Dòng sông thiêng của những linh hồn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sông Hằng vì thế được coi là một con sông đầy rẫy linh hồn. Nhiều du khách còn cho rằng người yếu bóng vía mà đi tham quan sông Hằng phải rất cẩn thận kẻo bị... vong ám.

Thực ra Kapilavastu chỉ là những dấu tích bằng gạch với một hồ nước tù đọng. Vàng son còn lại trong trí tưởng tượng mà thôi. Sau đó cả đoàn phải vội vã lên xe về Varanasi, thánh tích cuối cùng có vườn Lộc uyển (Sarnath), nơi Đức Phật bắt đầu giảng đạo cho năm anh em Kiều Trần Như (chuyển pháp luân). Đây cũng là chặng đường khủng khiếp nhất của chuyến đi.

 

Lò thiêu xác bên bờ sông Hằng.
Lò thiêu xác bên bờ sông Hằng.

Chuyến xe bão táp

Vì không còn đủ thời gian và kiệt quệ về sức khỏe sau nhiều ngày ăn ít, ngủ ít, di chuyển liên tục, chúng tôi đã bỏ điểm tham quan Sravasti (Thành Xá Vệ) - cố đô của Vương quốc cổ Kosala để tiếp tục đi thẳng về phía sông Hằng. Khởi hành từ 9 giờ sáng, quãng đường chỉ 300km mà mãi nửa đêm vẫn chưa thấy đâu điểm đến. Cậu tài xế Babu và quản lý xe Bictu là hai thanh niên hiền lành, tốt bụng nhưng chậm hiểu. Babu lái xe đánh võng như thanh niên luồn lách xe máy trên đường làng. Còn Bictu thì không biết đường nhưng lúc nào cũng tự tìm như biết rồi, để sau đó lạc đường liên tục.

Đến khi đồng hồ chỉ sang một ngày mới thì chúng tôi thực sự sốt ruột, không ai ngủ được vì đường xóc nẩy đom đóm mắt suốt vài trăm cây số. Nhìn ra ngoài cửa sổ lúc nào cũng rặt bóng đêm và trong xe nổi rõ cái lưng béo tròn của Babu luôn im lìm trước vô lăng. Chúng tôi chỉ sợ cậu thanh niên đang tuổi ăn tuổi ngủ sẽ vừa ngáy vừa lái xe nên nhắc Bictu bắt chuyện liên tục với cậu ta. Lát sau thì tôi cũng chợp mắt được đôi chút, rồi trong giấc mơ nặng nhọc chợt choàng thức giấc vì một thứ gì đó rất kinh khủng.

Mở mắt ra thấy Bictu đang cầm chiếc que gỗ dài (chuyên dùng để gạt dây điện ngoài đường cho khỏi mắc vào nóc xe) chọc vào cabin một xe tải đi bên cạnh. Những tiếng ầm ầm nổi lên. Bictu hầu như đã hóa điên. Tôi kinh hoảng nghĩ rằng có đám đánh nhau, tức thì hình dung một đám xế xe tải bặm trợn chuẩn bị quây lấy đoàn văn sĩ già nua chân yếu tay mềm giữa đồng không mông quạnh. Thậm chí trong vòng một phần nghìn giây tôi đã... thầm ước lượng số người ở xe bên kia và xe bên này. Tôi hét bảo Bictu thôi đi, chạy nhanh lên đừng gây sự nữa:

- Bictu, stop, please. Go away.

Nhà thơ Hoàng Việt Hằng cũng kêu lên thảm thiết: Thôi các con ơi.

Lúc này thì Bictu và Babu đang điên tiết đến nỗi tiếng Anh, tiếng Ấn, tiếng Việt hay tiếng thét của thần Shiva cũng không thiết nghe nữa. Bictu cứ chọc cây gậy dài sang cabin của chiếc xe tải khổng lồ và tuôn ra một tràng chửi rủa. Ni sư Từ Tâm dẫn đường cho đoàn phải phát bồm bộp vào vai Bictu thì cậu mới chịu thôi, cậu quay sang ni sư như đứa trẻ tức giận đến phát khóc vì bị mắng oan:

- Mataji cũng chứng kiến mà. Lỗi là của nó. Cực kỳ nguy hiểm.

