Dân nhậu Sài Gòn chạm mặt CSGT-kỳ 3: Lè nhè chê ống thổi dơ, ai kiểm định!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều người nhậu xỉn đến mức giọng nói lè nhè nhưng khi bị CSGT kiểm tra nồng độ cồn thì vẫn "lý sự cùn" như: chê ống thổi dơ, đòi xem kiểm định của máy đo cồn, thậm chí bắt CSGT thổi nồng độ cồn...


Trong những ngày theo chân CSGT TP. HCM "thổi" nồng độ cồn trên địa bàn thành phố, không ít lần tôi chứng kiến những người nhậu say đến mức giọng nói lè nhè, chạy xe loạng choạng tìm đủ cách câu giờ, cãi tay đôi cùng lực lượng chức năng để mong được CSGT cho đi tiếp.

Tất nhiên, càng cãi, càng lý sự thì mấy anh chỉ mất thêm thời gian của chính mình mà thôi... vì luật là luật!

 

Nhiều người thắc mắc về độ chính xác của các máy đo nồng độ cồn mà CSGT đang sử dụng.
Nhiều người thắc mắc về độ chính xác của các máy đo nồng độ cồn mà CSGT đang sử dụng.

"Bao nhiêu người thổi chung 1 ống, dơ!"

Khi Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP. HCM) mở đợt cao điểm thực hiện chuyên đề nồng độ cồn từ 22 giờ đến 2 giờ hàng đêm tại tất cả các tuyến đường, nhất là khi Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực, mức phạt với người "nhậu xỉn" chạy xe lên cao ngất, không ít dân nhậu đã tìm đủ cách để được cho đi tiếp nhưng đều thất bại.

Như trường hợp anh N.M.T (35 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) đi nhậu về ngang đoạn Cầu vượt Hàng Xanh vào lúc 23 giờ đã bị tổ công tác của Đội CSGT Hàng Xanh yêu cầu dừng xe kiểm ra nồng độ cồn. Vừa thả chân chống xe, mắt anh T. đã díp lại, người nồng nặc mùi bia, anh lè nhè chào CSGT rồi quay về phía dải phân cách ói một tràng.

Xong xuôi, CSGT đưa máy đo cồn yêu cầu anh T. thổi thì anh đứng thẳng người, bật lại: "Cái gì đây, bao nhiêu người mà thổi chung có 1 ống, dơ lắm, tôi không thổi. Thổi chung ống bị bệnh rồi sao?". CSGT giải thích: "Mỗi lần kiểm tra chúng tôi dùng một ống nhựa riêng chứ không dùng chung, anh yên tâm".

Anh T. bắt bẻ: "Nhưng nãy giờ tôi có thấy anh thay ống nào đâu, anh đừng có mà bắt tôi thổi ống cũ để ăn bớt kiếm lời!". CSGT và Cảnh sát cơ động đứng xung quanh cũng bật cười nhưng để "chiều lòng" người vi phạm, CSGT xé bịch ni lông, lấy ống nhựa khác lắp vào để anh T. chịu thổi cồn.

Vẫn chưa hài lòng, anh T. lại lè nhè: "Ống nhựa này là nhựa gì, có độc không? Có nhúng bia trước cho có mùi để chừng tôi thổi rồi bắt tôi không?". Lúc này, CSGT thổi mẫu ngay trước mặt anh T., thấy chỉ số hiện lên 0,0mg/lit khí thở, anh T. mới chịu chấp hành kiểm tra. Dĩ nhiên, CSGT lại phải thay thêm một ống thở khác.

 

Máy đo nồng độ cồn được kiểm định 1 năm 1 lần.
Máy đo nồng độ cồn được kiểm định 1 năm 1 lần.

"Giấy kiểm định đâu?"

Anh M.T.Đ (28 tuổi, ngụ quận 12) đi nhậu về qua đường Phạm Văn Đồng (đoạn gần cầu Bình Lợi) đã bị CSGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn vì anh có biểu hiện của say xỉn. Dù đã say liểng xiểng nhưng anh Đ. vẫn gồng mình làm bộ tỉnh táo, hỏi CSGT: "Máy này máy gì, mấy anh đừng có xài hàng giả. Có kiểm định không? Không có thì tôi không thổi".

