩ ra việc làm nhiều tấm bảng chỉ đường lên núi gắn vào các thân cây để mọi người biết đường đi, không còn sợ lạc nữa”, ông Phước nói.

Sống mấy chục năm trên núi, mọi ngõ ngách, tảng đá, gốc cây ông cũng thuộc làu như lòng bàn tay. Không những chỉ đường cho khách tham quan trên núi, mỗi lần lực lượng chức năng địa phương, kiểm lâm hay cán bộ ban quản lý khu di tích núi Chứa Chan có việc lên núi, hay chữa cháy đều phải nhờ ông dẫn đi.

Để có nước cho sinh hoạt và sản xuất hàng ngày, ông Phước đi khắp núi lùng sục, xem xét khắp các hang động, ngách núi tìm nguồn nước và đấu đường ống dẫn về sử dụng. “Lần đó tôi vào một hang núi sâu, rộng mênh mông với cả chục ngõ ngách. Luẩn quẩn khắp nơi khiến tôi bị lạc nguyên ngày trong hang núi. Lần mò thoát ra được thì đã tới nửa đêm, lúc này mới biết mình còn sống. Tìm được mạch nước trong hang núi, tôi liền bỏ mấy cây vàng mua đường ống về dẫn nước xuống để dùng và cho bà con phía dưới dùng chung”, ông Phước nói.

Có được nguồn nước, ông Phước lại mày mò sản xuất điện để chiếu sáng thay nến và đèn dầu. Lợi dụng lực nước chảy mạnh từ đường ống, các con suối trên núi, ông dùng đá chặn dòng, chế máy phát điện mini và san sẻ cho bà con sống ở khu vực phía dưới cùng sử dụng. Dần dần, nhiều hộ dân được ông chỉ dẫn đã tự làm các máy phát điện mini ở các khúc suối quanh núi để lấy điện thắp sáng.

Ông Phước cho hay, trên núi chim, sóc, khỉ nhiều nhưng thiếu thức ăn và chúng bỏ đi dần. Vườn chuối, bắp,... ông trồng nhiều lúc chưa kịp thu hoạch đã bị khỉ về bẻ trộm hết. Ban đầu thì ông phải ngồi canh cả đêm, nhưng rồi thấy chúng đói quá nên ông chặt chuối, mang hoa quả vào những khu vực cách xa vườn rẫy của mình để cho ăn. Ăn quen, nên chim, khỉ kéo về sống trên núi ngày một nhiều.

Ông Phước tâm sự, vợ chồng ông có 4 đứa con gái. Con gái lớn hiện nay đã xuống TP.HCM để học và làm việc. Để tiện cho vợ buôn bán và 3 đứa nhỏ học hành, ông đã bán hết bò, lợn dồn tiền mua mảnh đất ở đồng bằng và xây cất nhà cho vợ con ở. Mình ông ở lại trên núi làm rẫy, lâu lâu xuống thăm nhà. Gần nửa năm nay, sư trụ trì chùa Bửu Quang thấy ông làm được việc và tin tưởng nên nhờ vào chùa trông nom, quản lý người làm. Căn nhà của gia đình ông bỏ trống trên núi, lâu lâu ông lại ghé lên thăm nhà, thăm rẫy.

Ông Phước chia sẻ: “Sống trên núi mấy chục năm nên quen với thiên nhiên, không khí mát mẻ và yên tĩnh của núi rừng. Về sống dưới đồng bằng tôi thấy không gian ồn ào và thiếu thiếu gì đó không chịu nổi. Nên ở dưới đồng bằng được vài hôm tôi phải lên lại núi ngay”.

Tiểu Thiên/thanhnien

Có thể bạn quan tâm

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).
Những cuộc đời ven kênh

Những cuộc đời ven kênh

Từ bao đời nay, trên các nhánh sông Sài Gòn từng có những xóm làng ven kênh, họ sống đời cha nối tiếp đời con. Đó là những xóm kênh hay dân bờ kè gắn liền với cuộc đời và số phận thăng trầm cùng các dòng sông, bờ kênh của thành phố...
Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội

Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội

(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trái tim những người từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia vẫn luôn hướng về vùng đất Đức Cơ-nơi tiễn các anh đi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả và cũng là nơi đón các anh trở về với đất mẹ. Và, ở miền biên viễn này còn có bao đồng đội đang yên giấc vĩnh hằng.

Người của biển khơi

Người của biển khơi

Cứ mỗi lèo biển đánh được nhiều cá, anh lập tức nhớ ngay tọa độ, ngày tháng đánh bắt, đêm có trăng hay không trăng, dòng hải lưu thế nào... để mùa sau, năm sau quay trở lại đánh bắt
Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.