Ni sư gật đầu lia lịa:

- Ta biết rồi, biết rồi. Nó sai. Nhưng mà thôi đi, chúng ta đang cần tìm chỗ nghỉ ngơi.

Những người còn thức trong khoảnh khắc kinh hoàng đó kể lại cho tôi rằng chúng tôi vừa thoát chết trong gang tấc. Chiếc xe tải kia chèn đường bên phải, trong khi đường rất hẹp, và chỉ vài phân nữa thôi là đuôi xe tải sẽ hất đổ chiếc xe 12 chỗ của chúng tôi. Tôi rùng mình nhớ lại ba tai nạn đã được chứng kiến dọc đường. Toàn là xe tải. Hai đầu xe bẹp rúp một cách khốn khổ trong tư thế đấu đầu nhau ở sát biên giới Nepal. Rồi một xe nằm quay lơ bên vệ đường trên con lộ về hướng Kushinagar.

Những tai nạn mà thoạt trông đã biết tài xế lái xe một cách hoang dã. Giao thông ở Ấn rất bản năng. Những đường quốc lộ nhỏ hẹp và ngoắt ngoéo như đường làng, và mạnh ai nấy chạy không theo một luật lệ nào cả, dường như chính mạng sống của lái xe cũng được họ coi như một thứ trò chơi. Và tất nhiên, vào lúc 0 giờ, trên con lộ hai bên là cánh đồng, việc một xe tải hất đổ chiếc xe chở khách ngoại quốc rồi chạy thẳng về nhà tiếp tục bữa tối là chuyện rất tự nhiên, ai thèm điều tra chứ, mà ai điều tra nổi ở cái đất nước đông dân thứ nhì thế giới này.

Từ lúc đó, không ai ngủ được nữa vì quá căng thẳng. Bictu và Babu vẫn chưa hết tức giận vì bị “chèn ép” nên tiếp tục quay sang tranh luận với nhau về chuyện vừa rồi. Xe chạy qua bao làng mạc tĩnh lặng như những ngôi làng chết, có lúc đi nhầm vào những ngõ cụt nham nhở gạch vữa bê tông của một cây cầu vượt đang xây dở, lúc lại len qua ngõ tắt của các khu dân cư cổ xưa, chỉ thấy những hình thù xập xệ, đổ nát, hoang tàn, u ám, nghèo đói lờ mờ trong bóng đêm.

Những hình ảnh chầm chậm trôi qua cửa kính giống hệt những thành phố trong cơn ác mộng hay ở một bộ phim kinh dị nào đó được xây dựng bằng kỹ xảo điện ảnh Mỹ, khiến lúc nào tôi cũng có cảm giác sợ hãi, sợ rằng xe bị hỏng giữa đường, sợ sẽ bị tống ra khỏi chiếc hộp an toàn di động này để hòa vào cơn ác mộng ngoài kia.

Bình minh trên sông Hằng

 

Bình minh trên sông Hằng.
Bình minh trên sông Hằng.

Cuối cùng chúng tôi cũng về đến khách sạn, lúc đã quá nửa đêm, mệt nhọc và kiệt sức sau gần 15 tiếng đồng hồ không cử động trên xe. Theo đúng lịch trình thì sáng mai, sau khi thăm vườn Lộc uyển, chúng tôi sẽ ghé qua sông Hằng. Thấy nhiều người trong đoàn sốt sắng vì sông Hằng, ni sư Từ Tâm có vẻ không hài lòng, thậm chí tức giận. Bà coi sông Hằng là một biểu tượng của đạo Hindu, là một thứ không sạch sẽ trong khi người Ấn lại coi đó là linh thiêng. Ni sư là người cực đoan, bà không cho chúng tôi ghé vào bất cứ ngôi đền nào của Ấn Độ giáo, sợ bị tà ma ám. Thậm chí lỡ có phải ngang qua một ngôi đền thì bà cũng tránh mà đi đường vòng. Ni sư gắt to khi thấy chúng tôi reo lên cái từ sông Hằng:

- Tại sao về với Đức Phật mà các cô cứ tha thiết sông Hằng. Các cô có biết là nó bẩn lắm không?

