Hiệp sĩ Tân "què"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hơn 40 năm nay, hiệp sỹ Tân “què” sống trên chiếc ghe lênh đênh đậu ngay ngã tư ở thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang). Ông đã cứu mạng cho không biết bao nhiêu người gặp nạn. Câu chuyện về cuộc đời ông khiến nhiều người rưng rưng, trắc ẩn.

Hố tử thần

Xế chiều cuối tháng 7, ông Hồ Văn Tân (còn gọi hiệp sỹ Tân “què” vì ông có tật một chân) ngồi trầm mặc trong chiếc ghe nhỏ ở ngay ngã tư thuộc khu vực 1, phường Ngã Bảy (Ngã Bảy, Hậu Giang). Chiếc quần cụt vẫn chưa khô, ông Tân bảo, mới vớt chiếc ghe chìm cùng với người phụ nữ trạc 50 tuổi cách vài phút, ở hố “tử thần” phía trước mặt, hướng về Sóc Trăng. Ông kể, người phụ nữ đi một mình, chạy ghe nhỏ, đến ngã tư qua mặt ghe lớn bị sóng đánh nước tràn vào chìm. Ở  vị trí đó có hố sâu, nước xoáy chảy mạnh rất nguy hiểm. “Tôi đang ngồi bên này, nghe người dân hô hoán chìm ghe, lập tức tôi xuống ghe chạy sang rồi nhảy xuống kéo người bị nạn lên bờ. Còn hôm qua, mới lặn vớt ghe chở vật liệu xây dựng”, ông Tân nói.

 

Hiệp sỹ Tân “què” ở ngã tư sông Ngã Bảy.
Hiệp sỹ Tân “què” ở ngã tư sông Ngã Bảy.

Năm nay 57 tuổi, tính tình vui vẻ, ông Tân kể quanh khu vực Ngã Bảy, Châu Thành (Hậu Giang) Sóc Trăng, Bạc Liêu… hầu như đáy sông nào cũng ghi dấu chân ông. Ông cho biết, sở dĩ ông sống một mình trên chiếc ghe cũ kỹ gần 40 năm tại vị trí này là vì ở đây có hố xoáy sâu gần 20 mét, nhiều ghe đi ngang dễ bị chìm. Hễ có người chìm là mình chạy ghe ra cứu kịp. Hơn nữa, người lạ biết mình ở đây, khi có chuyện thì người ta chạy lại đây tìm mình riết quen chỗ. Cứ thế mà bám ở đây gần cả cuộc đời”, ông bộc bạch. Rồi ông kể hôm ở Cái Côn, thị trấn Mái Dầm (Châu Thành, Hậu Giang) mấy căn nhà sụp xuống sông, ông cũng ra tay trợ giúp.

“Chỗ đó ngay ngã ba giao với sông Hậu, nước sâu và xiết dữ lắm. Còn bên kia bờ thuộc thị trấn An Lạc Thôn (Kế Sách, Sóc Trăng) cạn hều”. Ông nói rồi cho biết: “4 năm trước, tôi có lặn vớt ghe chìm ở chỗ này nên biết rành. Ở đó, nước từ sông Hậu đạp vô khoét sâu xuống đáy sông. Hễ ghe chở đầy không biết chạy sát mé gặp sóng đánh là chìm chắc”, ông Tân nói.

“Sống ở đây mấy chục năm bằng nghề sông nước nên ngoài gia đình ra thì tôi coi sông nước như là nhà, đặc biệt là các hố xoáy. Vì quanh khu vực này hầu như chỗ nào cũng có dấu chân của tôi ở đó cả”, ông Tân tâm sự.

