Những chàng trai yêu voi ở Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Buôn Đôn (tỉnh Đak Lak) thời gian dài vẫn được người dân nhắc nhớ đến những câu chuyện ly kỳ về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Dù nghề săn bắt voi tại Buôn Đôn đã lui vào trong ký ức nhưng hiện công việc bảo tồn voi rừng, phát triển voi đàn nhà vẫn được những thế hệ ngày nay tiếp tục gìn giữ và phát huy.

Vẫn còn nài voi “nhí”

Chúng tôi có mặt tại Trung tâm bảo tồn voi Đak Lak vào một chiều mưa rừng xối xả. Khách vừa tháo vội balô nặng trĩu, hong khô đồ đạc, Vạc - tên thật Xi Xa Wát bưng vội mâm cơm chiều đạm bạc, xởi lởi: “Các anh đến đúng vào đúng giờ cơm chiều thì cùng dùng cơm với bọn em nhé! Ở chỗ bọn em chỉ toàn các anh em trẻ với nhau nên mọi người sống rất thoải mái và chẳng câu nệ gì”.

 

Voi Gold được chăm sóc tại Trung tâm bảo tồn voi.
Voi Gold được chăm sóc tại Trung tâm bảo tồn voi.

Những anh em tại trung tâm bảo tồn voi mà chúng tôi có dịp cùng dùng cơm đều có tuổi đời rất trẻ nhưng đều có nhiều năm kinh nghiệm chăm sóc, theo dõi voi. Vạc năm nay 21 tuổi - một nài voi nhỏ tuổi nhất Buôn Đôn, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống săn voi cừ khôi tại núi rừng Tây Nguyên.

Thuở còn nhỏ, Vạc hay rong ruổi dưới những tán rừng cùng cha là ông Y Siêng thuần dưỡng và học cách nài voi dữ. Lúc qua đời, ông Y Siêng tin tưởng và giao chú voi tên Thông Khăm cho Vạc chăm sóc đến nay. Sau này, khi voi Thông Khăm được đưa vào trung tâm bảo tồn để tiện chăm sóc, Vạc nộp đơn xin vào trung tâm làm việc.

Vạc cho biết, trong số bốn con voi đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm bảo tồn voi thì Thông Khăm là con voi có tính tình hung dữ nhất. Cũng vì tính cách voi Thông Khăm rất đặc biệt nên em là một trong ít người tiếp xúc, chăm sóc nó.

Chúng tôi quan sát cách Vạc trò chuyện, ra hiệu để voi Thông Khăm nghe lời rất thành thạo. Theo lời Vạc, để trở thành một nài voi, người học không chỉ có sức khỏe tốt mà còn phải có tình yêu, sự đồng cảm đối với loài voi... Cuộc trò chuyện của chúng tôi lúc xế chiều tạm ngắt quãng khi Vạc đưa voi Thông Khăm vào rừng. Tại bãi đất trống, cậu bé sử dụng tiếng đồng bào ra hiệu cho voi. Ngay lập tức, chú voi Thông Khăm ngoan ngoãn quỳ gối để chủ leo phốc lên lưng.

Đoạn đường từ trung tâm vào rừng khá xa. Suốt quãng đường băng rừng, Vạc cho tôi biết, mọi động tác ra hiệu cho voi như dừng lại, quỳ xuống, quẹo phải, quẹo trái, bơi dưới nước… cậu bé phải rèn luyện cùng cha từ thuở nhỏ. Theo thời gian, người và voi trở nên quen thuộc, hiểu nhau như đôi bạn thân.

Thế hệ trẻ em người Ê Đê tại Buôn Đôn như cậu bé Vạc chúng tôi trò chuyện có niềm đam mê với nghiệp “ngồi trên lưng voi” tuy vẫn còn, nhưng không nhiều như trước đây. Đa phần các em xuất thân có cha hoặc anh từng là những thợ săn voi trong vùng và được chỉ dạy ngay từ nhỏ. Những ngày tìm hiểu công việc tại trung tâm bảo tồn voi, chúng tôi được trò chuyện cùng Y Tý Niê (SN 1992), con trai một thợ săn voi nổi tiếng tại Buôn Đôn.

Cùng với công việc tại vườn quốc gia York Đôn, Y Tý còn tham gia chăm sóc, nuôi dưỡng voi cùng các nhân viên tại trung tâm bảo tồn. Nhìn cái cách Y Tý quấn quýt với những con voi tại trung tâm; trò chuyện, vui đùa,… ít ai có thể hình dung đã không ít lần, Y Tý bị chính những chú voi nhà lúc trở tính… đá văng xa.

“Nài voi nguy hiểm vậy điều gì cần nhất để các em gắn bó với nghề này”, tôi hỏi. Y Tý chia sẻ, nếu mang ra đong đếm thì tình cảm giữa người với voi chẳng bao giờ có kết quả. Cũng giống con người, voi có lúc giận dữ nhưng lại lắm khi hiền lành như đứa trẻ nhỏ.

“Để người và voi phải thật sự hiểu rõ nhau, hạn chế xung đột và nguy hiểm đối với nài voi phải cần một thời gian rất dài sống và sinh hoạt khăn khít chặt chẽ” - Y Tý tâm sự.

“Bác sĩ” của voi

Nhiều năm qua, môi trường sống của voi rừng tại Đak Lak nói riêng và toàn tỉnh Tây Nguyên nói chung đang ngày càng thu hẹp bởi nạn phá rừng và săn bắt trái phép. Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk ra đời với mục đích chăm sóc, nuôi dưỡng, hạn chế tối đa nguy cơ tuyệt chủng đối với voi rừng và voi nhà.

