Đi và viết: Một thoáng chiến khu xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiến khu Việt Bắc hay An toàn khu hoặc chỉ đơn giản nói tắt ATK là cách gọi vùng núi rừng kỳ vĩ nối liền 6 tỉnh Cao-Bắc-Lạng-Thái-Hà-Tuyên. Đây là nơi Bác Hồ và Trung ương đóng đại bản doanh lãnh đạo toàn quốc 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954).

Chúng tôi được tổ chức đi theo tour của cánh văn nghệ-báo chí nên từ quốc lộ 2, ngang Phú Thọ, rẽ vào tỉnh lộ 32, xuyên miền Trung du nhấp nhô rừng cọ, đồi chè yên ả thanh bình, biến ảo kỳ thú, để đến thăm nơi đã khơi dòng văn nghệ mới. Giữa đường, dừng chân dưới bóng cây đa Yên Kỳ rợp trùm ngôi đền cổ ở ngã ba Đào Giã. Đây là nơi diễn ra Đại hội Văn hóa cứu quốc năm 1942, đồng chí Trường Chinh trình bày Đề cương “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam”. Chúng tôi hiểu rằng mình đã bắt đầu chạm đến vùng “thánh địa” chiến khu xưa.

 

Cây đa Tân Trào. Ảnh: K.N.B
Cây đa Tân Trào. Ảnh: K.N.B

Xã Gia Điền (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) là vùng mở rộng về phía Nam của chiến khu Việt Bắc, ngày ấy gọi là Chiến khu 10, nơi đặt nhiều cơ quan kháng chiến. Thăm nhà bà bủ Nguyễn Thị Gái-nơi năm 1948-1949 Hội Văn hóa Cứu quốc cho ra đời số báo Văn nghệ đầu tiên; nơi Văn Cao, Tố Hữu, Kim Lân, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Xuân Sanh… từng ở và làm việc. Ngôi nhà xưa còn đó, đơn sơ, nép mình bên bóng núi. Những “Trường ca sông Lô”, “Bà Bủ”, “Bầm ơi”… còn để lại dư ba cùng năm tháng.

Gần đó, đền Chu Hưng cổ kính tọa lạc trên gò đất mai rùa giữa hóc ruộng hẹp Trung du. Xưa, vua Trần Nhân Tông kinh lý qua đây, tức cảnh đề thơ, còn khắc lưu trước sân đền. Đây là nơi tướng Lê Trọng Tấn cùng lãnh tụ Cay-xỏn Phôm-vi-hản cùng tuyên bố thành lập quân đội Pa-thét Lào. Ngay dưới mái đền này, vợ nhà thơ Lưu Quang Thuận, sơ tán về đây đã chuyển dạ sinh ra Lưu Quang Vũ-một tài danh thơ và kịch sau này.

Chúng tôi tiếp tục hành trình qua ngả Đại Phạm về Tuyên Quang. Xe mỗi lúc một luồn lách sâu hơn vào miền núi cao kỳ ảo. Bất giác liên tưởng “Núi giăng thành lũy sắt dày/Rừng che bộ đội rừng vây quân thù”! Đêm Tuyên Quang yên bình và trầm tịch dưới chân đoạn thành nhà Mạc. Lòng nôn nao chờ sáng mai về Sơn Dương với Khu Di tích Lịch sử Tân Trào.

Đến Tân Trào, tất cả chúng tôi lặng im trong sự thành ý bồi hồi của kẻ hành hương. Xóm Tày nhỏ Kim Long với những nóc nhà sàn cũ kỹ lặng lẽ nép mình dưới chân núi Hồng hùng vĩ. Đây, mái đình Hồng Thái ngày 16-8-1945 chứng kiến Quốc dân đại hội đầu tiên; kia, cây đa Tân Trào cũng ngày 16-8-1945 Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát lệnh xuất quân… Và lán Nà Nưa! Căn lán nhỏ nép mình cô tịch giữa rừng trúc bịt bùng. Nơi đây có lúc Bác lâm cơn bệnh nặng thập tử nhất sinh, được ông lang Tày chữa khỏi bằng bài thuốc gia truyền. Xong bệnh, ông đi. Không ai biết ông cụ là ai, cứ như một tiên ông quá cảnh trên bước nhàn du!

