Chuyện hồ sơ đi B - Kỳ II: Đoạn hậu của một hồ sơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày đêm trên Miền Bắc dồn hết sức xây cuộc đời, tay súng ta bảo vệ biển trời núi đồi… Miền Nam kêu gọi ta vượt Trường Sơn bay vọng ra. Ôi tiếng quê hương như thúc giục chúng ta… Ca từ trong ca khúc Miền Nam ơi chúng tôi đã sẵn sàng của nhạc sĩ Lưu Cầu tức Nguyễn Hoàn Cầu, người con đất Sóc Trăng đang tập kết trên đất Bắc mỗi sáng cứ thế trầm vang từ khu Trại các cụ miền Nam tập kết ngay sát làng tôi.


Nói các cụ vì Khu trại ấy có hơn trăm cán bộ, bộ đội  quê Nam bộ, miền Đông gian lao mà anh dũng, của miền Tây, miền Trung... tập kết ra Bắc, những năm đầu sáu mươi ấy đã ngấp nghé tuổi năm nhăm, sáu mươi. Hai ngón tay giơ lên buổi tạm biệt ngày tập kết hẹn thời điểm Tổng tuyển cử sẽ gặp nhau đã vèo qua. Họ lỡ hẹn với người thân, với quê hương miền Nam yêu dấu để tiếp tục đằng đẵng những khắckhoải thương nhớ của nỗi ngày Bắc đêm Nam. Trong thời gian chờ chế độ hưu vẫn đành vọng về cố hương tít mù, mịt mùng khói lửa.
 

Những mảnh ghép được khôi phục trong hồ sơ của một cán bộ đi B.
Những mảnh ghép được khôi phục trong hồ sơ của một cán bộ đi B.

Nhưng đó chỉ là số ít! Bởi thời điểm ấy trên miền Bắc, hàng chục ngàn cán bộ tập kết sung sức trẻ trung được bí mật chọn lựa nhận lệnh chuẩn bị trở lại  miền Nam với mật danh Đi B!

Một lộ trình gọi là bí mật nhưng hầu hết cán bộ miền Nam tập kết trong danh sách trở lại chiến trường đều biết. Nghĩa là người phụ trách tổ chức nhân sự ấy có trách nhiệm, không phải là phổ biến công khai mà chỉ rỉ tai người trong cuộc và những cán bộ, bộ phận có trách nhiệm. Nghĩa là những người đi B được Ban Thống nhất Trung ương (BTNT.Ư) gọi lên phổ biến chỉ thị dặn dò những điều cần thiết…

Và một đêm nọ họ lặng lẽ rời đơn vị công tác lần tìm về những địa chỉ cũng bí mật. Đó là khu vực đặc biệt tập trung cán bộ đi B ở Giáp Bát, ở Xuân Mai, Lương Sơn thuộc Hòa Bình; Thường Tín của Hà Tây. Người của BTNT.Ư lặng lẽ làm việc với từng người. Tất cả những gì thuộc vềtổ chức,  những hồ sơ lý lịch Đảng, lý lịch cán bộ các loại phần thưởng huân huy chương, huy hiệu… Tất tật những tư trang nhật ký, thư từ, số tiết kiệm… đều được nộp lại cho tổ chức có kê biên kiểm đếm. Những đoàn cán bộ dân y, giáo viên, tổ chức chính quyền… được phiên vào, tổ chức đội ngũ sinh hoạt trong những lán trại riêng. Từ mức ăn hai hào phổ biến thời ấy ở cơ quan cũ,  khi tập trung huấn luyện vọt lên tám hào mức sinh hoạt phí mỗi ngày. Họ được bồi dưỡng thể lực và  chính trị tư tưởng.  Mỗi đêm như thế mỗi người khoác một ba lô đất hoặc gạch ngói bình quân 20 rồi 25 rồi 30, 35 kg lầm lũi theo một lộ trình giả định mô phỏng đoạn nào đó của Trường Sơn. Cũng xuyên đồi, cắt rừng, leo đèo, vượt suối  khoảng 10-15 km của địa bàn rừng núi Hòa Bình ròng rã suốt ba, bốn tháng trời có khi hơn để chuẩn bị tinh thần cho cuộc vượt Trường Sơn!

 

Ông Nguyễn Xân (Ảnh do gia đình cung cấp).
Ông Nguyễn Xân (Ảnh do gia đình cung cấp).