Đeo cái nghiệp vào thân

Ông Tân kể, ông là con út trong gia đình. Lúc mới 3 tuổi bị bệnh rồi teo một chân, khi đó nhà quá nghèo... Anh em đều lành lặn và có gia đình riêng. Mọi người ai cũng tự lo cho cuộc sống của riêng mình, nhiều lúc buồn vô cùng vì cứ thấy cô đơn. Nhưng cứ tủi buồn cho bản thân mãi đâu có được, thế là quyết tâm tự làm và sống bằng chính khả năng của mình. Sống ở vùng sông nước nên ông tập tành và biết lội từ sớm. Lúc đó nghĩ cơ thể mình không lành lặn như người khác nên cũng quyết tâm sống bằng cái nghề “thế mạnh” của mình là bơi, lặn.

 

Ông Tân ngồi trên ghe của mình.
Ông Tân ngồi trên ghe của mình.

Ông Tân nhớ lại, năm 20 tuổi, lần đầu tiên cứu 2 vợ chồng đi mót lúa chạy ghe tam bản bị chìm ở ngã tư này. Trên ghe nhỏ chở 4 bao lúa, người chồng bị cụt mất một chân, cả 2 vợ chồng đều già yếu. Cứu được họ đền ơn 10 kg gạo. Chứng kiến biết bao ghe, tàu chìm nên ông quyết định gắn bó với nghề cho đến giờ...

Khoảng chục năm trước, ghe chở củi từ Cà Mau ngang đây bị chìm liên tục, một tháng có đến 2 - 3 lần. Nhất là ban đêm, chỗ nào có tai nạn tàu ghe, xà lan… bị chìm ai nhờ là ông đều giúp. “Chiếc ghe là tài sản của họ, thấy mà không giúp thì không chịu nổi, lương tâm cứ thôi thúc làm và gắn chết với nó lúc nào không hay”, ông Tân bộc bạch.

Dù được trả công hay không đối với ông không quan trọng, điều ý nghĩa nhất là được giúp người gặp nạn. “Nhiều lúc vớt ghe xong mà người chủ khóc lóc vì con chết, tài sản mất, tình cảnh đó ai nỡ tính công sá. Dù có khi xa không có tiền đổ xăng mà về. Còn đối với những người nghèo gặp nạn luôn sẵn sàng giúp đỡ mà không cần đền ơn”, ông Tân tâm sự.

Nhiều lúc, nấu nồi cơm chưa kịp chín nghe có người đến nhờ cậy là đi liền không đợi. Những khi sáng sớm, buổi tối trời lạnh thì uống thêm chén nước mắm cho đỡ đói. Chưa kể, sống trên ghe bập bềnh, có khi nấu cơm chưa chín sóng đánh đổ nghiêng…

Nói về khó khăn trong nghề, ông Tân cho biết khó khăn nhất là trục vớt những ghe, tàu lớn chở cát đá hơn trăm tấn… Ghe nặng, chìm sâu sát đáy và bám. “Tôi phải vác từng gàu để đổ ra khỏi ghe. Cách để lặn sâu là nhờ vào neo và dây thừng. Một đầu dây thừng buộc vào ghe nổi trên mặt nước, một đầu buộc vào neo cứ thế thả xuống sông. Lần theo dây neo sẽ tiếp xúc được với vật bị chìm. Xúc đá, cát vào gàu rồi vác lên vai, dùng chân đạp mạnh để đưa vật liệu ra ngoài. Tiếp đến, dùng 4 chiếc phuy cho nước vào để phuy chìm xuống đáy sau đó rút nước trong phuy ra chiếc ghe từ từ được nâng lên trên khỏi mặt nước. Việc đó tốn rất nhiều công sức.

Mấy chục năm trong nghề, không dụng cụ chuyên dùng ngoài có cái ống hơi, vài cái thùng phuy cộng với kinh nghiệm tích lũy của bản thân mà ông Tân vớt hàng trăm chiếc ghe, tàu bị chìm. Ông Tân kể, cách đây 3 năm, nhận trục vớt một chiếc ghe trọng tải 120 tấn, chở 31.000 tấm lợp bằng xi măng. Liên tục lặn ngụp 1 tuần mới xong.