CSGT giải thích: "Máy này có kiểm định hay không thì anh không phải là người kiểm tra, có cơ quan thẩm quyền đi thanh tra, kiểm tra thường xuyên rồi. Nhưng anh muốn thì tôi cho anh xem tem của máy". Sau một hồi giả bộ cầm tới cầm lui cái máy, anh Đ. quay sang phía phóng viên: "Tem cũng làm giả được mà phải không? Cô gọi sẵn giùm tôi chiếc taxi, thổi cái là biết chết chắc rồi"...

Ai kiểm định máy đo nồng độ cồn?

Thượng tá Nguyễn Hoàng Diệp, Phó Trưởng phòng PC67 cho biết máy đo nồng độ cồn cũng như các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ khác mà CSGT sử dụng được Bộ Công an cấp, quản lý và sử dụng theo quy định Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ và Nghị định 156/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, máy đo nồng độ cồn phải được kiểm định đối chứng trong 1 năm trên địa bàn 1 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và yêu cầu quản lý nhà nước về đo lường tại địa phương.

Do đó, định kỳ hàng năm, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật thuộc Bộ Công an sẽ phối hợp vời Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng (Viện đo lường Việt Nam) có kế hoạch triển khai thực hiện tổ chức kiểm tra, kiểm định và hiệu chuẩn các phương tiện đo lường trang bị trong lực lượng Công an nhân dân.

 

Số lượng người vi phạm nồng độ cồn đã giảm nhiều so với những năm trước.
Số lượng người vi phạm nồng độ cồn đã giảm nhiều so với những năm trước.

14.240 trường hợp bị xử phạt

Từ khi Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực (1-8-2016) đến 15-7-2017, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 14.240 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ 14.240 phương tiện. Trong đó có 237 ô tô và 14.003 xe máy các loại.

Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định mức xử phạt rất cao đối với người điều khiển phương tiện mà trong hơi thở có nồng độ cồn. Mức phạt cao nhất có thể lên đến 18 triệu đồng.

Từ khi Nghị định này có hiệu lực, PC67 cũng thường xuyên có các tổ tuần tra kiểm soát từ 21 giờ hàng đêm để xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn. Lãnh đạo của một số Đội CSGT thuộc PC67 cho biết nhìn chung từ đầu năm 2017 đến nay, số người vi phạm nồng độ cồn đã giảm nhiều so với mọi năm.

Thế nhưng, đáng tiếc là trên cả nước vẫn còn một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mà người điều khiển phương tiện có liên quan đến nồng độ cồn, như: tài xế say xỉn chạy xe ngược chiều vào hầm Thủ Thiêm gây tai nạn liên hoàn, tài xế xe bán tải tông taxi khiến 4 người bị thương ở Phạm Văn Đồng (TP.HCM), say rượu gây tai nạn chết người ở Phú Quốc,…

 

Mức phạt vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP

Đối với ô tô

Người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0.25mg/lit khí thở thì bị phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày, tước GPLX 1 - 3 tháng.

Người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0.25mg đến 0.4mg/lit khí thở thì bị phạt tiền từ 7.000.000 - 8.000.000 đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày, tước GPLX 3 - 5 tháng.

Người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0.4mg/lit khí thở thì bị phạt tiền từ 16.000.000 - 18.000.000 đồng, tước GPLX 4 - 6 tháng;

Đối với mô tô, xe máy

Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg - 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0.25mg đến 0.4mg/lít khí thở thì phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng; tạm giữ xe 7 ngày, tước GPLX 1 - 3 tháng.

Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0.4mg/lít khí thở thì bị phạt tiền từ 3.000.000 - 4.000.000 đồng, tạm giữ xe 7 ngày, tước GPLX 3 - 5 tháng.

Trong các buổi ra quân, họp báo cùng phóng viên báo đài, Trung tá Huỳnh Trung Phong-Trưởng phòng PC67 cũng nhiều lần chia sẻ rằng số người chết vì tự té ở TP.HCM thời gian qua rất đáng để quan tâm. Trong đó không ít người do say xỉn mà té.

Có thể thấy, hậu quả khi tham gia giao thông có sử dụng rượu bia là rất lớn và lâu dài. Sử dụng rượu bia sẽ khiến suy nghĩ và khả năng xử lý tình huống bị chậm hơn bình thường, rất nguy hiểm khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Uống rượu, bia rồi chạy xe không những ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của chính mình mà còn ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông khác.

Vũ Phượng/thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).