Trong gian phòng đọc rộng thênh của Trung tâm Lưu trữ III (TT3), tôi để ý thấy tờ phiếu yêu cầu của một người tên là Nguyễn Toàn Thắng ở Quảng Ngãi. Ngoài câu hỏi về hồ sơ đi B của bố là Nguyễn Xân, một nội dung nữa nhờ TT hỏi xem số tiền tiết kiệm 371 đồng ông Nguyễn Xân gửi năm 1962 trước khi đi B với thời gian và số tiền đó  hiện giờ phương thức thanh toán, quy đổi phải như thế nào?  Và được bao nhiêu?

Tôi được tiếp cận bản gốc hồ sơ đi B của ông Nguyễn Xân hiện lưu tại TT3. Bản sao hồ sơ chi tiết cũng đã được chuyển trả cho Sở Nội vụ Quảng Ngãi. Từng trang của bản lý lịch cán bộ, lý lịch Đảng viên, bản kiểm điểm cá nhân, nhận xét của tổ chức trước và sau thời điểm tậpkết… Tất thảy toát yếu nên một cán bộ Nguyễn Xân, sinh năm 1921, bí danh là Tùng quê ở xã Bình Hải huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi  từng tham gia cách mạng mùa thu 1945. Một cán bộ quân dân chính đảng bám trụ kiên cường với phong trào cách mạng quê nhà Bình Sơn. Từng là cán bộ thường vụ kiêm chính trị viên xã đội, ủy viên mặt trận Liên Việt… Một thời gian dài được rút đi làm cán bộ phong trào ở Lâm Đồng là  Tổ trưởng ban cán sự  Đảng huyện Di Linh.

Một cán bộ ngang thẳng, từng bí mật phối hợp với du kích diệt những tên chỉ điểm phản cách mạng ra sao. Cũng từng có giây phút nóng nảy bạt tai cả đồng chí mình bởi họ đói quá đành liều ăn trộm mỳ (sắn) của dân như thế nào.

Rồi những trang hồ sơ sau thời điểm tập kết, khi hiển hiện, khi thấp thoáng một Trưởng phòng thương nghiệp huyện Ninh Giang kiêm Huyện ủy viên Huyện ủy Ninh Giang (Hải Dương). Thời ấy làm công tác nội thương cụ thể là từng phụ trách cửa hàng bách hóa rồi được tin tưởng đề bạt Trưởng phòng thương nghiệp huyện phải là loại cán bộ, trung thực, liêm khiết! Một thời gian dài ông được bầu vào Thường vụ Huyện ủy Ninh Giang. Một chiếc phong bì kèm hồ sơ trong đó có những thứ cồm cộm. Giở ra là những cuống của tấm huy hiệu, huy chương và cả huân chương. Phần thưởng xuất sắc Huân chương Lao động hạng 3 cho một cán bộ xuất sắc Nguyễn Xân.   

Nung nấu quyết tâm và những lá đơn tình nguyện trở lại quê hương để chiến đấu đã ngoặt cuộc đời ông trưởng phòng thương nghiệp kiêm Thường vụ Huyện ủy Nguyễn Xân đầy tiềm năng triển vọng sang một hướng khác.  Một ngày mùa xuân năm 1962, tin anh trưởng phòng thương nghiệp Ninh Giang được cử đi làm nhiệm vụ đặc biệt loang ra. Hầu hết mọi người đều hiểu Nguyễn Xân đã bí mật đi B vào miền Nam chiến đấu. Thuở ấy, những năm đầu 60, việc đó là một thứ thiêng liêng. Lúc này mọi người mới òa vỡ ra những băn khoăn. Rằng, cái anh trưởng phòng tập kết tuy tuổi hơi cứng (41) nhưng khá phong độ và còn rất ngon trai kia tại sao lại cứ lẩn tránh và chối từ khá nhiều đám tìm hiểu. Rằng, anh ấy nói có vợ con trong Nam rồi. Nói vậy thì biết vậy bởi ối những anh cán bộ tập kết ra ngoài này vẫn thêm nếm này khác đó sao?   

Nhưng một gia đình bé nhỏ mẹ già, vợ dại con thơ đang chờ Nguyễn Xân ở đất Quảng Ngãi là  chuyện có thật.

Người cán bộ Nguyễn Xân không chìm lút mất hút trong mặt bằng  bạt ngàn của hàng chục ngàn cán bộ đi B.

 

Lý lịch Đảng viên Nguyễn Xân.
Lý lịch Đảng viên Nguyễn Xân.

