Bài 1: Cô giáo miền xuôi "gieo chữ" nơi miền ngược

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Họ khác nhau về cả tuổi đời lẫn tuổi nghề, tìm đến sự nghiệp trồng người nơi vùng sâu, vùng xa với tâm thế và cảm xúc cũng chẳng giống nhau. Thế nhưng điểm chung của họ chính là lòng yêu nghề, mến trẻ, để rồi tình nguyện gắn bó cùng học trò vùng khó bằng tất cả tình cảm thân thương gửi gắm qua từng con chữ hàng ngày…

Không sinh ra trên vùng đất khó Ia Dreh (huyện Krông Pa) nhưng với lòng nhiệt huyết, yêu nghề, cô giáo đến từ miền xuôi Lê Thị Xuân Thanh-giáo viên Trường Tiểu học Ia Dreh đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách để gắn bó với học trò nơi đây.

Vượt qua khó khăn

 

Cô Thanh đang dạy phụ đạo cho học sinh dịp hè. Ảnh: Quang Tấn
Cô Thanh đang dạy phụ đạo cho học sinh dịp hè. Ảnh: Quang Tấn

Năm 2010, vừa mới tốt nghiệp Trường Đại học Quy Nhơn, cô Lê Thị Xuân Thanh với hành trang là lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ và niềm khao khát được đứng trên bục giảng đã quyết định xa gia đình, vượt gần 100 km từ Phú Hòa (Phú Yên) đến vùng đất khó Ia Dreh (huyện Krông Pa, Gia Lai) gieo chữ. “Thời điểm tôi lên nhận công tác là mùa mưa nên đường vào trường trở nên vô cùng vất vả, khó đi. Tôi nhớ mình phải mất gần 1 giờ đồng hồ để đi xe máy trên cung đường đất trơn trượt, lầy lội và còn phải đi đò qua sông Ba chảy xiết rất nguy hiểm để đến trường”-cô Thanh kể.

Cuộc sống những ngày đầu tại Trường Tiểu học Ia Dreh của cô giáo trẻ đến từ miền xuôi cũng lắm khó khăn. Với cô, đây là thử thách lớn nhất kể từ khi bước vào đời. Điều kiện sinh hoạt thì thiếu thốn đủ bề, nước sinh hoạt phải vào suối cách trường hơn 2 km để lấy từng can về dùng, thức ăn hàng ngày chủ yếu là cá khô với lá mì và đặc biệt là bất đồng ngôn ngữ khi giao tiếp… Nhưng được sự giúp đỡ nhiệt tình của các thầy cô trong trường; đồng cảm với những khó khăn, vất vả của học sinh cùng lòng nhiệt huyết với nghề đã tiếp thêm động lực để cô Thanh gắn bó với vùng đất đầy khó khăn này cho đến bây giờ.

Cô Thanh tâm sự: “Mình chỉ biết vùng đất này qua ti vi, báo, đài nhưng không ngờ thực tế lại khó khăn như vậy. Nhiều lúc mình cũng thấy chùn bước, muốn quay về nhà với gia đình nhưng vì niềm đam mê và tình cảm đặc biệt với người dân nơi đây, nhất là học sinh khá ngoan và hiền nên vẫn quyết định gắn bó với nơi này”.

Hết lòng vì học sinh

 

Cô Thanh đang dạy phụ đạo cho học sinh dịp hè. Ảnh: Quang Tấn
Cô Thanh đang dạy phụ đạo cho học sinh dịp hè. Ảnh: Quang Tấn

Theo cô Thanh, cũng vì cuộc sống của người dân Ia Dreh còn gặp nhiều khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc nên nhiều em học sinh dù đã đến tuổi đến trường nhưng chỉ thích theo bố mẹ lên nương rẫy. Do vậy, việc vận động các em đến trường là cả một quá trình đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó đi đến từng nhà để vận động bố mẹ các em, khuyên bảo, thậm chí “mua chuộc” các em đến lớp bằng vài bịch bánh, kẹo...

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, gần 7 năm nay, cô Thanh đã đi khắp các buôn làng trên địa bàn xã Ia Dreh, len lỏi vào tận nương rẫy để vận động hàng chục em học sinh ra lớp. Có nhiều trường hợp không chịu đến lớp vì không có dép, áo quần, cô Thanh không ngần ngại bỏ tiền túi ra để mua cho các em, chỉ mong sao các em đến lớp không còn mặc cảm với bạn bè.

Trong nhiều trường hợp học sinh được vận động đến lớp, cô Thanh đặc biệt ấn tượng với cậu học trò Krơn. Dù đã đến tuổi tới trường nhưng Krơn không chịu đi học mà chỉ thích lên nương rẫy với bố mẹ. Rất nhiều lần cô đến vận động, thủ thỉ đủ điều nhưng cậu học trò vẫn quyết không chịu đến lớp trường. Rồi cũng do cô đến nhiều quá, mẹ Krơn thấy ngại nên đã đánh em để buộc em đi học nhưng vẫn không có tác dụng. Thế là cô Thanh quyết định “trụ lại” bên gia đình Krơn, cùng ăn, cùng chơi, trò chuyện với cậu bé, kết hợp với sự giúp đỡ của đồng nghiệp, bạn bè và bố mẹ em, cuối cùng cũng “dụ dỗ” được Krơn đi học. “Khi nhìn thấy Krơn đến lớp, cảm giác mình lúc ấy rất lạ, rất vui sướng và hạnh phúc. Bây giờ thì em đã học lớp 7, hai cô trò vẫn thường gặp nhau, trò chuyện cùng nhau”-cô Thanh chia sẻ.

Bên cạnh đó, cô Thanh cũng như các thầy cô nơi đây còn phải hy sinh thời gian nghỉ hè của mình để bám trường, bám lớp phụ đạo thêm cho các em, để các em không quên con chữ trong thời gian dài nghỉ hè và có thể tiếp thu tốt hơn những kiến thức trong năm học mới.

Nói về mong muốn của mình, cô Thanh bày tỏ: Tôi chỉ mong sao trong thời gian tới, chính quyền các cấp quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ bà con nơi đây hơn nữa để họ có cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn. Từ đó, các em học sinh không còn phải vất vả mưu sinh cùng bố mẹ mà chuyên tâm vào việc học hành. Đặc biệt, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp để tạo điều kiệu tốt hơn cho việc dạy và học của nhà trường…

Box: Cô Nguyễn Thị Hồng-Hiệu phó Trường Tiểu học Ia Dreh (xã Ia Dreh, huyện Krông Pa), đánh giá: Cô Thanh mồ côi mẹ từ nhỏ, bố đi bước nữa, nhà đông anh em nên cuộc sống khá vất vả. Hiện hai vợ chồng cô Thanh đang phải sống tạm ở khu tập thể của nhà trường, chồng thì chưa có việc làm ổn định…Mặc dù vậy, cô là một giáo viên năng động, nhiệt tình, tâm huyết với nghề, luôn bám lớp bám trường, hết lòng vì học sinh của mình. Nhiều năm liền, cô là giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện.

Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).