…và cuộc đời

“Tôi gắn bó gần cả đời mình ở đây vì 2 điều là nơi đây ghe, thuyền thường xuyên gặp nạn. Hơn nữa, cũng chính nơi này mà tôi đã tìm được một nửa cuộc đời của mình”, ông Tân tâm sự.

 

Vợ và con gái sống bên ngoại.
Vợ và con gái sống bên ngoại.

Trò chuyện hồi lâu, quay mặt ra dòng sông nhìn nước đang chảy xiết, ông nói, ngày xưa một lần ghe của dòng họ bên vợ ở Sóc Trăng lên đây mua hàng bông về bán bị chìm. Khi đó, tôi nhảy xuống vớt ghe, máy lên bờ. Cũng từ đó mà bên vợ, đặc biệt là người đó thấy hoàn cảnh của tôi nên thương rồi nên vợ chồng, nhưng ngặt nỗi không có tiền tổ chức đám cưới cho đàng hoàng. “Điều tôi mơ ước từ lâu là được cùng vợ con ăn bữa cơm chung, tuy rằng không có đồ ăn ngon nhưng cảm thấy hạnh phúc… Cho đến giờ con gái 17 tuổi rồi ao ước ấy cũng chưa một lần thực hiện được”, mắt ông ngấn nước.

Cắt nghĩa, ông cho biết, vợ bị bệnh tiểu đường nằm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng gần nửa tháng mới về nhà mấy hôm. Còn con gái học hết lớp 9 cũng phải dừng bước vì ông không đủ khả năng cho con học tiếp.

Chia tay ông Tân tại hố xoáy, chúng tôi tìm đến nhà vợ ông, bà Bùi Thị Hiệp năm nay 54 tuổi ở ấp  Mỹ Thuận, thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa (Mỹ Tú, Sóc Trăng). Tại đây, bà Hiệp ở tạm nhà của cha ruột và vợ chồng em út. Còn con gái là Cẩm Thu đi làm thuê ngày vài chục nghìn đồng phụ mẹ.

Bà Hiệp kể, mấy năm trước bà có chiếc ghe nhỏ chạy lên Ngã Bảy mua hàng bông đem về xóm bán nên cả tháng trời ghé thăm chồng một lần. Khoảng dăm năm nay bà bệnh phải nằm nhà. Chi tiêu do chồng kiếm được đồng nào gửi về đồng đó. “Chồng dành dụm tiền từ việc cứu nạn cho rồi gửi về, cứ thế mà nuôi con đến hết cấp hai”, bà Hiệp nói.

“Lúc còn trẻ đi buôn bán có nhiều chỗ để ý nhưng cái duyên trời định, biết chồng tật nguyền mà mình vẫn thương. Hồi mang thai không có tiền sanh, chồng xuống thăm tuy không cho mẹ con tôi đồng nào nhưng cũng vui. Chồng tuy tật nguyền, không nhà cửa, 2 đứa nghèo đến với nhau và mãi cảnh mỗi đứa một nơi”, bà Hiệp nghẹn ngào.

Khi chúng tôi đang trò chuyện, Cẩm Thu đạp xe về tới. Thu cho biết, đã nghỉ học gần 2 năm nay, mỗi ngày đi lặt hạt sen cho chủ ở chợ được vài chục ngàn phụ mẹ. “Nhiều lần nhìn thấy cha trên ti vi, con rất ngưỡng mộ và tự hào vì cha có tật mà vượt lên số phận, không đầu hàng khó khăn. Đặc biệt, cha có lòng thương người và giúp đỡ người khác. Từ khi sinh ra đến giờ con chưa bao giờ có được giấc ngủ trong sự ấp iu của gia đình có cả cha lẫn mẹ. Con mong mỏi đến giờ vẫn chưa thực hiện được” - Thu khóc.

Hòa Hội/tienphong

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.