Và một quá vãng bất ngờ sinh sắc của ông Nguyễn Xân được phát lộ. Chúng tôi đã về Vạn Tường, một địa danh nổi tiếng của xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) để lần tìm đến người con trai của ông có tên là Nguyễn Toàn Thắng.

Ròng rã theo đường Trường Sơn hơn bốn tháng, Nguyễn Xân trở lại quê hương và địa bàn hoạt động quen thuộc của quê Bồng Sơn đất Quảng Ngãi.

 … Cái năm ông bố rời Bồng Sơn đi tập kết thì cậu bé Thắng mới tý hin. Vợ ông vẫn trụ vững cùng bà con qua các đợt tố cộng o ép đủ bề. Một đêm về sáng mùa đông năm 1962, con mực nhà nuôi tinh khôn chỉ hộc nhẹ  chứ không sủa. Người mẹ trẻ kịp nhận ra người vừa lẻn vào nhà là người chồng thân yêu qua tám năm xa cách… Tám năm trên đất Bắc yên bình, Trưởng phòng thương nghiệp Nguyễn Xân vẫn một lòng đau đáu hướng về quê Bồng Sơn nơi có người vợ trẻ cùng cậu con trai…

Huyện ủy Bình Sơn và phong trào khu Đông từ năm 1962 có thêm một cán bộ cứng là Nguyễn Xân.

Đầu năm 1965, Mỹ ồ ạt đưa quân vào Miền Nam. Quê hương Quảng Ngãi và đất Bồng Sơn tràn ngập sắc rằn ri của thủy quân lục chiến. Huyện ủy Bình Sơn nhận được mật lệnh phải kịp thời khôn khéo phối hợp tổ chức cho Trung đoàn Ba Gia với du kích địa phương Bồng Sơn khai mở một trận đánh có thể nói là chiến lược cho cách mạng miền Nam. Chiến lược ấy là Mỹ vào, có dám đánh không và đánh như thế nào?

Sau nhiều ngày chuẩn bị, bí mật công phu, trận Vạn Tường đã diễn ra đầu tháng 8 năm 1965. Qua mấy ngày chiến đấu ác liệt, lực lượng Trung đoàn Ba Gia và quân du kích đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 1.000 lính Mỹ!

Vạn Tường một thôn nhỏ thuộc xã Bình Hải nơi diễn ra cuộc đối đầu đầu tiên giữa quân giải phóng miền Nam với đội quân viễn chinh xâm lược Mỹ.     

Hãng AP (Mỹ) thời điểm ấy đã thuật lại lời một số sĩ quan Mỹ đã tham dự trận Vạn Tường “Trận đánh này giống như trận đánh Ô-ki-na-oa trong chiến tranh thế giới thứ hai…Việt cộng xuất hiện từ trong các hầm hố mà lính thuỷ đánh bộ không trông thấy. Việt cộng xuất hiện thình lình cả đằng trước mặt và đằng sau lưng…”.

Trận  đánh lớn Vạn Tường, trong niềm vui chung có nỗi đau riêng. Người cán bộ Huyện ủy mưu trí dũng cảm Nguyễn Xân đã ngã xuống ngay trên mảnh đất quê nhà.

Năm tháng dần qua, cậu bé Toàn Thắng ngày ấy đã trở thành cán bộ Công ty lương thực của quê nhà Bình Sơn cho đến lúc về hưu.

Khi bố tập kết bí mật trở về quê nhà, Toàn Thắng may mắn có thêm một người em gái là Nguyễn Thị Thơm sinh năm 1966. Em gái sinh ra không được biết mặt bố vì ông Nguyễn Xân hy sinh tháng 8/1965.

Điều có lẽ liệt sĩ Nguyễn Xân không thể biết là người mẹ thân yêu mất từ năm 1943 sau này đã được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Và cô cháu gái nội, con gái anh Thắng nay đang làm ở nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Một cơ sở lọc dầu hiện đại đứng chân trên mảnh đất Vạn Tường oanh liệt từng thấm máu người ông nội thân yêu.

Câu chuyện trở lại với khoản tiền 371 đồng mà ông Nguyễn Xân dành dụm trong thẻ tiết kiệm gửi lại  TT III trước lúc đi B. Anh Thắng cười cho hay, anh có hỏi bên Ngân hàng Công thương thì họ nói đang  nghiên cứu sẽ trả lời sau. Có lẽ cũng chả còn được bao nhiêu và gia đình coi cuốn sổ tiết kiệm ấy như một kỷ vật của người cha những năm tháng trên đất Bắc… Anh Thắng cho biết thêm.

Theo tienphong

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.