Công việc của các nhân viên tại trung tâm vì thế cũng nặng nề như lời anh Phan Phú - Tổ trưởng tổ chăm sóc, cứu hộ voi - bộc bạch với chúng tôi: “Công việc cho ăn, theo dõi sức khỏe, chơi đùa, huấn luyện voi... của chúng tôi bắt đầu từ tờ mờ sáng và kết thúc cũng vào... tờ mờ sáng hôm sau. Mọi người khi được hỏi đều cho biết tình nguyện làm việc cả ngày lẫn đêm để tránh những nguy cơ xấu xảy ra với các cá thể voi”.

Anh Phú cho biết, trong bốn cá thể voi đang nuôi giữ tại trung tâm thì có hai cá thể được nuôi từ lúc nhỏ là voi Gold và voi Jun. Công việc chăm sóc, thuần dưỡng voi lớn đã khó nay lại nuôi thêm hai chú voi con thật không hề đơn giản.

Theo anh Phú, vấn đề khiến nhân viên tại trung tâm liên tục nghĩ “nát óc” là làm sao phải sáng tạo đồ làm “giàu” cho voi. Hiểu được băn khoăn của chúng tôi, Phú dẫn chúng tôi ra khoảng đất trống nơi chú voi Gold đang tung tăng tắm mát. Thỉnh thoảng chú voi con lại quấn quýt bên chiếc lốp xe cũ treo lơ lững giữa không trung, anh Phú lý giải, đồ làm “giàu” thật ra là một thuật ngữ chỉ những đồ vật xung quanh được con người tạo ra nhằm giúp voi kích thích suy nghĩ, qua đó giúp voi con nâng cao khả năng sống sót đến tuổi trưởng thành.

“Biểu hiện tích cực mà chúng tôi nhận thấy sau khi voi con thường xuyên chơi đùa với các đồ làm “giàu” là voi trở nên ngoan ngoãn hơn. Chưa hết, những cảm xúc giận dỗi, vui mừng khi voi gặp người quen cũng rõ rệt so với trước khi voi được đưa vào trung tâm” - anh Phú hào hứng, nói.

Bên cạnh việc nuôi dưỡng thì công việc huấn luyện để tăng cường khả năng sống sót cho voi nhà được các nhân viên nơi đây chú trọng hàng đầu. Anh Phú cho hay, thay vì huấn luyện voi truyền thống bằng roi vọt trước đây, các nhân viên tại trung tâm bảo tồn được nhiều tổ chức bảo vệ động vật hỗ trợ nguyên một “giáo án” bài bản. Dựa theo giáo án này, việc huấn luyện chỉ sử dụng còi và thức ăn để yêu cầu voi thực hiện theo động tác như nâng chân, nằm xuống, quỳ gối… đến khi nào thành thạo.

“Mặc dù giáo án của các chuyên gia nước ngoài được áp dụng khá thành công cho các loài voi trên thế giới nhưng áp dụng cho voi tại buôn Đôn lại rơi vào tình trạng dở khóc dở cười. Đó là vì có những thời điểm voi giận dữ không nghe lời hoặc lúc voi ham chơi, bướng bỉnh không tuân lời người huấn luyện. Lúc như vậy buộc chúng tôi phải kiên trì thực hiện nhiều lần và tăng cường trò chuyện để giúp tâm lý của voi được giải tỏa” - anh Phú chia sẻ.

 

Môi trường sống của voi bị thu hẹp

Theo số liệu từ Trung tâm bảo tồn voi, hiện tại Đak Lak có khoảng 5 đàn voi hoang dã với số lượng khoảng từ 60 đến 70 cá thể, trong đó khu vực huyện Ea Súp có một đàn voi khoảng 30-34 cá thể, huyện Buôn Đôn có khoảng 4 đàn với số lượng từ 30 - 36 cá thể.

Do dân số gia tăng, đặc biệt là nạn di cư tự do sẽ kéo theo mọi hệ quả khác làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sự tồn tại của loài voi.

Những năm qua trên địa bàn huyện Buôn Đôn, Ea Súp luôn là điểm nóng về khai thác gỗ lậu từ rừng tự nhiên, cùng với nạn phá rừng làm rẫy, chuyển đổi rừng tự nhiên sang các dự án nông, lâm nghiệp, hệ quả của nó là diện tích rừng tự nhiên tại 2 huyện trên nơi có những đàn voi hoang dã sinh sống ngày càng giảm cả về số lượng, chất lượng, sinh cảnh sống của voi bị chia cắt.

Ông Huỳnh Trung Luân - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đak Lak - cho biết, tại trung tâm bảo tồn hiện có 16 nhân viên với tuổi đời trung bình là 25 tuổi. Thời gian qua, trung tâm đã nhận và đào tạo bốn con em của các nài voi nổi tiếng tại địa phương tham gia vào dự án bảo tồn voi Đắk Lắk. Quá trình làm việc, con em các nài voi và các nhân viên tại trung tâm liên tục được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, bảo vệ voi do các chuyên gia nước ngoài đứng lớp giảng dạy.

Cũng theo ông Luân, trước thực tế các nghệ nhân săn bắt, thuần dưỡng voi truyền thống không còn nhiều nên việc nhận và tạo công ăn việc làm đối với 4 nài voi “nhí” sẽ giúp đơn vị kết hợp được những giá trị giữa truyền thống và hiện đại trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng đàn voi nhà.

“Làm việc trung tâm bảo tồn voi Đak Lak, các bạn trẻ đều có trách nhiệm công việc rất cao, sẵn sàng làm việc dưới áp lực lớn. Riêng đối với các chàng trai là con em các nài voi xưa kia, tôi tin các em sẽ là những thế hệ kế cận xứng đáng trong tương lai không xa” - ông Luân nói.

Hữu Long/laodong

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.