Tôi cũng bực không kém:

- Thưa cô, tụi con là nhà báo, cần phải đi để xem nó bẩn thế nào để còn về viết bài, chớ không phải đến để thờ nó đâu ạ.

Lúc đó ni sư mới dịu giọng. Bà kể rằng nhiều người Việt Nam không biết bẩn sạch là gì còn múc nước sông Hằng cho vào lọ mang theo để làm đồ lưu niệm mà không biết mình đang ẵm hàng tỉ con vi trùng về nhà. Lúc ở Bohd Gaya, thấy nhiều người cứ hỏi đi hỏi lại xem có thể mua lá bồ đề ở đâu, bà liền nhăn mặt: “Tại sao các cô chưa đến cổng chùa, chưa kịp chiêm bái Đức Phật mà đã chỉ lo việc mua mua sắm sắm”. Bà cũng vô cùng khó chịu khi có người dùng từ Đại thừa (Bánh xe lớn) và Tiểu thừa (Bánh xe nhỏ). Vì hai phái này có một số giáo lý khác nhau nên những người Tiểu thừa thường cho rằng người Đại thừa có ý khinh khi mình. Họ ưa từ Bắc Tông (Đại thừa) và Nam Tông (Tiểu thừa) hơn. Chúng tôi từ đó cũng không dám gọi Tiểu thừa nữa. Nói chung, hễ cứ có ai không tập trung vào việc chính là cầu nguyện thì lập tức ni sư sẽ nổi đóa lên.

Theo đúng kiểu thì chúng tôi phải dậy từ 5 giờ sáng để ngắm bình minh trên sông Hằng. Đó là thời khắc mặt trời bừng lên đỏ ối đánh thức tất cả những người Ấn sống ven sông. Du khách sẽ được chứng kiến quang cảnh ngoạn mục độc nhất vô nhị của đời sống sông Hằng. Tuy chảy dọc đất nước Ấn Độ nhưng mỗi khúc sông Hằng lại có một cái tên và dáng vẻ khác nhau. Ở Kolkata, chúng tôi cũng uống trà sữa bên sông Hằng (ở đó người ta đặt tên là sông Hoogly) và thấy nó cũng bình thường như bao con sông khác.

Trên đường đi, ngang qua bang Uttar Pradesh chúng tôi cũng bắt gặp sông Hằng. Từ trên cầu cao vót, nhìn khúc sông mênh mông bao phủ bởi sương trắng không thấy đâu là bến bờ, giống như biển cả, giống như mây trắng trôi dưới cửa sổ máy bay, lúc ấy sông Hồng chợt trở nên linh thiêng và kỳ vĩ. Nhưng khúc sông ở Varanasi mới thực sự là đặc trưng và nổi tiếng nhất Ấn Độ, bởi lúc nào nó cũng nhung nhúc những người.

Varanasi là một đô thị cổ với các tòa nhà cổ kính nhiều màu sắc nằm dọc bờ sông. Và chỉ đi thuyền trên sông ta mới có cơ hội được chiêm ngưỡng hết mọi hỉ nộ ái ố diễn ra trên Ghat. “Ghat” trong tiếng Ấn chỉ những bậc thang dẫn xuống bến sông. Ở trên bờ cao kia là nhà. Từ cửa nhà, người Ấn phải đi bộ xuống Ghat để cầu nguyện, cúng dường, thiền định, bố thí, khất thực, thiêu xác, rải tro, tắm rửa, bói toán, thắp đèn, thả hoa. Chúng tôi không thể đón bình minh trên sông vì phải chuẩn bị hành lý lát nữa ra sân bay nên đành vãn cảnh sông Hằng vào lúc 10 giờ sáng.

