Bức ảnh chiến trường và câu chuyện của vợ chồng cựu binh già

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 34 năm lưu lạc, bức ảnh “Đoàn ngựa thồ Đak Lak” với dòng chữ viết tay “Tháng 2-1974 trên đường 6 Phú Yên” được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Đak Lak đã trở về với nhân vật chính. Bức ảnh và câu chuyện của vợ chồng cựu binh già đã hé mở thêm nhiều điều thú vị trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Chi tiết nổi bật trong ảnh là cô gái tuổi 17 đầu đội mũ tai bèo, vai mang súng, ngực đeo huy hiệu Đoàn. Thật bất ngờ, cô gái trong bức ảnh năm xưa chính là bà Nguyễn Thị Hóa-cựu binh hiện sinh sống tại thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa). Chồng bà-ông Nguyễn Văn Lít cũng là một cựu binh có nhiều đóng góp trong việc xây dựng quê hương sau giải phóng.

Từ bức ảnh lưu lạc

 

Vợ chồng cựu binh Nguyễn Văn Lít và Nguyễn Thị Hóa thỉnh thoảng vẫn ngồi ôn lại “những mùa hè đỏ lửa”. Ảnh: H.N
Vợ chồng cựu binh Nguyễn Văn Lít và Nguyễn Thị Hóa thỉnh thoảng vẫn ngồi ôn lại “những mùa hè đỏ lửa”. Ảnh: H.N

Bà Hóa kể về hoàn cảnh ra đời của bức ảnh: “Tháng 2-1974, tôi làm trưởng đoàn ngựa thồ đưa hàng hóa từ Phú Yên lên Tây Nguyên. Khi đi trên đường 6, chúng tôi gặp một đoàn lãnh đạo cấp cao đang nghỉ chân. Tôi đoán đó là đoàn lãnh đạo vì đi theo có một số phóng viên chiến trường và cấp dưới bảo vệ. Một phóng viên đã chụp ảnh đoàn chúng tôi. Sau này tôi mới biết vị lãnh đạo đó là ông Mười Nguyên-Bí thư Tỉnh ủy Đak Lak. Bức ảnh sau đó được gửi về đơn vị tôi công tác là Ban Kinh tài huyện H2 (nay là huyện Krông Pa). Thủ trưởng của tôi khi đó là ông Đoàn Hối giữ bức ảnh. Năm 2008, tôi gặp lại thủ trưởng của mình ở tỉnh Đak Lak trong một lễ kỷ niệm. Sau 34 năm, ông vẫn giữ bức ảnh như một kỷ vật và trao lại cho tôi. Bức ảnh hiện được phóng lớn và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Đak Lak”.

Bà Hóa cho biết thêm, cả gia đình bà theo kháng chiến, bố và anh trai đều là liệt sĩ. Bà thoát ly gia đình từ năm 13 tuổi. Khi công tác ở Ban Kinh tài, do thông thạo đường sá (bà quê gốc Phú Yên-P.V), bà thường xuyên được cử làm trưởng đoàn dẫn thanh niên xung phong các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đak Lak xuống Phú Yên thồ hàng ngược lên núi cung cấp cho chiến trường Tây Nguyên. “Lực lượng thanh niên xung phong hồi đó có rất nhiều người Bahnar. Đặc biệt trong lần đi thồ hàng lọt vào ống kính máy ảnh của phóng viên chiến trường lại toàn bộ là thanh niên xung phong người Bahnar. Lúc này, tình hình chiến sự rất căng thẳng. Chúng tôi phải tăng cường đi thồ hàng dưới xuôi lên. Mỗi lần đi có 40-50 người, hàng hóa có ngựa thồ, chúng tôi chủ yếu đi bộ. Ban ngày thì nghỉ ngơi, tầm 4 giờ chiều trở đi, đoàn mới bắt đầu xuất phát cho tới rạng sáng hôm sau. Thuận buồm xuôi gió thì mỗi chuyến hàng mất 1 tuần, có khi mất vài tháng mới đưa được một chuyến. Thành viên trong đoàn có khi vơi đi một nửa do trên đường bị địch phục kích”-bà Hóa kể.