Vượt đèo De quanh co men sườn núi Hồng sừng sững uy linh để về Định Hóa (Thái Nguyên). Cạnh bên đường là lán nhỏ Tỉn Keo, nơi cuối năm 1953 có cuộc họp quan trọng để ra đời chiến dịch Đông Xuân, tiến tới giải phóng Điện Biên Phủ. Có phải nơi đây là “nguyên mẫu” hình tượng thơ “Nhớ chân Người bước lên đèo/Người đi, rừng núi trông theo dáng Người”? Cạnh lán Tỉn Keo, trên ngọn đồi phong quang nằm giữa thế “hữu bạch hổ, tả thanh long”, một công trình xây dựng to đẹp hoành tráng nở xòe màu ngói đỏ giữa bạt ngàn xanh, là nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện lòng ngưỡng vọng lãnh tụ của bà con Việt Bắc.

Đêm ở lại Tỉn Keo với khói sương rừng mịt mờ buông phủ, lòng người cũng chùng buông trầm mặc giữa đất trời! Những nàng sơn nữ của đội văn nghệ dân gian Tày làm say lòng người bằng những cốc rượu ngô, những điệu lượn, điệu then hòa cùng tiếng đàn tính ngân nga réo rắc âm âm giữa núi rừng u tịch.

Buổi sáng về Khuôn Tát, ngoái đầu nhìn lại, bên lán nhỏ Tỉn Keo thấp thoáng cây giâm bụt Bác trồng nay đã sum suê cành lá nâng những chùm hoa đỏ bên sườn đồi ngút ngàn xanh một màu hoang vắng. Khuôn Tát giữa rừng già bên đồi Nà Đình. Ở đây có một lối đi bí mật dẫn vào một đường hầm dài bốn, năm mươi mét đục xuyên qua sườn đồi, làm nơi trú ẩn khi cần thiết. Bao quanh lán Khuôn Tát là khu rừng có nhiều cây phách cao cổ thụ, nơi nhà thơ Tố Hữu đã xuất thần để lại câu thơ đẹp miên man: “Ve kêu rừng phách đổ vàng…”. Đây cũng là nơi năm 1948 Bác ký Quyết định phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng 9 tướng lĩnh đầu tiên khác của cách mạng Việt Nam.

Tại lán này, đầu năm Mậu Tý 1948, mùng Một Tết, Bác có bài thơ chúc Tết: “Năm Hợi đã đi qua/Năm Tý vừa bước tới/ Gửi lời chúc đồng bào/Kháng chiến được thắng lợi/Toàn dân đại đoàn kết/Cả nước dốc một lòng/Thống nhất chắc chắn được/Độc lập quyết thành công”! Và nửa tháng sau, đêm Rằm tháng Giêng (24-2-1948), trên một đoạn sông Phó Đáy (chi lưu của sông Lô) sâu giữa đại ngàn, Bác ứng tác bài thơ “Nguyên tiêu” với những thi ảnh đẹp lung linh như tranh thủy mặc và thi điệu ngân rung mơ màng tiêu sái, cứ ngân nga, ám ảnh tâm trí mọi người: “Kim dạ Nguyên tiêu nguyệt chính viên/Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên/Yên ba thâm xứ đàm quân sự/Dạ bán quy lai, nguyệt mãn thuyền”.

Miên man một vùng sơn thanh thủy tú với những suối nhỏ róc rách trong veo gợi nhớ “Tiếng suối trong như tiếng hát xa”, những bóng đa cổ thụ cho liên tưởng hình ảnh “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”… Tất cả vẫn như trầm ngâm trong niềm hoài niệm và nguyện làm chứng tích một thời.

Chỉ một đoạn đường ngắn từ Định Hóa về Đại Từ, khách hành hương ngạc nhiên theo những biển báo loang loáng bên đường. Một quần thể di tích ken dày! Những dòng chữ: “Nơi ở và làm việc của đồng chí Phạm Văn Đồng”, “Nơi đóng trụ sở Hội Phụ nữ Việt Nam”, “Nơi đóng Tòa soạn Báo Cứu Quốc”, “Chợ Chu-nơi giam cầm các chiến sĩ cách mạng”… Ôi, làm sao đi hết được miền chiến khu xưa và làm sao ghi chép đủ đầy bao dấu tích còn đây!

Như đã thưa, vì đi theo tour văn nghệ-báo chí nên điểm đến sau cùng là ngôi nhà nhỏ của cụ bà Tạ Thị Vệ ẩn cuối xóm Chòi (xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ)-nơi đóng cơ quan tuần báo Văn nghệ từ năm 1949 trở đi. Hình như còn thấp thoáng đâu đây những bậc tiền bối văn học-nghệ thuật tài danh.

Đêm nghỉ lại giữa lòng “Thủ đô gió ngàn”, kẻ hành hương như thấy mình đang được trầm mình trong nguồn thơm hoài niệm.

Tạ Văn Sĩ

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.