Lúc đó người đã vãn đi rồi nhưng cũng vẫn còn tấp nập. Có được đi thuyền mới thấy sông Hằng có lẽ là con sông bẩn nhất thế giới, bởi mọi sinh hoạt của người Ấn đều trông cả vào sông. Người ta tắm rửa, giặt giũ, đánh răng và lấy nước sông về thổi nấu nhưng ngay cạnh đó người ta cũng đại tiểu tiện và thả tro, thả xác người chết xuống sông. Diễn nôm theo nghĩa đen thì trên cùng một Ghat có người đang đánh răng nhờ nước sông và cách đó chục mét lại có người sung sướng hưởng thụ một trong tứ khoái bằng cách quay mông trần ra sông trên bậc thang cuối cùng của Ghat. Thực ra việc nước sông vừa phục vụ “đầu ra” vừa phục vụ “đầu vào” vẫn tồn tại ở nhiều nước Châu Á, nhưng kinh khủng hơn cả là sông Hằng lại chính là nguồn nước khổng lồ dành cho việc tiêu thụ các xác chết.

Tà ma từ đáy sông Hằng

 

Những người cùng khổ bên bờ sông Hằng.
Những người cùng khổ bên bờ sông Hằng.

Vừa xuống bến sông chúng tôi đã nhìn thấy người ta vội vã khuân củi xuống thuyền để chở đến lò thiêu cách đó không xa. Củi phục vụ cho việc hỏa thiêu cũng khác thường, là những súc gỗ khổng lồ, đen đúa như vừa lôi lên từ dưới hỏa ngục. Cả lò thiêu xác cũng âm u như vậy. Muội khói bám chặt lấy những bức tường qua nhiều thế kỷ khiến lò thiêu trở thành công trình cổ duy nhất phá tan cảnh quan đẹp đẽ của khu dân cư ven bờ. Bất kể giờ nào trong ngày cũng có những công nhân lầm lũi khuân đống củi đen vào lò, lầm lì và cam chịu, ngày này qua ngày khác.

Trên thế gian có nhiều nghề u ám và tội nghiệp, nghề khuân củi cho lò thiêu người chết cũng có thể được liệt kê. Tuy nhiên cái lò thiêu tối thui ấy vẫn còn là nơi sang trọng cho người đã khuất. Ở nhiều nơi trên đất Ấn, dân nghèo vẫn phải tự sắp xếp việc hỏa thiêu cho người quá cố ngay bờ sông cạnh nhà chứ không có tiền làm dịch vụ. Nhưng vì nghèo nên tiền mua củi cũng hạn chế. Củi ít, xác người cháy không hết nên người nhà hoặc là cứ bỏ đó về, hoặc thảy luôn xuống sông.

Một số làng quê Ấn Độ vẫn còn phong tục kiêng không hỏa thiêu bốn đối tượng mà họ cho là chết thiêng, ấy là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ treo cổ chết, người chết vì bị rắn cắn hoặc độc dược. Những thi thể chết thiêng này sẽ được thả trôi sông một cách tự nhiên. Nên đi thuyền dọc sông Hằng mà thi thoảng có bắt gặp một xác chết trôi sông là chuyện bình thường với người xứ họ, mặc dù sẽ là chuyện kinh hoàng đối với du khách nước ngoài.

Mấy anh công nhân sửa chùa cho ni sư Từ Tâm kể rằng chó hoang mà đánh hơi thấy xác chết trôi qua là nửa đêm tùm tũm bơi nước lại gần ăn xác người, nên tiếng sủa của chó xứ này cũng không giống như bình thường, nhác như chó cắn ma. Đêm đêm chúng tru lên một cách ma quái dọc bãi đất hoang trên bến sông trước cửa nhà khiến mấy anh công nhân trai tráng chuyên đi làm thuê khắp chốn rừng thiêng nước độc cũng đâm mắc chứng mất ngủ. Chuyện này báo chí nước ngoài cũng đưa tin nhiều nên tôi xác nhận đây không phải chuyện tán gẫu bịa đặt.