Trong một lần dẫn đoàn, bà Hóa bị thương nặng phải vào điều trị tại Bệnh xá huyện H2. Tại đây, bà gặp ông Nguyễn Văn Lít và 2 người đem lòng thương nhau. Bà hóm hỉnh kể lại: “Dù 2 cơ quan gần nhau nhưng mỗi lần gặp mặt, chúng tôi chỉ dám trao nhau ánh mắt chứ không dám thể hiện tình cảm gì ra bên ngoài. Có lần ông ấy viết thư cho tôi, đọc xong tôi cất kỹ trong ba lô nhưng không biết sao bạn bè phát hiện, đem ra trêu chọc. Chúng tôi cưới nhau chỉ vài tháng thì miền Nam được hoàn toàn giải phóng”.  

Trọn vẹn với đất nước

 

Bức ảnh lịch sử chụp tháng 2-1972 trên đường 6. (Ảnh chụp lại).
Bức ảnh lịch sử chụp tháng 2-1974 trên đường 6. (Ảnh chụp lại).

Từ đầu đến cuối nghe chuyện của vợ, ông Nguyễn Văn Lít chỉ mỉm cười, thỉnh thoảng nhắc bà vài mốc thời gian. Dù có nhiều thành tích trong hoạt động cách mạng nhưng ông chỉ tóm gọn trong vài mốc thời gian đáng nhớ. Ông hoạt động bí mật trong lòng địch từ năm 1963 đến năm1964. Tình hình chiến sự ngày càng căng thẳng, sợ bị lộ nên cấp trên điều ông về một đơn vị bộ đội. Ông được kết nạp Đảng vào đúng ngày 2-9-1968, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuẩn bị cho chiến dịch Tết Mậu Thân. “Đó là mốc thời gian suốt đời tôi không bao giờ quên”-ông nói.

Sau nhiều lần bị thương, năm 1969, ông Lít được cử đi học quân y ở Quân khu 5. Năm 1972, ông được điều về làm Phó ban Dân y huyện H2 của tỉnh Đak Lak. “Tôi được Ban Chỉ huy địa phương phân công phụ trách bệnh xá quân đội. Lúc ấy, tôi vừa phụ trách các công việc ở bệnh xá, vừa làm công tác cứu thương trên các chiến trường cho tới ngày giải phóng”. Sau giải phóng, ông Lít được Ban Chỉ huy tiền phương điều về làm Phó Giám đốc kiêm Chính trị viên Bệnh viện Cheo Reo (nay là Bệnh viện Đa khoa khu vực Ayun Pa). “Công việc lúc này hết sức nặng nề. Số thương binh lẫn người dân bị thương trong trận đánh cuối cùng của cuộc chiến tranh và cuộc tháo chạy trên đường 7 lịch sử rất nhiều, gây quá tải cho bệnh viện. Cùng với sốt rét, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng nhiều người, đặt ra cho ngành Y tế trọng trách lớn lao và nặng nề”-ông Lít nhớ lại.

Một mặt, ông phải lo cứu chữa thương binh và người dân. Mặt khác, ông phải làm công tác cảm hóa đội ngũ y-bác sĩ của chế độ cũ còn sót lại để tranh thủ nguồn nhân lực này phục vụ cho y tế địa phương. “Nguồn nhân lực y tế trong quân đội đã rút hết sau ngày giải phóng, chỉ để lại lực lượng cốt cán rất mỏng. Tôi phải đào tạo cấp tốc những lớp y tá mới để giải quyết những khó khăn trước mắt”-ông nói thêm.

Sau khi tách huyện năm 1979, ông Lít được phân về làm Trưởng phòng Y tế kiêm Bệnh viện trưởng Bệnh viện huyện Krông Pa. Đến năm 1985 nhập lại là Trung tâm Y tế huyện Krông Pa. “Thời kỳ ấy có tới 95% dân số là người Jrai. Bà con thường không đến bệnh viện mà mời thầy mo về cúng bái. Ngành Y tế huyện đối mặt rất nhiều khó khăn mới thay đổi được nhận thức của người dân trong việc khám-chữa bệnh”-ông nói.

Ông Lít đã có nhiều đóng góp cho ngành Y tế huyện nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung. Cả ông và bà đều là thương binh, bà còn 4 mảnh đạn ở ngực chưa thể lấy ra. Bà Hóa còn thường xuyên đau ốm do ảnh hưởng chất độc da cam và bệnh tiểu đường. Tuy vậy, ông bà sống rất thảnh thơi với niềm hạnh phúc giản dị của tuổi già. Họ tự hào vì đã cống hiến trọn vẹn cho đất nước dù ở bất cứ nhiệm vụ, cương vị nào.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.