Sông Hằng vì thế được coi là một con sông đầy rẫy linh hồn. Nhiều du khách còn cho rằng người yếu bóng vía mà đi tham quan sông Hằng phải rất cẩn thận kẻo bị... vong ám. Ni sư Từ Tâm có một ám thị kỳ lạ nào đó mà rất ngại sông Hằng. Cứ đụng đến từ “sông Hằng” là bà loanh quanh, lảng tránh, úp mở một cách bí hiểm. Đại để thì phần là ngại tà ma, phần nữa, bà luôn nhắc chúng tôi phải cẩn trọng khi đi lại ở khu vực bờ sông. Bà bảo:

- Xác nạn nhân trôi trên sông sẽ chẳng có ai để ý đâu, vì ở xứ khác, một cái xác chết trôi sẽ thu hút mọi chú ý của dân thường và cảnh sát, nhưng ở đây, xác trôi là chuyện thường tình...

Tuy nhiên, nếu bạn bỏ qua tất cả những câu chuyện ủ ê, rùng rợn đó và đừng có dán mắt vào những người phụ nữ mặc sari nghèo khổ, lam lũ, những người đàn ông đen đúa, bẩn thỉu và những đứa trẻ ngơ ngác trên những bậc Ghat đầy rác rến và phân động vật, mà hãy đưa mắt ngắm nhìn những tòa nhà cổ kính, những ngôi đền Hindu đủ mọi kiến trúc dọc bến sông và cả bờ bên kia, nơi bãi bồi hoang sơ lún phún những đốm hoa vàng tinh khiết như chưa từng có người đặt chân đến, sẽ thấy rằng sông Hằng tự ngàn đời đã song hành cùng một nền văn minh Ấn Độ để làm nên một bề dày văn hóa đáng ngưỡng mộ của xứ sở này.

Đến độ nhà văn Mark Twain đã phải nhận xét sau chuyến đi chứa đầy kinh ngạc của ông: “Ấn Độ là cái nôi của nhân loại, là nơi khai sinh ra diễn văn của loài người, nó xa xưa hơn lịch sử, cổ kính hơn huyền thoại và lâu đời hơn cả truyền thống. Những kiến thức giá trị nhất trong lịch sử loài người lại được thừa hưởng từ chính Ấn Độ”.

Chúng tôi thuê một chiếc thuyền máy đủ chỗ cho hơn chục người. Người lái thuyền chuyên phục vụ khách du lịch nên rất chuyên nghiệp khi ở lượt đi thì cho thuyền chạy tà tà sát bến sông để khách có thể ngắm kỹ mọi khung cảnh sinh hoạt và tiện bề chụp ảnh. Chặng về, thuyền vòng lại ra tận bãi bồi để khách nhìn được toàn cảnh các Ghat từ đằng xa.

Từ lúc còn trên bờ, chúng tôi đã bị đeo bám bởi những đứa trẻ chào mời mua đĩa hoa nến để thả xuống sông. Lên thuyền cũng không thoát được cảnh đó. Có những người đàn ông chăm chỉ làm thương mại đã ở sẵn trên thuyền, người mang theo lồng chim phóng sinh, người một thùng cá phóng sinh và người thì một rổ hoa đĩa. Nài mãi, cuối cùng chúng tôi cũng bị thuyết phục. Mỗi người mua một đĩa hoa vàng pha cam nhỏ xíu có ngọn nến bé ở giữa.

Chúng tôi thắp nến lên và thả đĩa hoa xuống dòng sông màu xanh lục. Những đĩa hoa rời thuyền trôi lênh đênh trên con nước lặng sóng. Tôi nhìn hút theo những đĩa hoa xa dần, có lẽ với trọng lượng nhẹ bẫng, chúng cứ trôi thế mãi mà không chìm, rồi sẽ theo dòng nước mà chảy qua Bangladesh xuống hạ lưu để cuối cùng, đổ ra biển lớn: Vịnh Bengal. Biết đâu đấy, đĩa hoa của tôi sẽ thoát khỏi con sông tù túng và ô nhiễm này mà lênh đênh trên sóng nước đại dương.

Di Li/laodong

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...